Trung Quốc sẽ bóp nghẹt từ từ chứ không chiếm giữ Đài LoanNguồn: Isaac Kardon và Jennifer Kavanagh, “How China Will Squeeze, Not Seize, Taiwan,” Foreign Affairs, 21/05/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
31.05.2024
NghiencuuQT
Bóp nghẹt từ từ cũng có thể dẫn đến kết quả tồi tệ như một cuộc chiến.
Khi ra làm chứng trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện vào năm 2021, Đô đốc Philip Davidson, vị chỉ huy đã nghỉ hưu của lực lượng liên hợp Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ thống nhất với Đài Loan bằng một cuộc xâm lược đổ bộ. Ông cảnh báo “Tôi nghĩ mối đe dọa sẽ trở thành sự thật trong vòng 10 năm, trên thực tế là trong vòng sáu năm.” Đánh giá rằng Mỹ chỉ còn rất ít thời gian để ngăn chặn một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan – thường được gọi là “Cửa sổ Davidson” – kể từ đó đã trở thành động lực trong chiến lược và chính sách quốc phòng của Mỹ ở châu Á.
Thật vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác định một cuộc xâm lược tiềm năng của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan là “kịch bản then chốt” để đánh giá năng lực quân sự của người Mỹ, thực hiện các khoản đầu tư lớn và huấn luyện, triển khai lực lượng phối hợp. Về phần mình, Đài Bắc ít chú ý đến mối đe dọa này. Nhưng trong thập niên vừa qua, khi cán cân quân sự xuyên eo biển nghiêng về phía có lợi cho Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo Đài Loan đã tăng cường chi tiêu quân sự và huấn luyện nhằm phòng ngừa và ngăn chặn một cuộc tấn công như vậy.
Tuy nhiên, mối đe dọa về một cuộc xâm lược đổ bộ lại là trọng tâm sai lầm trong nỗ lực bảo vệ Đài Loan của Mỹ. Chính sách Đài Loan dài hạn, kiên nhẫn của Trung Quốc, xem việc thống nhất đất nước là “tất yếu lịch sử,” kết hợp với thành tích khiêm tốn về các chiến dịch quân sự ở nước ngoài, cho thấy kế hoạch khả thi hơn đối với Bắc Kinh là leo thang chính sách mà họ đang theo đuổi: dần dần xâm lấn vào vùng trời, vùng biển, và không gian thông tin của Đài Loan. Thế giới sẽ chứng kiến nhiều hơn các chiến dịch được gọi là “vùng xám” – các chiến dịch cưỡng ép trong lĩnh vực quân sự và kinh tế diễn ra dưới ngưỡng chiến tranh.
Bản thân chiến dịch vùng xám đang diễn ra này sẽ không buộc Đài Loan chính thức thống nhất với đại lục. Nhưng theo thời gian, việc mở rộng các chiến dịch quân sự, bán quân sự, và dân sự của Trung Quốc vào các không gian do Đài Loan kiểm soát có thể giúp đạt được một số mục tiêu trung gian nhất định – quan trọng nhất là ngăn chặn hòn đảo giành được độc lập chính thức – trong khi vẫn duy trì lựa chọn sử dụng vũ lực của Bắc Kinh trong tương lai. Nếu không bị thách thức, chiến dịch vùng xám của Bắc Kinh cũng có thể cho thấy giới hạn quyền lực của Mỹ ở châu Á. Chẳng hạn, Mỹ và các đồng minh khó có khả năng sử dụng các hệ thống tên lửa tiên tiến mà họ đã lắp đặt trong khu vực này, nếu Trung Quốc không cho họ một lý do rõ ràng dưới hình thức một cuộc xâm lược trắng trợn. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo Mỹ có thể nhận thấy bản thân dần sa lầy vào các cuộc tranh luận về việc liệu Trung Quốc đã vượt qua lằn ranh đỏ hay chưa. Trong lúc Washington bị cản trở vì không thể biết Trung Quốc dự định đẩy mạnh chiến thuật vùng xám của mình đến mức nào, phần lớn trách nhiệm chống lại chiến dịch xâm lấn của Trung Quốc sẽ thuộc về Đài Loan.
Dù các nhà lãnh đạo Đài Loan thường xuyên kêu gọi hãy chú ý đến các hoạt động cưỡng ép của Trung Quốc trong và xung quanh Eo biển Đài Loan, hầu hết các khoản đầu tư quân sự lớn mà hòn đảo đã thực hiện trong những năm gần đây – gồm các khoản chi cho máy bay chiến đấu, xe tăng, và tàu ngầm sản xuất trong nước – lại không phù hợp với tính chất tinh vi của các chiến dịch vùng xám. Trong tương lai, Đài Bắc nên tập trung nỗ lực xây dựng vùng đệm trên tất cả các lĩnh vực, củng cố cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, và tăng tốc đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm xây dựng các liên kết kinh tế có khả năng phục hồi tốt hơn trước các hành động gây gián đoạn của Trung Quốc.
Mỹ cũng phải từ bỏ sự cố chấp đối với viễn cảnh xâm lược, và trở nên cảnh giác hơn trước những nguy cơ đến từ việc Đài Loan bị bóp nghẹt từ từ. Washington nên tăng cường các nỗ lực của Đài Bắc bằng cách tăng cường khả năng giám sát của Đài Loan, mở rộng vai trò của Lực lượng Tuần duyên Mỹ trên khắp Biển Đông và Biển Hoa Đông, cũng như xung quanh các hoạt động tiếp cận hàng hải của Đài Loan, đồng thời phối hợp với các chủ thể thương mại có thể cảm thấy áp lực phải tuân theo các hạn chế mà Bắc Kinh đặt ra. Nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp tục, nhiều khả năng Cửa sổ Davidson sẽ đến và đi mà không có chiến tranh – nhưng quyền tự trị của Đài Loan và uy tín của Mỹ đều sẽ giảm đi đáng kể.
MÂY ĐEN
Trong thập niên vừa qua, Trung Quốc đã dần khẳng định mình bằng sức mạnh ngày càng tăng trên vùng trời, vùng biển, và không gian thông tin của Đông Á. Lực lượng hải cảnh và các tàu chấp pháp của nước này đã sử dụng các phương pháp phi sát thương để đạt được các mức độ kiểm soát khác nhau đối với nhiều vùng biển đang có tranh chấp với Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, và Việt Nam. Chỉ trong những tháng đầu năm 2024, tàu hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện các hành động nguy hiểm và bắn vòi rồng nhằm ngăn cản Philippines tiếp tế cho một tiền đồn quân sự; các nhà ngoại giao Trung Quốc đã phớt lờ Luật Biển Quốc tế khi đưa ra các yêu sách mới ở Vịnh Bắc Bộ; và các tàu Trung Quốc đã cảnh báo máy bay Nhật Bản hoạt động trong vùng trời Nhật Bản xung quanh Quần đảo Điếu Ngư (mà người Nhật gọi là Quần đảo Senkaku).
Những biện pháp này phản ánh ý định cơ bản là áp đặt luật nội địa của Trung Quốc đối với các vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Dù Hong Kong nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Trung Quốc hơn so với các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, việc Bắc Kinh thường xuyên bóp nghẹt quyền tự trị của thành phố này cũng giống với chiến lược mà họ áp dụng cho các vùng biển được tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc đã triển khai các hành động pháp lý nhằm mở rộng quyền kiểm soát đối với các khía cạnh quan trọng trong quản lý Hong Kong mà không cần dùng đến lực lượng quân sự.
Đài Loan đang dần trở thành mục tiêu của các hoạt động cưỡng ép tương tự như các chiến dịch vùng xám của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Theo báo cáo được Bộ Quốc phòng Đài Loan công bố hàng ngày, kể từ tháng 1/2022 đến nay, số lần quân đội Trung Quốc xâm nhập vào Vùng Nhận dạng Phòng Không của Đài Loan (khu vực mà máy bay được yêu cầu xác định danh tính với chính quyền Đài Loan) cao gần gấp ba lần so với giai đoạn 2018-2021. Bắc Kinh cũng thường xuyên phái tàu và máy bay băng qua đường trung tuyến Eo biển Đài Loan, xóa bỏ ranh giới được xác định trên thực tế vào năm 1955. Quân đội Trung Quốc đã tăng tần suất, cường độ, và thời lượng các cuộc tập trận bắn đạn thật nhằm tạm thời thiết lập quyền kiểm soát trên không và trên biển xung quanh Đài Loan, nhờ đó giúp họ bao vây hòn đảo trên thực tế. Khả năng đáng gờm của Trung Quốc trong lĩnh vực chiến tranh thông tin cũng được thể hiện rõ ràng trong khái niệm chiến dịch vùng xám của nước này. Bắc Kinh đã đưa nhiều thông tin sai lệch vào truyền thông Đài Loan và bị nghi ngờ cắt cáp Internet ngầm kết nối tới các hòn đảo xa xôi do Đài Loan kiểm soát.
Không nên xem các chiến dịch vùng xám của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan chỉ là khúc dạo đầu cho một cuộc xâm lược đổ bộ. Thay vào đó, việc Bắc Kinh liên tục sử dụng các chiến thuật tương tự ở các vùng biển gần đó cho thấy những hành động này là phương pháp chính trong chiến lược dài hạn của họ nhằm khuất phục Đài Loan mà không cần dùng đến một cuộc xâm lược. Với cách tiếp cận này, Trung Quốc đang cố gắng bóp nghẹt khả năng Đài Loan kiểm soát các vùng biển và vùng trời xung quanh, cũng như hạn chế khả năng hòn đảo đưa ra các quyết định tự chủ về quân sự, ngoại giao, và kinh tế. Các hành động cưỡng ép này sẽ không đạt được mục tiêu chiếm đóng hoàn toàn như một cuộc tấn công đổ bộ thành công có thể mang lại. Tuy nhiên, chiến dịch mơ hồ này vẫn có thể mang lại những kết quả tương tự, cho phép Bắc Kinh kiểm soát Đài Loan trong hầu hết các khía cạnh quan trọng mà không cần bất kỳ sự đầu hàng chính thức nào.
Thất bại của Nga trong việc nhanh chóng chiếm Kyiv sau cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 càng củng cố thêm sức hấp dẫn của chiến lược xâm lấn này. Kể từ năm 2022, Bắc Kinh đã dần tỏ ra quan tâm đến các biện pháp chi phí thấp và ít rủi ro hơn để từ từ bóp nghẹt hòn đảo, có lẽ phản ánh sự thừa nhận của nước này, sau khi chứng kiến Moscow chật vật về mặt quân sự, rằng sẽ khó đạt được một chiến thắng quân sự nhanh chóng trước Đài Loan. Trung Quốc có thể từ từ thắt chặt sợi dây thòng lọng bằng cách mở rộng các cuộc tuần tra đặc biệt của lực lượng hải cảnh để bao trùm các khu vực rộng lớn của Eo biển Đài Loan, hoặc bằng cách áp đặt các biện pháp hải quan hoặc kiểm dịch để hạn chế dòng chảy thương mại. Các hoạt động kiểu này sẽ không quá khác các hoạt động mà Bắc Kinh từng thực hiện xung quanh đảo Kim Môn. Những hành động như vậy không dẫn đến sự phong tỏa theo nghĩa vận hành hoặc pháp lý, nhưng chúng vẫn giúp đạt được các mục tiêu tương tự, đồng thời duy trì khả năng tiến hành một chiến dịch toàn diện và có tính sát thương cao hơn trong tương lai.
RỦI RO THẤP, PHẦN THƯỞNG CAO
Bởi vì Davidson là sĩ quan quân đội cấp cao nhất của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và còn do mối lo ngại ngày càng tăng trong cộng đồng an ninh quốc gia Mỹ về tốc độ hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, Cửa sổ Davidson đã nhanh chóng được các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo quân sự Mỹ chấp nhận như thể một giáo điều. Nhưng có một số yếu tố khiến cho một cuộc xâm lược quân sự trực tiếp của Trung Quốc ít có khả năng xảy ra hơn một chiến dịch xâm lấn cường độ thấp, cả trước năm 2027 lẫn trong tương lai. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gắn việc thống nhất với Đài Loan với mục tiêu rộng lớn hơn là “phục hưng dân tộc” vào năm 2049, nhưng bản thân nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn còn mơ hồ về ý nghĩa thực tế của hành động thống nhất. Trung Quốc vẫn có thể đẩy thời hạn thống nhất ra ngoài Cửa sổ Davidson mà không rời bỏ chính sách dài hạn của mình đối với Đài Loan.
Trung Quốc cũng bị hạn chế do thiếu kinh nghiệm chiến đấu gần đây và thiếu niềm tin vào khả năng tiến hành các chiến dịch tác chiến. Chừng nào các biện pháp cưỡng ép của Bắc Kinh vẫn giúp họ mở rộng quyền kiểm soát thực tế đối với Đài Loan, thì Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục đi theo con đường mòn này – một con đường có thể mang lại phần lớn những thứ họ muốn với cái giá chỉ bằng một phần rất nhỏ của một cuộc xâm lược đổ bộ. Cho đến nay, phản ứng cầm chừng của Mỹ và các đồng minh đối với chiến lược cưỡng ép của Trung Quốc vẫn chưa thể làm nản lòng các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh. Xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn trên quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông, trục xuất Philippines khỏi Bãi cạn Scarborough, và làm suy yếu các nỗ lực của Việt Nam nhằm phát triển các mỏ dầu khí ngoài khơi bằng cách ngăn chặn quyền tiếp cận thực tế của Hà Nội vào các địa điểm này, là một trong số hàng loạt những thành công nhỏ giúp Trung Quốc mở rộng quyền kiểm soát và xây dựng niềm tin vào khả năng mở rộng các nỗ lực đó.
Việc theo đuổi chiến lược vùng xám tiềm ẩn một số rủi ro. Trung Quốc phải cẩn thận tính toán thời gian và mức độ của các hoạt động cưỡng ép của mình để tránh những phản ứng phản tác dụng từ Washington và các đồng minh trong khu vực. Đặc biệt, các hành động của Trung Quốc nhằm hạn chế hoặc cắt đứt các dòng lương thực, nhiên liệu, hoặc thông tin quan trọng tới Đài Loan có nguy cơ kích động những phản ứng tương xứng từ Mỹ. Tuy nhiên, cách tiếp cận vùng xám cũng mang lại những lợi thế khác biệt. Bắc Kinh có thể dựa vào lực lượng chấp pháp và tài sản dân sự trong các hoạt động chống lại Đài Loan, nhưng Mỹ thiếu các lực lượng hàng hải phi quân sự cần thiết để đáp trả. Washington có thể quay sang các biện pháp kinh tế hoặc ngoại giao, nhưng những biện pháp này sẽ không thể đảo ngược trực tiếp những lợi ích vật chất của Trung Quốc và khó có thể gây ra những tổn thất đủ để buộc Trung Quốc phải thay đổi hướng đi.
Mỹ đã chật vật tìm cách phối hợp với các đồng minh và đối tác để ngăn chặn các chiến dịch vùng xám ngày càng mang tính cưỡng ép của Trung Quốc. Miễn là Bắc Kinh không trực tiếp cản trở dòng chảy thương mại qua Eo biển Đài Loan, thì hầu hết các nước sẽ chọn đứng ngoài cuộc. Một số tác nhân nước ngoài, bao gồm các nước láng giềng trong khu vực của Trung Quốc và các thực thể thương mại như các công ty vận tải biển, có thể sẽ chấp nhận những loại hạn chế mới mà Bắc Kinh có thể áp đặt đối với Đài Loan. Các công ty đa quốc gia đã đặt ra một tiền lệ đáng lo ngại về việc nhượng bộ Bắc Kinh: chẳng hạn, trong nhiều năm qua, các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc đã tuân theo các quy định về thông báo của Bắc Kinh (khác với các quy định do Đài Bắc đặt ra) đối với các chuyến bay thương mại đi qua Eo biển Đài Loan.
THAY ĐỔI QUAN TRỌNG
Nếu Mỹ và Đài Loan vẫn chỉ tập trung vào Cửa sổ Davidson, họ sẽ đưa ra những quyết định không phù hợp với những lựa chọn chiến lược khả thi hơn đối với Trung Quốc. Các khoản đầu tư vào vũ khí chính xác và việc triển khai trước một lượng lớn tàu chiến và máy bay Mỹ ở châu Á là không phù hợp để đối phó với các chiến dịch mà Trung Quốc đã tính toán để duy trì ở mức vừa đủ, dưới ngưỡng khiến các tàu và máy bay này trở nên hữu ích. Tương tự, việc Đài Loan theo đuổi các khí tài quân sự cao cấp như tàu ngầm và máy bay chiến đấu, cũng như nâng cấp hoạt động huấn luyện quân sự tập trung vào việc đẩy lùi quân xâm lược, sẽ không thể cản trở Trung Quốc triển khai các biện pháp cưỡng ép thông qua lực lượng chấp pháp và các chiến thuật phi sát thương khác.
Thay vào đó, Đài Loan nên đi đầu trong việc chủ động đẩy lùi sự xâm lấn của Trung Quốc bằng cách tạo ra các vùng đệm để bảo vệ vùng trời, vùng biển, và nền kinh tế của mình. Chỉ kêu gọi mọi người chú ý đến các chiến dịch vùng xám của Trung Quốc là không đủ. Đài Loan sẽ được hưởng lợi từ việc tập trung đầu tư quốc phòng vào năng lực định vị – chẳng hạn bằng cách mua các cảm biến trên mặt đất và trên biển tiên tiến hơn, để phát hiện và giám sát tốt hơn sự hiện diện của máy bay và tàu Trung Quốc trong vùng trời và vùng biển gần đó. Họ cũng nên xây dựng một đội máy bay không người lái trên không và trên biển giá rẻ có thể hỗ trợ các hoạt động giám sát ở các khu vực xa xôi của Đài Loan và ứng phó với quy mô đáng kinh ngạc của các cuộc xâm nhập từ Trung Quốc với chi phí hợp lý. Đài Loan cũng phải mở rộng lực lượng bảo vệ bờ biển của mình, để đẩy lùi các hoạt động của lực lượng hải cảnh và hải binh Trung Quốc một cách quyết đoán hơn. Đài Bắc đã thực hiện một số bước đi khiêm tốn theo định hướng này, nhưng đang tiến quá chậm so với những thách thức do chiến dịch được tăng cường của Trung Quốc đặt ra. Đài Loan sẽ cần nhanh chóng tăng chi tiêu cho việc phát triển năng lực bản địa, và tập trung mọi khoản tài trợ quân sự nước ngoài từ Mỹ vào các loại hệ thống này.
Trong lĩnh vực thông tin, Đài Loan nên tăng cường hệ thống thông tin liên lạc và đào tạo lực lượng phòng thủ mạng tinh nhuệ hơn. Quan trọng hơn, Đài Loan phải tăng tốc nỗ lực mở rộng và đa dạng hóa các dịch vụ liên lạc vệ tinh và cơ sở hạ tầng để chống lại các cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào mạng thông tin và cáp Internet dưới biển của hòn đảo. Đài Loan hiện đã ký hợp đồng với Eutelsat OneWeb – một hệ thống tương tự như hệ thống Starlink đã được chứng minh là rất quan trọng ở Ukraine – nhưng hòn đảo vẫn cần thực hiện các bước tiếp theo để tăng băng thông vệ tinh trong thời gian tới.
Washington cũng sẽ đóng vai trò quan trọng đối với chiến lược vùng đệm của Đài Loan. Hồi tháng 4, Quốc hội Mỹ đã dành 2 tỷ USD để viện trợ quốc phòng cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng vẫn chưa rõ số tiền này sẽ được phân bổ như thế nào. Mỹ nên sử dụng một phần kinh phí sẵn có để tăng cường khả năng tình báo và giám sát trên không và trên biển của Đài Loan, cũng như các đội máy bay không người lái trên không, trên biển, và dưới nước của Đài Loan. Washington cũng nên cân nhắc một vai trò mở rộng hơn của Tuần dương Mỹ trong và xung quanh Eo biển Đài Loan. Hiện tại, lực lượng Tuần dương Mỹ đang tuần tra tại các vùng đặc quyền kinh tế của các đồng minh như Nhật Bản và Philippines, tuân thủ Luật Biển Quốc tế, và tham gia tập trận với các đối tác trong khu vực. Việc mở rộng nhiệm vụ của lực lượng này sang các vùng biển gần Đài Loan, chẳng hạn như tuần tra các ngư trường gần đó với mục đích đảm bảo quyền tiếp cận và hỗ trợ bảo tồn tài nguyên, có thể đẩy lùi nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát các khu vực này, đồng thời cũng tương xứng với việc Bắc Kinh sử dụng các tàu chấp pháp. Việc sử dụng tàu Tuần dương Mỹ sẽ ít có khả năng gây leo thang hơn so với việc sử dụng Hải quân Mỹ, và phù hợp với một chính sách nhằm duy trì hiện trạng mong manh.
Cuối cùng, Mỹ nên phối hợp với các công ty để hỗ trợ vùng đệm kinh tế của Đài Loan, đặc biệt là những công ty đang vận chuyển hàng hóa đến hòn đảo này bằng đường biển và đường hàng không. Một nhóm liên ngành từ Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa, và Bộ Ngoại giao nên thiết lập các kênh để đánh giá rủi ro mới nổi và chia sẻ các chỉ số cảnh báo sớm với lãnh đạo các tập đoàn thương mại đa quốc gia, các chủ hàng, và các công ty bảo hiểm. Hoạt động này nên được tiến hành một cách riêng tư để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập kế hoạch dự phòng, và cung cấp sự hỗ trợ của chính phủ và quân đội để các công ty có thể thực hiện các chuẩn bị về vật chất và tài chính nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu của Đài Loan.
Nếu dự đoán tốt nhất về hành vi trong tương lai chính là hành vi trong quá khứ, thì bên cạnh việc ngăn chặn một cuộc xâm lược hoàn toàn, Mỹ và Đài Loan cũng cần tập trung vào việc phát triển các chiến lược ngăn chặn việc Đài Loan bị khuất phục từ từ. Nếu Washington không thể thay đổi cách nhìn nhận cứng nhắc của mình, họ có thể trở thành kẻ ngoài cuộc trong lúc Đài Loan trượt dần vào quỹ đạo của Trung Quốc và biến mọi thứ thành chuyện đã rồi.
Isaac Kardon là nghiên cứu viên cấp cao của Chương trình Châu Á tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie.
Jennifer Kavanagh là nghiên cứu viên cấp cao của Chương trình Quản trị Mỹ (American Statecraft) tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.
No comments:
Post a Comment