Tuesday, July 15, 2025

Đóng cửa Bộ Giáo dục: Một bước lùi nghiêm trọng của nước Mỹ
Sydney Trần
15-7-2025
Tiengdan

Từ khi Trump công bố sắc lệnh hành pháp nhằm “giải thể” Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, nước Mỹ đã bước vào một cuộc tranh luận không chỉ xoay quanh một cơ quan chính phủ, mà là về bản chất và tương lai của nền giáo dục quốc gia.

Dưới lớp vỏ “cải cách hành chính” là một chương trình nghị sự mang tính ý thức hệ nhằm tháo gỡ vai trò của liên bang trong việc bảo đảm công bằng giáo dục, bảo vệ quyền lợi cho những học sinh bị thiệt thòi, và gìn giữ một nền tảng tri thức của quốc gia.

I. Tối cao pháp viện mở đường cho việc giải thể Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Trong một phán quyết gây chấn động chính trường ngày hôm nay (14 tháng 7, 2025), Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã cho phép chính quyền Trump tiếp tục sa thải hàng loạt nhân viên Bộ Giáo dục, bất chấp các phán quyết từ tòa cấp dưới cảnh cáo rằng hành động này có thể “làm tê liệt toàn bộ cơ quan” này và sẽ “gây thiệt hại không thể đảo ngược”.

Phán quyết này đánh dấu chiến thắng rõ rệt cho phe bảo thủ trong Tòa án tối cao, vốn hiện chiếm đa số 6 ghế so với 3 ghế tự do, sau khi Trump bổ nhiệm ba thẩm phán trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Quyết định này không chỉ mở đường cho việc giải thể Bộ Giáo dục mà còn tạo tiền lệ nguy hiểm rằng một tổng thống có thể vô hiệu hóa cơ quan liên bang bằng cách đơn giản là sa thải toàn bộ đội ngũ làm việc cho cơ quan đó.

Trong bài phản đối đầy gay gắt, Thẩm phán Sonia Sotomayor viết: “Tòa án hôm nay trao vào tay Hành pháp quyền lực để xóa bỏ một cơ quan lập pháp đã thành lập, không cần sửa đổi luật, không cần đồng thuận quốc hội, chỉ cần sa thải”.

Bà gọi đây là một “hành động không thể biện hộ”, làm xói mòn nguyên tắc phân quyền và đe dọa nghiêm trọng đến sự cân bằng quyền lực trong nền dân chủ Hoa Kỳ.

Quyết định này không chỉ là thắng lợi pháp lý cho Trump, mà còn là một bước tiến quan trọng trong kế hoạch “triệt thoái chính phủ”, một chiến lược lâu dài nhằm thu hẹp vai trò liên bang, trao quyền tuyệt đối cho các tiểu bang, và tái cấu trúc toàn diện nền giáo dục công lập theo khuynh hướng bảo thủ.

II. Đánh sập hệ thống bảo vệ học sinh yếu thế

Bộ Giáo dục không chỉ là nơi phân phát ngân sách. Nó là trụ cột bảo đảm cho mọi học sinh, dù nghèo, khuyết tật, hay thuộc nhóm thiểu số, đều có quyền tiếp nhận một nền giáo dục công bằng.

Nếu không có Bộ giáo dục, ai sẽ giám sát các tiểu bang khi họ cắt giảm sự giúp đở học sinh khuyết tật? Ai sẽ buộc các trường phải có dịch vụ ngôn ngữ cho trẻ em di dân? Ai sẽ can thiệp khi một học sinh bị kỳ thị vì giới tính, màu da, hay tín ngưỡng?

Những chương trình như Title I (cho học sinh nghèo) hay IDEA (cho học sinh khuyết tật) không chỉ là ngân sách, chúng là lời hứa của nước Mỹ rằng “mọi trẻ em đều có giá trị như nhau”. Việc cắt đứt vai trò của liên bang trong các chương trình này chẳng khác nào phản bội những lời hứa ấy.

III. Làm tê liệt hệ thống hỗ trợ sinh viên

Bộ Giáo dục quản lý khoản nợ sinh viên trị giá hơn 1,600 tỷ đô la. Cơ quan này cấp phát học bổng Pell, điều hành chương trình làm thêm có lương cho sinh viên nghèo, và giám sát các công ty quản lý khoản tiền vay cho học sinh.

Bây giờ khi Bộ giáo dục bị đóng cửa, việc di chuyển các chương trình này sang một cơ quan khác (chưa biết là nơi nào) sẽ gây rối loạn rộng lớn. Sinh viên sẽ không nhận được tiền học bổng đúng hạn, các trường đại học sẽ mất nguồn thu ngân ổn định, và hàng triệu học sinh sẽ phải bỏ học vì không mượn được tiền đúng lúc.

Nói cách khác, một thế hệ sinh viên sẽ phải trả một cái giá rất đắt cho cái quyết định vội vàng, vô trách nhiệm của chính quyền Trump.

IV. Xóa sổ dữ liệu và nghiên cứu giáo dục

Một đất nước không thể cải thiện giáo dục nếu không có tài liệu nghiên cứu. Bộ Giáo dục, thông qua Viện Khoa học Giáo dục (IES) và Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia (NCES), thu thập và công bố các chỉ số quan trọng về trường học, học sinh, giáo viên và thành tích học tập.

Vậy mà, nhân sự của NCES đã bị cắt từ hơn 100 người xuống còn… ba. Hệ quả của việc làm này là “bảng điểm quốc gia” (NAEP) không thể tiếp tục công bố, dữ liệu phân bổ ngân sách bị sai lệch, và các nghiên cứu cải cách giáo dục bị tê liệt. Thậm chí luật bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu học sinh (FERPA) cũng có thể mất hiệu lực nếu Bộ giáo dục không còn tồn tại.

Xóa dữ liệu, cắt nghiên cứu thì cũng ví như nước Mỹ tự chọc cho mắt mình mù trong khi vẫn cố lèo lái con tàu giáo dục.

V. Phục vụ ai? Câu trả lời nằm trong Project 2025

Việc giải thể Bộ Giáo dục là một phần của tổng kế hoạch Project 2025, bản cẩm nang hơn 900 trang của tổ chức Heritage Foundation, định hình toàn bộ chính sách bảo thủ cho nhiệm kỳ thứ hai của Trump.

Trong lĩnh vực giáo dục, Project 2025 đề nghị:

– Tư nhân hóa tất cả trường công

– Kết thúc chương trình bữa ăn miễn phí cho học sinh nghèo

– Áp đặt chương trình học theo chiều hướng “bảo thủ”

– Loại bỏ phần dạy về bình đẳng chủng tộc và giới tính

Nói cách khác, đây không phải là cải cách mà là một cuộc “tái thiết” mang tính ý thức hệ, nhằm biến giáo dục công thành sân chơi cho thị trường tư và là công cụ truyền bá tư tưởng chính trị cực hữu.

VI. Một rạn nứt trầm trọng trong sự cam kết của quốc gia

Việc đóng cửa Bộ Giáo dục không chỉ gây hỗn loạn hành chính hay mất hiệu quả tạm thời. Nó đặt lại câu hỏi là nước Mỹ có còn cam kết với nguyên tắc “mọi trẻ em đều có cơ hội học hành như nhau không?”

Hay chúng ta sẽ chấp nhận một hệ thống “50 bang – 50 kiểu giáo dục”, nơi tương lai của trẻ em lệ thuộc hoàn toàn vào ZIP code nơi chúng sinh ra?

Không ai phủ nhận rằng Bộ Giáo dục cần cải tổ. Nhưng cải tổ không có nghĩa là triệt phá. Nếu vì bất mãn với sự hoạt động chậm chạp và quan liêu mà chúng ta đập bỏ cả hệ thống, thì đó là một hành vi liều lĩnh không khác gì muốn chữa cúm bằng cách… chặt đầu.

Đừng lấy tương lai học sinh làm vật thí nghiệm chính trị

Trong lịch sử, vai trò của chính phủ liên bang trong ngành giáo dục luôn là nơi tranh chấp giữa hai luồng tư tưởng tự do và bảo thủ. Nhưng dù khác biệt thế nào, chưa từng có thời điểm nào mà một tổng thống công khai tìm cách triệt tiêu toàn bộ hệ thống giáo dục liên bang như hiện nay.

Hành động ấy sẽ để lại hậu quả tai hại kéo dài hàng mấy mươi năm sau. Các học sinh yếu thế sẽ chịu thiệt đầu tiên. Các trường học sẽ mất định hướng. Các gia đình sẽ rơi vào hỗn loạn. Và nước Mỹ, vốn từng tự hào là mô hình giáo dục công đầy sáng tạo, sẽ đánh mất chính linh hồn của mình.

Giáo dục không phải là món hàng, và tương lai học sinh không thể là con cờ trong một canh bạc chính trị.

________________

Nguồn tham khảo:

– Bài từ ACLU và Civil Rights Org kêu gọi kiểm soát Project 2025 trong lĩnh vực giáo dục (Leadership Conference).

– Báo cáo của NEA liệt kê số lượng giáo viên/năm học chịu ảnh hưởng khi Title I và Head Start bị loại bỏ (National Education Association).

– Brookings Institute tóm tắt trực tiếp các đề xuất như “Dismantle the U.S. Department of Education” trong bài phân tích (Brookings).

No comments:

Post a Comment