Tuesday, July 15, 2025

VNTB – Tới lượt Thành Hồ tìm cách mở đường cho Phạm Nhật Vượng chiếm lĩnh
Dân Trần
15.07.2025 6:45
VNThoibao


(VNTB) – TP.HCM “lấy ý kiến” về phương án hạn chế xe xăng dầu tại những khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao để hợp thức hoá cho việc triển khai xe điện của tập đoàn Vingroup

 Sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị yêu cầu Hà Nội lên kế hoạch cấm xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở khu vực nội đô, TP.HCM cũng nhanh chóng đưa ra đề xuất tương tự. Theo đó, thành phố lớn nhất Việt Nam sẽ tổ chức “lấy ý kiến” về phương án hạn chế xe xăng dầu tại những khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao. Tuy nhiên, việc “lấy ý kiến” một cách bất minh này lại càng khiến dư luận bức xúc hơn, khi thấy rõ đây chỉ là cách hợp thức hoá cho việc triển khai xe điện của tập đoàn Vingroup tại TPHCM.

Thực tế cho thấy các cuộc “lấy ý kiến người dân” tại Việt Nam trong thời gian qua thường diễn ra một cách thiếu dân chủ, thiếu minh bạch và mang tính chiếu lệ. Không có khảo sát độc lập, không có báo cáo công khai, không có các phiên điều trần hay đối thoại trực tiếp giữa người dân và giới chức.

Với trường hợp TP.HCM, thông báo về việc hỏi ý kiến dân về cấm xe xăng dầu không đi kèm bất kỳ kế hoạch cụ thể nào về cách lấy ý kiến, ai được hỏi, khảo sát ở đâu, và quan trọng nhất: ý kiến phản đối sẽ được xử lý như thế nào. Điều này khiến nhiều người liên tưởng đến các cuộc “lấy ý kiến” khác gần đây.

Ví dụ điển hình là việc sáp nhập các đơn vị hành chính mới đây, người dân cũng bị buộc phải đồng thuận mà không có lựa chọn phản đối. Một số người thắc mắc, không đồng ý thì bị đe doạ, gây áp lực. Hoặc khi lấy ý kiến về sửa đổi hiến pháp, CSVN cũng ép người dân phải chọn “tán thành”, chứ không được phản đối.

Một điểm đáng lưu ý nữa là khái niệm “khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao” được sử dụng làm lý do để giới hạn xe xăng dầu lại cực kỳ mơ hồ. Cho đến nay, chưa có tiêu chí công khai, minh bạch nào được công bố về cách xác định khu vực này: Dựa vào mật độ xe? Nồng độ bụi mịn PM2.5? Giao thông tắc nghẽn? Hay là… những khu vực mà các nhà đầu tư đã nhắm tới?

Sự mơ hồ này khiến dư luận nghi ngờ rằng đây không phải là tiêu chí khoa học, mà là một chiêu bài hợp thức hóa cho các khu vực đã được chọn sẵn để phục vụ chiến lược kinh doanh hoặc đầu tư. Nói thẳng ra là TP.HCM sẽ cấm xe sử dụng nguyên liệu háo thạch, và người dân tại khu vực “có nguy cơ ô nhiễm cao” đó sẽ bị buộc phải mua xe điện để di chuyển, như tại Hà Nội.

Nghi ngờ về lợi ích nhóm càng tăng khi thông tin về hai địa phương là Cần Giờ và Côn Đảo được lựa chọn để triển khai 100% xe điện. Báo chí CSVN thông tin, ngay sau khi sáp nhập, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đã có đề nghị tập đoàn Vingroup hỗ trợ nghiên cứu phương án tổng thể phát triển giao thông xanh cho hai khu vực trên. Điều đáng nói, song song với đề nghị này là thông tin Vingroup sẽ được “ưu tiên” triển khai mô hình xe điện tại hai địa phương, bao gồm cả cung cấp hạ tầng, vận hành phương tiện và độc quyền dịch vụ.

Với vai trò lớn trong thị trường xe điện tại Việt Nam thông qua thương hiệu VinFast, việc Vingroup được “chọn mặt gửi vàng” không nằm ngoài dự đoán. Tuy nhiên, CSVN lại quá ưu tiên cho tập đoàn này mà không hề có cơ chế kiểm soát ảnh hưởng của họ, từng bước tạo cơ hội cho họ có thể lũng đoạn thị trường kinh tế trong nước.

Rất nhiều vấn đề đã được dư luận đặt ra, như nguy cơ cháy nổ của dòng xe VinFast, hoặc việc ưu tiên VinFast phát triển trạm sạc thì các dòng xe điện khác sẽ sạc pin ở đâu? Nếu một ngày VinFast phá sản thì lấy tiền đâu bù vô để duy trì các trạm sạc của họ? VinGroup đã từng nhiều lần đóng cửa đột ngột các thương hiệu sản xuất điện thoại, hay xoá sổ dòng xe xăng, nên khả năng thương hiệu VinFast đi theo vết xe đổ kia là hoàn toàn có thể. Còn nếu ưu tiên VinFast tới mức lấy ngân sách, thuế của dân để duy trì hoạt động của họ, tìm mọi cách để họ không phá sản, thế thì khác nào coi Vingroup là tập đoàn nhà nước?

__________________

Tham khảo:

https://thanhnien.vn/tphcm-cap-bach-chuyen-doi-giao-thong-xanh-sau-mo-rong-185250713202955289.htm

No comments:

Post a Comment