Liên Âu muốn bảo vệ lợi ích của mình nhưng cố tránh gây tổn hại quan hệ với Trung Quốc
Thanh Phương
Đăng ngày: 31/05/2024 - 15:09
RFI
Châu Âu vốn là cái nôi của những thương hiệu xe hơi danh tiếng từ Mercedes đến Ferrari cũng như là nhà vô địch về động cơ xăng và diesel. Tuy nhiên, châu lục này đang rất lo ngại trước nguy cơ thị trường bị tràn ngập các kiểu xe điện Trung Quốc, vốn đã tiến rất xa trong lĩnh vực này.
Trung Quốc, đã vượt qua Nhật Bản vào năm ngoái để trở thành nước xuất khẩu xe hơi hàng đầu thế giới, đã đầu tư từ rất sớm vào sản xuất bình điện cho xe hơi, biến nó thành gần như là “đặc sản” của mình. Tại châu Âu, các thương hiệu Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng nhờ giá rẻ. Theo công ty JATO, chuyên phân tích các dữ liệu về ngành công nghiệp xe hơi, từ dưới 2% thị phần ở châu Âu vào cuối năm 2021, xe hơi điện Trung Quốc nay đã chiếm gần 8% thị phần vào cuối năm 2023.
Tăng thuế lên thành 20% đến 30%
Cáo buộc Bắc Kinh trợ cấp bất hợp pháp cho các nhà sản xuất Trung Quốc trên thị trường tương lai này, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen vào tháng 9 năm ngoái đã mở một cuộc điều tra chống trợ cấp. Cuộc điều tra này dẫn đến việc là vào tháng 6, hoặc trễ nhất là ngày 4/7, Liên Hiệp Châu Âu sẽ tăng thuế hải quan đối với xe hơi điện nhập từ Trung Quốc, hiện ở mức 10%.
Bà von der Leyen khẳng định xe hơi điện Trung Quốc “đang tràn ngập thị trường toàn cầu nhờ giá được giữ ở mức thấp giả tạo do được Nhà nước trợ cấp ồ ạt”. Bắc Kinh thì lên án Liên Âu thi hành chính sách“ bảo hộ mậu dịch ”.
Cuộc đối đầu về xe hơi điện giữa Liên Âu và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ, với cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, vẫn bị cáo buộc cạnh tranh bất chính trong một số lĩnh vực khác như tua-bin gió, tấm pin mặt trời và bình điện cho xe hơi. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm 14/05 đã thông báo tăng thuế hải quan đối với xe điện Trung Quốc từ 25% lên 100%, một biện pháp chẳng khác gì biến thị trường Mỹ thành một pháo đài, nơi mà hãng Tesla làm bá chủ.
Nhưng Liên Hiệp Châu Âu sẽ không dám mạnh tay như Hoa Kỳ. Một tuần sau thông báo của tổng thống Biden, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố phản ứng của châu Âu sẽ "nhắm vào đúng mục tiêu hơn" với mức thuế tương ứng "với mức độ thiệt hại" do xe hơi điện Trung Quốc gây ra.
Theo các chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn, thuế hải quan của Liên Âu có thể lên đến mức từ 20% tới 30%, đủ để giảm bớt số lượng xe hơi điện nhập từ Trung Quốc nhưng không ngăn chặn hoàn toàn. Khối 27 nước châu Âu hy vọng là biện pháp này sẽ giúp bảo vệ hàng tỷ euro đầu tư của ngành công nghiệp xe hơi vào việc chuyển đổi sang xe điện, mà vẫn tránh được xung đột tai hại với đối tác kinh tế thứ hai sau Hoa Kỳ.
Ngành công nghiệp châu Âu bị chia rẽ
Tuy nhiên, Phòng Thương mại Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu (CCCEU) cảnh báo Trung Quốc “đã chuẩn bị nhiều biện pháp đối phó” với việc Bruxelles tăng thuế nhập khẩu xe hơi. Ngay từ tháng 1, Bắc Kinh đã có phản ứng bằng một cuộc điều tra nhắm vào tất cả các loại rượu mạnh nhập khẩu từ Liên Hiệp Châu Âu, bao gồm cả rượu cognac. Báo chí Nhà nước Trung Quốc cho biết, rượu vang, các sản phẩm từ sữa, thịt heo và xe hơi động cơ lớn cũng nằm trong tầm ngắm.
Theo chuyên gia về địa chính trị thương mại Elvire Fabry của Viện Jacques Delors, được hãng tin AFP trích dẫn, khác với Liên Âu, Hoa Kỳ sẵn sàng gánh chịu cái giá phải trả cho một cuộc xung đột với Trung Quốc. Các biện pháp của Mỹ “dựa trên ưu tiên chính trị là cô lập Trung Quốc và làm chậm sự phát triển công nghệ của nước này”.
Còn về châu Âu, chuyên gia này giải thích: “Cách tiếp cận của châu Âu tập trung vào lĩnh vực kinh tế, dựa trên các kết quả điều tra và nhằm mục đích tái lập các điều kiện cạnh tranh công bằng”. Liên Âu đã mở điều tra về xe hơi điện Trung Quốc cũng chính là do áp lực từ Washington, hiện đang muốn thiết lập một mặt trận chung chống Bắc Kinh.
Vấn đề là, trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, ngành công nghiệp xe hơi châu Âu lại bị chia rẽ. Chuyên gia Elvire Fabry lưu ý rằng Đức đã có tác động để giảm thiểu mức thuế hải quan vì các nhà sản xuất của nước này "rất cần đến thị trường Trung Quốc”. Gần 40% số bán của các hãng Audi, BMW, Mercedes và Volkswagen là ở Trung Quốc. Phát ngôn viên của liên đoàn công nghiệp xe hơi Đức VDA đã từng bày tỏ quan ngại: “Rủi ro của một cuộc xung đột thương mại lớn là hiển nhiên và hậu quả của nó phải được tính đến”. Phát ngôn viên này kêu gọi Liên Âu nên có “chính sách từ bỏ việc tăng thuế”.
Ngược lại, về phía Pháp, các hãng xe hơi Renault, Peugeot và Citroën vắng mặt ở thị trường lớn nhất thế giới này và Paris đã nỗ lực bảo vệ ngành công nghiệp xe hơi châu Âu, hiện sử dụng đến 14,6 triệu nhân viên.
No comments:
Post a Comment