Hoàng Quốc Dũng - Robespierre và những người cộng sản Việt Nam
lundi 14 juillet 2025
Thuymy
Khi cách mạng ăn thịt chính con mình
Năm 1789, Cách mạng Pháp bùng nổ, làm rung chuyển cả thế giới. Lần đầu tiên, con người đứng lên tuyên bố rằng ai cũng sinh ra bình đẳng và có quyền sống tự do, không bị cai trị bởi vua chúa hay giai cấp đặc quyền. Đó là một cuộc khởi nghĩa vĩ đại vì công lý và phẩm giá con người.
Nhưng cũng như nhiều cuộc cách mạng khác trong lịch sử, giấc mơ nhanh chóng biến thành cơn ác mộng.
Chỉ vài năm sau ngày phá ngục Bastille, cách mạng Pháp rơi vào tay một người : Maximilien Robespierre. Ông ta tự xưng là “Người không thể bị mua chuộc”, là đại diện cho đạo đức và công lý. Nhưng trên thực tế, ông chính là hiện thân của thời kỳ Khủng bố, khi mà hàng chục ngàn người bị đưa lên máy chém nhân danh tự do. Và từ đây, bắt đầu sự tương đồng đáng kinh ngạc với những người cộng sản Việt Nam sau năm 1945.
Ngay sau khi giành chính quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng làm đúng điều mà Robespierre đã làm trước đó 150 năm : Loại trừ, bắt giữ, thủ tiêu tất cả những lực lượng không theo họ - từ các nhà ái quốc không cộng sản, trí thức, tôn giáo cho tới nông dân địa chủ. Tất cả đều bị coi là “phản động”, “chống cách mạng”.
Robespierre : Từ đạo đức đến máu đổ đầu rơi
Robespierre khởi đầu là một luật sư tỉnh lẻ, đại diện cho tầng lớp thứ ba trong Quốc hội năm 1789. Ông nổi tiếng nhờ những bài phát biểu chống bất công, bênh vực quyền sống, tự do, bình đẳng. Lúc đầu, ông chống án tử hình, ủng hộ bầu cử phổ thông và quyền tự do ngôn luận. Ông nói thay tiếng nói của người nghèo.
Nhưng sau khi nền cộng hòa được tuyên bố, ông bắt đầu bộc lộ bộ mặt khác. Là thành viên của Ủy ban An ninh Công cộng – cơ quan quyền lực nhất thời kỳ đó, Robespierre nắm trọn quyền lực nhà nước trong tay.
Từ đó, ông thẳng tay giết người hàng loạt.
Chỉ trong vòng một năm (1793–1794), hơn 16.000 người bị xử chém công khai, hàng chục ngàn người khác chết trong tù, bị hành quyết không xét xử hoặc thiệt mạng trong các cuộc nổi dậy bị đàn áp. Trong số nạn nhân không chỉ có quý tộc hay giáo sĩ, mà còn là chính các đồng chí cách mạng của Robespierre – những người bị buộc tội là “phản bội lý tưởng”.
Ông tuyên bố một học thuyết ghê rợn : “Khủng bố chỉ là công lý khẩn cấp, nghiêm khắc, không khoan nhượng – vì vậy nó chính là biểu hiện của đạo đức.”
Nghĩa là : Muốn bảo vệ đạo đức cách mạng, phải giết người. Tự do bị bóp nghẹt bởi chính kẻ nhân danh nó. Mọi ý kiến khác biệt đều bị quy là phản động. Sự đa dạng tư tưởng là tội lỗi.
Và điều đó cũng được lặp lại y hệt ở Việt Nam sau năm 1945.
Cách mạng Tháng Tám cũng từng là một thời khắc đầy hy vọng. Dân tộc thoát ách thực dân, giành độc lập. Nhưng chỉ vài tháng sau, Đảng Cộng sản Việt Nam biến cuộc cách mạng của toàn dân thành công cụ độc quyền của riêng mình.
Từ 1946, các đảng phái quốc gia không cộng sản bị truy quét. Các nhà văn, trí thức độc lập bị bôi nhọ, bắt giam. Đỉnh điểm là phong trào Nhân Văn Giai Phẩm những năm 1956, nơi nhiều nhà thơ, nhà văn bị tù chỉ vì đòi tự do tư tưởng.
Cải cách ruộng đất lại càng đẫm máu : Hàng vạn nông dân bị đấu tố, tử hình, vì bị buộc tội “địa chủ bóc lột”, dù không có bằng chứng. Lý tưởng “công bằng xã hội” trở thành cái cớ để giết người, trấn áp và gieo rắc sợ hãi.
Cũng như Robespierre, Đảng cộng sản luôn tự nhận là người gìn giữ đạo đức cách mạng. Và cũng như Robespierre, họ cho rằng tất cả những ai không phục tùng đều là kẻ thù.
Một bài học lịch sử : Việt Nam chậm hơn Pháp gần hai thế kỷ
Robespierre bị lật đổ vào tháng 7 năm 1794. Chính những người đồng chí từng tán dương ông đã bắt giữ, xét xử nhanh và đưa ông lên máy chém. Cái chết của Robespierre chấm dứt thời kỳ Khủng bố, và nước Pháp dần tiến tới một nền chính trị đa nguyên, mở đường cho dân chủ hiện đại.
Nhưng Việt Nam, hơn 200 năm sau, vẫn kẹt trong mô hình Robespierre.
Lãnh đạo vẫn cai trị bằng tuyên truyền một chiều, bằng công an và nhà tù. Bất đồng chính kiến vẫn bị xem là tội ác. Tự do báo chí, tự do lập hội vẫn bị bóp nghẹt. Và giống như Robespierre, họ tự xưng là đạo đức, là cách mạng – nhưng thực chất là sự thống trị dựa trên sợ hãi và bạo lực.
Bi kịch lớn nhất là : Việt Nam vẫn chưa bước qua được bài học mà nước Pháp đã học từ hai thế kỷ trước. Một đất nước với bao trí tuệ, bao hy sinh, vẫn chưa có không gian cho tự do thực sự.
Nước Pháp là một quốc gia văn minh, nơi sản sinh ra những tinh hoa hàng đầu của nhân loại : Tư tưởng khai sáng, khoa học hiện đại, chủ nghĩa nhân văn, triết học phê phán, pháp quyền, nhân quyền, giáo dục khai phóng và nghệ thuật đỉnh cao. Nhưng cũng chính nước Pháp từng có những giai đoạn đen tối, với những sai lầm lịch sử như thời kỳ Khủng bố của Robespierre.
Điều trớ trêu là Việt Nam, thay vì học những điều tiến bộ và cao quý nhất của nền văn minh Pháp - như tư pháp độc lập, báo chí tự do, xã hội dân sự và quyền đối lập - thì lại đi học đúng cái tệ hại và đẫm máu nhất: Mô hình cách mạng cực đoan, thanh trừng, và chuyên chính nhân danh đạo đức.
Thế mới biết cái sự thông minh của ta và cái thâm hiểm của bọn đế quốc thực dân.
HOÀNG QUỐC DŨNG 14.07.2025
No comments:
Post a Comment