Wednesday, July 16, 2025

Donald Trump : Patriot cho Ukraina và 50 ngày cho Putin
Thụy My
Đăng ngày: 16/07/2025 - 10:17
RFI

Tổng thống Mỹ cho phép chuyển giao vũ khí cho Ukraina, trong khi Nga gia tăng oanh kích. Pháp củng cố quốc phòng, thủ tướng Bayrou tìm kiếm 40 tỉ euro còn thiếu cho ngân sách. Châu Âu chuẩn bị trả đũa đồng thời với việc thương lượng sau khi bị Donald Trump áp thuế 30 %. Giới trẻ Thái Lan bất mãn trước sự đảo điên của chính trường. Trên đây là một số chủ đề được báo chí đề cập hôm nay 15/07/2025.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và phó tổng thống JD Vance, ngoại trưởng Marco Rubio, bộ trưởng quốc phòng Pete Hegseth gặp tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 14/07/2025. REUTERS - Nathan Howard

Trump : « Putin lừa gạt rất nhiều người »

Les Echos chú ý đến việc « Trump hứa cung cấp vũ khí cho Ukraina và có thể trừng phạt thương mại đối với Nga ». Tối 14/07, tổng thống Mỹ thông báo giao hỏa tiễn Patriot cho Kiev, các đồng minh sẽ chi trả. Matxcơva có 50 ngày để thương lượng hòa bình, nếu không sẽ bị Hoa Kỳ áp thuế cao.

Donald Trump không còn muốn Vladimir Putin chơi đánh đố với ông. Hôm 14/07, tiếp tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Phòng Bầu dục, Trump hứa trợ giúp Ukraina và trừng phạt nước Nga ngoan cố. Tổng thống Mỹ nói : « Những cuộc đối thoại của tôi với Putin luôn rất vui vẻ, nhưng đến tối, ông ta lại tung ra các hỏa tiễn ». Putin « lừa gạt rất nhiều người » - ý nói các tổng thống tiền nhiệm.

Sự thay đổi này khiến các đồng minh châu Âu thở phào, 13 ngày sau khi bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ thông báo ngưng giao vũ khí cho Kiev. Mark Rutte không bỏ lỡ cơ hội hoan nghênh Donald Trump về thái độ cứng rắn mới mẻ này. Ông Trump cho biết sẽ gởi nhiều loại vũ khí, kể cả các hệ thống phòng không mà Ukraina « hết sức cần đến », một số sẽ đến nơi trong vài ngày tới. « Hai nước có Patriot sẽ trao đổi » nhưng không nêu cụ thể.

50 ngày : Quá dài đối với Ukraina đang gánh chịu mưa bom

Les Echos cho rằng các đồng minh, nhất là Đức, sẽ mua vũ khí mới của Hoa Kỳ và gởi số trong kho cho Ukraina. Mark Rutte nhắc đến Na Uy, còn Donald Trump nói thêm là « một nước có 17 hệ thống Patriot đang chuẩn bị gởi đi, họ không còn cần cho chính mình nữa ».

Cách đây vài ngày, tổng thống Volodymyr Zelensky nói Đức và Na Uy sắp mua ba giàn Patriot để chuyển cho Ukraina. Bên cạnh vũ khí phòng thủ, Washington cũng có thể gởi hỏa tiễn tấn công tầm xa có thể đạt đến các mục tiêu trong lãnh thổ Nga, đến tận Matxcơva – theo trang Axios. Song song với cuộc gặp Trump-Rutte, bộ trưởng Quốc Phòng Đức Boris Pistorius cũng có mặt tại Washington để thảo luận với đồng nhiệm Pete Hegseth. Đức đã tặng cho Ukraina ba giàn Patriot trong số 12 hệ thống hiện có và có lẽ sẽ giao thêm. Được biết mỗi giàn Patriot mới giá trên 1 tỉ đô la.

Berlin càng có lợi khi hợp tác về Ukraina, khi thủ tướng Friedrich Merz cần tranh thủ Donald Trump về thương chiến để có thể tiếp tục xuất khẩu xe hơi và máy công cụ sang Hoa Kỳ. Tối thứ Hai, Mark Rutte dùng bữa với hai thượng nghị sĩ nhiều ảnh hưởng là Lindsey Graham và Richard Blumenthal, đang bảo vệ dự luật đánh thuế 500 % lên các nước mua dầu lửa, khí đốt và uranium của Nga. Donald Trump ủng hộ ý tưởng trừng phạt thứ cấp ở mức 100 %, nhưng dành cho Vladimir Putin thời gian, trong vòng 50 ngày. Một khoảng thời gian quá dài đối với Ukraina, vốn đang chịu đựng những trận mưa bom Nga với cường độ chưa từng thấy.

Putin chọn bành trướng, từ chối cơ hội phát triển đất nước

Về phía Nga, Libération nhận định, việc « ông bạn » Trump tái đắc cử tổng thống, về đối ngoại là cơ hội để Putin cùng xử lý những vấn đề toàn cầu. Trong đối nội, kinh tế Nga sẽ ra khỏi cô lập, lợi dụng được đầu tư Mỹ, tạo ra bước nhảy vọt để phát triển đất nước.

Nhưng tổng thống Nga đã chọn con đường ngược lại là biến nước Nga thành đại cường quân sự như xưa, áp đặt ý định của mình lên Trung Âu - nơi các dân tộc bị Liên Xô trị vì suốt thời gian dài, bị thu hút bởi dân chủ tự do. Chọn lựa này là do thất bại của cuộc xâm lăng Ukraina được khởi động ngày 24/02/2022.

Vào thời kỳ đó, Putin tin vào báo cáo của các tướng lãnh : Quân đội đã sẵn sàng, hoàn toàn vượt trội trên mọi lãnh vực, chế độ Kiev không thể chống chọi nổi trước các đơn vị đặc nhiệm được giao nhiệm vụ thanh toán tất cả các nhà lãnh đạo Ukraina...Chưa kể đến một bộ phận đáng kể trong dân chúng mong mỏi người Nga quay lại - cũng theo lời khẳng định của họ. Nhưng Bộ Tổng tham mưu Nga đã sai trên toàn bộ các lãnh vực.

Putin đến lúc đó hiểu rằng cần phải thay đổi bộ chỉ huy, chỉnh đốn lại quân đội. Ông ta đã chọn xây dựng một quân đội hiện đại càng nhanh càng tốt, nhìn thẳng vào thực tế, thay đổi các tướng lãnh, tái lập kỹ nghệ vũ khí, hợp đồng với các đồng minh như Iran, Bắc Triều Tiên, chế tạo các vũ khí mới.

Chuẩn bị cho chiến tranh để khỏi xảy ra chiến tranh

Điều nghịch lý : Đây cũng là những gì Ukraina đã làm khi quân Nga tràn qua lãnh thổ. Bộ mặt chiến trường thay đổi, Ukraina và Nga nay đều sử dụng số lượng lớn drone và hỏa tiễn hành trình. Để gieo rắc khủng hoảng trong dân chúng, Nga tấn công trong đêm hoặc sáng sớm. Số thường dân nạn nhân tăng cao, đến mức các chuyên gia Liên Hiệp Quốc coi các vụ oanh kích này là tội ác chống nhân loại. Tổng thống Zelensky thông báo có những « dấu hiệu tốt từ Hoa Kỳ và các bạn bè châu Âu » - Mỹ đã chuyển giao vũ khí trở lại kể cả hỏa tiễn Patriot. Chiến lược công khai chế giễu Trump của Putin đã phản tác dụng, theo Libération.

Trong bối cảnh một thế giới với các mối đe dọa nhân lên, sức mạnh được phô trương - như trong các cuộc oanh tạc vào Iran của Israel và Mỹ, Hoa Kỳ của Trump không tin tưởng châu Âu, Nga coi Tây Âu là đối thủ chính đặc biệt là Pháp, tổng thống Emmanuel Macron đã trang trọng loan báo một bước ngoặt chiến lược, dựa theo một câu ngạn ngữ cổ : Cần phải đầu tư và chuẩn bị chiến đấu để chiến tranh không xảy ra.

Libération kết luận : Khung cảnh đã thay đổi, các đế quốc cũ đều muốn áp đặt luật lệ của mình một lần nữa. Thế giới năm 1945 đang tan biến. Hoa Kỳ rút đi, trong khi các mối đe dọa đủ loại xuất hiện khắp nơi. Emmanuel Macron, thủ lãnh tối cao của quân đội, phải vận dụng binh pháp cũ - phải hùng mạnh mới có thể làm e sợ.

Thuế quan : Châu Âu thương lượng đồng thời có kế sách trả đũa

Liên quan đến chiến tranh thương mại, Libération cho biết Liên Hiệp Châu Âu (EU) nhận định không thể chấp nhận được mức thuế 30 % mà tổng thống Mỹ muốn áp đặt lên tất cả hàng hóa châu Âu xuất sang kể từ ngày 01/08. Châu Âu hy vọng đạt được thỏa thuận trước thời hạn này, nhưng cũng chuẩn bị cho việc trả đũa.

Châu Âu chừng như ngạc nhiên trước mức thuế này, nhưng sao lại có thể bất ngờ sau sáu tháng Trump làm tổng thống ? Donald Trump khiến người ta phải quen với bất kỳ chuyện gì, nhưng những cuộc đàm phán trong hậu trường cho đến nay vẫn gây lạc quan. Mười lăm ngày sắp tới sẽ rất dài cho một loạt nhân vật châu Âu, từ các chính khách, nhà ngoại giao cho đến những nhân tố kinh tế mà hoạt động đang chững lại vì sự thất thường của Trump. Quyết định của tổng thống Mỹ rõ ràng là điên rồ, tác động rất lớn lên kinh tế châu Âu. Ngành xe hơi Đức, thực phẩm Ý, rượu và hàng xa xỉ Pháp… là các lãnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Nhưng hậu quả của chủ nghĩa bảo hộ quá trớn không chỉ về kinh tế. Châu Âu lặp lại sẽ tiếp tục thương lượng cho đến cùng để tránh thảm họa. Libération cho rằng Bruxelles có lý, nhưng với điều kiện : Việc đe dọa đánh thuế trả đũa không chỉ là lời nói suông. Trừ phi muốn chìa má trái ra, sau khi bị tát vào má phải. Vấn đề lấn cấn của các thành viên EU là lợi ích kinh tế của từng nước, nhưng từ nay đến 01/08 cần nói cùng một tiếng nói. Sự đoàn kết châu Âu thường xuyên bị thử thách, nhưng vì kinh tế vốn là nguyên nhân chính hình thành nên Liên hiệp, cái bẫy mà Trump giương ra vô cùng đáng ngại.

Sáu thủ tướng trong ba năm : Giới trẻ Thái Lan bất mãn

Nhìn sang châu Á, La Croix nhận xét sự bất ổn chính trị khiến giới trẻ Thái Lan bất mãn. Việc nữ thủ tướng Paetongtarn Shinawatra bị ngưng chức từ ngày 01/07 làm vương quốc Thái rơi vào bất định. Trong vòng chưa đầy ba năm qua, Thái Lan đã lần lượt có đến sáu thủ tướng khác nhau, trong đó có ba người là thủ tướng lâm thời. Và sắp tới là thủ tướng thứ bảy, nếu « Ung Ing », biệt danh của bà Paetongtarn, bị Tòa Bảo hiến chính thức phế truất trong những tuần tới.

Một nữ doanh nhân cho biết tuy không ưa người thừa kế của gia tộc Shinawatra – tỉ lệ được yêu thích của bà gần đây chỉ là 9,2 %, nhưng việc tấn công dồn dập vào nữ thủ tướng trẻ là quá đáng. Chừng như phe quân sự và bảo thủ tìm cớ để hạ bệ bà.

Bản thân Tòa Bảo hiến cũng không được ưa thích. Từ việc giải thể Move Forward, đảng của giới trẻ đã chiến thắng trong cuộc bầu cử 2023 đến việc truất phế Srettha Thavisin, người tiền nhiệm của Paetongtarn Shinawatra, chín thẩm phán của tòa liên tục có những quyết định gây tranh cãi, đứng về phía giới tinh hoa bảo thủ. Theo một nữ sinh viên, điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì Hiến pháp hiện nay là do các tướng lãnh đảo chánh năm 2014 soạn thảo, tăng cường đáng kể quyền lực của Tòa Bảo hiến.

Một sinh viên khác than trách : « Thế hệ già để lại cho chúng tôi một đất nước trong tình trạng tệ hại ». Giới trẻ có đôi chút niềm tin sau các cuộc biểu tình sinh viên năm 2020 nay đầy thất vọng vì « những cuộc bầu cử bị đánh cắp ». Nền dân chủ Thái Lan liên tục xuống dốc kể từ sau vụ ông Thaksin Shinawatra, cha của Paetongtarn, bị quân đội lật đổ năm 2006, những cuộc khủng hoảng liên tục diễn ra khiến người ta chán ngán.

Pháp : Trách nhiệm nặng nề của các thị trưởng khi các vụ chết đuối gia tăng

Tại Pháp trên lãnh vực xã hội, Le Figaro cho biết « Các thị trưởng đang ở tuyến đầu trước tình trạng hàng loạt vụ chết đuối xảy ra ». Tiết trời nóng bức khiến đã có 109 vụ tử vong vì tắm suối, tắm sông chỉ riêng trong tháng Sáu, tăng 58 % so với cùng kỳ năm ngoái. Những người lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm dù đã ra lệnh cấm. Chẳng hạn thị trưởng Changé vùng Mayenne hôm 02/06/2025 đã bị tòa sơ thẩm phạt vạ 49.000 euro vì một vụ từ năm 2018 : một gia đình vào công viên dạo chơi, cây đổ làm chết một bé gái 6 tuổi, vì dù có lệnh cấm vào nhưng không có bảng cấm được dựng trước công viên.

No comments:

Post a Comment