Mỹ: Nghị quyết 2758 của LHQ không tán thành yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan
VOA News
30/05/2024
VOA
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói trong cuộc họp báo hôm 28/5/2024 : “Chúng tôi đã nhiều lần nói rõ rằng chúng tôi nghĩ Đài Loan có thể tham gia các phiên họp của WHO..."
Hoa Kỳ hôm 28/5 tuyên bố Nghị quyết 2758 của Liên hiệp quốc, được thông qua năm 1971, không tán thành yêu sách chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với Đài Loan. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Đài Loan bị loại khỏi các phiên họp của Đại Hội đồng Y tế Thế giới trong tuần này.
Đại Hội đồng Y tế Thế giới
Đại Hội đồng Y tế Thế giới WHA, cơ quan ra quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới, đã bắt đầu các cuộc họp thường niên vào ngày 27/5 tại Geneva, nơi các quốc gia thành viên, đại biểu và chuyên gia y tế tập trung để thảo luận về các ưu tiên và an ninh y tế toàn cầu.
“Chúng tôi đã nhiều lần nói rõ rằng chúng tôi nghĩ Đài Loan có thể tham gia các phiên họp của WHO. Khi còn là thành viên, họ đã mang đến kiến thức chuyên môn có ý nghĩa, làm phong phú thêm các cuộc thảo luận và tranh luận, và chúng tôi muốn họ được phép tham gia các phiên họp trong tương lai”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller nói trong cuộc họp báo hôm 28/5.
Đài Loan bị loại khỏi hầu hết các tổ chức quốc tế vì sự phản đối của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, vốn coi Đài Loan dân chủ là lãnh thổ của mình. Các quan chức Trung Quốc thường trích dẫn Nghị quyết 2758 của Liên hiệp quốc để khẳng định “nguyên tắc một Trung Quốc” của Bắc Kinh.
“Không, không,” ông Miller nói với VOA khi được hỏi liệu nghị quyết này có tán thành yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan hay không.
Ngày 25 tháng 10 năm 1971, Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua Nghị quyết 2758, thay thế Trung Hoa Dân Quốc (ROC, tên chính thức của Đài Loan) bằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa làm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Nhưng nghị quyết không đề cập đến tình trạng chủ quyền của Đài Loan.
Các quan chức Mỹ cho biết nghị quyết này không loại trừ sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào hệ thống Liên hiệp quốc và các diễn đàn đa phương khác.
Phó Phụ tá Ngoại trưởng Mark Lambert, người cũng đứng đầu Văn phòng Trung Quốc của Bộ Ngoại giao, nói tại một sự kiện gần đây: “Bắc Kinh đã mô tả sai nghị quyết bằng cách nhầm lẫn nó với nguyên tắc một Trung Quốc của Trung Quốc và khẳng định sai rằng nó phản ánh sự đồng thuận quốc tế về nguyên tắc một Trung Quốc của mình”.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào các diễn đàn quốc tế phù hợp với chính sách một Trung Quốc của Washington, được hướng dẫn bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan, ba Thông cáo chung và Sáu Đảm bảo.
Chính sách của Mỹ, nguyên tắc của Trung Quốc
Chính sách một Trung Quốc của Mỹ khác với nguyên tắc một Trung Quốc của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mà Washington cho biết họ không tán thành.
Các đại biểu từ Đài Loan đã tham dự WHA với tư cách là quan sát viên không bỏ phiếu từ năm 2009 đến năm 2016, trong thời kỳ mối quan hệ tương đối nồng ấm giữa Bắc Kinh và Đài Bắc.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã chặn sự đại diện của Đài Loan tại các cuộc họp của WHO kể từ khi nền dân chủ tự trị Đài Loan bầu bà Thái Anh Văn, một người hoài nghi về Trung Quốc, làm tổng thống Đài Loan vào năm 2016 và một lần nữa vào năm 2020.
Bà Thái và Đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền của bà bác bỏ điều kiện của Bắc Kinh rằng cả hai bên Eo biển Đài Loan đều thuộc cùng một lá cờ. Hai bên đã được cai trị riêng biệt kể từ những năm 1940.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm 27/5: “Chúng tôi muốn nói rõ với chính quyền DPP: cam kết tuân thủ của cộng đồng quốc tế đối với nguyên tắc một Trung Quốc là không thể lay chuyển”.
Không nêu tên, phát ngôn viên kêu gọi “một số quốc gia” ngừng “chính trị hóa các vấn đề sức khỏe” và “can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.
Phát ngôn viên nói thêm: “Việc sử dụng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc sẽ chỉ dẫn đến thất bại”.
Một số quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc, Đức và Nhật Bản, đã đưa ra tuyên bố chung vào ngày 24/5 ủng hộ việc Đài Loan tham gia các cuộc họp thường niên của WHA.
Các cuộc tập trận của Trung Quốc
Trong khi đó, sau lễ nhậm chức của Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn kéo dài hai ngày vào tuần trước, triển khai 111 máy bay và 46 tàu hải quân quanh Đài Loan.
Cuối tuần qua, Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại sâu sắc về các cuộc tập trận chung của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan và xung quanh Đài Loan. Bộ Ngoại giao Mỹ mạnh mẽ kêu gọi Bắc Kinh hành động kiềm chế.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố: “Việc sử dụng quá trình chuyển đổi bình thường, thường lệ và dân chủ làm cái cớ cho các hành động khiêu khích quân sự có nguy cơ leo thang và làm xói mòn các chuẩn mực lâu đời đã duy trì hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan trong nhiều thập niên”.
Tuần trước, phát ngôn viên Liên hiệp quốc Stephane Dujarric nói với các phóng viên rằng Liên hiệp quốc đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến ở Eo biển Đài Loan và kêu gọi kiềm chế.
Ông Dujarric nói: “Về vấn đề Trung Quốc, chúng tôi được hướng dẫn bởi nghị quyết của Đại hội đồng năm 1971”. Ông đề cập đến Nghị quyết 2758 của Liên hiệp quốc.
No comments:
Post a Comment