VNTB – Không còn cần trình độ lý luận: điều dẫn đảng CSVN đến diệt vong
Hoàng Lan Mộc Châu
18.07.2025 7:54
VNThoibao
Trong 2 bài viết “Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận mới về tổ chức, hoạt động chính quyền địa phương 2 cấp” (1), và “Cán bộ thiếu tiêu chuẩn lý luận vẫn được làm lãnh đạo xã” (2), Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho phép vận dụng, bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm nhưng còn thiếu tiêu chuẩn về trình độ lý luận, chức danh quy hoạch để làm bí thư, chủ tịch cấp xã, cho thấy đến lúc này đảng CSVN đã không còn cần trình độ lý luận, sẵn sàng đi ngược lại tiêu chí “hồng” hơn “chuyên”. Ngoài lý do thiếu người tài làm việc, người tài không chịu vào đảng, còn tại sao nữa?
Điều xem như bất di bất dịch, thiết yếu, sống còn, nằm trên đầu lưỡi của đảng là Hồng phải đặt trên Chuyên, nay cũng cái lưỡi đó, đã quay ngoắt 180 độ, không cần hồng, chỉ cần có năng lực sẽ dẫn đến nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Nền tảng lý luận của đảng CSVN trước nay luôn có những điểm nghẽn, nút thắt và nhận thức sai lầm mà chính đảng của họ phải thú nhận, nay trong lúc vung tay “sắp xếp lại quê hương”. TBT Tô Lâm cho phép “Cán bộ thiếu tiêu chuẩn lý luận vẫn được làm lãnh đạo xã” sẽ làm mờ nhạt mục tiêu cộng sản, đẩy đảng đi chệch khỏi con đường xã hội chủ nghĩa mà đảng xem là cốt tủy, xương sống để giữ.
Tưởng sau khi nhập tỉnh, xóa quận, huyện, nhập xã, 63 tỉnh còn 34, hàng trăm huyện bị xóa bỏ. 10,035 xã còn lại 3,321, nhân sự giảm đến 60%-70%. Năm bảy chục ngàn cán bộ “tinh giản” còn vài chục ngàn, hàng trăm bí thư, phó bí thư còn vài chục, lãnh đạo cấp trên sẽ tha hồ thải người tệ hại, giữ lại người giỏi. Không ngờ, đám tệ hại trong đảng quá đông dẫn đến thiếu người trầm trọng.
Đã quen thói “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”, cấp trên chỉ mang theo thứ tự những hạng ấy vào cánh hẩu làm việc. Công việc có trì trệ, ì ạch thì chỉ có dân chịu, ai dè có ngày gậy ông đập lưng ông, tan đàn xẻ nghé, trên lộn xộn, dưới xáo xào rối như canh hẹ, sắp xếp lại quê hương giống như sắp bài cào ba lá. Tinh giản thì ưu tiên đám trí tuệ hạng chót trong thứ tự tuyển chọn, phải về nhà đuổi gà cho vợ. Trong lúc giao thời, đấu đá khốc liệt, các nhóm gài người qua lại, ai biết ai là kẻ thân ta, hại ta, người cũ đi rồi, người mới đền lúc nào cũng thủ dao găm sẵn sàng đâm sau lưng, phải cảnh giác lẫn nhau. Kẻ từ phe nhóm khác lạ tới không khác gì cho Trọng Thủy vào làm rể nhà Mỵ Châu.
Bài viết này chỉ nói về việc cán bộ từ quận, huyện bị điều về xã, phường.
Cán bộ cấp huyện chuyển về công tác ở cấp xã, dù có trình độ cao hơn ở một số mặt, vẫn có thể đối mặt với những thách thức hoặc được xem là “thiếu tiêu chuẩn”.
Khi bị điều động từ huyện, quận về phường xã chắc chắn sẽ là bị giảm sút địa vị và quyền lực. Sự tranh chấp ghế ngồi khiến mọi sự lộn xộn, không ai muốn làm việc. Chia rẽ mới cũ, vùng miền, quyền hành diễn ra như tuồng hát bội phơi bày giữa bàn dân thiên ha, bất chấp sự đàm tiếu. Chính phủ phải đốc thúc “Việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp xã cần hoàn thành trước 31/7” (3).
Cán bộ đang công tác ở cấp huyện thường giữ các vị trí quản lý có tầm ảnh hưởng và quyền ra quyết định nhất định khiến nhiều người cảm thấy không được trọng dụng khi bị điều về xã, phường và mất đi động lực làm việc. Mất chỗ làm quen thuộc ở cấp (quận, huyện), cao hơn họ bị giảm thu nhập phúc lợi, các khoản phụ cấp, các khoảng bổng lộc, đút lót khác. Lại thêm áp lực công việc tăng cao. Cán bộ cấp xã phải đối mặt với hàng loạt vấn đề đời sống hàng ngày của người dân như đất đai, môi trường, an ninh trật tự, tranh chấp, khiếu nại… Họ phải giải quyết trực tiếp, liên tục và thường xuyên đối mặt với phản ứng của dân. Điều này có thể gây ra áp lực tâm lý lớn, đặc biệt đối với những cán bộ quen làm việc trong môi trường hành chính “trên giấy tờ” ở cấp huyện. Đối với cán bộ, tham vọng thăng tiến là mục tiêu cả đời, việc bị điều động về xã có thể bị coi là một bước thụt lùi hoặc làm gián đoạn lộ trình phát triển sự nghiệp của họ. Họ có thể cảm thấy cơ hội để phát triển lên những vị trí cao hơn bị thu hẹp lại. Tâm lý cảm thấy bị bạc đãi, trù dập phát sinh.
Tác động đến công tác cán bộ
Qua báo chí VN, đã thấy hàng loạt cán bộ bỏ việc dù được thuyên chuyển lên tỉnh; Báo Dân Trí đưa tin đã có đến hơn 43 ngàn cán bộ công chức nghỉ việc (4). Con số này có thể còn hơn nhiều. Điều này gây ra nhiều hệ lụy như ngoài thiếu hụt nhân sự, còn bị lãng phí nguồn lực vào việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các cấp. Việc họ bỏ việc hàng loạt đã ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ khác còn cố bám việc dù bất cứ lý do nào.
1. Di chuyển chỗ ở và sinh hoạt gia đình:
Một thực tế cực kỳ quan trọng là những khó khăn cá nhân và gia đình mà cán bộ phải đối mặt khi bị điều động, luân chuyển về cấp xã (hay tỉnh). Đây chính là một trong những rào cản lớn khiến nhiều cán bộ, dù có năng lực, phải cân nhắc việc bỏ việc hoặc từ chối điều động. Chính phủ đã điều động xe đưa đón các bộ từ hàng chục, hàng trăm cây số từ nhà đến nơi làm việc, gây lãng phí thời giờ, tiền bạc, sức khỏe nhưng không nhiều người chịu đi làm chỗ mới dù đã bằng lòng nhận việc mới. Hàng chục xe bus của chính phủ không đón được ai!
2. Xa lạ và không ổn định:
Việc phải chuyển đến một địa phương mới, (từ vài chục cây số đến cả trăm cây số tới trụ sở hành chính mới làm việc), rời xa nơi ở hiện tại, bạn bè, người thân là một thách thức lớn. Gia đình phải thích nghi với môi trường sống mới, từ nhà ở, thói quen sinh hoạt đến các mối quan hệ xã hội.
3. Chi phí và thời gian:
Việc di chuyển, tìm kiếm nhà ở mới, sắp xếp lại cuộc sống tốn kém cả về tài chính và thời gian. Điều này có thể tạo gánh nặng lớn cho cán bộ và gia đình.
4. Ảnh hưởng đến sinh kế gia đình:
a. ông việc của vợ/chồng: Nếu vợ/chồng của cán bộ đang có công việc ổn định ở nơi cũ, việc chuyển đến địa phương mới có thể khiến họ phải bỏ việc, hoặc rất khó tìm được công việc tương đương, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và sinh kế chung của gia đình.
b. Cơ hội kinh doanh (nếu có): Đối với những gia đình có các hoạt động kinh doanh phụ trợ, việc thay đổi địa điểm cũng có thể làm mất đi các mối quan hệ, khách hàng, gây thiệt hại kinh tế.
5. Ảnh hưởng đến sự học của con cái:
a. Thay đổi môi trường học tập: Việc chuyển trường đột ngột có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, kết quả học tập của con cái. Các em phải làm quen với trường lớp mới, thầy cô mới, bạn bè mới, chương trình học có thể có chút khác biệt.
b. Chất lượng giáo dục: Không phải địa phương nào cũng có chất lượng giáo dục đồng đều. Nếu nơi mới có điều kiện giáo dục kém hơn, đó sẽ là một mối lo ngại lớn cho các bậc cha mẹ.
c. Khoảng cách và thời gian di chuyển: Nếu không thể chuyển trường cho con, việc đi lại giữa nơi ở mới và trường học cũ cũng là một gánh nặng lớn.
Những yếu tố quan trọng nhưng và khó thực hiện trên diện rộng là nhà ở, di chuyển, việc làm cho vợ/chồng, đảm bảo chất lượng giáo dục cho con cái, chính sách đãi ngộ đặc thù, và lộ trình thăng tiến rõ ràng hiện nay được ông Tổng Bí Thư họ Tô hô hào “vừa chạy vừa xếp hàng”, một nhóm từ phát xuất trong thao trường quân đội, được Tổng Bí thư Tô Lâm đưa lên thành một “tư duy lãnh đạo, điều hành sắc bén, linh hoạt và hiệu quả, một triết lý hành động, một nghệ thuật lãnh đạo đòi hỏi sự cân bằng tinh tế giữa tốc độ và trật tự, giữa sự năng động đổi mới và nền tảng ổn định vững chắc”. (5) Cái tư duy, triết lý này ông Tô Lâm muốn chạy để nhanh chóng đưa chủ trương của của anh nông dân ngớ ngẩn đặt “cái cày đi trước con trâu” đã dẫn đến hậu quả bỏ việc, từ chối luân chuyển, lý do rất lớn khiến người tài (nếu có) không muốn về cơ sở hoặc thậm chí từ bỏ công việc trong bộ máy nhà nước gây nên ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội, cán bộ và gia đình của họ.
Nguy cơ lan rộng tình trạng thiếu cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” và “không cần lý luận” lên cấp cao hơn
Mặc dù chính sách hiện tại “không cần lý luận” của đảng CS chỉ áp dụng cho cấp xã và là giải pháp tình thế, nhưng nguy cơ lan rộng vẫn tồn tại nếu các vấn đề gốc rễ không được giải quyết triệt để:
– Áp lực thực tế từ sáp nhập và tinh gọn bộ máy: Việc sáp nhập đơn vị hành chính các cấp (huyện, tỉnh) và tinh giản biên chế đã tạo ra tình trạng dôi dư cán bộ và chồng chéo ghế ngồi ở nhưng lại thiếu hụt cục bộ ở những vị trí chủ chốt khác, đặc biệt là những người có đủ cả năng lực thực tiễn và trình độ lý luận, quy hoạch như đảng đòi hỏi. Nếu không tìm được người thay thế đáp ứng đủ tiêu chuẩn, áp lực “vận dụng” có thể tăng lên.
– Khó khăn trong đào tạo và bồi dưỡng: Việc đào tạo cán bộ lý luận chính trị cao cấp đòi hỏi thời gian, nguồn lực và chương trình chất lượng. Nếu công tác đào tạo, bồi dưỡng không theo kịp nhu cầu thực tiễn và số lượng cán bộ cần chuẩn hóa, khoảng trống về tiêu chuẩn sẽ ngày càng lớn.
– Sức hấp dẫn của công tác chính quyền: Như đã nói trên, các yếu tố như áp lực công việc, chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc, và những khó khăn cá nhân/gia đình khi luân chuyển có thể làm giảm sức hấp dẫn của các vị trí trong hệ thống chính trị. Điều này khiến những người trẻ, tài năng, có trình độ cao cân nhắc lựa chọn con đường khác ngoài hệ thống nhà nước, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt cán bộ chất lượng cao.
– Tâm lý “thoải mái” với việc vận dụng: Việc bỏ qua lý luận và vừa chạy vừa xếp hàng có thể tạo ra tâm lý chủ quan, ít chú trọng đến việc học tập ‘đạo đức, tư tưởng Mác-Lê’ khiến đảng viên đã xa rời đảng sẽ không bị kiểm soát, ngày càng bỏ quên đảng. Họ có thể nghĩ rằng kinh nghiệm thực tiễn là đủ, và tiêu chuẩn lý luận cộng sản có thể được bỏ qua.
Hậu quả nếu tình trạng “không cần lý luận” lan rộng lên cấp cao
Nếu tình trạng “không cần lý luận” (tức là bỏ qua việc đòi hỏi trình độ lý luận chính trị và chỉ chú trọng kinh nghiệm thực tiễn) lan rộng lên các cấp lãnh đạo cao hơn (cấp huyện, cấp tỉnh, thậm chí cấp trung ương), hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng:
– Mất phương hướng chiến lược kiểu cộng sản.
– Suy yếu năng lực lãnh đạo toàn diện của đảng này.
– Nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
“Trình độ lý luận” trong các nước tư bản dân chủ
Ở các nước tư bản dân chủ, đặc biệt là trong khu vực công hoặc các tổ chức lớn, không có yêu cầu về “trình độ lý luận” theo nghĩa tương đương với lý luận Mác-Lênin hay tư tưởng chính trị của một đảng cầm quyền duy nhất như ở các nước xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, có những yêu cầu khác để bảo đảm cán bộ, lãnh đạo có đủ năng lực và phẩm chất:
– Kiến thức về pháp luật và thể chế: Mọi công chức, viên chức đều phải hiểu biết về pháp luật, hiến pháp, quy định hành chính và nguyên tắc vận hành của bộ máy nhà nước. Đây là “lý luận” về mặt pháp quyền.
– Đạo đức công vụ/đạo đức kinh doanh: Các nước dân chủ rất coi trọng đạo đức công vụ (trong khu vực công) và đạo đức kinh doanh (trong khu vực tư nhân). Điều này bao gồm sự minh bạch, liêm chính, trách nhiệm giải trình, không tham nhũng, không xung đột lợi ích. Đây chính là yếu tố đạo đức tự nhiên chứ không phải “hồng cộng sản” trong bối cảnh của họ.
– Năng lực quản lý và lãnh đạo: Các vị trí quản lý, lãnh đạo đòi hỏi trình độ cao về quản trị, kỹ năng lãnh đạo, khả năng tư duy chiến lược, phân tích chính sách, giải quyết vấn đề. Những kiến thức này thường được đào tạo thông qua các chương trình MBA, MPA (Thạc sĩ Quản trị công), hoặc các khóa học chuyên sâu về lãnh đạo và quản lý. Đây là “lý luận” về mặt quản trị và chính sách, không phải thứ “lý luận đảng, chủ nghĩa Mac Lê”
– Giá trị cốt lõi và sứ mệnh: Các tổ chức, cơ quan nhà nước thường có những giá trị cốt lõi, sứ mệnh và mục tiêu rõ ràng mà mọi thành viên phải tuân thủ và hướng tới. Việc hiểu và cam kết với những giá trị này cũng có thể coi là một dạng “lý luận” định hướng hành động.
Tóm lại, mặc dù không gọi là “trình độ lý luận chính trị” như khái niệm học tập đạo đức thấm nhuần tư tưởng gì đó, nhưng các nước dân chủ, tư bản vẫn đòi hỏi các nhà lãnh đạo và cán bộ phải có một nền tảng vững chắc về pháp luật, đạo đức, quản trị và tư duy chiến lược để đảm bảo bộ máy vận hành hiệu quả và đúng hướng, thành công.
__________________
Tham khảo:
https://vnexpress.net/can-bo-thieu-tieu-chuan-ly-luan-van-duoc-lam-lanh-dao-xa-4913190.html
(3) https://vnexpress.net/can-bo-thieu-tieu-chuan-ly-luan-van-duoc-lam-lanh-dao-xa-4913190.html
(5) https://www.binhthuan.dcs.vn/tin-tuc/post/260768/vua-chay-vua-xep-hang
No comments:
Post a Comment