Wednesday, July 16, 2025

Bình Luận: TRÒ HỀ “TRUNG THÀNH” CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Điều 4 Hiến Pháp khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động”. Thế nhưng Đảng CSVN đã đối sử như thế nào với giai cấp công nhân và nhân dân lao động?
Mời quý thính giả theo dõi bài Bình Luận tựa đề “Trò Hề ‘Trung Thành’ của Đảng CSVN” của THẾ VŨ, thành viên Ban Biên Tập Đài ĐLSN, do Vân Khanh trình bày sau đây …
DLSN16072025
-

BLTRÒ HỀ “TRUNG THÀNH” CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
THẾ VŨ
16/07/2025
RadioDLSN

Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố cuối tháng 4 năm 2025 đã phơi bày một sự thật đau lòng: gần một nửa người lao động không đủ điều kiện ăn thịt, cá trong mỗi bữa ăn chính. Một điều tưởng chừng như hiển nhiên, một nhu cầu căn bản nhất của con người thời hiện đại – được ăn uống đầy đủ dưỡng chất – lại trở thành một sự xa xỉ không với tới được của hàng triệu đồng bào lao động. Trong cái xã hội mà người giàu thì lên báo khoe biệt phủ, khoe xe sang, khoe bò dát vàng, thì người lao động lại sống vật vờ với rau luộc, mì gói và nước mắm. Nếu có thứ gì đang phản chiếu sự bất công đến tận cùng thì chính là bữa cơm hằng ngày của họ.

Thử hỏi, với mức lương 5 triệu đồng mỗi tháng, người công nhân có thể làm gì nếu còn phải trả tiền nhà trọ, tiền học phí cho con, tiền điện nước, tiền xăng xe, tiền gửi trẻ? Nếu không thuê nhà thì còn tạm sống được, chứnếu phải thuê phòng, thì phải gạt thịt cá ra khỏi thực đơn. Bữa ăn trở nên nghèo nàn, đơn điệu, kéo theo một chuỗi hệ lụy: sức khoẻ suy giảm, năng suất lao động thấp, bệnh tật tăng, rồi lại phải tốn tiền thuốc men, và cứ thế mà cái vòng xoáy nghèo đói xoắn chặt đời người, không sao dứt ra được. Một xã hội mà thịt heo – món ăn phổ thông nhất – đã trở thành món hàng xa xỉ với người lao động, thì cái gọi là “tăng trưởng kinh tế” liệu có giá trị gì?

Người ta thường nói “có việc làm là có tất cả”, nhưng tại Việt Nam hôm nay, có việc làm cũng chỉ vừa đủ sống cầm chừng, chưa nói tới dư dả hay phát triển. Kết quả khảo sát cho thấy 54,9% công nhân trả lời rằng thu nhập chỉ đủ đáp ứng những nhu cầu cơ bản, trong khi hơn 26% sống chật vật, phải dè sẻn từng đồng. Và có tới 12,5% thường xuyên phải vay mượn mỗi tháng để trang trải cuộc sống – vay không phải để đầu tư hay mưu cầu cơ hội, mà đơn giản chỉ để sống còn. Trong khi đó, 29,9% khác cũng phải đi vay mỗi ba bốn tháng. Mà vay ai? Phải chăng là tín dụng đen, là những đường dây cho vay nặng lãi lấp lánh lời dụ dỗ như ma quỷ, rình rập kéo người lao động vào vòng xoáy chết chóc của lãi mẹ đẻ lãi con, tiền lương về chưa kịp ấm túi đã phải trả nợ?

Sống giữa bối cảnh ấy, người dân lại phải nghe những lời nói trịch thượng và ngạo mạn của những kẻ ăn trên ngồi trốc. Câu nói “tiền trong dân còn nhiều lắm” của Tổng bí thư Tô Lâm – một người từng gây phẫn nộ vì bữa bò dát vàng nơi xứ người – là cái tát vào mặt hàng triệu lao động đang nai lưng cày cuốc từng giờ để nuôi chế độ này. Có bao giờ ông ấy biết rằng những người làm trong các xí nghiệp, nhà máy – từ mờ sáng đến chiều tối – vẫn không dám mơ tới miếng thịt ngon, không dám nghĩ tới chuyện đi nghỉ hè với con cái, và vẫn đang lâm râm cầu mong mỗi ngày đừng đổ bệnh, đừng tai nạn, đừng tăng học phí? Cái gọi là “tiết kiệm” nơi người dân hôm nay không còn là một đức tính, mà là một sự bất đắc dĩ, một sự khổ hạnh cưỡng bức. Và cái gọi là “an sinh xã hội” thì từ lâu đã trở thành một câu khẩu hiệu rỗng tuếch.

Một xã hội khoẻ mạnh không chỉ được đo bằng GDP, mà còn phải phản ảnh qua phẩm cũng như lượng của bữa ăn, qua mức sống, qua sự ổn định tinh thần của người dân. Khi người lao động sống không đủ ăn, ở không đủ yên, làm việc đến kiệt sức mà không thể tích lũy, thì tinh thần tất yếu phải suy sụp. Một con người trong cơn đói không thể nở nụ cười thật sự, cũng như không thể sản xuất ra những sản phẩm bền, tốt. Kinh tế quốc dân vì thế mà thiệt hại, năng suất toàn xã hội bị kéo xuống. Tưởng đâu người lao động nghèo thì chỉ họ khổ, nhưng rốt cuộc cái giá phải trả là cả nền kinh tế.

Tình trạng trì trệ ấy không dừng lại ở vấn đề cơm áo, mà còn đe dọa trực tiếp tới tương lai dân tộc. Có đến 72,6% người chưa lập gia đình cho biết lương thấp là nguyên nhân khiến họ chưa dám nghĩ tới chuyện hôn nhân. Họ hiểu rằng một gia đình không thể được xây dựng bằng những đồng lương còm cõi, giữa thời vật giá leo thang từng ngày. Và trong khi Nhà nước khuyến khích sinh con bằng cách trợ cấp vài trăm ngàn đồng – một số tiền chưa đủ mua sữa bột trong một tuần – thì cái mối lo con cái, học hành, bệnh tật, đã đè lên vai họ như hòn đá tảng. Thử hỏi, ai dám sinh con khi biết chắc sẽ không thể nuôi nổi?

Hệ quả của tình trạng ấy là tỷ lệ sinh thấp, dân số già hoá, và cơ cấu lao động mất cân đối. Trong 10 đến 20 năm nữa, khi thế hệ lao động hiện nay bước vào tuổi xế chiều, thì ai sẽ thay thế họ? Với mức sinh sản thấp như hiện nay, Việt Nam sẽ không chỉ thiếu người làm việc mà còn đối mặt với khủng hoảng an sinh xã hội, khi ngân sách phải gồng gánh cả một dân số già không đủ người trẻ nuôi dưỡng. Mà cái hệ thống này – vốn đã gập ghềnh từ gốc – làm sao chịu nổi một cơn bão như vậy?

Điêu mỉa mai là Điều 4 khẳng định “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động”. Rõ ràng làchính vì sự “trung thành” của đảng CSVN mà giới công nhân và nhân dân lao động Việt Nam đã phải sống trong một thực tại cay đắng: ăn không đủ thịt, sống không đủ yên, và tương lai thì mù mịt, tăm tối./.

No comments:

Post a Comment