Wednesday, May 29, 2024

Lợi ích chung Việt Nam-EU và trật tự mới tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Nguồn: Richard Ghiasy, Julie Yu-Wen Chen và Jagannath P. Panda, “Convergence in Vietnam, EU Interests a Harbinger of Indo-Pacific Order?”, ISDP, 24/05/2024
Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
29.05.2024
NghiencuuQT

Tháng 3 và tháng 4 vừa qua, các chuyến thăm gần như liên tiếp của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tới Mỹ và Trung Quốc cho thấy chính sách ngoại giao khéo léo của Việt Nam với các cường quốc trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (ÂĐD – TBD) và những tranh chấp lãnh thổ của Việt Nam với Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông. Một phần lớn của (tình trạng được cho là) rối ren ở ÂĐD – TBD bắt nguồn từ Biển Đông, và một trong những thách thức chính của Việt Nam là thiết lập trật tự trên các vùng biển biên giới.

Do đó, Việt Nam – vốn có lịch sử ngờ vực đối các cường quốc, đã và đang đa dạng hóa quan hệ của mình bằng cách tìm kiếm quan hệ an ninh và quốc phòng với các đối tác ÂĐD – TBD như Liên minh Châu Âu (EU), Ấn Độ và Nhật Bản, cũng như với Nga – một quốc gia được coi là “mối đe dọa hiện hữu” đối với khối đồng minh xuyên Đại Tây Dương. Cùng lúc đó, Đông Nam Á đang phải vật lộn với sự chia rẽ nội bộ trong khu vực để giải quyết các tranh chấp Biển Đông. Chủ nghĩa đa phương khu vực được hiện thân bởi Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dường như thiếu sức mạnh, ngay cả khi Trung Quốc đang “kiểm soát” một số thành viên của ASEAN bằng sức mạnh tài chính và kinh tế. Rõ ràng, cần có những nỗ lực vượt ra ngoài “ngoại giao cây tre” của Việt Nam để tăng cường tình đoàn kết quốc tế.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan tương tự đang diễn ra với Châu Âu. Gần đây, EU vừa coi Trung Quốc là thách thức chiến lược nhưng vẫn tìm cách hợp tác kinh tế với nước này. Điều này gợi nhớ đến tình trạng khó khăn của Việt Nam và nhiều nước Châu Á khác trong tương quan với Trung Quốc. Hơn nữa, giống như ở Đông Nam Á, không phải tất cả các nước thành viên EU đều chấp nhận cấu trúc ÂĐD – TBD do Mỹ dẫn đầu. Ngay cả khi chấp nhận, như Pháp hay Đức, điều đó cũng không có nghĩa là chấm dứt mối quan hệ có lợi với Trung Quốc. Tuy nhiên, rõ ràng là EU đã bắt đầu quan tâm hơn đến tình hình địa chính trị ngày càng phức tạp ở ÂĐD – TBD, mặc dù sự chia rẽ về mức độ ưu tiên đối với khu vực này, bao gồm cả Trung Quốc, vẫn còn hiện hữu.

Trong bối cảnh đó, liệu EU và Việt Nam, rộng hơn là ASEAN, có thể hội tụ nhiều hơn, thậm chí là thống nhất trong các chính sách của họ không?

Xem xét lại sự thiếu định hướng ÂĐD – TBD của Việt Nam

ÂĐD – TBD, vùng biển và bờ biển giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đã trở thành khu vực có tính chất địa chính trị quan trọng nhất thế giới. Trong khu vực này, trọng tâm và tranh luận của các thành viên chủ động hơn của EU, chẳng hạn như Pháp, Hà Lan và Đức, tập trung vào chủ nghĩa đơn phương của Trung Quốc, phụ thuộc thương mại và sự cạnh tranh không kiểm soát giữa Trung Quốc và Mỹ. Một số thành viên EU này đã bắt đầu hiểu quan điểm của nhau về ÂĐD – TBD. Dần dần, mọi người nhận ra rằng vấn đề không chỉ nằm ở việc EU và các thành viên của khối này muốn đạt được gì trong khu vực, mà còn phụ thuộc nhiều vào quan điểm và ưu tiên của các quốc gia chủ chốt ở ÂĐD – TBD – và cách nhìn của họ về chiến lược và đóng góp của Châu Âu.

Việt Nam là một trong những quốc gia xứng đáng nhận được sự chú ý chiến lược lớn hơn từ Châu Âu. Được biết đến với “ngoại giao cây tre” –  lấy hình tượng từ cây tre với bộ rễ vững chắc, thân cây cứng cáp và cành nhánh linh hoạt – một chính sách cân bằng với hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc. Theo lời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chính sách đối ngoại của Việt Nam hướng tới “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị và hợp tác, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế tích cực.” Tuy nhiên, Hà Nội chưa bao giờ chính thức và hoàn toàn chấp nhận thuật ngữ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” hay cấu trúc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu, mặc dù họ thừa nhận rằng một số khía cạnh của nguyên tắc ÂĐD – TBD Tự do và Mở do Mỹ và các đồng minh ủng hộ phù hợp với lợi ích quốc gia của mình. Ví dụ, trật tự ở Châu Á – Thái Bình Dương, thuật ngữ mà Hà Nội thích sử dụng hơn, phải dựa trên luật lệ. Điều này nói lên một trong những ưu tiên quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Việt Nam: tìm kiếm hòa bình và ổn định trong các tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc và các bên yêu sách khác.

Tuy nhiên, trật tự mà Việt Nam tìm kiếm không chỉ nằm trong lĩnh vực an ninh. Mục tiêu phát triển kinh tế đã là ưu tiên hàng đầu kể từ thời Đổi Mới năm 1986. Tăng trưởng kinh tế được coi là xương sống của an ninh quốc gia và tính chính danh của chế độ. Có thể nói, việc phát triển quan hệ đối ngoại của Hà Nội dựa trên kinh nghiệm phát triển đất nước, nhấn mạnh ưu tiên kinh tế dẫn đến ổn định quốc gia và vị thế quốc tế. Việt Nam lựa chọn tham gia vào cấu trúc ÂĐD – TBD dựa trên những ưu tiên chiến lược của mình.

Sự hội tụ giữa Việt Nam và EU

Trên cả lĩnh vực kinh tế và an ninh, Việt Nam và EU có thể tìm thấy những lợi ích hội tụ, xích lại gần nhau hơn. Mặc dù Hà Nội chưa chính thức sử dụng thuật ngữ “ÂĐD – TBD”, nhưng chiến lược ÂĐD – TBD của EU, nếu được thực hiện tốt, có thể giải quyết cả nhu cầu kinh tế và an ninh của Việt Nam. Bất chấp những hạn chế về an ninh và sức mạnh quân sự ở ÂĐD – TBD, EU vẫn có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết hiệu quả những nhu cầu này, vốn cũng rất quan trọng đối với lợi ích chiến lược của EU.

Hai bên đã có Hiệp định Khung Tham gia. Việt Nam cũng tham gia dự án Tăng cường An ninh Châu Á (ESIWA) của EU, bao gồm quản lý khủng hoảng và an ninh mạng. Điều này cũng phù hợp với Chiến lược ÂĐD – TBD của EU, coi Việt Nam là một đối tác “vững chắc”.

Đáng chú ý, cả EU và Việt Nam đều đối mặt với sự cưỡng ép kinh tế từ Trung Quốc. Do Trung Quốc hiện tại là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, các hạn chế về mặt thương mại mang tính bất chợt ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ gây tổn hại đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam. Tương tự như vậy, Hà Nội chào đón Hiệp định Thương Mại Tự Do EU-Việt Nam (EVFTA), hy vọng rằng nó sẽ tạo ra cơ hội để đa dạng hóa đối tác thương mại và từ đó giải quyết những rủi ro về chèn ép kinh tế từ Trung Quốc.

Mặt khác, EU và các nước thành viên của mình vẫn đang cố gắng gia tăng sự dẻo dai của nền kinh tế bằng cách đa dạng hóa các đối tác thương mại do họ chật vật với việc quá phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Vì vậy, về mặt chiến lược, Brussels tạo ra một cơ hội tuyệt vời cho Hà Nội và ngược lại. Tuy nhiên, các thách thức vẫn còn đó. Lấy ví dụ, tất cả các nước thành viên của EU vẫn còn phải thông qua Hiệp định Bảo hộ Đầu tư ký cùng với EVFTA. Mặc dù đây thường là một quy trình tốn thời gian, ưu tiên thu được lợi ích nhanh chóng đã bị đình trệ do tình hình địa chính trị đầy thách thức.

Tuy nhiên, mối quan tâm của hai bên không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế truyền thống; họ còn quan tâm đến phát triển bền vững và chuyển đổi xanh. Ví dụ, trong khuôn khổ Cửa ngõ toàn cầu của EU (Global Gateway), EU và Việt Nam đã ký kết Hiệp ước Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), nhằm cung cấp khoản tín dụng đa dự án trị giá 500 triệu euro. Đây được cho là trọng tâm hàng đầu của EU tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, cách tiếp cận thận trọng của Hà Nội vì lo ngại rơi vào bẫy nợ tiềm ẩn có thể cản trở sự hợp tác suôn sẻ giữa hai bên. Các dự án liên quan đến nguồn vốn lớn như JETP cũng gặp thách thức thực tế trong việc thực thi vào thời điểm hiện tại do các quan chức lo ngại trở thành mục tiêu của các chiến dịch chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Việt Nam cũng mong muốn ASEAN và EU cùng nhau thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và tăng cường hợp tác an ninh, đặc biệt là trong các tranh chấp Biển Đông. Nhìn chung, các nước ASEAN coi EU là một thế lực cân bằng không mang tính đe dọa nhằm giảm thiểu tác động của cuộc cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ. Một số lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa EU và Việt Nam trong khuôn khổ ASEAN bao gồm các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu ở khu vực, an ninh lương thực, chuyển đổi số và đổi mới công nghệ. Hai bên cũng cần tận dụng quan hệ đối tác để hiện thực hóa FTA ASEAN-EU.

EU – Một thế lực Cân bằng An ninh?

EU và Việt Nam cũng chia sẻ cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ – một thành phần thiết yếu của hợp tác an ninh do tầm quan trọng chiến lược của khu vực. Tuy nhiên, việc cải thiện thông tin liên lạc và hiểu biết về các sự cố trên biển hiệu quả hơn lại là một thách thức. Các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đang âm ỉ, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Philippines. Năm 2016, một tòa án trọng tài được thành lập theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã ra phán quyết nghiêng về Philippines, nhưng Trung Quốc bác bỏ. Tuy nhiên, phán quyết này củng cố cho yêu sách của Việt Nam, điều mà các nước ASEAN khác ngoài Philippines không hoan nghênh công khai.

Trong bối cảnh thiếu thỏa thuận về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN, vốn đã kéo dài nhiều năm, các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm cả hành vi mới nhất chống lại Việt Nam ở Vịnh Bắc Bộ, đã gia tăng. Trước tình hình này, Việt Nam và Philippines đã ký các thỏa thuận an ninh hàng hải. Đồng thời, Việt Nam do dự không thực hiện các hành động quyết liệt hơn, chẳng hạn như ủng hộ Philippines trong nỗ lực soạn thảo một COC “riêng biệt” vì lo ngại Trung Quốc trả đũa.

Mặc dù Việt Nam ít được các phương tiện truyền thông lớn trên thế giới thảo luận hơn Philippines về vấn đề này, Hà Nội đang tích cực sử dụng các biện pháp ngoại giao để quốc tế hóa vấn đề, thu hút nhiều bên tham gia hơn để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ phức tạp nhằm bảo vệ chủ quyền và thúc đẩy hòa bình khu vực. Trong bối cảnh đó, việc giành được sự ủng hộ của EU và các nước thành viên sẽ có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam.

Phía Việt Nam có thể hỗ trợ điều này bằng cách cung cấp cho các thực thể nước ngoài, bao gồm cả EU, thông tin minh bạch và kịp thời khi các sự cố xảy ra. Hiển nhiên, sử dụng chiến lược truyền thông như Philippines có thể gây trầm trọng hóa vấn đề, điều này có thể khác với cách tiếp cận ưa thích của Việt Nam khi nước này ưu tiên đu dây nhằm cân bằng giữa mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc. Tuy nhiên, Hà Nội ít nhất có thể cung cấp cho các nhà ngoại giao nước ngoài thông tin minh bạch và chi tiết một cách kịp thời để giúp họ xác minh và đánh giá tình hình thực địa. Điều này sẽ giúp EU và các quốc gia tiềm năng cùng chí hướng khác phản ứng nhanh hơn đối với các sự cố trên biển và thúc đẩy một thỏa thuận giữa các bên liên quan (modus vivendi) trên Biển Đông được chấp nhận hơn. Cuối cùng, một modus vivendi như vậy cũng có lợi cho Trung Quốc.

EU không còn là người ngoài cuộc

Gần đây, lập trường của EU về vấn đề Biển Đông là tôn trọng trật tự dựa trên luật lệ và tự do hàng hải, phản đối mạnh mẽ các hành động đơn phương, đồng thời ủng hộ Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) do ASEAN dẫn dắt “có hiệu lực, thực chất và ràng buộc pháp lý” khi đề cập đến Trung Quốc nhưng không chỉ đích danh. Đây là một sự thay đổi so với thời kỳ trước khi EU quan tâm đến ÂĐD – TBD, khi họ là một khối trung lập và bị chia rẽ hơn. Sự phụ thuộc nặng nề của EU vào thương mại hàng hải qua Biển Đông khiến họ không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên ASEAN có yêu sách ở Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam, có lẽ mong đợi một lập trường rõ ràng hoặc sắc bén hơn, điều mà EU đang hướng tới.

Ví dụ, vào tháng 3 năm 2024, EU đã ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về các sự cố liên quan đến “hành vi nguy hiểm lặp đi lặp lại” của Cảnh sát biển và dân quân biển Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này nghiêng về lập trường của Mỹ, trong khi Mỹ đã lên tiếng chỉ trích trực tiếp Trung Quốc về vấn đề Biển Đông một cách mạnh mẽ hơn, thậm chí gọi các yêu sách của Trung Quốc là “hoàn toàn bất hợp pháp” ngay cả trước các sự kiện hiện tại.

Mặc dù Mỹ và các đồng minh đã lên tiếng mạnh mẽ, nhưng điều này vẫn chưa dẫn đến một giải pháp cụ thể cho cuộc xung đột. Tuy nhiên, nếu EU không thể đưa ra những tín hiệu rõ ràng về vấn đề này, sự chia rẽ giữa các quốc gia cùng chí hướng sẽ bị Trung Quốc coi là yếu kém và có thể lợi dụng.

Điều quan trọng là, điều này không chỉ đúng đối với các tranh chấp Biển Đông mà còn đối với các hoạt động cưỡng ép của Trung Quốc nói chung. Do đó, với quan điểm không đối đầu, hướng tới hòa nhập và lợi ích kinh tế mang tính hội tụ của cả Việt Nam và EU đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương / ÂĐD – TBD, cả hai bên đều sẵn sàng chấp nhận quan điểm chiến lược của nhau và nâng cao vị thế trước một Trung Quốc đầy thách thức và những nỗ lực nhằm đảm bảo trật tự.

Richard Ghiasy là Nghiên cứu viên cao cấp, Trung tâm Leiden Châu Á, Đại học Leiden và Chuyên gia, Hội đồng Hán học Chính phủ Hà Lan (CKN), Hà Lan.

Julie Yu-Wen Chen là Giáo sư về Trung Quốc học, Đại học Helsinki, Phần Lan; Giáo sư thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa Châu Á, Đại học Mahidol, Thái Lan;

Jagannath Panda là Giám đốc Trung tâm Stockholm về Các vấn đề Nam Á và ÂĐD – TBD, Viện Chính sách An ninh và Phát triển, Thụy Điển và Giáo sư, Khoa Nghiên cứu Khu vực và Toàn cầu, Đại học Warsaw.

No comments:

Post a Comment