Thursday, May 30, 2024

VNTB – Đến trường cùng nỗi lo mất mạng
Dân Trần
31.05.2024 4:15
VNThoibao

VNTB – Đến trường cùng nỗi lo mất mạng

(VNTB) – Người dân chỉ biết cầu trời mong con cái được đến trường và bình an trở về nhà

 Không chỉ là bạo lực học đường, phân biệt giàu nghèo, giỏi dở, áp lực điểm số, bị xâm hại hay ngộ độc thực phẩm, bây giờ cha mẹ đưa con tới trường còn sợ con ra đi mãi mãi không về… Như trường hợp trẻ mầm non tử vong do bị bỏ quên trên xe ở Thái Bình ngày 29/05 mới đây. Dù rằng công an đã bắt giam nữ giáo viên được phân công đảm nhiệm việc đưa đón học sinh vì tội “vô ý làm chết người”, nhưng ai trả lại sinh mạng cho trẻ và ai trả lại con cho gia đình?

Vụ việc nóng hổi ngay lập tức được các đại biểu quốc hội đưa ra trao đổi sáng 30/05. Ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội nói: “Trách nhiệm trước hết là của người lớn, của người được giao nhiệm vụ đưa đón, của lái xe, của cô chủ nhiệm khi thấy cháu vắng mà không thông báo cho gia đình, của nhà trường. Nhưng bây giờ khi chúng ta kiểm điểm nhau thì đã mất một mạng người, một đứa trẻ mới 5 tuổi”.

Không phải chỉ có một vụ bỏ quên học sinh trên xe lần này, mà trước đây dư luận cũng bàng hoàng cái chết của bé trai 6 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của Trường Gateway (Hà Nội) năm 2019. Hoặc mới năm ngoái, cũng ở Hà Nội, một học sinh lớp 1 ở Hà Nội bị bỏ quên trên xe khi đi dã ngoại, may mắn là em được phát hiện sớm.

Theo ông Hạ, việc để xảy ra những vụ việc bỏ quên trẻ trên xe đưa đón cả ngày cho thấy nhận thức của cơ sở giáo dục, người đứng đầu cơ sở giáo dục chưa thực sự quan tâm, chưa thực sự chặt chẽ trong quy trình đưa đón học sinh cũng như lựa chọn những nhân viên được giao nhiệm vụ này. Tuy nhiên, ông Hạ cho rằng, vấn đề chủ yếu là ở con người. Do đó, cũng cần phải có quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí đối với những người làm công tác đưa đón học sinh. (1)

Điều này có nghĩa là quốc hội vẫn đổ lỗi cho con người thay vì chịu trách nhiệm trong việc thay đổi chính sách giáo dục và cơ chế đào tạo con người xã hội chủ nghĩa hiện nay. Bởi vì con người sai sót một vài trường hợp thì có thể là do lỗi cá nhân. Nhưng nhìn đâu cũng thấy sai, nhìn vào trường nào cũng thấy vấn đề, học sinh không chết thì cũng bị bạo hành, bị xâm hại, bị áp lực đủ các kiểu thì rõ ràng bộ giáo dục, quốc hội, Đảng và Nhà nước phải có trách nhiệm.

Quả thật, lên án hay tìm người đứng ra chịu trách nhiệm thì cũng không cứu được một mạng người đã ra đi. Đổi mới cơ chế thì lại càng khó vì nó chẳng khác nào yêu cầu đảng cộng sản từ bỏ vị trí độc tôn thống trị đất nước. Người dân chỉ biết cầu trời mong con cái được đến trường bình an chứ chẳng biết phải xử lý thế nào. Xin mượn một bài thơ khuyết danh tác giả đang lan truyền trên mạng xã hội mới đây thay lời kết:

Vậy là chiếc cặp yêu thương bỏ lại sau một buổi trưa
Nắng hập xuống và tuổi thơ con nằm xuống
Người lớn ở đâu
Người lớn làm gì khi con một mình luống cuống
Với đớn đau???

Chịu trách nhiệm để làm gì
Con có sống lại đâu
Có để sớm mai con trở về ôm mẹ
Có mang được con về ngắm hạt mưa và thỏ thẻ
Để rồi hỏi “ hạt mưa thương ai?”

Thôi đừng có nhắc về những thứ ngày mai
Tại sao người ta có thể bỏ quên một mầm xanh
Một niềm yêu
Một thanh xuân của mẹ
Trên chuyến xe sớm mai???

Nỗi đau sẽ qua ư?
Không có chuyện đó đâu sẽ còn rất dài
Tim mẹ đâu chỉ vỡ hôm nay mà tháng năm dài sau vẫn vỡ
Sáng nay ai sẽ là người xếp cho con sách vở
Vào chiếc cặp yêu thương???

Trách nhiệm để làm gì?
Khi người ta cắt đứt một con đường
Người ta ném than vào một mầm cây vừa nhú
Người ta cướp đi thanh xuân và giết chết một người mẹ
Bằng sự vô tình

Hết đêm và nắng sẽ lại ngập sân trường khi bình minh
Chiếc cặp cô đơn nằm yên chỗ đó
Con có ăn sáng không chàng trai nhỏ
Để mẹ nấu nào!

Rồi thì vài ngày sẽ lại hết ồn ào
Chỉ có lòng mẹ là bão giông mãi mãi
Sáng đưa con ra xe đến trường mẹ nào biết không có ngày gặp lại
Thanh xuân!

Trách nhiệm để làm gì?
Có ai trả lại cho ai
Nụ cười nhỏ và bàn tay rất nhỏ
Trả lại ngày khai trường, trả khăn quàng đỏ
Trả lại mầm xanh
Trả lại cơn mưa nhỏ
Để hỏi “ mưa đang thương ai”???

 

_____________

Tham khảo:

(1) https://thanhnien.vn/be-5-tuoi-tu-vong-do-bi-bo-quen-khi-kiem-diem-nhau-da-mat-mot-mang-nguoi-185240530120834985.htm

 


 

No comments:

Post a Comment