Xe xăng, xe điện, xe điênNguyễn Huy Cường
15-7-2025
Tiengdan
Để hiểu về tính khả thi (hay bất khả thi) của dự án dùng xe điện thay xe xăng dầu ở Hà Nội hoạt động trong vùng vành đai 3, ngoài những ý kiến (chính thống, có căn cứ, có giá trị) của anh chị em trên cõi mạng, tôi có 10 ý kiến như sau.
1. Giả sử muôn dân thấm nhuần tính ‘cách mạng’ của chủ trương này thì hiện có không ít hơn 30% dân chúng không có hoàn cảnh, tiền bạc để mua thêm mỗi người một chiếc xe nữa.
Hiện với đồng lương hoặc thu nhập dưới 7 triệu/ tháng cho mọi chi phí còn không đủ, là đối tượng đang đi xe gắn máy, nói đúng ra là diện đang lần từng ngày từng bữa mua thêm xe.
Ngay cái xe xăng đang đi, có thể còn phải trả góp, hư hỏng không có tiền sửa. Nay số nửa triệu người này (gồm cả những người ngoài tỉnh vào Hà Nội làm ăn), sẽ phải bỏ việc hoặc xoay xở rất phiền.
Nhiều công trường sẽ thiếu lao động, bệnh viện thiếu y tá, chợ thiếu người mua bán. Một bộ phận dân chúng sẽ lâm vào cảnh “bán thất nghiệp”, sẽ bị bỏ lại đằng sau.
2. Diện đi ô tô chạy bằng xăng, dầu có mức đổ xả thải bằng 200% so với xe máy trong cùng một vùng vận động nhưng không thể nào cấm được. Sao cấm xe máy?
Ví dụ một chiếc Fortune máy 2.7 chạy dầu, kiểu gì cũng xả thải gấp bốn năm lần chiếc xe gắn máy Dream 100 cc. Cho nên mục tiêu “giảm phát thải” không căn bản. Đã cấm là cấm tất, nhưng thực tế là không thể cấm tất.
3. Đặc điểm Việt Nam, chiếc xe gắn máy (chạy xăng) gần như đôi chân người Việt, nếu nhìn ở góc độ tiện ích, nó góp phần lớn vào thu nhập và các lợi ích dân sinh khác.
Ngăn cản hay triệt tiêu nó giống như ‘trói chân’ người dân ,không phải việc làm thấu tình đạt lý mà liệu nó có tạo nên nhiều rối loạn xã hội?
4. Không ít hơn hàng trăm ngàn phòng trọ, chỗ ở hiện nay của những gia đình nhỏ đã phải dồn ép để chứa hai ba cái xe máy.
Nay mỗi người mua thêm vài cái xe điện nữa không biết để vào đâu. Trong khi không thể bỏ hẳn xe gắn máy, ít nhất trong 10 năm nữa.
5. Xe công cộng, xe điện trên cao, để đáp ứng được 20% diện người có nhu cầu đi lại, cứ bỏ xe máy là chọn được lộ trình thích hợp ngay với công việc của mình phải mất 10 năm nữa là nhanh, với điểu kiện không làm kiểu như Cát Linh – Hà Đông.
Vậy còn 85% nữa đi bằng gì?
6. Nguy cơ cháy nổ từ xe chạy điện là đã rõ ràng, đã hiển hiện. Nếu một lần nào đó, khi diện dùng xe máy điện nhiều gấp ba hiện nay, thì chỉ một lần nó bùng phát trong hầm để xe của chung cư, kéo theo sự hưởng ứng tức thì của hàng trăm, hàng ngàn xe khác, thì vài ngàn người của cả mấy chục tầng của chung cư chạy không kịp là chuyện cần bàn.
7. Thời gian để sạc điện và môi trường, địa bàn có cụm sạc bảo đảm hiện nay có đủ cho một triệu xe nữa không? Trong khi, nếu để thực thi nghiêm chỉnh “phong trào” này sẽ có số xe gần chục triệu chiếc điện?
8. Chủ trương này nảy nở dăm bảy năm nay, hiện nay năng lực sản xuất xe máy điện của Việt Nam liệu có đáp ứng được 10% không? Phần còn lại là gì hay để tăng cường tình hữu nghị Việt – Trung?
9. Chủ trương này theo đề nghị của Thủ tướng.
Việc đề nghị của thủ tướng là việc của của thủ tướng. Đồng ý hay không trước một vấn đề lớn phải là Quốc Hội. Gần 500 đại biểu Quốc hội và hàng ngàn nhà báo, nhà khoa học xã hội có thấy được những vấn đề “nhỏ” tôi nêu trên đây không?
10. Đặc điểm di chuyển của người dân Hà Nội và những người làm ăn ở Hà Nội rất phức tạp và sinh động. Nó không KHU BIỆT hay trói buộc một cách máy móc trong phạm vi phường, quận, khu vực, vành đai nào cả.
Nếu anh “trói” khu vực sau vành đai 3 thì lại phải tính đến nguồn nhân lực của những giới hạn khác đi vào khu vực này.
Tóm lại: Bàn cờ nhân lực lao động, giải trí, dịch vụ của một thành phố có dân số lớn hơn nước Lào, rất khác bàn cờ nhựa trong kho đồ chơi của các em bé dưới 5 tuổi.
***
Mời quý bạn nhìn rõ hình ảnh đăng kèm dưới đây xem cái chủ trương nói trên có phải trọng tâm của công cuộc phục hưng đất nước, có phải “sáng kiến” vĩ đại để tạo nên “kỷ nguyên mới” không?
Và chúng ta thử dự đoán xem tính khả thi của chủ trương này đạt bao nhiêu phần trăm sự thành công, tạm lấy mốc thời gian một năm, kể từ hôm nay.
No comments:
Post a Comment