Wednesday, May 29, 2024

Lạm phát Việt Nam lên mức cao nhất trong 16 tháng, dự đoán khó đạt mục tiêu tăng trưởng
VOA Tiếng Việt
29/05/2024
VOA

Một quầy giao dịch ở một ngân hàng tại Hà Nội.


Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam tăng lên tới 4,44% trong tháng 5, cao nhất trong vòng 16 tháng, dữ liệu chính thức cho thấy hôm thứ Tư (29/5), sát với mức trần mục tiêu 4,5% mà chính phủ đặt ra trong năm. Đây được xem là một thách thức tiềm tàng đối với nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhằm thúc đẩy hoạt động và có khả năng sẽ gây thêm áp lực lên ngân hàng trung ương trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ, Reuters và Bloomberg đưa tin.

Giá tiêu dùng đã tăng lên 4,44% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước, và so với mức 4,4% trong tháng 4, theo dữ liệu do Tổng cục Thống kê công bố hôm thứ Tư. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 1/2023.

Số liệu thống kê cho thấy trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá và 1 nhóm hàng giảm giá so với năm trước. Trong đó, nhóm giáo dục tăng cao nhất với mức tăng 8,14%, kế đó là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,41%, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,19%, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,3%, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,47%...

Theo Tổng cục Thống kê, giá lương thực, xăng dầu, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là những yếu tố chính khiến lạm phát tăng cao trong tháng 5.

Lạm phát tại Việt Nam hiện vẫn ở trên mức 4% trong tháng thứ hai liên tiếp, ngay cả khi đồng nội tệ giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng đô la trong tháng này khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng tỷ lệ mua lại đảo ngược lên 4,5% vào tuần trước, trong một động thái nhằm ổn định tiền đồng và thúc đẩy khả năng ngân hàng này có thể tăng lãi suất chuẩn để hỗ trợ đồng tiền.

Được xem là một trung tâm công nghiệp trong khu vực, những báo cáo về xuất khẩu và sản lượng công nghiệp của Việt Nam cho thấy có sự tăng trưởng mạnh trong tháng, nhưng mức lạm phát gia tăng có thể trở thành mối lo ngại đối với các cơ quan chức năng, theo đánh giá của Reuters.

Dữ liệu do Tổng cục Thống kê công bố hôm thứ Tư cho thấy xuất khẩu ước tính tăng 15,8% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước, lên 32,81 tỷ USD, dẫn đầu là các lô hàng điện tử và điện thoại thông minh.

Tổng cục Thống kê cho biết nhập khẩu trong tháng ước tính tăng 29,9% hàng năm lên 33,81 tỷ USD, dẫn đến thâm hụt thương mại 1 tỷ USD trong tháng 5.

Sản lượng công nghiệp trong tháng tăng 8,9% và doanh số bán lẻ tăng 9,5%, vẫn theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Tiền đồng trong tình trạng căng thẳng dữ dội 

Tình trạng không chắc chắn về thời gian và mức độ cắt giảm lãi suất sắp tới của Hoa Kỳ, kết hợp với những diễn biến chính trị gần đây tại Việt Nam, chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đô la Mỹ và chính sách tiền tệ hỗ trợ của Việt Nam đang tiếp tục đè nặng lên đồng nội tệ, theo Bloomberg.

Oxford Economics cho biết họ kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất chiết khấu ở mức 3% trong thời gian còn lại của năm, nhưng nói thêm rằng “rủi ro chính đối với lãi suất chính sách nằm ở tiền đồng Việt Nam, vốn đã mất giá so với đồng đô la Mỹ ước tính khoảng 4,4% từ đầu năm đến nay”, theo Reuters.

Tiền đồng giao dịch ở mức thấp kỷ lục, 25.470 đồng cho một USD vào thứ Sáu tuần trước (24/5), mất gần 5% so với đồng đô la kể từ đầu năm, theo giá từ các ngân hàng do Bloomberg tổng hợp. Thực tế này khiến tiền đồng trở thành một trong những tiền tệ có mức độ giao dịch tồi tệ nhất trong ASEAN.

Nhiều người lo ngại việc tiền đồng mất giá kéo dài có thể làm tăng chi phí nhập khẩu và lạm phát.

Để bảo vệ tiền đồng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã can thiệp bằng cách bán USD từ nguồn dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất liên ngân hàng thông qua hoạt động thị trường mở.

Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 

Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6%-6,5% trong năm nay, cao hơn mức tăng trưởng 5,05% vào năm ngoái.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% để giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng, nhưng các ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc tăng cho vay trong năm nay.

Truyền thông Việt Nam dẫn nguồn từ Ngân hàng Nhà nước cho biết hôm thứ Ba rằng tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng tính đến ngày 10/5 đã tăng 1,95% so với cuối năm ngoái.

Oxford Economics hôm thứ Tư nói rằng họ dự kiến xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc, nhưng mức tăng GDP có thể sẽ bị hạn chế.

“Chúng tôi dự đoán mức tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ không đạt được mục tiêu 6-6,5%”, Reuters dẫn nhận định của Oxford Economics cho biết.

Công ty tư vấn kinh tế này dự đoán GDP của Việt Nam sẽ tăng 5,6% vào năm 2024, thấp hơn xu hướng trước đại dịch là 7% và mục tiêu chính thức.

Dự báo này phù hợp với mức ước tính của Ngân hàng Thế giới là 5,5% và Quỹ Tiền tệ Quốc tế là 5,8%.

No comments:

Post a Comment