Sunday, July 13, 2025

VNTB – Bỏ thuế khoán: tính già hoá non
Châu Nam Việt
13.07.2025 8:28
VNThoibao


(VNTB) – Nhà nước muốn thu thuế theo doanh thu để bổ sung ngân sách, nhưng bỏ thuế khoán thì phần lớn các hộ kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ sẽ đóng cửa, một phần rất lớn tiền thuế sẽ mất trắng

 Ở Việt Nam trước nay đa số người dân vẫn sống bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp truyền thống, hoặc công nhân. Đó là với những người có đất, hoặc có sức khỏe đi làm mướn. Nhưng một số lượng lớn khác chọn cách mở các cửa hàng, cửa tiệm nhỏ lẻ ở thành thị và cả nông thôn.

Khắp nơi đều có các quầy hàng diện tích chừng hơn chục mét vuông để bán tạp hoá kiếm đồng ra đồng vô. Hoặc chỉ để đủ mấy bộ bàn ghế để làm quán hủ tiếu, cháo lòng, cà phê, thậm chí chỉ gói gọn một chiếc xe bánh mì dựng trước cửa, một cái máy may để sửa đồ, một cái bàn vé số…

Nhìn nhỏ bé, ít vốn là vậy, nhưng lại là nguồn sống của cả gia đình, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Có những nhà nhờ cái bàn máy may sửa đồ mà đủ nuôi mấy đứa con học hành đàng hoàng, tốt nghiệp đại học. Có những tiệm tạp hoá trong hẻm nhỏ lại quyết định cả nguồn cung cấp nước lọc, cân đường, ký gạo, chai nước tương, nước mắm cho cả xóm.

Bao nhiêu đời qua đã quen với việc đóng thuế khoán, và thuế khoán cũng được cho là phù hợp nhất với những hộ kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ này. Nhưng đùng một cái, Tô Lâm yêu cầu thay đổi tất cả, bỏ hết thuế khoán mà không hỏi ý dân, không thông báo sớm, không có thời gian hướng dẫn, chuẩn bị.

Không chỉ người dân kêu trời. Mà cán bộ nhà nước cũng không biết phải xử lý như thế nào cho đúng. Vì tất cả đều mới mà chưa có sự chuẩn bị, cũng không có nhân sự làm việc, quản lý, hướng dẫn người dân. Sắp tới có thể còn thiếu người do đang trong quá trình tinh gọn.

Trong báo cáo mới đây của Bộ Tài chính trình Chính phủ, Bộ Tài chính nhận định việc bỏ thuế khoán có thể dẫn đến nguy cơ một số hộ kinh doanh nhỏ phải ngừng hoạt động do không đáp ứng được các yêu cầu mới. Theo đó, nhược điểm của việc bỏ thuế khoán là quá trình chuyển đổi có thể tạo ra một khoảng trống pháp lý nhất định trong giai đoạn các hộ kinh doanh tập huấn và làm quen với quy định mới.

Bộ Tài chính cung cấp số liệu quản lý thuế năm 2024, cả nước có khoảng 3,6 triệu hộ, cá nhân kinh doanh, trong đó tổng số hộ kinh doanh ổn định là 2,2 triệu hộ. Tổng đóng góp của các hộ kinh doanh vào ngân sách nhà nước khoảng 25.953 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước từ hộ, cá nhân kinh doanh trong 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 8.695 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái. (1)

Dù thấy trước những khó khăn, nhưng Bộ Tài chính vẫn phải lập luận theo chỉ đạo của Bộ Chính trị rằng việc bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử và chế độ kế toán đơn giản sẽ là một “cú hích” mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và tạo tiền đề để các hộ kinh doanh làm quen với việc quản trị tài chính bài bản.

Đây chỉ là lời giải thích có lợi để hợp thức hóa việc nhà nước muốn tăng thu thuế để bổ sung ngân sách. Nhưng tính già hoá non. Bỏ thuế khoán thì phần lớn các hộ kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ sẽ đóng cửa, một phần rất lớn tiền thuế sẽ mất trắng. Vì các cửa hàng nhỏ đó đóng góp vào chuỗi cung ứng chung. Các công ty, doanh nghiệp, nhà sản xuất lớn làm ra sản phẩm mà không có các cửa hàng nhỏ bán ra thì làm sao có doanh thu. Không chỉ các tiệm tạp hoá. Khi những tiệm bán hủ tiếu bị đóng cửa, thì nhà sản xuất hủ tiếu, lò thịt heo, nước tương, nước mắm, gia vị cũng bị ảnh hưởng vì không biết bán cho ai. Nguy cơ đóng cửa hàng loạt là rất cao, lúc đó thì lấy ai đóng thuế cho nhà nước?

_________________

Tham khảo:

(1) https://dantri.com.vn/kinh-doanh/bo-tai-chinh-ho-kinh-doanh-nho-nguy-co-dung-hoat-dong-vi-quy-dinh-thue-moi-20250616012238512.htm

No comments:

Post a Comment