Nguyễn Mạnh HuyNguyễn Thị Bích Hậu
16-7-2025
Tiengdan
Người đàn ông trong hình và vợ con với vẻ thành đạt và hạnh phúc này chính là Nguyễn Mạnh Huy, người nổi tiếng vô cùng ở miền Nam.
Năm 1987, bạn Huy này đã được vào đại học sau bốn lần thi đậu mà không được trường nào nhận vào học, chỉ vì lý lịch xấu, cha là sĩ quan chế độ cũ chết trận.
Huy năm 1987 can đảm gửi một tâm thư tha thiết cho báo Thanh Niên.
“Tôi tốt nghiệp cấp III năm 1981 và dự thi vào trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đạt số điểm 26,5 điểm (điểm chuẩn 17). Nhưng ban tuyển sinh tỉnh không cho tôi đi học vì lý do lý lịch.
Cha tôi đi lính ngụy chết trận năm 1965. Mẹ làm thư ký đánh máy cho Ty Thông tin chế độ cũ.
Tôi rất buồn, nhưng với ước mơ được vào đại học để có cơ hội rèn luyện kiến thức, góp trí tuệ xây dựng đất nước, tôi đã nộp đơn thi lại lần nữa.
Năm đó tôi thi vào trường ĐH Nông nghiệp IV và đạt số điểm 22,5 điểm (điểm chuẩn là 16). Nhưng, một lần nữa, tôi cũng không được đi học vì lý lịch như năm trước.
Tôi tha thiết được học tập không phải để sau này làm ông này ông kia có chức có quyền, nhưng vì khả năng và nhiệt tình tuổi trẻ muốn được cống hiến cho đất nước, nhưng động cơ trong sáng đó đã hai lần bị gạt bỏ chỉ vì tôi trót mang một lý lịch của cha mẹ sinh ra tôi.
Tôi bi quan nghĩ rằng, đó là số phận nên đành chấp nhận. Sau đó, tôi xin đi làm ở HTX mộc Đa Hưng Quy Nhơn. Suốt trong bốn năm lao động tôi cố gắng học nghề, đồng thời tôi vẫn không quên ôn tập bài vở với một hy vọng bé nhỏ, có một ngày nào đó, có một sự nới rộng nào đó, tôi sẽ từ người thợ mộc được cắp sách bước vào ngưỡng cửa đại học đã khép lại với tôi từ mấy lâu nay.
Năm nay, tôi đọc báo thấy nhiều vấn đề cần đổi mới trong công tác tuyển sinh, trong đó có việc xét xếp đối tượng và điểm chuẩn. Hy vọng lại bùng lên trong tôi, khát khao được đi học sống lại trong lòng tôi mãnh liệt. Tôi quyết chí thi lại một lần nữa.
Tôi xin nghỉ làm và dồn hết tâm trí vào việc luyện thi. Năm nay tôi thi vào trường ĐH Bách Khoa TP.HCM. Tôi đạt số điểm là 22 (điểm chuẩn cho nhóm IV là 20). Tôi thấp thỏm hy vọng. Nhưng tuyệt vọng thay, tôi cũng nhận được câu trả lời như 4 năm về trước”.
25/10/1987- trích nhật ký của Huy:
“Tôi muốn học! Tôi kêu đòi được học! Dù phải cực khổ tới đâu tôi cũng xin chịu. Ước mơ đó đâu có gì to tát, không phải tại tôi! Tôi đã làm hết sức mình. Vì sao đời tôi và số phận cả một lớp trẻ phải mang trên vai gánh nặng của cuộc chiến tranh đã qua rồi mười ba năm trước”.
Bức thư đầy nước mắt này đã làm cho tòa soạn báo Thanh niên khi đó vô cùng xúc động và từ đó nhiều bài báo đã ra đời. Chuyện đến tai Bộ trưởng Trần Hồng Quân, và ông sau đó đã tuyên bố trường hợp Nguyễn Mạnh Huy đã được Bộ và UBND tỉnh Nghĩa Bình xem xét và quyết định cho đi học.
Nguyễn Mạnh Huy đã mở đường cho việc cải cách chế độ tuyển sinh gắn với chủ nghĩa lý lịch sau 12 năm ròng. Tất cả là vì sự dũng cảm của Huy và sự giúp đỡ của báo Thanh niên và các báo khác lúc bấy giờ.
Huy vào học đại học và ra trường làm trong nghề in, để tri ân báo chí. Và sau Huy, biết bao thanh niên miền Nam đã được học đại học mà không cần quan tâm tới lý lịch.
Câu chuyện này cho thấy việc tuyển sinh đại học dựa vào lý lịch đã có thể thay đổi, thì tới một ngày nào đó, sẽ có việc tuyển sinh đại học không chỉ dựa vào điểm số, mà còn dựa vào cả đạo đức, tài năng và những cống hiến cho cộng đồng.
Chỉ là ai sẽ bắt đầu như Nguyễn Mạnh Huy.
______
Nguyễn Mạnh Huy: Báo Thanh Niên và tôi
17-12-2015
Hồi tưởng lại những ngày tháng cách đây 28 năm, tôi cứ ngỡ như mình nằm mơ. Sau khi thi đậu lần thứ 3 mà vẫn không được đi học đại học vì lý lịch, tôi gần như tuyệt vọng và bi quan cho số phận của mình.
Hồi tưởng lại những ngày tháng cách đây 28 năm, tôi cứ ngỡ như mình nằm mơ. Sau khi thi đậu lần thứ 3 mà vẫn không được đi học đại học vì lý lịch, tôi gần như tuyệt vọng và bi quan cho số phận của mình.
Nếu không có Báo Thanh Niên, chắc có lẽ tôi không bao giờ được bước chân vào giảng đường.
Tôi tốt nghiệp trung học năm 1981, cùng năm, tôi dự thi vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Khoa Cơ khí. Năm đó tôi thi được 26,5 điểm (điểm đậu vào ngành tôi dự thi là 17 điểm).
Trước khi đi thi, tôi cũng nghe phong thanh về chuyện lý lịch và nghĩ đến hoàn cảnh của tôi (cha đi lính quốc gia, chết trận; mẹ là nhân viên của chính quyền cũ) tôi lo sợ rằng tôi có thể sẽ không được đi học. Năm đó, lần đầu tiên điểm thi được công bố công khai ở ban tuyển sinh tỉnh. Khi biết điểm thi, tôi rất mừng và chờ đợi. Nhưng thời gian cứ trôi qua, các bạn đủ điểm đậu đã có giấy báo đi học, còn tôi chờ hoài mà không thấy giấy báo. Sốt ruột, tôi đến ban tuyển sinh hỏi về trường hợp của tôi, họ đã trả lời rằng trường hợp của tôi không được đi học vì lý do trong lý lịch có cha đi lính ngụy chết trận. Dù đã linh tính, nhưng tôi đã cực kỳ hụt hẫng khi bao nhiêu kỳ vọng, bao nhiêu mong ước của tuổi trẻ bỗng chốc tiêu tan. Nhiều đêm tôi không ngủ được và nghĩ sao cuộc đời mình gặp cả bất hạnh và cả bất công.
Những năm đó gia đình tôi rất nghèo. Nhà tôi ở sâu trong một xóm lao động ở Quy Nhơn, nổi tiếng về những tệ nạn xã hội, với tên gọi là “Xóm vườn bông”. Má tôi khi đó đi bán vải dạo hoặc bán quần áo cũ để nuôi anh em tôi. Tôi còn nhớ khi tôi học năm lớp 9, má tôi nói gia đình khó khăn quá thôi con nghỉ học rồi theo học nghề chụp ảnh (vì nghề chụp ảnh lúc đó làm cũng rất có tiền) chứ đi học má không nuôi nổi. Thương má, tôi nghỉ học và xuống tiệm chụp hình của một người quen học nghề chụp ảnh. Thế nhưng, tôi rất thích học chữ, nên thực sự không hào hứng với công việc này. Rất may là sau khoảng 2 tuần, ông chủ tiệm chụp hình nhận thấy và nói với má tôi là “thôi bà cho nó về đi học đi, chứ tâm trạng nó như thế này thì học nghề không được đâu”.
Tôi nói với má tôi, thôi để con đi học, để má đỡ vất vả, mùa hè nghỉ học con sẽ đi bán thuốc lá dạo để kiếm tiền thêm phụ má. Hè năm đó, tôi theo đứa em họ đi bán thuốc lá dạo ở nhà ga, bến xe. Chắc tôi mát tay nên bán cũng được lắm, vì vậy hết hè năm lớp 9, tôi kiếm cũng được kha khá, đủ tiền phụ má tôi cho tôi đi học lớp 10. Những năm sau, do cuối cấp, cần tập trung cho kỳ thi đại học nên tôi không đi bán thuốc lá dạo nữa mà chỉ dạy kèm vào ban đêm, và má tôi thương con nên cũng cố gắng hết sức. Vì biết hoàn cảnh mình nhà nghèo, tôi nghĩ chỉ có học mới giúp mình thoát nghèo, cộng thêm tuổi trẻ thì nhiều hoài bão, nên tôi rất quyết tâm để thi đậu đại học.
Năm 1981, cùng lúc khi biết mình bị lý lịch không được đi học, hoàn cảnh kinh tế gia đình tôi ngày càng khó khăn hơn do tình hình buôn bán của má tôi không được thuận lợi, cuộc sống chật vật quá, nên má tôi đã dẫn các em tôi về quê ngoại sống. Bên cạnh tôi khi đó còn có bà nội và hai chú nhà ở gần bên (anh tôi lúc đó đang bươn chải ở Sài Gòn). Nhưng bà nội thì đã già, hai chú thì gia đình cũng nghèo mà còn các con nhỏ nữa làm sao cưu mang mình được, thế là tôi đi ăn nhờ ở nhà hàng xóm một thời gian ngắn. Cũng may là lúc đó phía sau nhà tôi có ông anh làm kẹo mè xửng, tôi qua xin phụ làm, không cần lấy tiền công, chỉ cần ngày ăn 3 bữa là được rồi. Thương tình, ảnh nhận tôi; hai anh em hì hụi làm ăn, cũng gần cả năm cho đến khi tôi đi thi đại học lại lần thứ 2 (làm một thời gian tôi quen nghề làm kẹo nên ngoài làm cho anh hàng xóm, tôi còn đi làm thêm ở các xưởng làm kẹo khác nên cũng có thu nhập để dành có chi phí cho việc đi thi lần 2).
(Còn tiếp)
______
Phần 2: Báo Thanh Niên và tôi: Bước ngoặt của cuộc đời
19-12-2025
Năm ấy, Báo Thanh Niên , tuy chỉ mới ra đời chưa đầy 2 năm nhưng thể hiện tầm vóc của một tờ báo lớn, thật dũng cảm, cố gắng vượt qua những áp lực rất lớn, kiên trì đấu tranh đòi lẽ công bằng trong tuyển sinh.
Năm ấy, Báo Thanh Niên, tuy chỉ mới ra đời chưa đầy 2 năm nhưng thể hiện tầm vóc của một tờ báo lớn, thật dũng cảm, cố gắng vượt qua những áp lực rất lớn, kiên trì đấu tranh đòi lẽ công bằng trong tuyển
sinh.
Nhưng quả thật rủi may khó đoán, đôi khi có những hành động không hy vọng, chỉ mang tính cầu may, lại trở thành bước ngoặt đời người. Khi đó tôi có một người bạn buôn bán dược phẩm, hay vào Sài Gòn lấy thuốc về Quy Nhơn bán. Khi biết bạn ấy lại sắp vào Sài Gòn, tôi sực nhớ có lần tôi đọc được bài báo nói về trường hợp của một học sinh ở Bình Thuận tên Dương Thị Hà My thi đậu vào trường trung cấp nhưng địa phương không cho đi học, Báo Thanh Niên đã can thiệp và bạn ấy cuối cùng đã được đi học, nên tôi vội viết một lá thư trình bày hoàn cảnh và những nỗ lực của mình, nhờ người bạn mang vào gửi cho Báo Thanh Niên, với một hy vọng nhỏ nhoi là biết đâu mình sẽ được tờ báo can thiệp giống như trường hợp của Hà My.
Người bạn vào Sài Gòn, công việc nhiều chiếm hết thời gian nên quên mất. Đến ngày cuối, trước khi về lại Quy Nhơn, bạn mới sực nhớ, nên chạy vội đến Báo Thanh Niên và gửi thư cho cô tiếp tân của Báo. Cô ấy đọc thư và đã khóc vì thương cảm, rồi tức tốc chuyển cho Ban Công tác bạn đọc. Niềm tin và hy vọng của tôi đã không đặt nhầm chỗ. Với bản lĩnh của những người làm báo chân chính, với tinh thần dám nghĩ, dám làm và đấu tranh để xóa bỏ những bất công, các anh chị ở Báo Thanh Niên đã không ngại ngần, quyết liệt cùng với dư luận lên tiếng bênh vực và đòi quyền đi học cho tôi và những bạn trẻ khác cùng cảnh ngộ.
Tôi thật sự khâm phục và biết ơn sự can đảm, dám đương đầu với áp lực rất lớn khi đó và sự kiên trì đấu tranh vì lẽ công bằng trong tuyển sinh của Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ… và cả dư luận tiến bộ khi ấy đã tạo nên bước ngoặt cho cuộc đời mình.
Cuối cùng, sau 2 tháng kiên trì đấu tranh của Báo Thanh Niên, nhất là sau khi anh Nguyễn Công Khế đã vận động đưa sự việc của tôi và kêu gọi công bằng trong tuyển sinh ra trước Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V, đến cuối năm 1987 tôi đã được UBND tỉnh Nghĩa Bình (khi đó) cho đi học theo chỉ đạo của ông Đỗ Mười (lúc đó đang là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng).
Cùng với việc tôi được đi học đại học, chế độ tuyển sinh lỗi thời theo cân đo lý lịch cũng đã bị xóa bỏ. Đó là một sự tiến bộ mà trong đó có sự đóng góp rất lớn của Báo Thanh Niên. Đúng như nhà báo Nguyễn Công Thắng, Trưởng ban Công tác bạn đọc Báo Thanh Niên, đã từng viết: “Báo Thanh Niên đấu tranh để thay đổi chế độ tuyển sinh là trực tiếp mang lại công bằng cho hàng vạn thanh niên có hoàn cảnh lịch sử đặc thù và nghiệt ngã sau chiến tranh, đồng thời đây là một đóng góp của Báo góp phần thúc đẩy tiến trình của công cuộc đổi mới đất nước”.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Báo Thanh Niên phát hành số báo đầu tiên, qua đây, tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Báo Thanh Niên. Khi tôi thật sự bi quan, Báo Thanh Niên đã đưa bàn tay nâng đỡ tôi, giúp tôi vượt qua số phận nghiệt ngã. Tôi tin rằng với chuyên môn vững vàng, với bản lĩnh của mình, Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục ngày càng phát triển và vẫn mãi là tờ báo của đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, là tờ báo tin cậy của người trẻ…
No comments:
Post a Comment