Chính phủ nói sạt lở đất ở Papua New Guinea chôn vùi hơn 2.000 người
Reuters
28/05/2024
VOA
Dân làng lùng sục đào xới sau vụ sạt lở đất ở Yambali, vùng Cao nguyên Papua New Guinea, ngày 26 tháng 5 năm 2024.
Vụ sạt lở đất lớn ở Papua New Guinea ba ngày trước đã chôn vùi hơn 2.000 người, chính phủ cho biết ngày thứ Hai, do địa hình hiểm trở cản trở viện trợ và làm giảm hi vọng tìm thấy người sống sót.
Trung tâm Thảm họa Quốc gia đưa ra con số mới trong một bức thư gửi Liên Hợp Quốc nêu ra số người tử vong có thể lên tới hơn 670 người.
Cách biệt này cho thấy địa điểm hẻo lánh và khó khăn trong việc ước tính dân số chính xác. Cuộc điều tra dân số đáng tin cậy cuối cùng của đảo quốc Thái Bình Dương này là vào năm 2000 và nhiều người sống trong những ngôi làng trên núi biệt lập.
Bộ trưởng Quốc phòng Billy Joseph cho biết 4.000 người sống trong sáu ngôi làng hẻo lánh ở khu vực Maip-Mulitaka thuộc tỉnh Enga, nơi vụ sạt lở đất xảy ra vào sáng sớm ngày thứ Sáu trong khi hầu hết mọi người đang ngủ.
Hơn 150 ngôi nhà bị chôn vùi dưới đống đổ nát cao gần bằng hai tầng. Lực lượng cứu hộ nghe thấy tiếng la hét dưới đất.
Hơn 72 giờ sau vụ sạt lở đất, người dân vẫn phải dùng thuổng, gậy và tay trần để cố gắng di dời đống đổ nát. Theo chính quyền tỉnh, chỉ có năm thi thể được tìm thấy.
Thiết bị hạng nặng và viện trợ đến chậm do địa điểm hẻo lánh trong khi chiến tranh giữa các bộ tộc gần đó đã khiến các nhân viên cứu trợ phải di chuyển trong các đoàn xe do binh lính hộ tống và trở về thủ phủ của tỉnh, cách đó 60 km, vào ban đêm.
Xe máy xúc đầu tiên chỉ đến được địa điểm xảy ra thảm họa vào cuối Chủ nhật, theo một quan chức Liên Hợp Quốc.
Úc đã công bố gói viện trợ ban đầu trị giá 2,5 triệu đôla Úc (1,66 triệu đôla Mỹ) vào cuối ngày thứ Hai và cho biết sẽ cử các chuyên gia kĩ thuật đến giúp cứu hộ và thu hồi.
Trung Quốc, nước đang ve vãn các đảo quốc Thái Bình Dương, cũng nói sẽ viện trợ.
Mưa, mặt đất không ổn định và nước chảy đang khiến việc dọn dẹp các đống đổ nát cực kì nguy hiểm cho người dân và các toán cứu hộ, theo Serhan Aktoprak, trưởng phái bộ của cơ quan di trú LHQ ở Papua New Guinea.
No comments:
Post a Comment