Friday, May 24, 2024

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không tán thành việc đổi tên Toà án
2024.05.24
RFA

Ảnh minh họa: Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
AFP

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa thực hiện thí điểm Tòa án nhân dân (TAND) cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm tại một số địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Uỷ ban) cũng cho rằng Quốc hội nên giữ nguyên quy định của luật hiện hành về (TAND) cấp tỉnh, TAND cấp huyện. Đó là nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) của Uỷ ban gửi các đại biểu quốc hội và được tờ Pháp luật Việt Nam loan trong ngày 24/5.

Nội dung báo cáo thể hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay nhiều ý kiến không tán thành quy định đổi mới Tòa án nhân dân (TAND) cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm.

Trong số này, có ý kiến đề nghị thí điểm về tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử tại một số địa phương. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến tán thành dự thảo luật về đổi mới TAND theo thẩm quyền xét xử và đề nghị quy định cụ thể các vấn đề liên quan, như quan hệ giữa Tòa án với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương...

Về vấn đề này, cơ quan thường trực của Quốc hội cho rằng việc đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm, nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án được dự kiến đổi mới này không thay đổi. Các Tòa án vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh; TAND phúc thẩm vẫn xét xử, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm một số vụ án, vụ việc.

Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng do đại biểu Quốc hội còn có ý kiến khác nhau và TAND Tối cao tiếp tục đề nghị đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm nên Ủy ban đã chỉ đạo xây dựng hai phương án trình Quốc hội xem xét, thảo luận gồm: Phương án 1 quy định TAND tỉnh và TAND huyện (như quy định của luật hiện hành); Phương án 2 quy định TAND sơ thẩm và TAND phúc thẩm (như đề nghị của TAND Tối cao).

Đối với việc thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, TAND chuyên biệt Sở hữu trí tuệ và TAND chuyên biệt phá sản để giải quyết các vụ việc đặc thù, Uỷ ban tán thành sau khi tiếp thu ý kiến của các ĐBQH. Cùng với đó, Uỷ ban quy định các Tòa án chuyên biệt cần cụ thể ngay trong dự thảo luật để phù hợp với khoản 2 Điều 102 Hiến pháp năm 2013.

Tin, bài liên quan
TIN VIỆT NAM

No comments:

Post a Comment