Tuesday, July 15, 2025

Hàng trăm trẻ nhỏ đã bị chôn trong một ngôi mộ tập thể không tên
Chris Page
Phóng viên về Ireland
15 tháng 7 2025
BBC

Getty Images
Toàn cảnh khu vực trước đây là nhà trẻ Bon Secours Mother and Baby và khu vườn tưởng niệm nơi được cho là có 796 trẻ em được chôn cất
Hàng trăm trẻ em Ireland đã bị chôn trong ngôi mộ tập thể bí mật ra sao?

Không hồ sơ chôn cất. Không bia mộ. Không đài tưởng niệm.

Mọi thứ chìm trong quên lãng cho đến năm 2014, khi một nhà sử học nghiệp dư tình cờ phát hiện bằng chứng về một ngôi mộ tập thể, có thể nằm trong một bể phốt cũ, được cho là chứa hàng trăm thi thể hài nhi ở Tuam, hạt Galway, miền tây Ireland.

Giờ đây, các nhà điều tra đã đưa máy đào đến khu đất cỏ không tên cạnh sân chơi trẻ em thuộc một khu dân cư trong thị trấn. Cuộc khai quật dự kiến kéo dài hai năm chính thức bắt đầu vào hôm 14/7.

Khu vực này từng là nơi tọa lạc của nhà tình thương St Mary, một cơ sở do nhà thờ điều hành, đã tiếp nhận hàng ngàn phụ nữ và trẻ em từ năm 1925 đến 1961.

Getty Images/Charles McQuilla
Toàn cảnh khu vực trước đây là Nhà hộ sinh Bon Secours Mother and Baby và khu vườn tưởng niệm, nơi được cho là địa điểm chôn cất 796 thi thể trẻ em

Nhiều phụ nữ mang thai ngoài giá thú đã bị gia đình xa lánh và bị tách khỏi con mình ngay sau khi sinh.

Đọc nhiều nhất





Theo hồ sơ tử vong, Patrick Derrane là hài nhi đầu tiên qua đời tại nhà tình thương St Mary vào năm 1925, khi mới 5 tháng tuổi. Mary Carty, cùng độ tuổi, là hài nhi cuối cùng mất vào năm 1960.

Trong 35 năm đó, có thêm 794 hài nhi và trẻ nhỏ được biết là đã qua đời tại đây. Người ta tin rằng tất cả được chôn cất trong nơi mà cựu Thủ tướng Ireland Enda Kenny từng gọi là "căn phòng kinh hoàng".

Ông PJ Haverty đã trải qua sáu năm đầu đời tại nơi ông gọi là nhà tù, nhưng ông tự coi mình là một trong những người may mắn.


"Tôi đã thoát khỏi đó."

Getty Images/Charles McQuillan
Ông PJ Haverty tại khu vườn nơi các nhà điều tra đã bắt đầu khai quật

Ông vẫn còn nhớ như in việc "những đứa trẻ nhà tình thương" – như người ta thường gọi – đã bị xa lánh ở trường học như thế nào.

"Chúng tôi phải đến muộn 10 phút và về sớm 10 phút vì họ không muốn chúng tôi nói chuyện với những đứa trẻ khác," ông PJ kể lại.

"Ngay cả vào giờ ra chơi ở trường, chúng tôi cũng không được phép chơi cùng chúng – chúng tôi bị cách ly.

"Bị coi như rác rưởi ngoài đường vậy."

Sự kỳ thị đã đeo bám ông PJ suốt cả cuộc đời, ngay cả sau khi ông tìm được một mái ấm với gia đình nuôi đầy yêu thương và nhiều năm sau đó, tìm lại được mẹ ruột – người đã bị chia cắt với ông từ khi ông mới một tuổi.

Nhà tình thương, do các nữ tu Bon Secours điều hành, là một bóng ma vô hình ám ảnh ông và nhiều người khác ở Tuam suốt hàng thập kỷ - cho đến khi, nữ sử gia nghiệp dư Catherine Corless đưa quá khứ đen tối của St Mary ra ánh sáng.

Phát hiện ngôi mộ tập thể

Getty Images/Charles McQuillan
Những phát hiện chấn động của bà Catherine Corless về ngôi mộ tập thể xuất hiện vào năm 2014

Với mong muốn tìm hiểu sâu hơn về lịch sử gia đình mình, bà Catherine đã tham gia một khóa học lịch sử địa phương vào năm 2005. Sau đó, sự chú ý của bà chuyển sang St Mary và những "đứa trẻ nhà tình thương" – những người đã đi học tách biệt với bà và bạn bè cùng lớp.

"Khi mới bắt đầu, tôi hoàn toàn không biết mình sẽ tìm thấy điều gì."

Ban đầu, bà Catherine ngạc nhiên khi những câu hỏi tưởng chừng vô hại của mình lại nhận được những phản ứng trống rỗng, thậm chí là sự ngờ vực.

"Không ai giúp đỡ và cũng không ai có bất kỳ tài liệu nào," bà kể lại.

Điều đó càng thôi thúc bà quyết tâm tìm hiểu thêm về những đứa trẻ tại nhà tình thương.

Một bước đột phá đã đến khi bà nói chuyện với một người trông coi nghĩa trang. Người này đã đưa bà đến khu dân cư nơi cơ sở đó từng tọa lạc.

Getty Images/Charles McQuillan
Hang đá trong khu vườn phía trên nơi được cho là ngôi mộ tập thể. Người dân đã để lại những kỷ vật, lời nhắn và đồ tưởng niệm.

Bên cạnh một sân chơi trẻ em, có một khoảnh sân cỏ hình vuông với một hang đá nhỏ – nơi đặt bức tượng Mẹ Mary.

Người trông coi nghĩa trang kể với bà Catherine rằng vào giữa những năm 1970, sau khi nhà tình thương bị phá dỡ, hai cậu bé đang chơi ở khu vực này đã phát hiện một tấm bê tông bị vỡ. Chúng nhấc tấm bê tông lên và để lộ ra một cái hố.

Bên trong, chúng nhìn thấy xương cốt. Người trông coi nói rằng chính quyền đã được báo tin và khu vực ấy sau đó được che lấp lại.

Ban đầu, mọi người tin rằng những hài cốt này là từ Nạn đói Ireland vào những năm 1840. Trước khi trở thành nhà tình thương cho mẹ và bé, đây từng là một nhà tế bần trong thời kỳ nạn đói, nơi rất nhiều người đã chết.

Thế nhưng, điều đó không hợp lý với bà Catherine. Bà biết rằng những người chết trong nạn đói đã được chôn cất một cách trang trọng tại một cánh đồng cách đó nửa dặm – nơi có một đài tưởng niệm đánh dấu.

Getty Images/Charles McQuillan
Catherine nhận được danh sách ghi lại hàng trăm trường hợp tử vong của trẻ em tại cơ sở St Mary

Nghi ngờ của bà càng lớn hơn khi bà đối chiếu các tấm bản đồ cũ của khu đất. Một tấm từ năm 1929, khu vực mà những cậu bé đã tìm thấy xương có ghi chú là "bể phốt". Một tấm khác từ những năm 1970, sau khi nhà tình thương bị phá dỡ, lại có một ghi chú viết tay cho hay cạnh khu vực đó là "nơi chôn cất".

Bản đồ dường như chỉ ra rằng có một ngôi mộ tại địa điểm đó – và bà Catherine đã đọc được tài liệu cho biết bể phốt được ghi trên bản đồ đã không còn được sử dụng vào năm 1937, nên về lý thuyết là phải trống rỗng. Nhưng ai đã được chôn cất ở đó?

Bà Catherine đã gọi đến văn phòng đăng ký khai sinh, khai tử và kết hôn ở Galway và yêu cầu cung cấp danh sách tất cả trẻ em đã qua đời tại nhà tình thương.

Hai tuần sau, một nhân viên còn hoài nghi đã gọi lại hỏi bà có thực sự muốn toàn bộ danh sách không – bà Catherine ban đầu chỉ nghĩ có đâu đó chừng "20 hoặc 30" trường hợp – nhưng con số lên đến hàng trăm.

Khi nhận được danh sách đầy đủ, bà Catherine ghi nhận 796 trẻ em đã tử vong.

Bà choáng váng. Bằng chứng của bà bắt đầu gợi ý về khả năng những ai đang nằm dưới bãi cỏ ấy tại St Mary.

Nhưng trước tiên, bà kiểm tra hồ sơ chôn cất để xem liệu có bất kỳ đứa trẻ nào trong số hàng trăm em đó được chôn cất tại các nghĩa trang ở Galway hay hạt Mayo lân cận hay không – và bà không tìm thấy bất kỳ ai.

Nếu không có cuộc khai quật, bà Catherine không thể chứng minh điều đó một cách chắc chắn. Lúc bấy giờ bà đã tin rằng hàng trăm đứa trẻ đã được chôn cất trong một ngôi mộ tập thể không đánh dấu, có thể là trong một bể phốt bỏ hoang, tại nhà tình thương St Mary.

Khi những phát hiện của bà trở thành câu chuyện lan tỏa ở mức độ quốc tế vào năm 2014, đã có sự phản đối đáng kể tại quê hương bà.

"Mọi người không tin tôi," bà nhớ lại. Nhiều người hoài nghi – và chế giễu – rằng làm sao một nhà sử học nghiệp dư lại có thể khám phá ra một vụ bê bối lớn đến vậy.

Nhưng có một nhân chứng đã tận mắt chứng kiến.

Cảnh báo: Các phần tiếp theo có thể chứa nội dung khiến một số độc giả cảm thấy phiền lòng.

Getty Images/Charles McQuillan
Mary Moriarty sống trong một trong những ngôi nhà được xây dựng tại nơi từng là nhà tình thương vào những năm 1970

Bà Mary Moriarty từng sống trong một ngôi nhà gần địa điểm của nhà tình thương vào giữa thập niên 1970. Không lâu sau khi chia sẻ câu chuyện với BBC News, bà đã qua đời, nhưng gia đình bà đồng ý cho phép công bố những gì bà kể.

Bà Mary nhớ lại vào đầu thập niên 1970, có hai người phụ nữ đến gặp bà và kể rằng "họ thấy một cậu bé với một cái đầu lâu trên một cây gậy".

Bà Mary và hàng xóm liền hỏi cậu bé tìm thấy cái đầu lâu ở đâu. Cậu bé chỉ họ đến một bụi cây, và khi bà Mary đi xem, bà đã "rơi xuống một cái hố".

Ánh sáng lọt vào từ nơi bà ngã xuống. Lúc đó, bà đã nhìn thấy "những bọc nhỏ", được quấn trong những mảnh vải đã hóa đen vì mục nát và ẩm ướt, chúng "được xếp chồng lên nhau, thành hàng cho đến tận trần".

Khi được hỏi có bao nhiêu bọc, bà trả lời:

"Hàng trăm."

Một thời gian sau, khi con trai thứ hai của bà Mary chào đời tại bệnh viện phụ sản ở Tuam, những nữ tu làm việc tại đó đã mang em bé "quấn trong những bọc vải" đến cho bà – giống hệt những thứ bà đã thấy trong cái hố kia.

"Đó là lúc tôi nhận ra," bà Mary nói, "những gì tôi đã thấy sau khi ngã xuống cái hố kia chính là những hài nhi."

Getty Images/Charles McQuillan
Anna Corrigan phát hiện mẹ bà đã sinh hai người con trai - John và William - tại nhà tình thương

Năm 2017, những phát hiện của bà Catherine Corless đã được xác nhận. Một cuộc điều tra của chính phủ Ireland đã tìm thấy "số lượng đáng kể hài cốt người" trong cuộc khai quật thử nghiệm tại địa điểm này.

Các bộ xương không phải từ nạn đói và "độ tuổi khi qua đời" dao động từ khoảng 35 tuần tuổi thai đến hai hoặc ba tuổi.

Lúc này, một chiến dịch yêu cầu điều tra toàn diện khu vực đã được phát động. Bà Anna Corrigan là một trong những người muốn chính quyền bắt tay vào việc đào bới.

Cho đến khi bước vào tuổi 50, bà Anna vẫn tin rằng mình là con một. Tuy nhiên, khi nghiên cứu gia phả vào năm 2012, bà phát hiện mẹ mình đã sinh hai bé trai tại nhà tình thương vào năm 1946 và 1950, tên là John và William.

Bà Anna không thể tìm thấy giấy chứng tử của William, nhưng lại tìm được một bản của John. Tài liệu này chính thức ghi nhận cái chết của John khi được 16 tháng tuổi. Nguyên nhân cái chết được ghi là "đần bẩm sinh" và "sởi".

Getty Images/Charles McQuillan
Nguyên nhân cái chết của John được ghi là "đần bẩm sinh" và "sởi"

Một báo cáo thanh tra nhà tình thương vào năm 1947 đã hé lộ thêm chi tiết về John.

"Cậu bé sinh ra bình thường và khỏe mạnh, nặng gần 4kg," bà Anna kể lại. "Đến 13 tháng tuổi, cậu bé suy kiệt, ăn rất nhiều nhưng không kiểm soát được chức năng cơ thể. Rồi ba tháng sau thì cậu bé qua đời."

Một ghi chép từ sổ "xuất viện" của cơ sở cho biết William mất vào năm 1951 – bà Anna cũng không biết cả hai đứa trẻ được chôn cất ở đâu.

Bà Anna, người đã thành lập Nhóm Gia đình Hài nhi Tuam dành cho những người sống sót và thân nhân, cho rằng giờ đây những đứa trẻ này đã có tiếng nói.

"Tất cả chúng tôi đều biết tên các bé. Tất cả chúng tôi đều biết các bé đã từng tồn tại với tư cách là những con người."

Giờ đây, công việc bắt đầu để làm rõ toàn bộ những gì đang nằm dưới bãi cỏ ở Tuam.

'Vô cùng nhỏ bé'

PA
Daniel MacSweeney, người đứng đầu cuộc khai quật, trước đây đã tham gia tìm kiếm thi thể mất tích ở các khu vực xung đột trên khắp thế giới

Cuộc khai quật dự kiến kéo dài khoảng hai năm.

"Đây là một quá trình đầy thách thức – thực sự là chưa từng có trên thế giới," ông Daniel MacSweeney, người đứng đầu chiến dịch và từng tham gia tìm kiếm thi thể tại các vùng xung đột như Afghanistan, nhận định.

Ông giải thích rằng các hài cốt đã bị trộn lẫn vào nhau, và xương đùi của một hài nhi – xương lớn nhất trong cơ thể – cũng chỉ to bằng ngón tay người lớn.

"Chúng [hài cốt] vô cùng nhỏ bé," ông nói. "Chúng tôi cần thu thập các hài cốt rất, rất cẩn thận – để phục vụ tốt nhất cho việc nhận dạng."

Ông cũng nhấn mạnh "không thể đánh giá thấp" độ khó trong việc nhận dạng các hài cốt này.

Dù quá trình này kéo dài bao lâu, sẽ có những người như bà Anna mòn mỏi chờ đợi tin tức – hy vọng được biết về những người chị, người anh, chú, dì và anh chị em họ mà họ chưa từng có cơ hội gặp mặt.

Tin liên quan




No comments:

Post a Comment