VNTB – Phe phái trong đảngCSVN kiên trì tiêu diệt lẫn nhau
Người Tân Định
12.07.2025 9:22
VNThoibao

Bài báo trên trang daidoanket.vn, “Tổng Bí thư kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm liên quan đến sắp xếp bộ máy,” cho thấy những nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực tại Việt Nam, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2025.
Có vẻ như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm liên quan đến công tác bố trí, sắp xếp cán bộ và quản lý tài sản công. Hơn 100 văn bản về xây dựng đảng và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã được ban hành. Kỷ luật 230 tổ chức đảng và 7.235 đảng viên, trong đó có 11 cán bộ diện Trung ương quản lý. Kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 9.533 tỷ đồng và 617ha đất; chuyển cơ quan điều tra 28 vụ việc. Khởi tố mới 1.776 vụ/4.038 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
Suy nghĩ về tình trạng sai phạm và chuyển biến
Bài báo như thể hiện sự quyết tâm cao của đảng CSVN trong công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, các sai phạm vẫn diễn ra từ hồi ông Hồ Chí Minh còn sống, đã giết đại tá Trần Dụ Châu, người tham nhũng vải vóc may quần áo, mùng mền và gạo cho lính. Cho đến nay càng ngày càng biến tướng tinh vi bội phần và tràn lan như nấm mốc trên chiếc bánh thiu, dù các tổng bí thư nào cũng lên gân cổ kêu gào cần phải xử lý liên tục, chỉ đạo “kịp thời phát hiện và xử lý”, “khẩn trương rà soát”, “xử lý dứt điểm các vụ án” cho thấy đây là một cuộc chiến dai dẳng và phức tạp.
Những giải pháp được đưa ra trong bài báo tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, xử lý nghiêm minh các vi phạm đã xảy ra, và tăng cường các biện pháp phòng ngừa.
Việc ban hành hơn 100 văn bản về xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong 6 tháng đầu năm 2025 cộng với hàng trăm, hàng ngàn văn bản về cùng một vấn đề cũ rích này cho thấy bệnh tham nhũng trở thành ung thư trong cơ thể già nua, rệu rã của đảng.
Tham nhũng trong đảng CSVN càng ngày càng biến tướng dưới nhiều hình thức tinh vi, liên quan đến lợi ích nhóm, sự móc ngoặc giữa các cá nhân, tổ chức. Những sai phạm của đảng viên đã trở thành “thói quen” hoặc “lề lối” trong đảng. Việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, hay xử lý các dự án tồn đọng thường liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành, lợi ích khác nhau, khiến quá trình này trở nên phức tạp và càng trở nên rối tung, rối mù, càng bốc mùi thức ăn của đám kền kền.
Hàng trăm ngàn đảng viên và tổ chức đảng bị kỷ luật, “hàng ngàn đảng viên và tổ chức đảng bị kỷ luật, hàng ngàn tỷ đồng và đất đai được kiến nghị thu hồi, cùng với việc khởi tố nhiều vụ án lớn.” Tình trạng sai phạm vẫn không thuyên giảm, thậm chí còn cần nhiều chỉ thị, quyết định hơn. Thật hết sức thất vọng khi người ta cứ nói đến chuyện như vậy. Đây là một cảm nhận rất phổ biến và chính đáng của nhân dân khi chứng kiến những vấn đề này từ ngày có đảng.
Thực tế, việc “càng ngày càng phải ra nhiều hơn chỉ thị, quyết định” và “càng ngày càng phải xử lý nhiều vụ việc” cho thấy sự quyết tâm cao độ và sự tàn nhẫn của đám chop bu trong đảng đánh lẫn nhau. Phe ‘tinh hoa’ bên này quyết tâm làm sạch phe ‘ưu tú” bên kia dù cả hai cùng chung bộ máy. Nó cũng phản ánh khả năng phát hiện sai phạm ngày càng tốt hơn của các thái tử đảng, của các hạt giống đỏ để tiêu diệt lẫn nhau một cách không thương tiếc, không còn nhân nhượng, hay dung túng như trước để tránh xấu hổ cho cả đôi ba bên trước nhân dân. Những vụ việc lớn được đưa ra ánh sáng và “xử lý nghiêm minh” là minh chứng cho điều này.
Tham nhũng, tiêu cực là một vấn đề ăn sâu, bám rễ trong nhiều lĩnh vực và cấp độ. Tiêu diệt phe bên kia để bên này dễ tung hoành, thao túng hơn, và rồi phe phái lại mọc lên ngay trong phe thắng trận, vì quyền lợi không luôn hòa hợp giữa các phe phái trong đảng.
Vì vậy, dù người dân có thể cảm thấy đảng “càng ngày càng tồi tệ” khi nhìn vào số lượng vụ việc phải xử lý, thì đảng cũng không cách nào che giấu cuộc chiến chống lẫn nhau dưới chiêu bài chống tham nhũng đang diễn ra mạnh mẽ và quyết liệt.
Mỗi hoàn cảnh mới lại tạo ra tiêu cực mới và lớn hơn.
Đặc biệt là trong bối cảnh sáp nhập tỉnh mà Tô Lâm đề cập. Khi có những thay đổi lớn về cơ cấu tổ chức, như việc sáp nhập các đơn vị hành chính, thường sẽ phát sinh nhiều vấn đề để thừa nước đục thả câu.
Bọn cá mập nhắm vào thời cơ:
Sự chồng chéo, lỏng lẻo trong quản lý: Giai đoạn chuyển tiếp trong sáp nhập thường tạo ra kẽ hở trong công tác quản lý, giám sát. Việc sắp xếp lại nhân sự, tài sản, hồ sơ có thể trở nên lộn xộn, thiếu minh bạch, tạo điều kiện cho các hành vi trục lợi.
Thanh lý tài sản công: Khi sáp nhập, có thể có những cơ sở vật chất, đất đai, tài sản công không còn được sử dụng. Quá trình định giá, thanh lý, chuyển đổi mục đích sử dụng các tài sản này là cơ hội bằng vàng, vàng thật, bỏ túi dễ dàng.
Lại còn nữa, việc thay đổi cơ cấu tạo ra những vị trí quyền lực mới hoặc thay đổi phạm vi ảnh hưởng của một số cá nhân, tổ chức. Đây là lúc thuận tiện nhất để kéo bè, kéo cánh, diệt đồng chí, kẻ thù để hợp thức hóa các lợi ích nhóm. Chợ âm phủ chạy quyền, nhận hối lộ để được giữ vị trí hoặc chuyển đổi công tác vô cùng nhộn nhịp, mua may bán đắt. Phe của Tô Lâm đã chỉ đạo kịp thời phát hiện và kiểm soát, chặt tay chân bên kia. Sàng lọc không để kẻ thù lọt lưới.
Những xử lý sai phạm của phe này đối với phe kia, ở đậy rõ ra là của phe đang nắm quyền rất lớn đối với các phe còn lại, thật ra không hẳn là dấu hiệu của sự đổ vỡ hoàn toàn của lý tưởng “tinh hoa”, mà là minh chứng cho một cuộc đấu tranh nội bộ gay gắt nhằm bảo vệ và tái khẳng định những giá trị “ưu tú” kiểu cộng sản đỏ. Mục tiêu cuối cùng của tất cả các phe phái trong đảng vẫn là giữ vững được quyền thao túng xã hội và làm chủ nhân dân.
No comments:
Post a Comment