VNTB – Kỷ lục 24.000 doanh nghiệp lập mới trong tháng 6: hậu quả nhiều hơn kết quả
Dân Trần
16.07.2025 6:38
VNThoibao

Tháng 6/2025 ghi nhận một con số “kỷ lục” chưa từng có trong lịch sử kinh tế Việt Nam: hơn 24.000 doanh nghiệp được thành lập chỉ trong một tháng. CSVN coi đây là một kết quả lạc quan, và dùng con số này làm bằng chứng cho thấy môi trường kinh doanh đang khởi sắc, khối doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, đóng góp cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hàng chục ngàn doanh nghiệp đột ngột xuất hiện là vì các hộ kinh doanh nhỏ buộc phải chuyển đổi mô hình thành doanh nghiệp. Họ phải thay đổi sau khi nhà nước áp dụng cách quản lý thuế mới: bỏ thuế khoán, thay bằng phương pháp tính thuế theo doanh thu thực tế. Những người buôn bán nhỏ, quán ăn, tạp hoá cũng buộc phải lựa chọn phương án “lên doanh nghiệp” để có thể tiếp tục hoạt động.
Cả nước hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, nếu chỉ cần 20% trong số đó chuyển sang mô hình doanh nghiệp, thì có thêm 1 triệu công ty “mới” được lập ra, một con số khiến báo cáo thành tích kinh tế trở nên rất ấn tượng. Nhưng sự thật là phần lớn các doanh nghiệp này vẫn hoạt động như cũ: không có phòng kế toán, không có quy trình chuyên nghiệp, không có quy mô mở rộng, thậm chí không có cả hóa đơn đầu vào rõ ràng.
Họ không hề “lớn lên” về mặt năng lực hay cách thức quản lý, mà chỉ đang phải đóng thuế nhiều hơn, chịu sự giám sát chặt chẽ hơn, chịu nhiều loại chi phí phát sinh hơn khi khoác lên mình chiếc áo “doanh nghiệp”. Sự chuyển đổi này giống như “bình mới rượu cũ”, thậm chí còn dễ thất bại hơn vì bị ép vào một khuôn khổ không phù hợp.
Rõ ràng chính sách thuế mới của CSVN không phải khuyến khích kinh doanh phát triển, mà chỉ đang tìm cách tăng thu ngân sách từ một lực lượng đông đảo nhưng yếu thế nhất trong nền kinh tế. Thủ tục thành lập một doanh nghiệp hiện nay cũng không phải dễ, nhưng nếu bỏ ra vài triệu thuê dịch vụ trung gian “chạy” giấy tờ giùm thì chỉ trong 1 tuần là có thể nhận được giấy phép kinh doanh, mã số thuế, con dấu… Tuy nhiên, lập ra thì dễ, nhưng tồn tại được trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, chi phí đầu vào tăng, quy định pháp lý chồng chéo và sức mua yếu, thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Tong 6 tháng đầu năm 2025, có hơn 127.200 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Tương đương mỗi tháng có 21.200 doanh nghiệp đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh. Điều này cho thấy con số lập mới, dù là kỷ lục, nhưng vẫn không đủ đắp vào số rút lui. Bởi vậy đừng vội nhìn vào việc bùng nổ các doanh nghiệp “bình mới rượu cũ” mà ảo tưởng vào một tương lai vươn mình.
Bối cảnh u ám của nền kinh tế thế giới, áp lực thuế quan từ Mỹ, lạm phát trong nước là những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối diện. Bây giờ lại thêm chuyện tính thuế theo doanh thu thì lại càng khó khăn hơn.
Chưa kể một điều trớ trêu là, ngay khi các doanh nghiệp mới vừa được thành lập xong, thì tháng 7/2025 lại trùng thời điểm hàng loạt xã phường, quận huyện bị sáp nhập theo chủ trương tinh gọn bộ máy hành chính. Hệ quả là rất nhiều doanh nghiệp phải làm thủ tục thay đổi địa chỉ trụ sở, cập nhật thông tin thuế, làm lại giấy phép, thông báo với ngân hàng, điều chỉnh hợp đồng, thậm chí thay đổi cả hóa đơn điện tử…
Tất cả những công đoạn này đều gây tốn kém thời gian, tiền bạc và công sức. Đối với những doanh nghiệp lớn, có phòng pháp chế, kế toán chuyên trách thì đây là phiền phức, nhưng có thể xử lý. Còn với những doanh nghiệp vừa được “ép buộc” thành lập từ hộ cá thể, thì đây là một cơn ác mộng thực sự.
Mọi thứ đều cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang đối diện bờ vực của sự sụp đổ. Nếu Tô Lâm và Bộ Chính trị cứ tiếp tục nhìn vào những con số bề nổi mà không nắm bắt thực tiễn khó khăn của người dân và doanh nghiệp, chắc chắn Việt Nam sẽ phải trả một cái giá rất đắt, không chỉ là kinh tế, mà còn là đời sống xã hội, an ninh và cả chủ quyền….
No comments:
Post a Comment