Thursday, July 17, 2025

Xe xăng – Xe điện: TP.HCM chơi đúng điệu Sài Gòn
Cù Mai Công
17-7-2025
Tiengdan

Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS) vừa hoàn thiện dự thảo đề án chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện dành cho tài xế công nghệ và giao hàng. Theo đó, lộ trình chuyển đổi 400.000 xe xăng chạy công nghệ sang điện trong ba năm.

Cụ thể: Từ đầu năm 2026, khi đăng ký mới với các ứng dụng, tài xế bắt buộc phải sử dụng xe điện. Cùng thời điểm, TP HCM sẽ bắt đầu quá trình chuyển đổi xe đang sử dụng, kéo dài trong hai năm. Cụ thể, đến cuối năm 2026, thành phố đặt mục tiêu chuyển đổi 30% số lượng xe. Năm 2027, tỷ lệ này tăng lên 80% và phần còn lại hoàn tất vào năm 2028. Từ đầu năm 2029, xe máy xăng sẽ bị cấm hoàn toàn trong hoạt động giao hàng và xe ôm công nghệ.

Để thực hiện mục tiêu này, thành phố sẽ triển khai đồng thời nhiều chương trình và chính sách, với sự phối hợp của nhiều bên. Các chính sách hỗ trợ sẽ theo nguyên tắc “chuyển đổi sớm, hưởng lợi nhiều”. Trong hai năm đầu, tài xế chuyển đổi sẽ được hỗ trợ ít nhất 2% lãi suất vay mua xe điện, miễn thuế VAT và lệ phí trước bạ. Đến năm thứ ba, mức hỗ trợ giảm còn 50%. Thành phố cũng dự kiến chi ngân sách để hỗ trợ chuyển đổi cho hàng chục nghìn xe thuộc nhóm tài xế khó khăn và cận nghèo.

Đồng thời là việc xây dựng bản đồ pin toàn thành phố từ băn khoăn lớn nhất của việc chuyển đổi xe điện là hạ tầng sạc điện. Theo thạc sĩ Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế (thuộc HIDS), thành phố hiện có khoảng 50 điểm đổi pin và sắp tới sẽ có thêm hai doanh nghiệp đầu tư hệ thống này. TP HCM cũng xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trạm sạc di động và trạm dừng nghỉ.

Cạnh đó, Sở Xây dựng TP HCM cũng đang lấy ý kiến các bên liên quan về phương án hạn chế xe xăng, dầu tại các khu vực ô nhiễm cao.

Cùng lúc đó, TP HCM cũng sẽ hoàn thiện các giải pháp kiểm soát khí thải giao thông đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Thành phố sẽ phân vùng kiểm soát khí thải, ưu tiên xe điện, hạn chế xe dùng xăng dầu tại một số khu vực như trung tâm TP HCM, huyện Cần Giờ, Côn Đảo… Các tiêu chí và trình tự triển khai sẽ được công bố kèm theo chính sách đồng bộ.

Tính đến tháng 6-2025, TP HCM quản lý hơn 9,6 triệu phương tiện (cao nhất cả nước), gồm hơn một triệu ôtô và gần 8,6 triệu xe máy, chưa kể lượng lớn xe vãng lai, gây áp lực lớn lên hạ tầng và môi trường đô thị.

Với lộ trình này, chúng ta thấy rõ thực sự TP.HCM cho tới giờ rất cẩn thận làm công việc này có cân nhắc, tính toán, lộ trình bài bản. (Có thể ngầm hiểu: Dễ dàng bước lùi nếu thực tế thực hiện không như mong muốn, trong triết học gọi đó là “chủ quan duy ý chí”, kiểu ngay sau 1975 ra chỉ tiêu 21 triệu tấn thóc).

TP.HCM không chơi kiểu “đùng một cái”, chơi bứt gân mà có người đã “mạo phạm” là “úp sọt” dân nghèo: “Không thể vì lợi ích của một số người mà ảnh hưởng đến môi trường của thành phố triệu dân”. Thậm chí, “đánh” thẳng mặt với đề nghị nghiên cứu tăng các loại lệ phí trước bạ, đăng ký, cấp biển số, giá giữ xe trong trung tâm, lộ trình tăng giá từ quý III-2025.

Ô nhiễm môi trường thì đã ô nhiễm lâu rồi. Nhưng TP.HCM tới giờ vẫn bình tĩnh và ứng xử phù hợp với thực tế phức tạp và với dân, không theo phong trào.

Rất chừng mực Sài Gòn. Trong chuyện này, không thể không khen TP.HCM một phát.

No comments:

Post a Comment