VNTB – Chỉ có 55,5% người lao động Việt có đủ thịt, cá trong bữa ăn
Cảnh Chân
14.07.2025 7:40
VNThoibao

Trong khi tốc độ tăng trưởng GDP được công bố hàng năm đều ở mức cao, khi các thành phố lớn ngày càng rực rỡ ánh đèn, thì người ta dễ lầm tưởng rằng đời sống của người lao động cũng đang dần được cải thiện. Thế nhưng, kết quả khảo sát mới nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (tháng 3–4/2025) với gần 3.000 người lao động tại 10 tỉnh, thành phố đã chỉ ra một sự thật gây nhói lòng: chỉ có 55,5% người lao động có đủ điều kiện ăn thịt, cá trong tất cả các bữa ăn chính.
Như vậy, có nghĩa 44,5%, tức là gần một nửa người lao động Việt không có đủ điều kiện để ăn thịt cá mỗi ngày, một điều tưởng chừng cơ bản, hiển nhiên trong đời sống con người hiện đại. Trong khi thịt, cá là nguồn dinh dưỡng tối quan trọng để duy trì sức khỏe, thì nhiều người lao động phải sống qua ngày với rau, nước mắm, mì tôm. Bữa ăn thiếu chất kéo dài không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn làm giảm năng suất lao động, tăng nguy cơ bệnh tật và kéo theo chi phí y tế: một vòng luẩn quẩn nghèo đói không lối thoát.
Quả thật, mức lương công nhân hiện nay nằm trong khoảng 5 triệu, nếu không thuê trọ thì cũng vừa đủ đóng học phí cho con, trả tiền điện, nước, rác. Còn nếu thuê trọ thì xác định là chỉ đủ ăn rau, trứng, chứ thịt cá là xa xỉ. Bởi giá thịt heo trên thị trường hiện dao động từ 120.000 đến 180.000 đồng/kg, vượt xa khả năng chi tiêu của những người có thu nhập thấp.
Cũng theo khảo sát, chỉ có 54,9% người lao động cho biết lương hiện tại vừa đủ chi tiêu cơ bản, còn lại 26,3% phải sống kham khổ, 7,9% không đủ sống và phải làm thêm để có tiền trang trải. Điều đáng nói ở đây là những người đang có việc làm thì đã cảm thấy “may mắn” hơn rất nhiều người thất nghiệp ngoài kia, vì hiện nay các công ty, doanh nghiệp bị phá sản hàng loạt. Thế thì cái may mắn của lao động Việt Nam lại quá giản đơn: chỉ cần có lương để sống cầm chừng rau cháo qua ngày.
Tiền lương thấp khiến người lao động không thể tích lũy, không thể đầu tư cho bản thân hay gia đình, và luôn sống trong tâm thế bất an. 12,5% người lao động cho biết họ phải vay mượn tiền thường xuyên hàng tháng để ổn định cuộc sống, trong khi 29,9% phải vay mượn 3–4 tháng một lần. Vay không phải để làm ăn, mà để sinh tồn.
Trong bối cảnh ấy, lời nhận xét “tiền trong dân còn nhiều lắm” của Tô Lâm càng khoét sâu vào nỗi đau của người dân. Tô Lâm, và quan chức cộng sản thì tiền nhiều, có thể ăn bò dát vàng, ở biệt phủ đi xe hơi, cơm bưng nước rót. Nhưng người dân, những kẻ phải cày mỗi ngày 8-12 tiếng trong các nhà máy để đóng thuế nuôi chế độ phải làm cả tháng trời chỉ để đổi lấy cơm rau, ăn không đủ chất, con cái họ học hành thiếu thốn… Lãnh đạo không hiểu hoàn cảnh của dân thì mơ gì tới chuyện vươn mình.
Với thu nhập như hiện nay, hầu hết người lao động buộc phải sống theo kiểu “thắt lưng buộc bụng”. Nhưng “tiết kiệm” ở đây không còn là một lựa chọn mang tính tự nguyện nữa, mà là một sự cưỡng ép bởi hoàn cảnh. Một cơn sốt, một tai nạn, hay một món tiền học phí đột xuất cũng có thể khiến họ rơi vào nợ nần. Đó là nguyên nhân vì sao ngày càng nhiều người lao động buộc phải vay tín dụng đen, rồi dính vào vòng xoáy nợ nần, trả lãi.
Hệ quả của việc thiếu thốn không chỉ dừng lại ở thể chất, mà còn lan sang tinh thần. Khi ăn không đủ, ở không yên, làm thì kiệt sức mà không có tích lũy, thì tinh thần người lao động sẽ suy sụp, kéo theo hiệu suất làm việc và chất lượng sản xuất suy giảm. Cuối cùng, chính nền kinh tế cũng phải gánh hậu quả.
Chưa hết, có tới 72,6% người chưa lập gia đình cho biết lương thấp là lý do chính khiến họ không dám kết hôn. Họ hiểu rằng với mức lương 4–6 triệu đồng mỗi tháng, không thể nuôi nổi một gia đình, nhất là khi chi phí sinh hoạt ngày càng leo thang, còn chính sách hỗ trợ thì chỉ mang tính tượng trưng. Ví dụ, nhà nước khuyến khích sinh con bằng việc hỗ trợ vài trăm nghìn đồng, một số tiền không đủ để mua một hộp sữa bột cho trẻ sơ sinh trong một tuần.
Nếu xu hướng này tiếp diễn, tỷ lệ sinh thấp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ cấu dân số và sự phát triển kinh tế của đất nước trong 10–20 năm tới. Khi lực lượng lao động già đi mà không được thay thế bởi thế hệ mới, gánh nặng an sinh xã hội sẽ dồn lên ngân sách, còn nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng “già hóa trước khi giàu”.
No comments:
Post a Comment