Tăng cường hỗ trợ Ukraina : Chiến lược với Kiev của Donald Trump phải chăng đang đảo chiều ?
Trọng Thành
Đăng ngày: 14/07/2025 - 15:19
RFI
Ngày 13/07/2025, tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức thông báo sẽ chuyển giao nhiều hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot, một phương tiện được coi là hiệu quả nhất giúp Ukraina kháng cự các oanh kích Nga. Đây là lần đầu tiên kể từ khi lên cầm quyền, chính quyền Trump thông báo các hỗ trợ quân sự mới đối với Ukraina, bên cạnh các viện trợ đã được lên kế hoạch từ thời Joe Biden.

Tuyên bố nói trên, cùng với chuyến công du một tuần của đặc sứ Keith Kellogg tại Kiev, bắt đầu từ hôm nay, 14/07, được nhiều người xem là một sự đảo chiều trong chiến lược của Trump với cuộc chiến Ukraina. Thực hư ra sao ?
Khi tranh cử tổng thống, ông Trump đã cam kết sẽ chấm dứt chiến tranh Ukraina « trong vòng 24 giờ », điều đã không xảy ra. Tổng thống Mỹ sau đó đã điều chỉnh mục tiêu, với cam kết làm mọi cách để sớm chấm dứt cuộc chiến Nga - Ukraina. Trong gần nửa năm đầu cầm quyền, tổng thống Trump coi việc cải thiện quan hệ với điện Kremlin và gây áp lực với Kiev là phương thức chủ yếu để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ngắn hạn, trước khi xác lập một nền hòa bình lâu dài.
Không thuyết phục được Nga, Trump phải « đảo chiều »
Ông Trump đã đưa ra nhiều tuyên bố và có nhiều hành động bị lên án là thiên vị Nga, thậm chí ngả hẳn sang phía Matxcơva. Tháng 02/2025, chính quyền Trump ủng hộ một nghị quyết về chiến tranh Ukraina do Nga đề xuất tại Liên Hiệp Quốc, chống lại các đồng minh. Bất chấp các nỗ lực nói trên của Mỹ, Matxcơva không nhân nhượng, kiên quyết duy trì các mục tiêu trong cuộc chiến chống Ukraina. Tuyên bố ngày 13/07 của tổng thống Mỹ cùng chuyến công du của đặc sứ Keith Kellogg, một người được coi là có quan điểm thân Kiev, được nhiều nhà quan sát ghi nhận như một « sự đảo chiều về chiến lược ». Như ghi nhận của thông tín viên đài France 24 Sonia Guizani, Donald Trump đã « giành lại quyền kiểm soát về hồ sơ chủ chốt này theo cách của riêng mình », cụ thể với tuyên bố sẽ cấp vũ khí cho Ukraina thông qua NATO, và NATO sẽ chi trả 100%.
Tuy nhiên, trên thực tế đây chỉ là một sự đảo chiều trong một chiến lược đã được xác định của tổng thống Trump. Ngay từ khi lên nhậm chức, ông Trump đã công khai khẳng định sẽ gây áp lực với cả đôi bên để ngừng cuộc chiến, và nếu Nga không chấp nhận đình chiến, Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ Ukraina về quân sự.
Thông điệp « tích cực » nhưng « ngắn hạn »
Vấn đề đặt ra là các hỗ trợ Ukraina về quân sự của tổng thống Trump sẽ ở mức nào, có đủ mạnh để buộc Nga phải đàm phán chấm dứt chiến tranh thực sự, như ông Trump từng khẳng định hay không ? Trả lời RFI, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ Martin Quencez, giám đốc viện tư vấn German Marshall Fund ở Paris, nhận định :
« Tôi nghĩ chúng ta có thể thấy thông báo về đợt chuyển giao vũ khí mới, cũng như chuyến công du của đặc sứ Keith Kellogg một thông điệp tích cực về sự ủng hộ chính trị và quân sự của Washington đối với Ukraina. Điều này thực sự có ý nghĩa biểu tượng xét về ngắn hạn. Về lâu dài, câu hỏi không phải là liệu Donald Trump có quyết định cấp thêm tiền cho Ukraina hay không. Ông ấy có thể làm điều này bằng cách sử dụng nguồn tiền đã được chính quyền Biden phê duyệt hồi năm ngoái. Tiền vẫn đủ và điều này nằm trong tầm tay. Thay đổi thực sự, nếu có, sẽ là việc ông Trump và đảng Cộng Hòa thúc đẩy việc thông qua các khoản chi mới cho Ukraina tại Quốc Hội. »
Trống đánh xuôi kèn thổi ngược
Tuyên bố mới về hỗ trợ quân sự Ukraina, sau quyết định đình chỉ bất ngờ trước đó hai tuần của ông Trump, được đón nhận dè dặt tại châu Âu, vốn đã quen với các phát biểu gây bất ngờ và tiền hậu bất nhất của tổng thống Mỹ. Riêng về khả năng Mỹ cấp Patriot cho Ukraina, do NATO chuyển giao và chi tiền, báo Le Figaro dẫn lời tướng Pháp Olivier Kempf, giám đốc văn phòng tư vấn chiến lược La Vigie, lưu ý đến tình huống chưa có tiền lệ này, khi chưa có cơ chế nào cho phép NATO mua vũ khí để rồi sau đó chuyển giao cho Ukraina. Cũng trên Le Figaro, tướng François Chauvancy, nhấn mạnh : tuyên bố của Trump trước mắt « còn rất mơ hồ », « chỉ có ý nghĩa tuyên truyền ».
Theo nhiều nhà quan sát, chính sách của Trump với chiến tranh Ukraina đang bước vào một giai đoạn đầy biến động, trong bối cảnh chính sách an ninh quốc gia của tân chính quyền (Global Posture Review) chưa được xác lập. Trang mạng Mỹ chuyên về chính trị quốc tế Politico.com chú ý đến việc nhiều thành viên chủ chốt của bộ Quốc Phòng Mỹ, từ bộ trưởng Pete Hegseth đến thứ trưởng phụ trách chiến lược Elbridge Colby, có những hành động gây bất lợi cho việc hỗ trợ Ukraina. Politico.com dẫn lời một giới chức châu Âu thậm chí nói đến tính « không thể tiên liệu được » trong chính sách của Mỹ về Ukraina, thậm chí « rất nhiều hỗn loạn », và « thiếu sự quản lý đúng đắn từ cấp cao nhất ».
Trả lời phỏng vấn RFI, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ Martin Quencez chú ý đến việc huy động các hỗ trợ quân sự mới cho Ukraina là một thách thức nan giải với ông Trump, bởi đây là « một vấn đề gây chia rẽ cánh hữu ở Hoa Kỳ. Và điều đó có thể khiến Trump phải trả giá về mặt chính trị. »
No comments:
Post a Comment