VNTB – Mừng ngày Quốc khánh Pháp 14/7Camille Nguyễn (tổng hợp)
14.07.2025 7:23
VNThoibao

Theo dòng lịch sử, vào ngày này, đã đánh dấu sự khởi đầu của Cách mạng Pháp, người dân Paris đã chiếm được nhà tù hoàng gia Bastille – biểu tượng chuyên quyền của chế độ quân chủ. Với hành động này, đã đánh dấu sự kết thúc của chế độ chuyên chế và hy vọng về một xã hội mới dựa trên tự do và bình đẳng.
Năm 1880, dưới thời Đệ tam Cộng hòa, ngày 14 tháng 7 mới chính thức trở thành Ngày lễ Quốc gia hàng năm theo Luật ngày 6 tháng 7 năm 1880, được Thượng viện và Quốc hội nhất trí thông qua (theo Le site officiel du Gouvernement).
Hàng năm, vào ngày này, diễn ra nhiều lễ kỷ niệm khác nhau: vũ hội, pháo hoa, nghi lễ, và cả cuộc diễu hành quân sự lớn. Cuộc duyệt binh ngày 14 tháng 7 lần đầu tiên được tổ chức tại trường đua Longchamp. Cuộc duyệt binh không diễn ra cố định tại đó, mà luân phiên giữa các con đường chính khác nhau của Paris kể từ Thế chiến thứ hai trở đi.
Năm nay cũng không phải là ngoại lệ, theo ghi nhận, sau khi phải chuyển hướng sang Đại lộ Foch vào năm 2024 do Thế vận hội Olympic, lễ duyệt binh mừng Ngày Quốc khánh Pháp năm nay sẽ trở lại với quy mô và sự hoành tráng thường thấy.
Lễ duyệt binh diễn ra trên Đại lộ Champs – Élysées, với sự tham gia của hơn 7.000 binh sĩ, cảnh sát, hiến binh và lính cứu hỏa (nhiều hơn so với 4.500 người vào năm 2024), 155 xe quân sự, 200 kỵ binh của Lực lượng Vệ binh Cộng hòa cùng với hơn 100 máy bay và trực thăng. Theo Ban tổ chức, cuộc duyệt binh năm nay đặc biệt nhằm chứng minh sức mạnh của Quân đội Pháp trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng.
Lễ duyệt binh bắt đầu từ 10 giờ ngày 14/7 với sự tham dự của Tổng thống Pháp – Emmanuel Macron. Năm nay, Tổng thống Indonesia – Prabowo Subianto, là khách mời danh dự, có mặt trong buổi lễ duyệt binh nhân Ngày Quốc khánh Pháp tại Paris.
Về ngân sách cho lễ duyệt binh năm nay, theo thông tin từ tờ Le Figaro thì, phụ lục của Dự luật Tài chính năm 2024 cung cấp thêm thông tin về chi phí cho các lễ kỷ niệm năm 2024 khác nhau được tổ chức tại Pháp. Phụ lục cho thấy, tổng ngân sách của các lễ kỷ niệm năm ngoái lên tới 19,8 triệu euro, cao hơn đáng kể so với ngân sách 4,6 triệu euro cho năm 2023. Sự gia tăng này được giải thích bởi các hoạt động kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ Normandy, với chi phí 14 triệu euro. Tài liệu tương tự cũng nêu rõ rằng cuộc diễu hành ngày 14 tháng 7 năm 2024 đã tốn 3,5 triệu euro. Do đó, gần 20% tổng ngân sách kỷ niệm đã được chi cho “công tác hậu cần” trong cuộc diễu hành ngày 14 tháng 7 tại Paris.
Nhìn lại mối quan hệ Việt – Pháp từ lịch sử đến hiện đại trong hơn 50 năm qua (1973 – 2025), thấy được sự phát triển vượt bậc; ngày càng bền chặt, đi vào chiều sâu; hợp tác toàn diện, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.
Vào ngày kỷ niệm Quốc khánh Pháp năm nay, theo ghi nhận từ Chuyên trang thông tin của Thông tấn xã Việt Nam, sáng ngày 11 tháng 7 năm 2025, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức họp mặt kỷ niệm Quốc khánh Cộng hòa Pháp (14/7/1789 – 14/7/2025), thể hiện tình hữu nghị giữa nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và nhân dân Pháp.
Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Pháp, Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung cho rằng, buổi gặp mặt không chỉ là dịp tưởng nhớ đến ngày 14/7 của cuộc Cách mạng năm 1789 – cột mốc khai sinh những giá trị “Tự do, Bình đẳng và Bác ái”, mà còn nhìn lại và khẳng định sự phát triển tốt đẹp trong mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam – Pháp.
Các trao đổi giữa Pháp và Việt Nam không chỉ giới hạn trong lĩnh vực chính trị mà còn mở rộng sang kinh tế, văn hóa và giáo dục. Qua Viện Pháp tại Việt Nam, hằng năm, nhân dân Việt Nam tiếp tục khám phá nhiều khía cạnh đa dạng của văn hóa Pháp, từ nhạc cổ điển đến breakdance, thiết kế…
“Mỗi người mỗi mục đích khác nhau, có người lấy chồng Pháp; có người sang Pháp định cư; có người đi du học ở các nước nói tiếng Pháp; có người học cho vui vì có thời gian rảnh; có người học để luyện trí nhớ… Như tôi, lúc đầu học tiếng Pháp chỉ vì lý do, tôi muốn biết thêm ngoại ngữ. Với lý do đó, tôi bất chấp lời căn ngăn là tiếng Pháp khó, ngữ pháp tiếng Pháp khó rồi nhiều ngoại lệ, tôi chỉ cần hướng đến một mục đích duy nhất là: Học.
Học thời gian rồi thấy thích, thấy cũng thú vị, suy nghĩ: à tại sao cái bàn lại là giống cái, rồi tại sao cây viết là giống đực…; tự đề ra các quy tắc nhớ.
Nhưng có một vấn đề thế này, cả tôi và những người học cùng với tôi đều thấy không được vui. Biết rằng phải đủ sĩ số thì mới mở lớp, nhưng điều đó quá ư là bất tiện cho những người đam mê tiếng Pháp. Bỏ công, bỏ sức, bỏ thời gian, theo đuổi từ vỡ lòng đến trình độ B1, B2 là đâu có dễ, tự dưng vì lý do quá ít người, không mở lớp. Rồi người học dang dở chương trình, cũng mong có quy định nào phù hợp để học viên không bị ép buộc trong những hoàn cảnh như vậy”, học viên tiếng Pháp tại IDECAF, Thanh Minh chia sẻ.
No comments:
Post a Comment