Cơ hội đặc xá cho ông Đinh La Thăng nhìn từ góc độ cảm xúc xã hội và luật pháp
16/07/2025(một giờ trước)
BBC

Getty Images/BBC
Ông Đinh La Thăng từng nói mong muốn của ông là "nếu có chết thì được làm ma tự do chứ không phải ma tù", trước vành móng ngựa bảy năm trước, khi nhận tổng án tù 30 năm. Nay, đang có một bộ phận dư luận lên tiếng kêu gọi nhà nước đặc xá cho ông. Liệu cơ hội được tự do sớm của ông Thăng tới đâu?
Những lời kêu gọi đặc xá cho ông Đinh La Thăng trước ngày Quốc Khánh 2/9/2025 đến từ những cái tên có ảnh hưởng trên mạng xã hội, trong đó có nhiều nhà báo, nhà văn, văn nghệ sĩ.
Các bài viết này được đăng tải trên Facebook, mô tả ông Đinh La Thăng như một người lãnh đạo tình nghĩa với nhân dân, xả thân trong sự nghiệp, quên mình vì quyền lợi của tập thể, hành xử nghĩa khí từ khi còn đương chức cho tới khi đứng trước vành móng ngựa. Và cho rằng công của ông nhiều hơn tội.
Nội dung những bài này sau đó được chia sẻ lại trên nhiều diễn đàn online khác, tạo nên một làn sóng dư luận kêu gọi trả tự do cho ông Thăng, với hàng ngàn bình luận, chủ yếu bày tỏ tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ ông.
Một số người còn kêu gọi thu thập một triệu chữ ký, thậm chí đề xuất mỗi cá nhân trong một triệu người này ủng hộ 800.000 đồng để giúp khắc phục số tiền ông Thăng gây thiệt hại cho nhà nước - tương đương 800 tỷ đồng.
Đọc nhiều nhất




Ông Đinh La Thăng bị bắt tháng 12/2017, trải qua bốn vụ án với tổng hình phạt 30 năm tù.
Trước khi sa cơ, ông Thăng từng là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 10, 11, 12; Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12; Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Bộ trưởng Giao thông Vận tải; Bí thư Thành ủy TP HCM (2016-2017).
Sự kiện ông Thăng ngã ngựa khi đang là "ngôi sao đang lên" trên chính trường Việt Nam được xem là một cột mốc quan trọng, một "nước cờ" mang tính quyết định trong cuộc chiến đốt lò của cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng, theo giới quan sát thời đó.
Bên 'tình'

Getty Images
Ông Đinh La Thăng trong một phiên toà
Nhà báo Trần Thị Sánh, với hơn 33.000 người theo dõi trên Facebook, là một trong những người đầu tiên "nổ phát súng" thu hút sự chú ý của dư luận đến việc đặc xá cho ông Thăng trong những ngày gần đây.
Một trong những bài viết được chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội của bà có thể kể đến "Cân nhắc giữa công và tội, nên đặc xá cho ông Đinh La Thăng" đăng hôm 13/7 trên Facebook cá nhân.
"Đàng hoàng, bản lĩnh", "điềm đạm, lịch lãm", "quân tử", "khí phách", "dám nghĩ dám làm" là những từ được tác giả dùng để nói về ông Đinh La Thăng.
"Công" mà bài viết đề cập, bao gồm các "việc làm nhân văn, hành động đẹp" của ông Thăng, như nhường chỗ và chỉnh micro trên bục xét hỏi cho một bị cáo khác đang bị ốm trong phiên tòa năm 2018; luôn đến "sớm và đúng giờ trong các cuộc họp, kéo ghế ngồi cho người đến sau, gắp thức ăn cho cấp dưới, uống rượu đế với dưa cà cùng công nhân trên công trường, làm việc không có ngày nghỉ...
"Tội" mà tác giả nêu ra, là 'nóng vội, chủ quan' trong các dự án an ninh năng lượng, do 'bị sức ép', "làm nhiều thì có sai và vấp váp", và rằng ông Thăng không bị tù vì tham nhũng mà chỉ vì bị quy trách nhiệm người đứng đầu, so với các lãnh đạo cấp cao khác cùng là ủy viên Bộ Chính trị gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Đảng thì việc kết tội ông Thăng "là quá nặng".
"Vì sức ép của dự án liên quan đến an ninh năng lượng nên ông đã ép cấp dưới thực hiện khiến họ không đủ thời gian chuẩn bị các thủ tục theo quy trình. Ông đã nóng vội, chủ quan... Ông nhận hết trách nhiệm về mình và đề nghị HĐXX xem xét yếu tố lịch sử của bối cảnh để lượng hình, giảm nhẹ cho anh em. Còn ai tham ô, dù chỉ một xu, ông cũng không xin cho họ," một đoạn trong bài viết nêu.
"Thử hỏi Đỗ Hữu Ca, tham nhũng hơn 30 tỷ mà sao hơn 2 năm đã ra tù?," tác giả đặt câu hỏi.
Ông Ca là cựu Giám đốc Công an Hải Phòng, bị bắt tháng 2/2023, sau đó bị tuyên mức án 10 năm tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vào tháng 4/2024. Đúng một năm sau đó, ông là một trong hơn 8.000 người được Chủ tịch nước Lương Cường đặc xá nhân dịp 30/4.
Bài viết kêu gọi nhà nước cân nhắc công tội, của ông Thăng để khoan hồng cho ông nhân dịp 2/9, đồng thời kết luận:
"Có lẽ, trong lịch sử tố tụng ở nước ta, không ai nhận được nhiều sự cảm thông, chia sẻ, xót xa và thương cảm của xã hội như ông Đinh La Thăng."
Chỉ sau một ngày đăng tải, bài viết đã nhận được vài ngàn lượt yêu thích và chia sẻ.

Getty Images
Ông Đinh La Thăng thời còn làm bộ trưởng Giao thông năm 2014
Cùng quan điểm nói trên, một bài viết của tác giả Nguyễn Quốc Chính (bút danh Gã Khờ, với 84.000 người theo dõi) trên Facebook cho rằng "Công lý không chỉ nằm ở bản án, mà còn nằm ở cách một chế độ đối xử với những người đã ngã xuống – sau khi từng đứng ở tuyến đầu."
Trong bài viết tiêu đề "vấn đề không phải là "Ông sai không?", mà là "Đã đến lúc nên tha thứ chưa?"
Tác giả nêu nhận định rằng ông Thăng có sai phạm, nhưng 'không phải là tội ác', rằng ông là một lãnh đạo "đáng được ghi nhận" với các "đột phá trong ngành dầu khí, năng lượng và hạ tầng".
Kêu gọi đặc xá cho ông Thăng, bài viết còn đưa ra các lý lẽ củng cố cho sự hợp lý của việc này, như "đã thi hành án gần 8 năm, không vi phạm kỷ luật trại giam"; "Không có án tham nhũng cá nhân"' "Có tiền sử bệnh lý, tuổi cao, và từng đóng góp lớn".
Bài viết kết luận rằng "tha thứ" cho ông Thăng, cũng là "cách một dân tộc tự chữa lành những vết thương của chính mình".
Tài khoản Lao Ta của nhà văn Tạ Duy Anh có gần 60.000 người theo dõi trên Facebook, lên tiếng yêu cầu "công bằng với ông Đinh La Thăng".
Tác giả cho hay đã "quen và thân" với ông Thăng gần 40 năm và thấy rằng ông Thăng "thực sự là một quan chức khác thường".
Sự "khác thường" này sau đó được kể lại thông qua các sự kiện như "sự dấn thân kiêu hùng" của ông Thăng ở Hoà Bình, việc ông "hiện lên như một thủ lĩnh thanh niên", "một quan chức cộng sản thông minh, năng động", "hào sảng, trực tính, hùng tâm tráng chí".
Để củng cố thông tin rằng người dân rất yêu quý ông Thăng, người viết kể đã lên thăm ông Thăng ở trại giam Ngọc Lý, và thấy "người dân từ mọi miền kéo về" trại để biếu mít cho ông Thăng vì có tin đồn ông thích ăn mít, tới nỗi có bữa trại giam phải nhận hàng trăm quả mít.
Lại thêm "một cụ già móm mém, nước mắt lã chã", cứ hỏi "ông Thăng tội gì" khiến "những người khác cùng mếu máo khóc theo."
Ông Tạ Duy Anh kết luận "xã hội thì phải đủ sáng suốt, sự công bằng để những quan chức suốt đời vì người dân như ông không biến mất".
Bên 'lý'

Getty Images
Ông Đinh La Thăng thời còn là Bí Thư thành uỷ TP Hồ Chí Minh
Luật sư Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Công ty ATN & Cộng sự ở Hà Nội, nói với BBC News Tiếng Việt rằng cá nhân cũng có cảm tình với ông Đinh La Thăng nhưng liên quan đến khả năng đặc xá cho ông Thăng thì cần xét về mặt pháp lý.
"Dù nhiều người dân có thể có cảm tình với ông Thăng, nhưng không thể lấy cảm xúc ra làm thay luật pháp," ông Tuấn nói.
Theo đó, căn cứ quyết định đặc xá năm 2025 của chủ tịch nước, điều kiện để phạm nhân được xét đặc xá là đã chấp hành án tù ít nhất 1/3 thời gian đối với trường hợp phạt tù có thời hạn, ít nhất 14 năm đối với trường hợp phạt tù chung thân đã được giảm xuống phạt tù có thời hạn.
Đây là điểm mới so với quyết định đặc xá năm 2024 khi người tù cần phải chấp hành án phạt ít nhất 1/2 thời gian thì mới nằm trong diện được xem xét.
Bị bắt năm 2017, kết án năm 2018, hiện ông Đinh La Thăng mới chấp hành được tám năm, tức chưa được 1/3 trong tổng số 30 năm tù.
Bên cạnh đó, theo quy định, người phạm tội đã bồi thường xong thiệt hại, nghĩa vụ dân sự, trả lại tài sản, được đưa vào diện rà soát để xét đặc xá.
Ông Đinh La Thăng gây thiệt hại hơn 800 tỷ đồng, tới nay, theo một số nguồn tin, chưa bồi thường được hết.
Do đó, theo luật sư Ngô Anh Tuấn, ông Thăng không đủ điều kiện để được đặc xá thời gian này.
Ông Thăng có thể được xếp vào diện được xem xét đặc xá vào một số dịp đặc biệt trong trường hợp có văn bản pháp lý đề nghị giảm số tiền mà ông phải bồi thường, theo luật sư Tuấn.
"Hoặc có người - chẳng hạn những người được hưởng lợi từ các chính sách của ông Thăng - xin thay ông nộp khắc phục số tiền nói trên," luật sư Tuấn nói.
"Nếu đáp ứng được các rào cản trên mà vẫn ưu ái đặc xá cho ông Thăng dịp này thì sẽ tạo tiền lệ xấu, lỗ hổng trong luật pháp không thể bù đắp được. Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hẳn sẽ không đánh đổi việc ưu ái một vài cá nhân để gây ảnh hưởng tới một hệ thống pháp luật," luật sư từ Hà Nội phân tích.
Trước dư luận cho rằng ông Đinh La Thăng thực sự khách quan, công tâm, "công nhiều hơn tội", ông Tuấn cho rằng nếu điều này đúng thì có thể cần xem xét sửa một số điều luật liên quan.
"Chẳng hạn, có thể xem xét ban hành luật về các lỗi gây ra do vô ý chứ không phải do trục lợi cá nhân.
"Trên thực tế, có trường hợp quan chức bị oan sai. Họ không tư túi cho cá nhân nhưng vì một số lý do mà bị kết án. Trong những trường hợp như vậy, có thể chỉ cần xem xét thu hồi tài sản, yêu cầu bồi thường thiệt hại, giảm án để họ có điều kiện cống hiến cho đất nước. Xét xử theo hướng nhân văn, khách quan hơn thì sẽ khuyến khích được quan chức dám làm, dám chịu. Có thể thấy có hiện tượng quan chức sợ đi tù nên không ký, dự án vì thế mà không thực hiện được."
Theo luật sư Tuấn, cá nhân ông cho rằng việc kêu gọi nhà nước đặc xá cho ông Đinh La Thăng không phải là một chiến dịch truyền thông có chủ đích mà chỉ là tự phát từ một số cá nhân.
"Truyền thông là con dao hai lưỡi, có người ủng hộ nhưng cũng có người phản đối, không có lợi cho ông Thăng. Một số trường hợp sớm được ra tù, như ông Đỗ Hữu Ca, chỉ phải ngồi tù hai năm, đều có các "nước đi" âm thầm, không ồn ào," ông Tuấn nhận định.

Getty Images
Ông Đinh La Thăng thời là lãnh đạo Petro Việt Nam năm 2010
Trong làn sóng kêu gọi đặc xá cho ông Đinh La Thăng trên mạng xã hội, dường như chỉ có một số ý kiến hiếm hoi chỉ ra các rào càn pháp lý như luật sư Ngô Anh Tuấn nêu ra ở trên.
Bài viết trên Facebook của nhà báo Lê Thọ Bình, tiêu đề "Không thể đặc xá ngoài luật", là một trong số các tiếng nói đó.
Trong bài viết này, ông Bình nhận định rằng "đặc xá là chế định nhân đạo, không phải ân huệ tùy nghi".
Giống như những gì luật sư Tuấn đã đề cập ở trên, ông Bình viện dẫn luận về những điều kiện để được xét đặc xá và cho rằng đây được xem là rào cản lớn nhất đối với ông Đinh La Thăng.
Lý do là cho tới nay ông chưa thi hành được một phần ba bản án. Cộng thêm việc ông Thăng chưa bồi thường được khoản tiền 800 tỷ đồng gây thiệt hại, thì "dù có bao nhiêu chữ ký ủng hộ việc trả tự do cho ông trước thời hạn", "pháp luật không vận hành bằng số lượng chữ ký hay mức độ yêu thương trong cộng đồng", ông Bình viết.
"Công và tội cần được tách bạch rạch ròi. Tình cảm cá nhân không thể là căn cứ để làm mềm hóa các quy định của pháp luật. Nếu xã hội vận hành theo hướng 'ai được thương thì được tha', thì tính nghiêm minh, công bằng, vốn là trụ cột của pháp quyền, sẽ bị xói mòn," vẫn theo nhà báo Lê Thọ Bình viết.
Tuy nhiên, nhà báo Bình cho rằng nhà nước cũng không nên bỏ qua tình cảm của người dân. Do đó, giải pháp ở đây là "thúc đẩy các nhà lập pháp hoàn thiện khung pháp lý", "cải cách pháp luật".
"Đó mới là cách làm tử tế và bền vững trong một nhà nước pháp quyền," nhà báo Lê Thọ Bình khẳng định.
Bốn bản án và 30 năm tù
Từ năm 2018 đến tháng 3/2021, ông Đinh La Thăng đã nhận bốn bản án, chịu 30 năm tù giam.
Vụ 1: Sai phạm trong dự án Nhiệt điện Thái Bình 2
Theo bản án phúc thẩm ngày 14/5/2018, ông Đinh La Thăng chỉ căn cứ vào báo cáo của Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) để phê duyệt cho PVC làm tổng thầu Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bất chấp thực tế là PVC chưa có kinh nghiệm quản lý, điều hành dự án lớn này.
Ông Thăng bị buộc tội cố ý làm trái với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", gây thiệt hại hơn 119 tỷ đồng.
Toà phúc thẩm tuyên ông Thăng 13 năm tù và buộc bồi thường 30 tỷ đồng.
Vụ 2: PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Oceanbank
Ông Đinh La Thăng bị cáo buộc ký kết thỏa thuận để PVN góp vốn vào Ocean Bank trái thẩm quyền, không đúng chức năng, gây hậu quả là PVN đã bị thất thoát số tiền lớn.
Tháng 6/2018, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên ông Thăng - cựu Chủ tịch HĐQT PVN - y án 18 năm tù đối với bị cáo Đinh La Thăng, buộc phải bồi thường 600 tỷ đồng.
Vụ 3: Sai phạm tại cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương
Ông Thăng bị cáo buộc tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Ngày 22/12/2020, TAND TP HCM đã tuyên án 20 bị cáo trong vụ án sai phạm tại cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương. Trong đó, ông Thăng, khi đó là cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, bị tuyên phạt 10 năm tù.
Vụ 4: Dự án Ethanol Phú Thọ
Ngày 15/3/2021, TAND Hà Nội đã tuyên ông Đinh La Thăng 11 năm tù tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", phải bồi thường hơn 200 tỷ đồng, trong tổng số hơn 543 tỷ đồng thiệt hại từ việc chỉ định thầu cho PVC trái quy định pháp luật.
Nhận thêm án, nhưng ông Đinh La Thăng chỉ chịu tổng cộng 30 năm tù. Căn cứ vào quy định tại Điều 55 Bộ luật hình sự năm 2015, hình phạt tù có thời hạn tối đa cho một phạm nhân là 30 năm. Các hình phạt tù giành cho ông Thăng đều là các hình phạt có thời hạn.
Tin liên quan

Ông Đinh La Thăng lãnh 10 năm tù, Út 'Trọc' bị chung thân22 tháng 12 năm 2020

Đang thụ án hơn 30 năm, ông Đinh La Thăng vẫn chưa yên16 tháng 2 năm 2020

Bác cáo trạng, ông Đinh La Thăng nói VKS 'gắp lửa quá lớn'21 tháng 12 năm 2020

Ông Đinh La Thăng phủ nhận cáo trạng và lời khai cấp dưới16 tháng 12 năm 2020

Dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ: Vì sao ông Đinh La Thăng sắp ra tòa?16 tháng 10 năm 2020

Đại án giao thông: Ông Đinh La Thăng thêm tội ‘chủ mưu’31 tháng 8 năm 2020
No comments:
Post a Comment