Monday, July 14, 2025

Không thể đặc xá ngoài luật
Lê Thọ Bình
14-7-2025
Tiengdan

Sự kiện người dân, trong đó có không ít nghệ sĩ nổi tiếng, ký tên kiến nghị đặc xá cho ông Đinh La Thăng, người đang thụ án 30 năm tù, đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Tuy nhiên, dưới góc nhìn pháp luật, điều đáng bàn không phải là tình cảm, mà là nguyên tắc: Pháp luật không thể vận hành theo cảm tính và cũng không thể có ngoại lệ, dù người được đề nghị đặc xá là ai.

Đặc xá là chế định nhân đạo, không phải ân huệ tùy nghi:

Theo Luật Đặc xá năm 2018, đặc xá là việc Chủ tịch nước, nhân dịp lễ lớn hoặc sự kiện đặc biệt, quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù, căn cứ theo đề nghị của Hội đồng tư vấn đặc xá. Tuy nhiên, luật không cho phép đặc xá “theo dư luận xã hội” hay “theo thỉnh nguyện thư triệu chữ ký”.

Cụ thể, Khoản 1, Điều 4 Luật Đặc xá quy định rõ những điều kiện để được xét đặc xá, trong đó bao gồm: đã chấp hành án ít nhất một phần thời gian theo quy định, có thái độ cải tạo tốt, đã thi hành xong phần nghĩa vụ bồi thường dân sự. Chính điều kiện này đang là rào cản lớn nhất đối với ông Đinh La Thăng.

Ông Thăng bị buộc bồi thường hơn 800 tỷ đồng, và đến nay, theo các nguồn thông tin chính thức, chưa khắc phục được khoản thiệt hại này. Vậy nên, dù có một triệu hay 10 triệu chữ ký, nếu căn cứ vào luật, ông vẫn chưa đủ điều kiện để được đề nghị đặc xá. Pháp luật không vận hành bằng số lượng chữ ký hay mức độ yêu thương trong cộng đồng.

Không thể phủ nhận, ông Đinh La Thăng là một người có cá tính đặc biệt trong hàng ngũ quan chức. Cách điều hành quyết liệt, dám làm dám chịu, gần gũi với dân, với cấp dưới, để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí nhiều người. Tuy nhiên, công và tội cần được tách bạch rạch ròi. Tình cảm cá nhân không thể là căn cứ để làm mềm hóa các quy định của pháp luật.

Nếu xã hội vận hành theo hướng “ai được thương thì được tha”, thì tính nghiêm minh, công bằng, vốn là trụ cột của pháp quyền, sẽ bị xói mòn. Khi đó, người ít được biết đến, không có dư luận bảo vệ, sẽ luôn chịu thiệt thòi, còn người nổi tiếng hay có “triệu chữ ký” sẽ được ưu ái. Một nền pháp trị không thể dựa vào những “nền công lý dư luận” như vậy.

Lối ra nằm ở cải cách luật, không phải ở vận động cảm tính:

Dù luật hiện hành không cho phép đặc xá khi chưa bồi thường xong thiệt hại, nhưng xã hội hoàn toàn có thể hướng tới những giải pháp nhân đạo, một cách hợp pháp và đúng tinh thần cải cách tư pháp.

Một trong số đó là kiến nghị sửa đổi Luật Thi hành án hình sự, bổ sung quy định cho phép giám sát điện tử tại cộng đồng với những người phạm tội kinh tế, có thái độ cải tạo tốt, ít nguy cơ tái phạm, tuổi cao hoặc có bệnh lý nghiêm trọng.

Việc áp dụng “giám sát tại cộng đồng” bằng vòng điện tử không chỉ giảm tải cho hệ thống trại giam, tiết kiệm ngân sách, mà còn tạo điều kiện để người phạm tội khắc phục hậu quả, chuộc lại lỗi lầm. Đây là cách tiếp cận tiến bộ, thể hiện sự kết hợp giữa pháp trị và nhân đạo, thay vì “đặc xá ngoài luật”.

Bài toán đặt ra không phải là “có nên tha ông Thăng vì ông ấy được thương mến”, mà là “có nên sửa luật để tạo cơ chế khoan dung đúng mực, công bằng, áp dụng cho tất cả những người có hoàn cảnh tương tự?”.

Nếu thật sự muốn ông Thăng hay những người như ông có cơ hội về với gia đình sớm hơn, thì thay vì ký tên xin đặc xá, xã hội nên thúc đẩy các nhà lập pháp hoàn thiện khung pháp lý, sao cho vừa thượng tôn pháp luật, vừa giữ được giá trị nhân đạo, vốn là linh hồn của một nền tư pháp tiến bộ.

Công lý không thể bị cảm tính lấn át. Nhưng cảm xúc xã hội cũng không nên bị bỏ rơi. Điều cần là biến lòng thương thành động lực cải cách pháp luật, đó mới là cách làm tử tế và bền vững trong một nhà nước pháp quyền.

No comments:

Post a Comment