Việt Nam: Nghị quyết về kinh tế tư nhân qua cái nhìn của chuyên gia quốc tế
Thanh Phương
Đăng ngày: 14/07/2025 - 10:40 Nghe - 09:35
RFI
Đầu tháng 5 vừa qua, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nghị quyết mới về phát triển khu vực tư nhân, lần đầu tiên khẳng định "kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia". Đối với những người mong muốn một làn sóng cải cách mới, có thể mở ra giai đoạn tăng trưởng kinh tế tiếp theo của Việt Nam, Nghị quyết 68 được ca ngợi là một văn kiện chính sách quan trọng, thậm chí là một "bình minh mới".

Ảnh tư liệu, chụp ngày 03/05/2020: Bốc dỡ hàng tại cảng Sài Gòn, Việt Nam. AP - Hau Dinh
Theo Nghị quyết 68, khu vực tư nhân ở Việt Nam hiện chiếm 50% GDP, 30% thu ngân sách nhà nước và 82% việc làm, tuy nhiên văn kiện này thừa nhận những vấn đề trong việc phát triển một khu vực tư nhân mạnh ở Việt Nam: “Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước.”
Nghị quyết nêu rõ, trong 5 năm tới, Việt Nam cần tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp nhỏ đăng ký chính thức, từ khoảng 900.000 doanh nghiệp hiện nay lên 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Đến năm 2045, cả nước phải đạt mục tiêu ít nhất 3 triệu doanh nghiệp, đóng góp hơn 60% GDP và "có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế".
The Diplomat: Đảng "độc thoại" với khu vực tư nhân
Vì sao Đảng Cộng sản Việt Nam lại cảm thấy cần phải ban hành một nghị quyết như vậy và nghị quyết này hướng đến ai? Nick J. Freeman, một nhà tư vấn phát triển kinh tế, trong một bài viết đăng trên trang mạng của Nhật The Diplomat ngày 08/07/2025, giải đáp:
“Một số người có thể lập luận rằng đây là một phần trong nỗ lực của Việt Nam nhằm thuyết phục bộ Thương Mại Hoa Kỳ rằng Việt Nam thực sự là một nền kinh tế thị trường? vào thời điểm các vấn đề thương mại và thuế quan đang là ưu tiên hàng đầu trong kinh tế. Gần đây nhất, vào tháng 8/2024, Washington vẫn coi Việt Nam là một nền kinh tế phi thị trường (chỉ có khoảng một chục quốc gia bị xem như vậy), điều này có ảnh hưởng đến cách Hoa Kỳ đánh giá thuế đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và đối với bất kỳ cáo buộc bán phá giá nào.
Bộ Thương Mại Mỹ lưu ý rằng, tuy Hà Nội đã có những nỗ lực cải cách gần đây, "sự can thiệp sâu rộng" của chính phủ vào nền kinh tế đã "làm sai lệch giá cả và chi phí của Việt Nam". Chắc chắn rằng việc chính phủ Việt Nam sở hữu trực tiếp nhiều doanh nghiệp nhà nước và mức độ kiểm soát của chính phủ đối với một loạt các nguồn lực kinh doanh là những vấn đề di sản của nền kinh tế chỉ huy của Việt Nam trước những năm 1990 . Cũng đúng là cho đến nay, bộ phận thành công nhất của khu vực tư nhân là bộ phận có vốn đầu tư nước ngoài. Mức độ thành công mà Việt Nam đạt được trong 40 năm qua trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài không được phản ánh trong việc phát triển một khu vực phi nhà nước, tự phát triển hơn.”
Theo Nick J. Freeman, “các doanh nghiệp nhà nước (và chính phủ sở hữu các doanh nghiệp đó ) phải chịu một phần trách nhiệm, vì đã lấn át các đối thủ tư nhân trong một số lĩnh vực, nhưng họ không phải là thủ phạm duy nhất. Ai cũng thừa nhận rằng môi trường bảo đảm cho các công ty tư nhân phát triển và đạt được quy mô kinh tế cần thiết để cạnh tranh hiệu quả đã không hoàn toàn thuận lợi.”
Nick J. Freeman viết tiếp: “Nếu tin vào Nghị quyết 68, các doanh nghiệp nhà nước sắp mất đi những đặc quyền còn lại của họ. Tuy nhiên, những thói quen cũ khó thay đổi. Giống như vào thời kỳ kinh tế chỉ huy, nghị quyết đặt ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng cho sự phát triển của khu vực tư nhân vào năm 2030, chẳng hạn như tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp tư nhân, có 20 doanh nghiệp tư nhân trên 1.000 dân, tăng đóng góp của khu vực tư nhân vào GDP và lực lượng lao động... Sự ưu ái có phần lãng mạn của giới lãnh đạo đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn, mặc dù điều Việt Nam thực sự cần là một đội ngũ các công ty tư nhân lớn có thể tự mình cạnh tranh với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thay vì cứ phải tự xoay xở. Món quà lớn nhất mà giới lãnh đạo Hà Nội có thể dành cho khu vực tư nhân là giải phóng họ khỏi những mục tiêu tùy tiện như vậy, và trao cho họ quyền tự chủ để phát triển và thành công về mặt thương mại, bằng cách tập trung và tận dụng năng lực, cũng như chuyên môn vốn có của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Nếu Đảng yêu thích khu vực tư nhân, thì hãy để họ tự do.”
Nick J. Freeman ghi nhận năm nay, dự kiến Việt Nam sẽ cải tổ Hiến pháp, cũng có thể sẽ có một số thay đổi quan trọng trong những phần liên quan đến nền kinh tế, vì những thay đổi về tư duy trong Nghị quyết 68 bắt đầu không phù hợp với một số điều khoản trong Hiến pháp. Ví dụ, Điều 51 Hiến pháp khẳng định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Tác giả bài viết kết luận: “Một phần nào đó, Nghị quyết 68 khiến ta có cảm giác như một lời độc thoại của Đảng Cộng sản Việt Nam với khu vực tư nhân, như thể họ đang tìm cách tự thuyết phục mình, cũng như thuyết phục bất kỳ ai khác, dù trong nước hay nước ngoài, rằng triển vọng kinh tế tương lai của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào sự phát triển thành công của khu vực tư nhân. Với hàng loạt vụ bê bối gây chấn động gần đây trong lĩnh vực doanh nghiệp và ngân hàng, có lẽ Hà Nội cảm thấy cần phải tái khẳng định cam kết theo đuổi nền kinh tế thị trường, dù “định hướng xã hội chủ nghĩa” đến đâu. Liệu Nghị quyết 68 có đủ sức thuyết phục chính quyền Hoa Kỳ rằng Việt Nam ngày nay thực sự là một nền kinh tế thị trường hay không? Có thể hình dung rằng Washington sẽ xem xét có những thay đổi nào trong cách diễn đạt của Hiến pháp, bao gồm cả Điều 4 : “Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng“
Nikkei Asia: Hưởng lợi nhiều nhất là các doanh nghiệp lớn
Trang mạng Nikkei Asia ngày 10/07/2025 thì đặc biệt lưu ý là Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân chủ yếu tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn, còn số phận của các doanh nghiệp nhỏ thì vẫn không rõ ràng.
Tờ báo viết: “Tại Việt Nam, một đội quân những người bán hàng rong nhỏ lẻ đang cung cấp thực phẩm cho cả nước, từ già đến trẻ, bán những món ăn chủ yếu, như bánh mì thịt với giá chưa đến một đô la. Đội quân này cũng là trọng tâm của Nghị quyết 68. Giống như 5 triệu hộ kinh doanh cá thể mà chính quyền ước tính đang hoạt động không chính thức tại Việt Nam, nhiều người bán hàng rong không nộp thuế và không được đăng ký chính thức là doanh nghiệp, theo các chuyên gia. Họ cho rằng thời gian, thủ tục hành chính liên quan đến việc đăng ký các doanh nghiệp siêu nhỏ không mang lại lợi ích gì, mà chỉ là gánh nặng vì rườm rà và có thể ảnh hưởng đến thu nhập của các doanh nghiệp này, thường hoạt động mà không thu hoặc cấp hóa đơn”.
Phóng viên của tờ báo đã đến một con hẻm đông đúc ở quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi các doanh nghiệp nhỏ đủ loại hình chiếm lĩnh tầng trệt của hầu hết các chung cư, rõ ràng thách thức trong việc thực hiện cải cách vẫn còn ít được hiểu rõ. Một chủ nhà hàng sushi trong con hẻm mô tả Nghị quyết 68 là "đáng thất vọng". Nghiêm, một chủ nhà hàng đăng ký là kinh doanh hộ gia đình, cho biết : "Thực sự rất khó mà tuân thủ các tiêu chuẩn." Gần đó, một người phụ nữ bán bánh bao trên một chiếc xe đẩy nhỏ cho biết gia đình bà đã tránh đăng ký kinh doanh cho đến nay, sợ rằng thuế sẽ cắt giảm thu nhập ít ỏi của họ. Các doanh nghiệp lớn nhỏ trên khắp cả nước đang chờ đợi được giải thích rõ ràng hơn về luật thuế mới được ban hành phù hợp với các cải cách khu vực tư nhân, bao gồm cả việc doanh nghiệp phải nộp bao nhiêu thuế.
Một người bán hàng rong, xin được giấu tên, cho biết: " Xe bán bánh bao do bố mẹ tôi làm chủ và họ chỉ kiếm được một ít tiền, vì vậy tôi không nghĩ họ sẽ đăng ký. Thu nhập của chúng tôi quá ít ỏi."
Nghị quyết 68 kêu gọi các cơ quan chức năng xóa bỏ lệ phí đăng ký và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp mới trong ba năm đầu hoạt động. Nghị quyết cũng thúc đẩy việc đơn giản hóa và số hóa các thủ tục hành chính, khuyến khích tiêu dùng và bán hàng hóa Việt Nam, đồng thời đảm bảo việc sử dụng hợp lý quyền tiếp cận đất đai, vốn, công nghệ và dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế.
Nikkei Asia lưu ý: “Nghị quyết 68 mới chỉ bắt đầu được cụ thể hóa trong luật, khiến nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ đang loay hoay tìm hiểu xem chính sách và quy định của chính phủ sẽ ảnh hưởng đến họ cụ thể như thế nào. Một số người lo ngại sẽ có cuộc trấn áp chống trốn thuế và kinh doanh hàng giả, nên có thể sẽ bị chậm trễ trong quá trình đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp hợp pháp. ( … )
Mặc dù nỗ lực thúc đẩy khu vực tư nhân được ủng hộ rộng rãi trong nước, các chuyên gia lo ngại rằng nhóm nhỏ các tập đoàn tư nhân lớn hiện có của Việt Nam có thể là những người hưởng lợi nhiều nhất, trong khi các chủ doanh nghiệp nhỏ đang phải vật lộn dưới áp lực chính thức hóa hoạt động.”
Nikkei Asia trích dẫn ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, cho biết “có thể sẽ được hưởng lợi nhiều nhất chính là các doanh nghiệp vốn đã được hưởng ưu đãi từ các nhà hoạch định chính sách, bao gồm quyền tiếp cận đất đai - đặc biệt là đất thuộc sở hữu nhà nước - và tín dụng ưu đãi từ các ngân hàng thương mại tại Việt Nam".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang lấy Vingroup làm ví dụ. Tập đoàn này đã dựa vào lĩnh vực bất động sản để xây dựng cơ đồ và hiện có một loạt các công ty con, bao gồm VinFast, thương hiệu ô tô đầu tiên của Việt Nam vươn ra toàn cầu. Trong số các doanh nghiệp lớn khác có thể hưởng lợi từ Nghị quyết 68, có Tập đoàn thép Hòa Phát, công ty bất động sản Sun Group và nhà sản xuất ô tô THACO. Các doanh nghiệp tư nhân lớn hiện có ở Việt Nam rất táo bạo, giàu vốn, hoặc có mối quan hệ với các tổ chức tài chính toàn cầu, và nhất là đã chứng minh được khả năng phát triển nhanh chóng, trong khi các doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm chạp và kém hiệu quả, theo nhận định của các nhà quan sát.
Cũng trong bài viết của Nikkei Asia, Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Honolulu, cho rằng, trên thực tế, Nghị quyết 68 không tạo nhiều không gian cho một thị trường cạnh tranh. Thay vào đó, ông Tô Lâm đang thúc đẩy một mô hình giống như các chaebol Hàn Quốc - các tập đoàn lớn do gia đình điều hành - làm động lực tăng trưởng chính. Vuving nói: "Điều tôi thấy trong nghị quyết này là sự thúc đẩy các công ty lớn. Họ sẽ được hưởng một vị thế độc quyền."
Fulcrum: Giám sát chặt chẽ và nỗ lực chống tham nhũng
Trong một bài viết đăng ngày 05/06 trên trang Fulcrum, chuyên phân tích về Đông Nam Á, Nicholas Chapman, nhà nghiên cứu tại Đại học Tohoku, chuyên về chính sách đối ngoại, kinh tế chính trị và lịch sử Việt Nam, cảnh báo: “Nếu không đưa giám sát, minh bạch và cạnh tranh công bằng vào quá trình thực hiện, chiến lược này có thể lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Bài học quan trọng ở đây là: chỉ loại bỏ các rào cản đầu tư thôi là chưa đủ. Chính phủ cũng phải đảm bảo rằng sự hỗ trợ của nhà nước đi đôi với việc giám sát thận trọng và các nỗ lực chống tham nhũng, tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các tập đoàn lớn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và nỗ lực hơn nữa để tích hợp các công ty trong nước vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nghị quyết 68 chắc chắn cho thấy nhiều hứa hẹn, nhưng nếu không có các biện pháp bảo vệ, chiến lược này có thể lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Bản thân các doanh nghiệp tư nhân cũng không tránh khỏi tham nhũng và hành vi trục lợi.”
Nhà nghiên cứu Nicholas Chapman viết tiếp: “Tương tự, việc nhà nước thúc đẩy khu vực tư nhân mạnh mẽ hơn cũng cần đảm bảo rằng các tập đoàn lớn không bóp nghẹt nền kinh tế và độc quyền chuyển giao tri thức, từ đó có khả năng cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nghị quyết 68 nhấn mạnh rằng khu vực tư nhân nên cạnh tranh bình đẳng với các khu vực kinh tế khác, nhưng không đề cập đến việc các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng với nhau. Các chaebol của Hàn Quốc là một ví dụ điển hình về mối nguy hiểm của việc mất cân bằng trong sân chơi. Sự thống trị thị trường của các tập đoàn khổng lồ trong những năm gần đây đã kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty khởi nghiệp, mặc dù các doanh nghiệp này chiếm tỷ trọng về việc làm cao hơn nhiều.
Nghị quyết 68 đặt mục tiêu thành lập 2 triệu doanh nghiệp trong nền kinh tế. Tuy nhiên, như các chuyên gia đã chỉ ra, tăng trưởng về số lượng trong các doanh nghiệp tư nhân là chưa đủ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có cơ hội hội nhập vào chuỗi giá trị và thiết lập mối liên kết chặt chẽ với các công ty trong và ngoài nước.”
No comments:
Post a Comment