VNTB – Vì ai học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan cuối năm?Mai Lan
28.05.2024 5:55
VNThoibao
Câu chuyện về việc một học sinh lớp 1 duy nhất trong số 32 học sinh của lớp không được ăn liên hoan cuối năm do phụ huynh không đóng quỹ lớp đang khiến cộng đồng mạng và các bậc phụ huynh rất quan tâm.
Một tờ báo điện tử của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đặt tựa bài viết bằng thể khẳng định: “Bé lớp 1 ngồi nhìn bạn liên hoan vì mẹ không đóng quỹ”. Sau đó vấp ý kiến khác từ một tạp chí điện tử khác, tít tựa này để sửa lại là Tranh cãi chuyện “bé lớp 1 ngồi nhìn bạn ăn liên hoan vì mẹ không đóng quỹ”.
Bài viết trên tạp chí Phụ Nữ Mới (chủ quản Hội Nữ trí thức Việt Nam) tường thuận vụ việc với ghi nhận cả 2 chiều từ người trong cuộc. Theo đó, các tin nhắn, ‘còm men’ được tờ báo chụp lại cho thấy ý kiến của các phụ huynh khác về bà mẹ không đóng tiền liên hoan cho con, không phải nhà nghèo mà là người có điều kiện kinh tế, và việc con chị không được mua suất riêng trong liên hoan còn có lý do là dịp Trung thu, lớp mua quà cho các cháu, thì chị nhắn tin là bánh không có thương hiệu, nguồn gốc, dù các phụ huynh khác giải thích mua bánh của một tiệm bánh nổi tiếng.
Các ‘còm men’ ghi nhận từ phụ huynh trong lớp cho biết: Khi liên hoan, Ban phụ huynh vẫn san sẻ suất ăn của các bạn khác để đưa bánh kẹo cho con của bà mẹ không đóng tiền, và cháu vẫn ăn cùng bạn.
Một nửa sự thật đúng là không phải nửa ổ bánh mì.
Vụ việc có địa chỉ rõ ràng: Trường Tiểu học Gia Lương, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Bà Phạm Thị Lý, Hiệu trưởng trường cho biết: “Em học sinh này vẫn được ăn bánh, kẹo như các bạn, chỉ có phần gà rán, khoai tây là ăn chung với một bạn khác. Việc không mua thêm một phần gà cho cháu là thiếu sót của giáo viên. Cô giáo đã nhận lỗi vì chưa linh hoạt”.
Tài khoản facebook của nhà văn Tạ Duy Anh (Lao Ta) đã phê phán về ‘nửa ổ bánh mì’ trên khá nặng nề: “Với tôi câu chuyện một cháu bé ngồi nhìn 31 bạn cháu cùng các cô vui vẻ ăn liên hoan chỉ vì mẹ cháu không đóng quỹ Phụ huynh (Đăng trong mục “Câu chuyện giáo dục” của báo điện tử Dân Trí), là thảm họa đáng sợ của văn hóa, của giáo dục và cao hơn nữa là của lương tâm con người. Bản thân việc tranh cãi đúng, sai của người lớn quanh mấy chục ngàn đồng, đặt cạnh sự tổn thương ghê gớm của một cháu bé 6 tuổi, cũng đã phản ánh về một sự suy đồi trầm trọng trong lối sống, lối nghĩ thực dụng hiện nay.
Cứ cho là không người lớn nào sai trong câu chuyện này. Nhưng nếu chỉ bám vào ý nghĩ như vậy để yên trí với việc làm của mình, để tự giải thoát khỏi ánh mắt của cháu bé, thì các vị là ai? Là cha mẹ, là thầy cô hay là những con buôn?”.
Nhà giáo Thái Hạo trong loạt ý kiến về vụ việc trên, trong bài viết mới nhất trên tài khoản cá nhân facebook, đã cho rằng: “Bất luận thế nào, việc lớp và ban đại diện của lớp này tự ý đặt ra 2 loại quỹ là quỹ lớp và quỹ phụ huynh rồi bổ đầu cha mẹ để thu là sai quy định, cũng có nghĩa là vi phạm pháp luật. Theo Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ có một khoản duy nhất là “Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh” là được phép thành lập, và khoản tiền này có được là do đóng góp tự nguyện và những tài trợ hợp pháp (không được thu theo dạng bình quân); khoản tiền này cũng không phải được dùng để liên hoan, nó chỉ dùng cho hoạt động của Ban đại diện”.
Ở đây cần ghi nhận là phản ứng khá nhanh về trình tự của các bước báo cáo vụ việc từ trường về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lộc; sau đó cấp phòng báo cáo lên đến cấp Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương; và cuối cùng từ Sở đã chuyển lên cấp cao nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo vào ngày 27-5, tức sau khi sự việc xảy ra là 3 ngày, trong đó có 1 ngày là chủ nhật.
Trong ngày 27-5, Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương cũng đưa ra nội dung tương tự, và cho rằng “có những ý kiến, đánh giá, nhận định thiếu khách quan, thiếu tính xây dựng đối với ngành giáo dục”.
Bàn luận bên lề, nhà báo và cũng nguyên là nhà giáo Phạm Hồng Phước cho rằng: “Ai cũng hiểu một sự thật rằng trong năm học, lớp không thể vận hành ngon lành được nếu không có sự tiếp sức từ các phụ huynh, đặc biệt là với những vấn đề “ngoài hành lang”.
Ban đại diện phụ huynh có những khoản cần phải chi, thậm chí không chi không đặng, mà không lẽ cứ mỗi lần lại lập một “dự án” đi vận động. Cái cách này thiệt là nhạy cảm, dễ ăn ‘còm men’ vì: “đóng tiền gì mà đóng hoài”. Nếu các quỹ lớp là chính đáng, nhất là khi có tới 31/32 phụ huynh tham gia, phụ huynh “lạc lõng” quả là nên được “chữa lành”, bị lêu lêu mắc cỡ…”.
No comments:
Post a Comment