Đặng Sơn Duân - So sánh Bộ Công an Trung Quốc và Bộ Công an Việt Nam
mercredi 29 mai 2024
Thuymy
Thế nhưng, cơ cấu và quyền hạn của Bộ Công an tại Trung Quốc và Việt Nam, dù có những điểm tương đồng, lại tồn tại nhiều khác biệt quan trọng xuất phát từ đặc thù, bối cảnh lịch sử và chính trị riêng biệt của mỗi quốc gia.
Khác với Việt Nam, Bộ trưởng Công an Trung Quốc chỉ là một ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, không phải là thành viên của Bộ Chính trị. Vị trí này dưới quyền hai cấp so với ban lãnh đạo quốc gia, gồm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và Ủy viên Bộ Chính trị. Mặc dù tùy từng giai đoạn Bộ trưởng Công an có thể là Ủy viên Quốc vụ hoặc Bí thư Trung ương đảng, tức cao hơn một bậc so với các bộ trưởng thông thường khác.
Trái ngược với Trung Quốc, ở Việt Nam, chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an có vị trí trong Bộ Chính trị, điều này phản ánh mức độ ảnh hưởng và quyền lực lớn hơn trong hệ thống chính trị quốc gia.
Tại Trung Quốc, Bộ Công an Trung Quốc phải chia sẻ nhiều chức năng quan trọng với các cơ quan khác, dẫn đến việc quyền lực bị phân tán và giảm bớt. Bộ An ninh quốc gia và Bộ Công an là hai cơ quan riêng biệt, mỗi cơ quan có nhiệm vụ và quyền hạn riêng.
Lực lượng Cảnh sát vũ trang Trung Quốc được đặt dưới quyền của Quân ủy Trung ương, công tác phòng cháy chữa cháy thuộc Bộ Tình trạng Khẩn cấp, và trại giam thuộc Bộ Tư pháp, Cục Cảnh vệ trung ương thuộc quyền điều động của Văn phòng trung ương đảng, mặc dù vẫn thuộc quản lý hành chính của Bộ Công an. Công tác phòng chống tham nhũng trong đảng chủ yếu do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảm trách, với sự tham gia của Tòa án Tối cao và Bộ Công an ở vai trò hỗ trợ và thực thi quyết định.
Ngược lại, Bộ Công an Việt Nam là một siêu bộ, là cơ quan hàng đầu chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự xã hội, phòng chống tội phạm và tham gia trực tiếp vào các hoạt động chống tham nhũng. Bộ trưởng Công an là một vị trí có ảnh hưởng lớn trong Bộ Chính trị, giữ vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội và thực thi pháp luật. Cơ cấu và quyền hạn của Bộ Công an Việt Nam được duy trì tập trung và thống nhất, không bị phân chia như ở Trung Quốc.
Trong lịch sử gần đây, vị trí có thể so sánh với Bộ trưởng Công an Việt Nam là Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp, một vị trí từng nằm trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị 9 người dưới thời Chu Vĩnh Khang. Chu Vĩnh Khang, với quyền hạn bao trùm về an ninh, kiểm soát nhiều cơ quan và nguồn ngân sách khổng lồ, đã trở thành mối đe dọa và thách thức quyền lực của ban lãnh đạo quốc gia, dẫn đến việc vị trí này bị giáng cấp sau thời kỳ của ông, chỉ còn là Ủy viên Bộ Chính trị.
Từ thời Chu Vĩnh Khang, vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp thường được đôn lên từ Bộ trưởng Công an. Tuy nhiên, sau Đại hội 20, vị trí này được giao cho Trần Văn Thanh, người từng là Bộ trưởng An ninh quốc gia, phản ánh sự ưu tiên về khía cạnh an ninh của Trung Quốc hiện nay. Không những thế, Trung Quốc cũng thành lập Ủy ban An ninh quốc gia thuộc Ban chấp hành Trung ương để tập trung quyền lực về phía các ban đảng.
Sự khác biệt về cơ cấu lãnh đạo và quyền hạn của Bộ Công an Trung Quốc và Việt Nam phản ánh những biến động lịch sử và chính trị khác nhau của hai quốc gia. Trung Quốc, sau thời kỳ Chu Vĩnh Khang, tiếp tục tiến hành cải tổ và phân chia quyền lực để tránh sự tập trung quá mức, trong khi Việt Nam vẫn duy trì sự tập trung và thống nhất quyền lực trong Bộ Công an. Điều này cho thấy một sự khác biệt rõ rệt trong cách quản lý và phân bổ quyền lực giữa hai quốc gia, với Trung Quốc hướng đến sự phân chia quyền lực để kiểm soát, còn Việt Nam ưu tiên sự tập trung quyền lực để bảo đảm hiệu quả quản lý và thực thi.
Chính vì thế, trừ khi có những cải tổ sâu rộng về cơ cấu tổ chức và trách nhiệm, quyền hạn, việc giáng cấp Bộ trưởng Công an từ vị trí ủy viên Bộ Chính trị xuống còn ủy viên trung ương là thiếu thực tế.
ĐẶNG SƠN DUÂN 28.05.2024
No comments:
Post a Comment