Tuesday, July 15, 2025

VNTB – Trung Quốc phá 300 đập thuỷ điện trên sông Dương Tử: bài học cho Việt Nam
Cảnh Chân
15.07.2025 6:33
VNThoibao


(VNTB) – Sự mâu thuẫn trong chính sách phá đập thuỷ điện nội địa và xây thêm đập thuỷ điện ở các nước láng giềng của Trung Quốc, cho thấy họ đang sử dụng các đập thủy điện như một “vũ khí địa chính trị” để gây áp lực với các quốc gia hạ nguồn

 Mới đây Trung Quốc ra thông báo về việc phá bỏ 300 đập thuỷ điện và cho ngừng hoạt động hơn 90% nhà máy thuỷ điện nhỏ dọc trên sông Xích Thuỷ, một phụ lưu lớn trên thượng nguồn sông Dương Tử (Trường Giang). Lý do được đưa ra là nhà chức trách muốn khôi phục đa dạng sinh học thuỷ sinh trên con sông dài nhất châu Á sau hàng thập kỷ phát triển thuỷ điện khiến các loài cá bản địa bị đe doạ nghiêm trọng. Theo Xinhua, đến cuối năm 2024, có 300 trong số 357 đập đã được tháo dỡ và 342 trong 373 nhà máy thuỷ điện nhỏ đã đóng cửa.

Động thái này được ca ngợi là bước chuyển quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững và bảo vệ môi trường của Trung Quốc sau nhiều năm chịu áp lực từ biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học và tác động tiêu cực từ các công trình thủy điện.

Đây cũng là một tín hiệu cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu thừa nhận những sai lầm trong quá khứ và hướng tới một mô hình phát triển gắn liền với bảo tồn thiên nhiên.

Tuy nhiên, cũng chính Trung Quốc lại là quốc gia đang tích cực xây dựng hàng loạt đập thủy điện lớn trên thượng nguồn sông Mekong, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho các quốc gia hạ lưu, trong đó có Việt Nam. Tính đến năm 2024, Trung Quốc đã có 12 đập thủy điện lớn trên dòng chính thượng nguồn Mekong. Nếu tính trên các nhánh của sông Mekong thì có ít nhất 95 đập do Trung Quốc xây dựng.

Theo Trung tâm Stimson (Mỹ), các đập này làm biến đổi dòng chảy sông Mekong một cách bất thường, khiến các nước hạ lưu như Lào, Campuchia và đặc biệt là Việt Nam phải đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn, và mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng. Một nghiên cứu của tổ chức Eyes on Earth (2020), sử dụng dữ liệu vệ tinh, cho thấy Trung Quốc đã giữ lại tới 47% lượng nước mùa khô trong một số năm, khiến Đồng bằng sông Cửu Long hầu như không có nước để tưới tiêu.

Hệ quả là Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất hơn 50% lượng lúa gạo và 70% sản lượng trái cây của Việt Nam đang bị xâm nhập mặn sâu tới 70–90 km vào đất liền, đe dọa sinh kế của hơn 20 triệu người. Năm 2020, hạn mặn nghiêm trọng khiến 33.000 ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang và hàng trăm nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Không chỉ dừng lại ở tác động môi trường. Sự mâu thuẫn trong chính sách phá đập thuỷ điện nội địa và xây thêm đập thuỷ điện ở các nước láng giềng của Trung Quốc cho thấy họ đang sử dụng các đập thủy điện như một “vũ khí địa chính trị” để gây áp lực với các quốc gia hạ nguồn, trong đó có Việt Nam, một nước phụ thuộc lớn vào dòng chảy sông Mekong. Việc Trung Quốc nắm quyền kiểm soát dòng nước trở thành một công cụ răn đe gián tiếp, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều mâu thuẫn chiến lược trong khu vực như vấn đề Biển Đông.

Nhưng nếu chỉ đổ lỗi cho Trung Quốc không thì cũng chưa đủ, mà cần phải coi lại CSVN đã làm gì. Trong nhiều năm qua, CSVN cũng đã cho xây trăm đập thủy điện lớn nhỏ trên khắp các con sông ở Việt Nam. Mặc dù mang lại nguồn điện đáng kể cho nền kinh tế, các công trình này cũng để lại những hệ lụy không nhỏ: phá rừng đầu nguồn, gây lũ lụt nghiêm trọng ở hạ du, làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở, thậm chí một số nơi ghi nhận hiện tượng động đất kích thích do tích nước hồ chứa.

Không ít dự án thủy điện nhỏ được triển khai mà không có đánh giá tác động môi trường đầy đủ, hoặc phớt lờ ý kiến phản đối của cộng đồng dân cư địa phương. Hậu quả là người dân ở hạ lưu luôn sống trong nỗi lo mất mùa, mất nhà cửa, mất sinh kế do lũ quét bất thường. Tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại miền Bắc, miền Trung, và Tây Nguyên cho thấy đã đến lúc phải dẹp bỏ các nhà máy thuỷ điện gây hại cho người dân và môi trường.

Việt Nam với đường bờ biển dài, có có tiềm năng lớn về điện tái tạo, điện gió, điện lượng mặt trời. Đầu tư vào năng lượng tái tạo không chỉ giúp giảm áp lực lên hệ sinh thái sông ngòi, mà còn tạo ra nhiều việc làm xanh, góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn. Vấn đề là nhà nước CSVN vẫn tiếc tiền, không dám bỏ các nhà máy thuỷ điện, đồng thời một số nhà máy cũng có vốn đầu tư của Trung Cộng, cho nên huỷ bỏ thuỷ điện thì sợ mích lòng “thiên triều”. Có lẽ phải đợi tới khi đất nước thật sự dân chủ thì mới mong xử lý được vấn nạn thuỷ điện này, và nhiều vấn nạn khác…

No comments:

Post a Comment