Monday, July 14, 2025

VNTB – Mỹ thua hay VNCH thua Bắc Việt? – Bài học cho một nước Việt Nam Dân chủ trong thế kỷ XXI
Vũ Đức Khanh
14.07.2025 7:29
VNThoibao


(VNTB) – Muốn Việt Nam trở thành một nước Tự do Dân chủ trong thế kỷ XXI, ta phải xây dựng điều mà VNCH đã không kịp làm: một lực lượng chính trị bản địa, có tổ chức, có chiến lược, có chính danh, và có năng lực lãnh đạo một quốc gia hậu độc tài.

 Khi nhìn lại cuộc chiến Việt Nam, câu hỏi dường như cũ nhưng vẫn chưa có lời đáp rốt ráo là: Ai thật sự thua cuộc – Mỹ hay Việt Nam Cộng Hòa? Câu hỏi này không chỉ nhằm truy cứu lịch sử mà còn là một chìa khóa chiến lược, nếu ta muốn nghĩ nghiêm túc về một nước Việt Nam tự do, dân chủ và thịnh vượng trong thế kỷ XXI.

Để viết lại một tương lai khác, cần phải hiểu rõ tại sao con đường cũ lại đi đến thất bại – thất bại của một nền cộng hòa yếu ớt trước một bộ máy cách mạng kiên cường, và thất bại của một siêu cường quân sự trước một đối thủ được cho là “nhược tiểu”.

 

Thất bại của Mỹ: Không phải quân sự, mà là chiến lược

Về mặt quân sự, Hoa Kỳ không thua trận. Từ năm 1965 đến 1972, Mỹ triển khai hơn nửa triệu quân tại Việt Nam. Trong hầu hết các cuộc giao tranh lớn, Mỹ đều giành thắng lợi chiến thuật. Nhưng chiến tranh không chỉ là vấn đề kiểm soát chiến trường – mà là: giành lấy quyền kiểm soát kết cục chính trị.

Mỹ thất bại vì đã tự giới hạn chiến lược của mình vào một cuộc chiến phòng thủ tiêu hao, không dám tiến công trực tiếp miền Bắc – hậu phương chiến lược, trung tâm chỉ huy và tiếp vận của ĐCSVN. Lo sợ lặp lại chiến tranh Triều Tiên – nơi Trung Quốc can thiệp quy mô lớn khi Mỹ tiến gần sông Áp Lục – Mỹ ràng tay mình bằng học thuyết kềm chế (containment), thay vì loại bỏ nguồn gốc của chiến tranh.

Kết quả là một cuộc chiến không có hồi kết, không có chiến thắng quyết định, nhưng tổn thất người và của ngày càng leo thang. Đó là thất bại chính trị, không phải quân sự. Và khi chính trường Washington sụp đổ từ bên trong – với phong trào phản chiến, Watergate và khủng hoảng niềm tin hậu năm 1968 – chính sách viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa cũng sụp theo.

 

Việt Nam Cộng Hòa: Thất bại không vì yếu lý tưởng, mà vì yếu tố tổ chức và tầm chiến lược

VNCH không thiếu lý tưởng: chống độc tài, ủng hộ dân chủ, tự do tôn giáo, bảo vệ chủ quyền. Nhưng lý tưởng không thể thay thế tổ chức, không thể thay thế chiến lược. Chính quyền Sài Gòn liên tục bị khủng hoảng chính trị từ sau đảo chính 1963, không xây dựng được một nhà nước có chính danh và hiệu quả, lại phụ thuộc gần như tuyệt đối vào ý chí Hoa Kỳ.

Ngay cả những cải cách có ý nghĩa như chương trình “Người cày có ruộng” năm 1970 cũng diễn ra quá muộn so với tiến trình mà phía Bắc đã triển khai trong thập niên 1950. Lực lượng quân sự VNCH dù có những giai đoạn chiến đấu kiên cường, nhưng cuối cùng không thể bù đắp cho sự phân hóa nội bộ, mất phương hướng chiến lược, và thiếu hậu thuẫn xã hội sâu rộng.

Trong khi đó, ĐCSVN – bất chấp mô hình toàn trị – có ba thứ VNCH không có:

– Một cơ chế tổ chức hiệu quả,

– Một ý chí giành chính quyền toàn diện và,

– Một hậu phương quốc tế kiên định: gồm Liên Xô và Trung Quốc.

Hàn Quốc và Israel: Hai hình mẫu không bao giờ bị bỏ rơi

Cùng thời điểm 1975, Hàn Quốc dưới thời Park Chung-hee vẫn còn là một nhà nước độc tài, nhưng đã khởi động thành công, công nghiệp hóa và kiểm soát được xã hội. Washington không bao giờ bỏ rơi Seoul – không chỉ vì lòng trung thành, mà vì Hàn Quốc có giá trị chiến lược cốt lõi trong cấu trúc Đông Bắc Á.

Israel cũng vậy: một đồng minh nhỏ nhưng có năng lực tự vệ, có thể tự bảo vệ lãnh thổ trước các cuộc tấn công tổng lực. Đó là điều mà VNCH chưa bao giờ đạt được – không phải vì người Việt thiếu dũng cảm, mà vì hệ thống chính trị ở miền Nam không đủ năng lực để tổ chức một quốc gia chiến lược đúng nghĩa.

Bài học chiến lược cho một nước Việt Nam Dân chủ trong thế kỷ XXI

Việt Nam ngày nay không còn chia cắt về lãnh thổ, nhưng đang chia cắt âm thầm giữa hai mô hình: một bên là ổn định duy ý chí dựa vào kiểm soát, bên kia là khát vọng tự do và hội nhập trong một xã hội đang mở dần về kinh tế, nhưng vẫn bị khóa chặt về chính trị.

Nếu muốn hình thành một nước Việt Nam Tự do Dân chủ – không phải như một giấc mơ lãng mạn, mà như một phương án chiến lược thực tế – thì cần rút ra những bài học xương máu:

  1. Dân chủ không thể nhập khẩu

Không có siêu cường nào có thể, hay sẽ, dân chủ hóa Việt Nam thay cho người Việt. Nếu không có một tổ chức chính trị khả tín, bản địa, có chính danh và năng lực, thì mọi áp lực từ bên ngoài sẽ hoặc bị bẻ gãy, hoặc rơi vào tay lực lượng cơ hội.

  1. Phải có tổ chức – không chỉ có lý tưởng

Lý tưởng dân chủ không thể cạnh tranh được với một bộ máy độc đảng nếu thiếu cấu trúc tổ chức, mạng lưới xã hội, và chiến lược dài hạn để kiểm soát không gian chính trị khi thời cơ đến.

  1. Việt Nam Dân chủ phải là một đối tác chiến lược không thể thay thế

Muốn các cường quốc thực sự đầu tư vào một Việt Nam Dân chủ, quốc gia này cần trở thành một “Israel của Đông Nam Á” – có vai trò chiến lược trọng yếu trong cấu trúc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và có năng lực tự vệ, tự chủ, và tự quyết.

Thua không phải là kết thúc, nếu hiểu vì sao mình thua

Chiến tranh Việt Nam kết thúc bằng một cuộc rút lui trong hỗn loạn. Nhưng hiểu đúng bản chất của thất bại – thất bại không phải của một dân tộc, mà là của một mô hình chiến lược không đầy đủ – sẽ là bước đầu để tái thiết một tương lai khác.

Muốn Việt Nam trở thành một nước Tự do Dân chủ trong thế kỷ XXI, ta phải xây dựng điều mà VNCH đã không kịp làm: một lực lượng chính trị bản địa, có tổ chức, có chiến lược, có chính danh, và có năng lực lãnh đạo một quốc gia hậu độc tài.

Lịch sử chưa bao giờ khép lại. Nhưng nó chỉ mở ra cho những ai đủ can đảm nhìn thẳng vào sự thật và đủ trí tuệ để thiết kế lại bàn cờ.

No comments:

Post a Comment