Thursday, May 30, 2024

VNTB – Ngân hàng Nhà nước “kiên trì” độc quyền nhập khẩu vàng miếng
Hàn Lam
31.05.2024 4:57
VNThoibao


(VNTB) – Việt Nam không là đất nước tự sản xuất được vàng nguyên liệu, vậy mức chênh lệch giá vàng thế nào là phù hợp?

Tin tức trên báo chí cho biết, kể từ tuần sau, ngày 3-6, Ngân hàng Nhà nước sẽ “kéo giá vàng nội địa” qua việc tiến hành bán vàng trực tiếp tới 4 ngân hàng có vốn nhà nước. Giá bán được thông báo là sẽ do Ngân hàng Nhà nước ấn định, dựa theo giá thế giới. Bốn ngân hàng có vốn nhà nước hiện nay gồm: Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank, sẽ trong danh sách trực tiếp bán vàng miếng cho người dân.

Đây không phải là thông tin mới mẻ gì, mà đó vẫn là một nội dung được quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, và từng được thực thi.

Năm 2014, theo danh sách do Ngân hàng Nhà nước khi ấy công bố, thì có tới 22 ngân hàng được kinh doanh vàng miếng (*), song hoạt động mua – bán vàng được các ngân hàng triển khai rất cầm chừng. Nhiều điểm giao dịch của các ngân hàng lớn, như VCB, BIDV… không có dịch vụ này. Trong khi đó, tại một số ngân hàng thương mại cổ phần khác, dù hoạt động mua – bán vàng vẫn được duy trì, song nhân viên ngân hàng chỉ nhận giao dịch với số lượng lớn (thường từ 1 lượng trở lên).

Theo giải thích của các ngân hàng, lượng vàng trong quỹ của ngân hàng hầu hết là vàng miếng mệnh giá lớn, nên khách hàng đều bị từ chối nếu muốn mua vàng mệnh giá nhỏ.

Dịch vụ mua – bán vàng trực tuyến (eGold) ở ngân hàng cũng lặng lẽ treo bảng tạm ngừng hoạt động để “nâng cấp hệ thống”.

Khi đó việc cũng có lưu ý từ chuyên gia là với 22 ngân hàng được phép kinh doanh vàng theo quy định ở Chương III “Hoạt động mua, bán vàng miếng” của Nghị định 24/2012/NĐ-CP, là đang ẩn chứa rủi ro cho hệ thống, bởi qua các công ty sân sau, ngân hàng có thể sở hữu lượng vàng có giá trị quá 2% vốn điều lệ.

Việc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP chính thức được đặt ra từ cuối năm 2023. Đến nay, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều đồng thuận ý kiến cần phải sửa đổi Nghị định này. Ngay cả Công ty SJC tiếng là được hưởng độc quyền cũng muốn từ chối quyền lợi độc quyền đó. Vậy thì vướng mắc gì mà Ngân hàng Nhà nước đến nay vẫn lừng khừng trong câu chuyện này – câu chuyện của độc quyền vàng ngoại hối (dự trữ) và luôn cả vàng miếng hàng hóa giao dịch trên thị trường?

 

_____________________

Chú thích:

(*) Danh sách 22 ngân hàng được kinh doanh vàng miếng:

1. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)

2. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank)

3. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

4. Công ty TNHH một thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)

5. Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank)

6. Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank)

7. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)

8. Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank)

9. Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank)

10. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)

11. Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank)

12. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)

13. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)

14. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhongBank)

15. Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank)

16. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)

17. Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)

18.Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank)

19. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)

20. Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB)

21. Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB)

22. Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank)

 


 

No comments:

Post a Comment