Monday, July 14, 2025

Hai cánh chim nước Pháp trên bầu trời Paris
Đinh Hoàng Thắng
14-7-2025
Tiengdan

Tự chủ chiến lược châu Âu cùng các quan hệ đối tác chiến lược với Hà Nội và Jakarta được ví như hai cánh chim, hướng về an ninh châu Âu và kết nối châu Á. Nếu vì chiến lược mà coi nhẹ lý tưởng, Pháp vẫn có thể bay cao, nhưng không chắc là xa hơn. 

Paris, 14/7: Đêm pháo hoa Quốc khánh Pháp soi mình dưới muôn vàn ánh hào quang. Paris trở thành một đại hí trường, nơi lý tưởng Cộng hòa được thắp sáng bằng những ánh lửa nhân tạo, và khúc tráng ca “La Marseillaise” ngân vang như muốn làm dịu bớt bao nỗi đau tại nhiều khúc quanh lịch sử của chính nước Pháp.  

Lý tưởng và đôi cánh chim đại bàng 

Trong bài phát biểu truyền thống trước giới tướng lĩnh quân đội ở bộ Quốc Phòng hôm 13/7, tổng thống Emmanuel Macron báo động, chưa bao giờ tự do bị đe dọa đến như thế kể từ năm 1945. Theo ông, cuộc chiến xâm lược Ukraina đang đe dọa an ninh lãnh thổ châu Âu, đặt châu Âu bên bờ vực một vòng cung khủng hoảng rộng lớn. Macron cũng thông báo sẽ tăng gấp đôi chi tiêu cho quốc phòng ngay từ năm 2027, thay vì vào năm 2030 như dự kiến.

Như thường lệ, sáng 14/7 Paris đã tổ chức duyệt binh trên đại lộ Champs-Élysées, với sự tham gia của khoảng 7.000 binh sĩ, hiến binh, cảnh sát và nhân viên cứu hộ cùng với sự hiện diện của tổng thống Emmanuel Macron và nhiều bộ trưởng, quan chức, khách mời. Năm nay Jakarta là khách mời danh dự của Pháp. Quân đội Indonesia được vinh danh, hơn 400 binh sĩ Indonesia đi đầu đoàn diễu binh. Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto ngồi bên cạnh nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron trên lễ đài. 

Đội vệ binh cộng hòa và binh lính không ăn bận trang phục diễu binh, mà theo đội hình như những đơn vị tác chiến, trong quân phục chiến đấu, và trên những chiếc xe bọc thép.

Đoàn quân diễu binh bước đều và rung chuyển như chính những nhịp tim của một nước Pháp vẫn còn mang sứ mệnh truyền cảm. Liệu có chính khách nào của xứ Gaulois nhớ về Việt Nam lúc này – một quốc gia xa xôi nhưng đầy chất sử thi trong quan hệ với mẫu quốc cũ.   

Trong hoài niệm xuyên lục địa ấy, Tổng thống Macron và Tổng bí thư Tô Lâm hai năm qua đã từng trao đổi nhiều văn kiện song phương: năng lượng sạch, hợp tác quốc phòng, nghiên cứu đại học, và đỉnh cao là “ Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” giữa CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Pháp.  

Và trên nền nhạc của “cuộc tình hữu nghị” ấy, những nốt trầm có thể dễ bị lãng quên. Trong các phát biểu chính thức, chủ đề nhân quyền hoàn toàn vắng mặt. Không một lời về các nhà báo bị bắt, các nghệ sĩ bị giam, hay không gian xã hội dân sự bị siết lại. Một sự im lặng không hề ngẫu nhiên – nó phản chiếu nỗi lo toan chiến lược lớn hơn: “Tự chủ chiến lược châu Âu” trong kỷ nguyên Trump-2.  

Tự chủ chiến lược châu Âu và các quan hệ đối tác chiến lược với Hà Nội và Jakarta được giới quan sát ví như hai cánh chim, hướng về an ninh chung của châu Âu và kết nối với châu Á bằng niềm tin mới. Nhưng đại bàng, chính vì bay cao, không thể không mang theo bóng dáng của chính mình. Bóng dáng ấy là lý tưởng Cộng hòa – từng đưa nước Pháp ra khỏi đêm trường phong kiến, và biến Paris thành thủ đô của ánh sáng.

Nghệ thuật và truyền thông nhắc nhở nước Pháp  

Trong lúc các phòng họp im lặng và những thỏa thuận được đóng dấu niêm phong, thì có nhiều nơi lại vang lên những lời nhắc nhở: Avignon. Thành phố cổ đá trắng, nơi nghệ thuật không cần hộ chiếu để băng qua mọi biên giới. Từ 5 đến 26/7, vở “Hongaï” được lưu diễn trong khuôn khổ Festival Off d’Avignon 2025 tại Théâtre du Rempart, vào 19h55 mỗi buổi.  

La Belle Époque và nhóm Le Collectif Rue 46 đã chọn một hình thức dàn dựng táo bạo: 5 diễn viên, 30 vai, thay đổi không ngừng về giọng, điệu bộ, phục trang. Nhưng khán giả không lẫn lộn. Chính sự trôi chảy ấy gợi nên cảm giác nhân loại chỉ là một dòng chảy đơn nhất của ký ức – nơi quốc tịch, chính thể, thậm chí ngôn ngữ… không còn là rào cản.   

Một vở kịch đặc sắc gói trọn tất cả những biến động của lịch sử. Đó chính là sức mạnh của “Hongaï”. Không bằng diễn văn chính trị, mà bằng một gia đình nhỏ – cũng như người Pháp và người Việt – không còn biết mình là “ta” hay “họ”, “quê hương” là ở đâu và lịch sử thuộc về ai. Ba châu lục Á –  Âu – Mỹ, ba đất nước Việt Nam, Pháp và Hoa Kỳ, ba thời kỳ loạn lạc Thế Chiến 2, Điện Biên Phủ và chiến tranh Việt Nam được kết nối trong một gia đình người Pháp, ly tán vì chiến tranh.  

Sân khấu không buộc tội, chỉ trưng lên tấm gương phản chiếu. Và trên tấm gương ấy, người xem nhận ra: đôi khi nghệ thuật nói được những điều mà chính trị gia không dám. Nó không cần vòng vo, không cần tránh né. Nghệ thuật làm thay công việc của ngoại giao: khơi lại ký ức, đối thoại trong cảm xúc, và nếu có thể – xin một lời hối cải.  

Trong một diễn biến khác, Couthures-sur-Garonne (miền Tây Nam nước Pháp) vẫn được chọn làm nơi Liên hoan báo chí quốc tế / Festival International du Journalisme (FIJ). Liên hoan đã thu hút khoảng 3.000 người tham gia, chủ yếu là các nhà báo và những người làm trong lĩnh vực truyền thông. Nhiều bàn tròn được tổ chức về những đề tài liên quan đến tự do báo chí. 

Hongaï và FIJ không chỉ là kịch trường và liên hoan. Đó là bản những di chúc mềm mại của giá trị từng làm nên nước Pháp: không phải là màn pháo hoa, mà là những ngọn lửa từ trái tim. Lửa của đối thoại, phản tư, nhân phẩm, và can đảm để nhìn lại mình.  

Trong khi các chính khách ngại nhắc đến những vết nứt trong quan hệ quốc tế, thì các nghệ sĩ và giới truyền thông lại tái hiện chính những vết nứt ấy để diễn đạt nhiều điều chưa kịp nói. Và có lẽ, chính ở đây, tại một sân khấu nhỏ và một ngôi làng nhỏ giữa miền Nam nước Pháp, tinh thần của ngày 14 tháng 7 đã được thắp sáng lại – không bằng pháo hoa, mà bằng cách dẫn chuyện nhịp nhàng, uyển chuyển và nhu cầu cất lên tiếng nói.   

Diện mạo mới cho ngày Quốc khánh?   

Có thể, nhưng đó không phải là “mốt tóc” tại một salon trên đại lộ Saint-Germain. Đó là câu hỏi nghiêm túc dành cho một quốc gia từng dạy thế giới cách mơ về Tự do: Nước Pháp.

Liệu “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” có còn là ba giá trị thiêng, hay chỉ là khẩu hiệu treo trước cổng các tòa nhà chính phủ? Câu trả lời không đến từ diễn văn, mà đến từ hành động – lại càng không đến từ sự im lặng.  

Và nếu sự im lặng kéo dài, có lẽ, chính nghệ thuật và truyền thông – từ những sân khấu nhỏ, những linh hồn nghệ sĩ ảo diệu và các nhà báo đấu tranh cho tự do – sẽ giúp truyền cảm hứng. Bởi vì lý tưởng, một khi đã sống trong trái tim con người, dù có bị gạt ra khỏi các cuộc mặc cả chính trị thực dụng, nó vẫn có thể trở thành bất tử trên các sàn diễn.  

__________

Tác giả: Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng là cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Trưởng Nhóm Tư vấn Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ông vừa được bổ nhiệm làm Nghiên cứu viên và Thành viên của “Bàn tròn Caux về Chủ nghĩa tư bản đạo lý” (Thụy Sĩ-Hoa Kỳ). 

No comments:

Post a Comment