Theo sau Mỹ, Berlin cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Đức tấn công các mục tiêu ở Nga
AP
31/05/2024
VOA
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (thứ 3) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (thứ 2) ký kết thỏa thuận song phương về cam kết an ninh và hỗ trợ lâu dài ngày 16/2/2024. Chính phủ Đức hôm 31/5 nói Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Đức cung cấp để chống lại các cuộc tấn công của Nga.
Chính phủ Đức hôm 31/5 cho biết Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Đức cung cấp để chống lại các cuộc tấn công của Nga từ các vị trí ngay sát biên giới chung của họ, trong một sự thay đổi chính sách quan trọng diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden bật đèn xanh cho Kyiv để tấn công lại bằng vũ khí của Mỹ vào các tài sản quân sự của Nga nhắm vào thành phố lớn thứ hai của nước này.
Một tuyên bố của chính phủ Đức nói rằng trong những tuần gần đây, Nga đã chuẩn bị, phối hợp và thực hiện các cuộc tấn công vào khu vực Kharkiv phía đông bắc Ukraine, đặc biệt là từ các khu vực ngay sát biên giới với Nga.
“Chúng tôi cùng tin rằng Ukraine có quyền, theo luật pháp quốc tế, để tự vệ trước những cuộc tấn công này”, tuyên bố nói. “Để làm được điều này, họ cũng có thể sử dụng vũ khí được cung cấp cho mục đích đó theo các cam kết pháp lý quốc tế của mình, bao gồm cả những vũ khí do chúng tôi cung cấp”, tuyên bố nói thêm mà không nêu chi tiết về điều mà Berlin gọi là các thỏa thuận bí mật với Kiev.
Một cuộc tấn công dữ dội của Nga trong tháng này ở khu vực đông bắc Kharkiv, bao gồm cả vụ tấn công bằng bom từ trên không của Nga vào một cửa hàng cung cấp vật liệu xây dựng lớn khiến 18 người thiệt mạng vào ngày 25/5, đã buộc hàng ngàn người phải sơ tán và gây thêm căng thẳng cho lực lượng đang suy kiệt của Ukraine trong giai đoạn được coi là quan trọng của cuộc chiến, hiện đã bước sang năm thứ ba. Thực tế này dường như đã thúc đẩy sự thay đổi chính sách của các nhà lãnh đạo phương Tây.
Quân đội với quy mô lớn hơn và được trang bị tốt hơn của Điện Kremlin đang tận dụng tình trạng thiếu quân và đạn dược của Ukraina sau một thời gian dài viện trợ quân sự của Mỹ bị trì hoãn. Việc sản xuất quân sự không đầy đủ của Tây Âu cũng đã làm chậm quá trình cung cấp viện trợ quân sự quan trọng cho Ukraine.
Một quan chức Washington nói với hãng tin AP rằng quyết định của ông Biden cho phép sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp cho “mục đích phản công ở khu vực Kharkiv để Ukraine có thể đánh trả các lực lượng Nga đang tấn công họ hoặc chuẩn bị tấn công họ”.
Tuy nhiên, các quan chức giấu tên này nhấn mạnh rằng chính sách của Mỹ yêu cầu Ukraine không sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp hoặc tên lửa tầm xa và các loại đạn dược khác để tấn công vào bên trong nước Nga thì vẫn không thay đổi.
Thông báo của Đức được đưa ra vài giờ sau khi tên lửa đạn đạo của Nga lao vào một khu chung cư ở Kharkiv và giết chết ít nhất 4 người trong một cuộc tấn công vào ban đêm.
Lực lượng không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng 5 tên lửa đạn đạo S-300/S-400 vào Kharkiv trong đêm. Theo Thống đốc khu vực Oleh Syniehubov, một trong số các tên lửa đã bắn trúng một tòa nhà dân cư vào gần nửa đêm, và sau đó 25 phút một tên lửa khác tấn công vào lực lượng phản ứng nhanh. Ông cho biết ít nhất 25 người bị thương.
Các quan chức Ukraine trước đây đã cáo buộc Nga nhắm mục tiêu vào các nhân viên cứu hộ bằng cách bắn liên tiếp hai tên lửa vào các tòa nhà dân cư, tên lửa đầu tiên khiến cho đội cấp cứu đến hiện trường và tên lửa thứ hai gây thương tích hoặc giết chết họ. Chiến thuật này được gọi là “đánh kép” trong thuật ngữ quân sự. Nga đã sử dụng phương pháp tương tự trong cuộc nội chiến ở Syria.
Theo các quan chức Ukraine, ngoài Kharkiv, quân đội Moscow đang dồn ép khu vực Donetsk ở phía nam và đang tập hợp lực lượng cho một cuộc tấn công dự kiến ở khu vực Sumy ở phía bắc.
Việc hạn chế sử dụng vũ khí phương Tây cho đến nay đã khiến các quan chức Ukraine thất vọng vì quân đội không thể ra lệnh tấn công quân đội Nga đang tập trung dồn qua biên giới – thành phố Kharkiv chỉ cách Nga 20km – hoặc các căn cứ của Nga được sử dụng để phóng tên lửa tấn công.
Câu hỏi liệu có cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu trên đất Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp hay không đã là một vấn đề tế nhị kể từ khi Moscow phát động cuộc xâm lược toàn diện vào ngày 24/2/2022.
Các nhà lãnh đạo phương Tây ngần ngại thực hiện bước đi này vì nó có nguy cơ khiêu khích Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã nhiều lần cảnh báo rằng việc tham gia trực tiếp của phương Tây có thể đưa thế giới vào con đường dẫn đến xung đột hạt nhân.
Nhưng do Nga gần đây đã giành được thế chủ động trên chiến trường ở một số khu vực của chiến tuyến dài 1.000km, một số nhà lãnh đạo phương Tây đang thúc đẩy thay đổi chính sách cho phép Kiev tấn công các căn cứ quân sự bên trong Nga bằng vũ khí tầm xa tinh vi do phương Tây cung cấp.
No comments:
Post a Comment