Monday, July 14, 2025

Ý kiến về thi cử trong giáo dục
Mạc Văn Trang
14-7-2025
Tiengdan

Lâu nay tôi không muốn góp ý gì về giáo dục nữa, vì có gì cũng nói hết rồi và nói cũng chẳng tác dụng. Có khi ai đó còn xúi đám Dư luận viên vào chửi bới bậy bạ.

Hôm rồi cô học trò làm trong ngành giáo dục, gọi điện trao đổi về chuyện thi cử, rồi giục, thầy viết đi, ý kiến của thầy hay đấy. Thì viết ra.

Hiện trạng, mọi người biết rồi. Tôi chỉ ý kiến về thi THPT và tuyển sinh Đại học, Chuyên nghiệp.

1. Tất cả các môn học trong chương trình THPT từ lớp 10-11-12 đều cần thi/kiểm tra tổng thể, để đánh giá trình độ được giáo dục của học sinh, xem mỗi học sinh đạt được mục tiêu giáo dục, đào tạo ở mức nào?

Mỗi học sinh biết môn nào mình mình đạt được cái gì, mạnh yếu, có năng khiếu, sở trường về cái gì, kém cái gì? Từ đó chọn đi tiếp vào con đường nào là phù hợp.

Mỗi giáo viên cũng biết môn mình dạy đem lại cho học sinh kết quả gì? Mình mạnh, yếu, kém cài gì? Tại sao?

Muốn vậy, trường nào thi ở trường đó; giáo viên dạy môn gì chấm môn đó. Chủ yếu là thi vấn đáp, thực hành, trắc nghiệm. Thi lần lượt từng môn, suốt học kỳ 2 của lớp 12.

Lịch thi lần lượt các môn và các câu hỏi, bài tập từng môn có thể do nhóm chuyên gia của Bộ hoặc Sở ra công khai, đề mở, cho trường nào trường đó tiến hành.

Mục đích thi THPT như nói trên là để thầy và Trò biết rõ mình ra sao để đi tiếp cho phù hợp. Người có khiếm khuyết cũng biết để hoàn thiện tiếp. Thi mà làm nhau khổ nhục một cách vô bổ, thì thi làm gì!

Chẳng hạn bài thi Văn, tiếng Anh THPT vừa qua, sao phải dài dòng vậy? Chỉ cần vấn đáp, hội thoại 10 phút, làm bài 40 phút là đủ đánh giá được.

(Bài kiểm tra/thi hết môn/chuyên đề tôi giảng dạy, thường ra cho các học viên: Bạn tiếp thu được những điều gì mới và điều gì có thể vận dụng vào thực tế?)

2. Tuyển sinh Đại học, chuyên nghiệp hãy để trường nào trường ấy tuyển, hoặc khối trường có thể tổ chức thi chung mấy môn cơ bản. Còn việc tuyển sinh vào các trường, các khoa, các ngành nghề cụ thể cần xem học bạ, kết quả thi THPT, phỏng vấn, trắc nghiệm, thực hành.

– Chẳng hạn chọn vào nghề giáo viên, hướng dẫn viên du lịch… chỉ cần bốc thăm “hùng biện” 5 phút về chủ đề gì đó là biết tư duy – ngôn ngữ ra sao, có nói ngọng, nói lắp… không?

– Tuyển vào thống kê, kế toán … cho làm vài phép tính nhẩm, đọc mấy dãy số trên 10 tỷ, 100 tỷ… là rõ. (Tuy nay có máy tính, nhưng người vẫn phải đủ trí khôn mới làm chủ được nó).

Vài ý kiến vậy cho vui thôi, biết chả ai nghe đâu!

No comments:

Post a Comment