Những hệ luỵ khi cấm xe máy xăng trong nội đôDương Quốc Chính
15-7-2025
Tiengdan
Việc Thủ tướng công bố Hà Nội cấm xe xăng trong phạm vi Vành đai 1 (nội đô), mình cho là quá vội vã. Lẽ ra việc này nên cần một lộ trình chuyển đổi từ 3-5 năm. Cần thông báo công khai cho người dân và thực hiện cho đúng.
Hiện có một số chống chế là có lộ trình hạn chế tới cấm xe máy ở Hà Nội từ năm 2017, nhưng thực tế nó không được thực thi theo đúng lộ trình, dẫn tới người dân coi là nhảm, không quan tâm. Và việc vẫn cho xe máy điện chạy làm thay đổi ý tưởng đó, dẫn tới dư luận lập tức đánh giá rằng chính phủ phục vụ nhóm lợi ích, gây phản cảm.
Thực tế là thời gian qua, VinFast cũng đã phối hợp với nhiều chính quyền địa phương về công tác chuyển đổi xanh, mà mình không hề đọc cũng đã dự là để chuẩn bị cho những chính sách kiểu này. Điều đó lại càng củng cố cho nhận định trên. Ai theo dõi mình lâu hẳn còn nhớ từ hồi VinFast mới ra đời, mình đã nhận định rằng nếu VinFast muốn bán được tốt, thì cách tốt nhất là vận động chính sách! Cách đó là con bài chủ lực của VIN được. Chứ cạnh tranh bằng thị trường e là rất khó.
Những hệ lụy này là gì?
Việc “ngăn sông cấm chợ” kia sẽ tạo ra một hàng rào khổng lồ vào nội đô, từ đó phải tạo ra các bãi gửi xe ở các điểm giao cắt, để người dân chuyển đổi xe, điều này cực khó vì không có đất mà trông xe. Việc này cũng sẽ gây ùn tắc.
Việc chuyển đổi này quá gấp, trong vòng một năm, không dễ để người dân, nhất là dân nghèo, kịp thay đổi. Mua một chiếc xe máy, xe đạp điện tầm trên 15 triệu không phải quá dễ với đa số dân. Chưa kể phải đổi 2-3 cái. Đối với người giàu chơi xe phân khối lớn cũng sẽ phải đem gửi ở ngoài nội đô, gây phiền toái không nhỏ.
Người ta sẽ phải đối phó bằng dạng xe “rác” tức là dòng rẻ tiền 5-10 triệu của Trung Quốc, có khi Trung Quốc hưởng lợi còn nhiều hơn VinFast?! Xe điện rẻ tiền làm tăng nguy cơ rác thải xác xe như Trung Quốc đang bị cả với ô tô nhưng đáng sợ hơn là nguy cơ tai nạn do chất lượng kém. Mình nghĩ chính phủ sẽ tạo ra rào cản chất lượng (kiểu dán tem mũ bảo hiểm) để ngăn chặn, nhưng cũng phải có lộ trình.
Theo mình biết thì Việt Nam mới có hai hãng xe điện, hãng còn lại giá cũng ngang ngửa xe VinFast. Nói chung tầm giá sẽ ngang một chiếc Vision trở lên.
Việc mua xe điện với trung lưu như mình cũng không phải quá khó, nhưng cái đáng ngại hơn là việc sạc, nhất là người dân ở các chung cư cũ hay khu tập thể. Do nguồn điện không đáp ứng, đặc biệt là phải gửi xe máy, dẫn đến việc sạc bị phụ thuộc người trông xe, rất có thể bị ép giá, hay nguy cơ cháy nổ cao (họ tăng giá với lý do này). Mình không kỳ thị xe điện, nhưng lo ngại việc sạc pin do không chủ động, nhất là chưa hề có một đánh giá mang tính khoa học, khách quan về nguy cơ cháy từ xe điện.
Lộ trình tăng xe điện cần thống nhất với lộ trình tăng công suất sản xuất điện, hiện chưa rõ ràng. Việc đầu tư điện hạt nhân mới có tăng đột biến nhưng cũng không nhanh được, do đầu tư quá đắt tiền và phức tạp. Hay VIN đầu tư luôn nhà máy điện hạt nhân cho nó nhanh?!
Việc giảm đột biến xe xăng bằng chính sách cũng tạo sốc lên các doanh nghiệp xe xăng kiểu Honda, Yamaha… họ cũng đóng thuế và giải quyết việc làm nhiều. Hơn nữa, việc này cũng ảnh hưởng tới thị trường cạnh tranh, do giảm sốc số nhãn hiệu xe lưu hành. Thế nên cần lộ trình để các hãng xe khác chuyển đổi mặt hàng, nhanh cũng phải 3-5 năm, còn nghiên cứu chế tạo, sản xuất.
Về nguyên tắc, thì thị trường phải đa dạng, có tính cạnh tranh cao, thì mới lành mạnh được. Không thì người dân sẽ thành con mồi cho nhóm lợi ích cấu kết nhau để trục lợi dựa vào chính sách.
Khi có một kế hoạch cụ thể như vậy và thực thi nghiêm túc, thì không cần phải cấm từng vùng như hiện tại mà cấm luôn tới Vành đai 3, sẽ tránh được rủi ro ngăn sông cấm chợ phức tạp nêu trên, coi như cấm tất toàn bộ phần đô thị của Hà Nội.
Nhưng lộ trình cấm xe xăng không quan trọng bằng lộ trình cấm xe cá nhân, lưu ý là cá nhân chứ không chỉ xe hai bánh. Khi đó lại cần một lộ trình quan trọng hơn là lộ trình xây dựng các tuyến xe công cộng. Khi đó người ta chả cần cả xe điện lẫn xăng, VIN có thể đầu tư, nếu muốn, nó lành mạnh hơn. Họ đang có các tuyến bus khá thành công, mình ủng hộ cái đó.
Tóm lại là việc này cần có một tầm nhìn rộng lớn của chính phủ, cách làm hiện tại tỏ ra là manh mún và có màu sắc của sự tác động lợi ích khá thô thiển. Tầm nhìn hạn chế nó bộc lộ ở nhiều chính sách rồi, gần nhất là đầu tư sân bay Long Thành nhưng không tính cách kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất…
Đảng và chính phủ đang thực hiện công cuộc chuyển đổi lớn của dân tộc, sắp xếp lại giang sơn, đang rất cần uy tín để có sự chính danh thực sự mà không cần tuyên truyền. Đừng nên để mất uy tín bởi những chính sách tủn mủn kiểu sắp xếp lại xe máy.
Cái lợi nhỏ có khi phá hoại lợi ích to hơn nhiều, khi lòng dân không tin tưởng vào sự cải cách, nó dường như không đến từ thực tâm muốn dân giàu nước mạnh mà đến từ lợi ích nhóm và sự cấu kết.
No comments:
Post a Comment