Hoàng Quốc Dũng - Nước Pháp củ chuốijeudi 17 juillet 2025
Thuymy
Nhưng đồng thời cũng là một trong những quốc gia "củ chuối" nhất mà tôi từng biết. Mà chuối đây không phải để ăn, mà để... nghẹn. Dưới đây chỉ xin kể vài ví dụ “thường ngày ở huyện”:
1. Biểu tình – quốc hồn quốc túy
Ở Pháp, biểu tình không phải chuyện bất thường. Trái lại, nó là một phần cấu trúc tinh thần quốc gia.
Hôm nay giáo viên biểu tình, mai y tá, mốt nhân viên metro. Tuần nào cũng có. Nếu không phải vì lương hưu thì là vì thời tiết, hoặc vì sếp khó ở.
Có những ngành mà chỉ cần giận dỗi là cả đất nước tê liệt: nhân viên tàu hỏa, nhân viên điều phối không lưu, công nhân vệ sinh...
Thiệt hại kinh tế thì lớn quá, không đo được, nhưng thiệt hại tâm lý thì ai sống ở Paris cũng cảm nhận được tận răng.
Riêng các cuộc biểu tình chống cải cách hưu trí gần đây (2023) khiến cả Paris biến thành bãi chiến trường. Đốt xe, phá cửa hiệu, rác ngập đường – mà toàn là khu sang chảnh. Đến Bảo hiểm cũng không muốn thanh toán vì... biểu tình xảy ra thường xuyên quá.
Tự do ở Pháp là vậy: Bạn có quyền xuống đường bất cứ lúc nào – miễn là cầm theo bảng hiệu và đủ sức la hét.
2. Hành chính – mê trận có thật
Nước Pháp rất văn minh, rất dân chủ, nhưng hệ thống hành chính thì… đủ sức khiến một người khỏe mạnh rơi vào trầm cảm.
Tôi có mấy người bạn mới sang định cư hợp pháp. Hồ sơ được chấp thuận rồi, tưởng như mọi chuyện đã xong. Nhưng không – đấy mới chỉ là bắt đầu.
Cơ quan A đòi giấy tờ của cơ quan B, nhưng B lại bảo “phải chờ”, mà chờ có khi là cả năm và có khi không biết đến khi nào.
Nhiều giấy tờ bên Pháp yêu cầu bản gốc từ Việt Nam, nhưng lại phải “chuẩn theo tiêu chí hành chính Pháp”, mà các loại đó thì Việt Nam... không cấp, hoặc cấp khác kiểu. Thế là tắc.
Còn nếu muốn đặt lịch online? Xin mời "refresh" hàng trăm lần để săn cuộc hẹn. Khi đặt được thì hạnh phúc như trúng xổ số.
Thành ra, có người mà tôi biết đủ tiêu chuẩn xin cư trú, làm đơn xong đợi 1 năm mới được trả lời là đồng ý. Nhưng phải đợi thêm 1 năm nữa với biết bao phiền toái mới có được thẻ cư chú trong tay. Rồi đợi thêm 1 năm nữa mới xong các thủ tục với các cơ quan khác. Kinh khủng luôn.
Một người bạn tôi – từng có ý định đầu tư vào Pháp – sau 1 năm chạy giấy tờ, đã thở dài: “Thôi qua Mỹ cho lành.”
Nói gì thì nói, nước Pháp vẫn sống tốt với hệ thống này. Nhưng nếu bạn là người mới đến, thì tốt nhất nên học trước một đức tính: kiên nhẫn kiểu tu sĩ Tây Tạng.
3. Vượt ngục – trò tiêu khiển cuối tuần
Nghe thì khó tin, nhưng ở Pháp, tù nhân vượt ngục không phải chuyện lạ. Thậm chí đôi khi còn rất sáng tạo, rất “kịch bản điện ảnh”.
Vụ 1 – Redoine Faïd (2018):
Tên trùm cướp ngân hàng này vượt ngục 2 lần. Lần 1 bằng thuốc nổ : Hắn bắt một nhân viên giám thị làm con tin, rồi kích nổ từng cửa một để mở đường ra. Khi đến cổng chính, hắn leo lên một chiếc xe hơi do đồng phạm chờ sẵn bên ngoài và chạy thoát. Lần hai bằng… trực thăng. Một trực thăng hạ cánh giữa sân tù, cưa cửa, đón Faïd đi như VIP. 3 tháng sau mới bắt lại được.
Vụ 2 – Mohamed Amra (14/05/2024):
Đang được chuyển từ tòa án về trại giam, xe tù bị phục kích giữa xa lộ A154 (Incarville). Hai cảnh sát bị giết, ba người bị thương. Tù nhân trốn thoát như phim hành động. Sau 9 tháng truy lùng, hắn mới bị bắt ở Bồ Đào Nha vào tháng 2/2025.
Vụ 3 – Vali thần kỳ (10/07/2025):
Một tù nhân ở Meaux mãn hạn tù, kéo theo một chiếc vali to. Hai mươi bốn giờ sau, nhà tù phát hiện: hắn đã cho bạn tù chui vào vali để “đi ké”. Cả hai đều chuồn đi trót lọt trong… nụ cười của camera an ninh.
Không phải nhà tù nào cũng thế, nhưng thi thoảng lại có tin mới khiến người dân giật mình: "Ối Ối, ở Pháp cũng có Hollywood?"
4. Quốc phòng độc lập – nhưng tiền ai chi?
Khi Mỹ đề xuất các nước NATO góp tiền mua vũ khí cho Ukraine, nhiều nước đồng ý ngay. Pháp thì lắc đầu: “Không thể phụ thuộc vào Mỹ. Phải sản xuất vũ khí của mình.”
Lý tưởng đấy. Nhưng Ukraine đang bị dội bom từng ngày. Vũ khí “made in France” thì phải chờ như gạo nảy mầm. Đến lúc sản xuất xong thì có khi… chiến tranh cũng xong luôn rồi. U cà đang chờ mạ (Pháp). Mạ là cây mạ nhưng cũng là má (mẹ).
Mà thực ra cũng do tiền: Chính phủ Pháp đang vật lộn để tiết kiệm 40 tỉ euro ngân sách. Nợ công đã vượt 3.100 tỉ, cứ mỗi giây lại thêm vài triệu. Sống trên mức thu nhập của mình quen rồi. Bây giờ đang hết hơi quá.
Thành ra, dù muốn độc lập, Pháp giờ cũng phải độc lập trong… túi rỗng.
Còn nhiều chuyện củ chuối khác.
Hẹn khám bác sĩ chuyên khoa: 3 tháng sau mới có lịch.
Gà gáy to bị hàng xóm kiện.
Quét rác cũng cần bằng cấp.
Đổi thẻ ngân hàng mất 2 tuần vì… bưu điện nghỉ hè.
Vé tàu cao tốc giá như máy bay, nhưng vẫn chậm vì “đang sửa cáp điện”…
Tóm lại: Pháp – thiên đường khổ luyện.
Nói thế không phải để chê. Tôi yêu nước Pháp. Nhưng tình yêu nào cũng cần... bao tử khỏe mạnh và một tâm hồn vững vàng. Ở đây, bạn vừa được đọc thơ Baudelaire, Prévert, Vừa ngồi café ngắm tháp Eiffel, vừa phát hiện là… tàu RER lại đình công (khỏi về).
Pháp là một thiên đường lãng mạn – nếu bạn biết sống chung với những điều “củ chuối”.
HOÀNG QUỐC DŨNG 16.07.2025
No comments:
Post a Comment