Trí tuệ nhân tạo : Khi nhạc ''giả'' thành công hơn cả nhạc thậtTuấn Thảo
Đăng ngày: 14/07/2025 - 13:05
RFI

Dựa vào mô hình học sâu của ứng dụng AI tạo sinh (Generative AI), một nhóm sản xuất đã sáng chế ra nhóm The Velvet Sundown. Xét về mặt tên gọi, nhóm này bắt chước ban nhạc rock có thật The Velvet Underground, trong khi về thể loại âm nhạc, The Velvet Sundown lại nhại theo hai nhóm huyền thoại Pink Floyd và King Crimson. Theo tuần báo Le Point, ban nhạc hư cấu này, được hỗ trợ hoàn toàn bởi trí tuệ nhân tạo, lại tạo ra được rất nhiều tiếng vang, nhờ vào sự hiện diện cùng lúc trên nhiều nền tảng trực tuyến khác nhau. Sự trỗi dậy nhanh chóng của nhóm The Velvet Sundown minh họa cho cách sử dụng AI tạo sinh trong ngành công nghiệp giải trí nói chung, sản xuất âm nhạc nói riêng.
Chỉ có điều, theo đánh giá của tờ báo Pháp, nhóm sản xuất đã không minh bạch trong quá trình sáng chế nhóm nhạc rock. Nếu như trước kia, một ban nhạc phải mất khá nhiều thời gian để gầy dựng uy tín của mình, nhờ chinh phục được khán giả mà làm nên tên tuổi, thì giờ đây, AI tạo sinh qua mô hình học sâu, có thể bắt chước những gì có sẵn, để tạo ra một thế giới âm nhạc khác biệt đôi chút, thay vì mới lạ : chỉ bằng vài cú nhấp chuột, nhóm sản xuất có thể sáng chế đủ mọi thứ, từ âm thanh tiếng nhạc cho đến video hình ảnh, thậm chí cả phần tiểu sử của 4 thành viên cũng đều là hư cấu. Sau nhiều tuần lễ đồn đoán trên mạng xã hội, cuối cùng nhóm sản xuất đã thừa nhận trên nền tảng trực tuyến Spotify : The Velvet Sundown là một dự án tổng hợp được điều khiển bởi con người, trong khi phần sáng tác, biểu diễn và minh họa đều do trí tuệ nhân tạo làm ra.
Một triệu người nghe bị đánh lừa
Ngay lập tức, thông báo của nhóm sản xuất đã gây ra phản ứng mạnh mẽ. Có khá nhiều người hâm mộ, từng yêu thích dòng nhạc của The Velvet Sundown, cho biết họ bất mãn vì bị đánh lừa. Còn theo các chuyên gia âm nhạc, thông báo trên mạng Spotify chỉ thừa nhận điều mà họ nghi ngờ từ lâu : khi nghe nhóm này, giới sành điệu có thể nhận ra ngay đây là một ban nhạc giả tạo, không có một chút giá trị nghệ thuật nào…
The Velvet Sundown thành công nhanh chóng, trong khi nhiều ban nhạc có thật tốn tiền ghi âm album đầu tiên mà không gặt hái được thành quả. Thành công của nhóm này đến vào thời điểm nhiều nền tảng trực tuyến, trong đó có Spotify, đang trở thành một sân chơi cho AI tạo sinh, giúp phổ biến các nội dung (dữ liệu, âm thanh, phim ảnh) do trí tuệ nhân tạo sáng chế. Trái với mạng Deezer của Pháp, luôn chủ trương ghi rõ bản nhạc nào là 100% do AI tạo ra, mạng Spotify của Thụy Điển lại tiếp tục phổ biến các sản phẩm được chế biến bởi trí tuệ nhân tạo nhưng không hề có bất cứ thông báo nào cho người tiêu dùng.
Theo chuyên gia âm nhạc Liz Pelly, tác giả của quyển sách « Mood Machine » do nhà xuất bản Simon & Schuster phát hành đầu năm 2025, mạng Spotify cung cấp cho các thành viên có trả tiền đăng ký một gói dịch vụ, những danh sách nhạc chuyên đề (playlist) chứa đầy loại nhạc « giá rẻ ». Đó là những loại âm thanh được sáng chế để tạo thêm nguồn doanh thu mà không cần phải trả tiền bản quyền, như mỗi lần ta sử dụng bài hát của các nghệ sĩ thực thụ.
Chẳng hạn như trên danh sách phát nhạc chuyên đề thời kỳ chiến tranh Việt Nam (Vietnam War Music), các bản nhạc của The Velvet Sundown như « Dust on the Wind, Smoke and Silence, Where the War remains » nằm trên cùng danh sách với Pink Floyd (The Dogs of War), Jim Morrison (The Unknown Soldier), Pete Seeger (Bring them Home) hay Creedence Clearwater Revival (Fortunate Son). Theo báo Le Point, qua hình thức này, mạng Spotify chạy theo logic lợi nhuận, trí tuệ nhân tạo chi phối ngành sản xuất âm nhạc : cớ chi phải trả tiền bản quyền cho nhạc sĩ thực thụ, khi trí tuệ nhân tạo AI có thể sáng chế nhiều nội dung « đủ tốt » để thỏa mãn nhu cầu nghe nhạc của người tiêu dùng. Cuộc tranh luận về đề tài dường như chỉ mới bắt đầu.
No comments:
Post a Comment