VNTB – Sáp nhập: mập còDân Trần
14.07.2025 7:36
VNThoibao

Trước khi có chủ trương sáp nhập, mỗi xã phường dù còn tồn tại tình trạng quan liêu, giấy tờ rườm rà; nhưng nhờ diện tích nhỏ, dân số ít, nên người dân vẫn có thể xử lý thủ tục hành chính trong thời gian tương đối nhanh. Một bộ hồ sơ xin xác nhận cư trú, công chứng, chứng thực hay xin xác nhận hôn nhân… thường chỉ mất một buổi hoặc một ngày là có thể hoàn tất.
Tuy nhiên, kể từ khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, thì bộ máy công quyền không được tăng cường tương xứng, số lượng người dân đổ dồn về các trụ sở hành chính đông hơn, khiến tình trạng tắc nghẽn hồ sơ trở nên nghiêm trọng. Công việc từ cấp quận, huyện được dồn về cấp xã, nhưng xã phường lại bị cắt giảm, dẫn đến việc người dân phải chờ đợi rất lâu, có khi hàng tuần, thậm chí hàng tháng mới xử lý xong một bộ hồ sơ đơn giản.
Anh Mạnh Hiếu bình luận trên mạng xã hội rằng: “Trước kia chỉ cần đi một buổi là xong bộ hồ sơ công chứng để nộp xin việc. Nay thì tôi mất gần một tháng, phải chạy qua ba trụ sở. Đầu tiên về công an xã cũ xin xác nhận cư trú, rồi tới xã mới để tiếp nhận hồ sơ, sau đó lại phải lên trụ sở mới cách 5 cây số để đóng tiền và nhận kết quả”. Câu chuyện đó không phải cá biệt, mà đang trở thành bức tranh chung ở nhiều tỉnh, thành phố, nơi mà “cải cách” đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân.
Hệ quả tất yếu của một bộ máy hành chính quá tải và thiếu hiệu quả là sự lên ngôi của các dịch vụ “cò”. Thay vì mất một tháng chạy vạy giữa các trụ sở, chờ đợi từng con dấu, người dân có thể bỏ ra 300 nghìn tới 500 nghìn đồng để được “cò” làm giúp trong vòng 1–2 ngày. Ban đầu, có thể người dân e ngại vì số tiền cũng bằng 2 ngày lương, nhưng khi quá mệt mỏi với sự chậm trễ, thì họ đành chọn giải pháp tốn tiền để đỡ tốn sức và thời gian.
“Cò” không chỉ làm các thủ tục như công chứng, xin xác nhận cư trú, khai sinh, khai tử, mà còn hoạt động mạnh trong lĩnh vực chuyển nhượng đất đai, giấy phép xây dựng, đăng ký hộ khẩu… Dần dần, trong mắt người dân, “cò” trở thành một “dịch vụ hỗ trợ hành chính” ngoài luồng nhưng hiệu quả, trong khi chính quyền lại trở thành nơi chậm chạp, nhiêu khê, phiền hà.
Điều đáng lo ngại hơn là nhiều cán bộ địa phương cố tình bắt tay với các “cò” dịch vụ. Có nơi cán bộ cố tình trì hoãn giải quyết hồ sơ của người dân tự làm, gây khó dễ, từ chối hồ sơ vì những lý do “thiếu dấu”, “chưa hợp lệ”… nhưng khi hồ sơ được gửi qua “cò”, thì lại được tiếp nhận và xử lý nhanh chóng. Đây là một hình thức tham nhũng vặt nhưng có tổ chức, khi “cò” đóng vai trò trung gian, còn cán bộ phía trong nhận hoa hồng trên từng hồ sơ.
Rõ ràng cuộc sáp nhập hành chính của CSVN đang gặp nhiều sai lầm nghiêm trọng. Việc sáp nhập xã phường mà không tăng thêm nhân lực, không số hóa dữ liệu, không cải thiện hạ tầng hành chính, chỉ là một cuộc đổi tên địa chỉ, gộp trụ sở một cách hình thức. Kết quả là hồ sơ dồn ứ, người dân phải đi xa hơn, thủ tục chồng chéo hơn, cán bộ ít mà việc nhiều hơn, kéo theo thái độ phục vụ cũng kém hơn.
Sự thất bại này còn xuất phát từ tư duy quan liêu và bệnh thành tích ăn sâu trong bộ máy hành chính. Khi cán bộ nghĩ mình là cha mẹ của dân, coi người dân là kẻ đi xin giấy, khi quyền lực công không đi đôi với trách nhiệm phục vụ, thì mọi cải cách đều trở thành trò đùa.
Nếu nhà nước thật sự nghiêm túc trong việc tinh gọn bộ máy, thì điều đầu tiên cần làm không phải là cắt giảm địa giới hành chính, mà là xóa bỏ quan liêu, cửa quyền, tham nhũng vặt, xây dựng một bộ máy hành chính liêm chính, chuyên nghiệp và thân thiện với người dân. Bởi vì một nền hành chính không phục vụ được dân thì dù có “tinh gọn” đến đâu, cũng chỉ là cái vỏ trống rỗng mà thôi.
No comments:
Post a Comment