Friday, May 31, 2024

Quốc hội và... ‘gỗ quý’
Trân Văn
Thiên Hạ Luận
31/05/2024
VOA

Hình minh họa. Một phiên họp Quốc hội Việt Nam, tháng Giêng 2022. Photo Quochoi.



Trân Văn

Tuần này, thiên hạ tỏ ra hết sức bất bình khi ông Phạm Văn Hòa (Phó Đoàn đại biểu của tỉnh Đồng Tháp tại Quốc hội, kiêm Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) đề nghị dùng luật pháp vạch “lằn ranh đỏ” để “cán bộ, doanh nghiệp đã có những việc làm không đúng quy định pháp luật, thu lợi bất chính từ đấu thầu, giao đất không qua đấu giá, bắt tay nhau để đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn tác động để tiêu cực” dừng lại, tự thú và hoàn trả những khoản tiền đã chiếm đoạt.

Để khuyến khích cán bộ, doanh nghiệp tự thú và tự nguyện hoàn trả những khoản tiền đã chiếm đoạt, ông Hòa cho rằng, chính quyền nên dùng luật pháp, cam kết che đậy hành vi phạm tội của những người này và tạo điều kiện cho họ “hoạt động, công tác bình thường” [1].

Ông Hòa giải thích, sở dĩ ông đệ đạt như vậy vì “củi đưa vào lò toàn loại gỗ quý, gỗ rất quý hiếm, rất xót xa”, vì “tiền nhân đã dạy đánh người chạy đi, chứ không đánh người trở lại”, vì “chính sách khoan hồng nhân đạo, nhân văn của đảng, nhà nước”, vì “cơ chế, chính sách” thành ra mới dẫn đến suy nghĩ “có làm thì có sai, nếu sai thì bị xử lý, còn không làm không sai” và cuối cùng, toàn bộ hệ thống tê liệt, phải liên tục khuyến khích viên chức “dám nghĩ, dám làm” nhưng chưa đạt hiệu quả mong đợi...

***

Nguyễn Thông kể, sau khi biết ông Hòa xót xa vì “củi đưa vào lò toàn loại gỗ quý, gỗ rất quý hiếm”, hàng xóm của ông đã rủa ông Hòa vì... từ cổ chi kim, thiên hạ chỉ đốt gỗ tạp, rất dại mới đốt gỗ quý hiếm! Bên cạnh thắc mắc, phải chăng tư duy của ông Hòa “có vấn đề”, vị hàng xóm này liên tưởng tới chuyện khác: Hay là lão ấy bóng gió về kẻ đốt lò kém đến mức không phân biệt được gỗ quý hiếm, hoặc muốn nịnh chủ lò thẳng tay đốt tuốt ‘không có vùng cấm’ nhưng không biết cách diễn đạt và bị tẩu hỏa nhập ma?..

Cũng vì vậy, Nguyễn Thông thắc mắc: Đó có phải là lý do phần lớn ‘dân biểu’ im re, không nói năng gì vì nhỡ sảy mồm thiên hạ sẽ biết trình độ mình thế nào?.. Trong khi Trần Thanh Phúc bình: Nguy! ổng không phân biệt được tốt với xấu?... thì Toàn Văn Ngọc: Lạy các bố nghị sĩ thời nay. Dốt lại hay ví von. Thua toàn tập! Anh Cương Võ bỡn cợt: Toàn bọn ‘tinh hoa’ nhưng phải thêm chữ ‘ba’ ở giữa mới đủ bộ. Loi Tran lưu ý: Chen vào ngồi trong cái nghị trường ấy chắc chẳng có tên nào ‘trong veo’ [2].

Tuy đề nghị của ông Hòa khiến công chúng phẫn nộ nhưng Kiem Mai Ba cho biết ông “rất thông cảm cho ‘biểu đại’ Phạm Văn Hòa”. Sau khi liệt kê vài “danh mộc” như Nguyễn Thanh Long Bộ trưởng Y tế, đến giờ vẫn còn được tiếc thương, trong khi hơn 40.000 nạn dân thiệt mạng vì COVID-19 bị thiêu như gỗ tạp chẳng còn ai bận tâm, Kiem Mai Ba phỏng đoán: Ông Hòa xót xa cho gỗ quý vì chưa có Quốc hội khóa nào XÀI HAO ĐẠI BIỂU bằng khóa 15. Có thể ổng ‘run tay, lạnh cẳng’ khi phải bấm nút loại bỏ cả ‘gỗ nhóm một’ như: Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai, Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh,...

Giống như thân hữu của Nguyễn Thông, nhiều thân hữu của Kiem Mai Ba không giấu diếm băn khoăn, bất bình. Chẳng hạn Hoang Nguyen Minh trầm tư: Suy nghĩ như ông Hòa có khác gì bao nhiêu năm đổ xương máu kháng chiến chỉ để dựng lên một tầng lớp quý tộc có đặc quyền đặc lợi và cha truyền con nối như thời phong kiến? Khánh Tuyền Tuyền thì tin rằng: Còn nhiều tên thương tiếc đồng đảng bị BÃI, bị tống ngục. Ông Hoà đánh giá củi vào LÒ là gỗ quí hiếm vì đó là ‘trụ cái’ đỡ triều đình. Nên xử lý ông Hoà vì nói vậy khác nào phủ nhận chống tham nhũng.

Tương tự, theo Erika Nguyen: Xưa nay chưa từng thấy ai lấy gỗ quý hiếm đưa vào lò ngoại trừ những người không bình thường! Bác này nói thế khác nào nói cụ Tổng bị….điên! Minh Tâm Lê cũng nghĩ như vậy: Ý ông Hòa hẳn là muốn nói chủ lò khùng nặng hay lú lẫn rồi , chụm củi bằng gỗ quý hiếm là phá gia chi tử. Song Trịnh Dương không tán thành bởi: Toàn là cây do bác Cả trồng nên toàn là gỗ quý hiếm thôi. Ổng nói đúng đấy ạ! Hoai Anh LE cũng tin những cá nhân ông Hòa cho là “gỗ quý” chính là “củi quý”, chỉ có điều: Nếu cứ để những khúc củi ấy tiếp tục làm việc thì chả mấy chốc nhân dân không còn cả quần để mặc. Non sông cẩm tú giờ toàn bị bọn ‘tặc’ này phá nát [3]!

***

Đề nghị của ông Phạm Văn Hòa cũng là lý do nhắc công chúng phải ngẫm nghĩ nhiều hơn về quốc hội – cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của dân chúng. Sau khi Canh Tranthanh đưa ra đề nghị: Quốc hội nên làm một cái phòng ‘tự răn’, nghị nào nói nhăng, nói nhảm cho vào đấy, dội nước lạnh vào đầu, rồi tự vả ba bảy hăm mốt cái, để tỉnh trí ra! - Phạm Lan Hương không tán thành do: Thế thì thời gian ‘tự răn’ nhiều hơn thời gian họp. Trần Thanh Phúc cũng cho rằng không nên bởi: Như vậy thì còn lại mấy vị ngồi họp, hoặc sẽ không có ai phát biểu! Đó cũng là lý do Yến Ngọc chỉ có thể thốt: Đại diện cho trí tuệ của nhân dân mà ăn nói loạn chuẩn!

Sau khi than “chịu”, Lương Thắng – thân hữu của Canh Tranthanh – nói thêm: Tại sao đại biểu ngồi bên cạnh ông ấy không vả vào mồm ông ấy môt cái? Song Phạm Minh Đạo không... nhất trí bởi: Dù phát ngôn vi phạm cả luật pháp nhưng cả quốc hội đều không thấy đó là nhảm thì sao. Tuyen Nguyen lưu ý: Đến chủ lò còn nói nhảm, trách gì đám lâu la! Chủ lò chẳng đã từng nói cương lĩnh của Đảng còn cao hơn hiến pháp mà. Nguyen Tran nhận định: Phần lớn toàn dạng này, nếu thật sự dân cử, dân bầu thì đâu đến nỗi! Hung Ngtu trăn trở: Quá là nhăng cuội. Để loại này ngồi trong nghị trường quả là tai họa cho quốc gia, dân tộc [4].

Sau khi Lông Bút nêu thắc mắc trên Group Nhà báo và Công luận về ý tưởng của ông Hòa (nên ban hành quy định nếu cán bộ tự thú và tự nguyện hoàn trả tiền đã chiếm đoạt thì sẽ bảo mật hành vi phạm tội của họ và để họ tiếp tục công tác): Liệu các đồng chí đã ‘rụng’ trước có chịu không? - Phạm Chinh nhấn mạnh: Tư duy của đại biểu đại diện cho nhân dân thế này thì làm sao chống được tham nhũng? Phải chăng cứ vơ vét thật nhiều rồi thành thật nhận lỗi là có thể về hưu an hưởng thành quả cướp từ dân, của nước? Saigon Xanh gọi đó là: Nửa mùa. Cứ tham nhũng xong hoàn tiền thì thằng nào cũng muốn tham nhũng. Vậy thường dân ăn cắp xong trả tiền thì có phải ngồi tù không [5]?

Chú thích






                                                            Thiên Hạ Luận

16x9 Image
Tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác.

Đó cũng là lý do để dù muốn hay không, hệ thống truyền thông chính thống phải tự thay đổi. Ban Việt ngữ VOA cũng thấy phải tự thay đổi...

Trước mặt bạn là “Thiên hạ luận” – chuyên mục mới của Ban Việt ngữ VOA. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu tiên - tập hợp thông tin, ý kiến của nhiều người sử dụng mạng xã hội bằng Việt ngữ về những sự kiện, vấn đề đang được nhiều người quan tâm và có thể là mọi người nên biết, nên bàn thêm - của một tiến trình.

Liệu “Thiên hạ luận” có thể trở thành nơi mà độc giả chủ động đóng góp mọi thứ (thông tin, ý kiến, hình ảnh) về những sự kiện, vấn đề mà theo họ, mọi người cần biết, cần bàn hay không sẽ do các bạn quyết định.

Các bài viết của Thiên Hạ Luận là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.


No comments:

Post a Comment