VNTB – Vì ô nhiễm môi trường nên người dân không thể lựa chọn?Camille Nguyễn
17.07.2025 6:27
VNThoibao

Trước vấn đề về tình hình những tác động tiêu cực đến môi trường, hai thành phố lớn ở Việt Nam là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang từng bước (hoặc lấy ý kiến) xanh hoá phương tiện di chuyển. Nói một cách dễ hiểu, thay xe xăng bằng xe điện
Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero). Cam kết này bao gồm việc giảm 27% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030, và đạt tỷ lệ điện từ năng lượng tái tạo là 50% tổng công suất lắp đặt vào năm 2030. Việt Nam cũng tham gia tích cực vào các cuộc đàm phán và thảo luận tại COP, thể hiện vai trò và trách nhiệm trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cũng liên quan đến vấn đề về môi trường, tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng 2025, theo Thủ tướng Chính, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và dịch bệnh là nền tảng của mọi chính sách phát triển đất nước; đây không chỉ là lựa chọn ưu tiên, là yêu cầu khách quan mà còn là mệnh lệnh của thời đại.
Thủ tướng khẳng định quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam trong hoàn thành mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, đồng thời đóng góp tích cực, trách nhiệm tại các cơ chế hợp tác toàn cầu về môi trường, khí hậu và y tế.
Xét trên bình diện tổng thể, việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề nên làm. Bởi, trên thực tế, việc lưu thông trên một con đường đầy khói bụi sẽ đem lại tác động tiêu cực đến sức khoẻ. Việc hạn chế khí thải, cũng là điều nên làm. Tuy nhiên, thay xe xăng bằng xe điện là giải pháp duy nhất?
Để trả lời cho câu hỏi này, xét thấy, cần quay lại câu chuyện trong quá khứ.
Theo đó, vào những năm 2017 – 2018, Việt Nam rộ lên tin về một loại xăng sinh học có thể góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế khí thải ra môi trường, được gọi là xăng E5.
Từ 1/1/2018, xăng E5 chính thức phân phối đại trà trên đại lý các hãng bán xăng dầu trên toàn quốc, khai tử xăng A92. Theo Tổng công ty dầu Việt Nam, xăng E5 được pha chế từ 95% xăng A92 và 5% ethanol (cồn sinh học).
Nói một chút về đặc điểm của E5. Đây là loại xăng có hàm lượng oxy cao hơn. Chính vì điều này giúp quá trình đốt cháy động cơ một cách triệt để hơn, giảm thiểu phát sinh khí độc trong khí thải động cơ, góp phần vào việc bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, vào thời điểm đó, dù ở trên thế giới, loại xăng này không quá xa lạ, nhưng ở thị trường Việt Nam, vẫn còn khá mới. Nhiều lo ngại đến từ người tiêu dùng, sợ rằng việc sử dụng một loại xăng mới như vậy, sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến động cơ của phương tiện.
Điều này, không sai nhưng cũng không đúng hoàn toàn. Với những dòng xe với hệ thống phun xăng sử dụng bộ phun xăng và ống dẫn nhiên liệu bằng kim loại và cao su tốt nên sẽ không ảnh hưởng độ nóng và ăn mòn từ cồn ethanol. Tuy nhiên, với những dòng xe đời cũ sử dụng bộ chế hoà khí có thể gặp khó khăn; với đường ống dẫn xăng, ron…, bằng nhựa hoặc cao su khi sử dụng xăng E5 lâu ngày có thể bị bào mòn gây rò rỉ xăng.
Dần dần, khái niệm về xăng E5 có phần trôi về quên lãng, mặc dù trên thực tế, thị trường vẫn còn bán xăng E5 (hay còn gọi là E5 – RON92).
“Có thể do mình không để ý nhưng mình thấy không ít cây xăng bán xăng RON95 và RON97. Khi vào đổ xăng, người đổ xăng cũng không hỏi mình đổ xăng gì như lúc trước, cái thời chọn RON92, RON95 và E5, cứ mặc nhiên dùng RON95. Phần nữa, không ít người tâm lý cứ số càng cao thì xăng càng tốt, thật ra theo mình thấy điều này cũng không sai, dù phải xem xét dưới góc độ xăng đó có phù hợp với xe mình hay không? Như xăng 97, là xăng cao cấp nhưng không hẳn phù hợp với tất cả các loại xe. Nhiều yếu tố cộng lại, một cách chậm rãi và từ từ, người tiêu dùng quên luôn cái khái niệm E5 – RON92”, anh Minh Nhật, một người thường xuyên đi tỉnh, chia sẻ.
Cũng liên quan đến vấn đề môi trường, trong lĩnh vực xanh hoá vận tải, theo một vị đại diện của Bộ Công Thương, để bù trừ phát thải, còn có thể thông qua bằng việc trồng rừng. Nói nôm na, là trồng thêm cây xanh.
Câu hỏi đặt ra để thay lời kết cho vấn đề này, vì sao Việt Nam không tiếp tục lại mô hình xăng sinh học đi kèm với khuyến khích người dân sử dụng xe điện với sự ưu đãi đến từ chính sách, để người dân có thể chọn lựa phương thức di chuyển ít tốn kém nhất cho gia đình mình?
No comments:
Post a Comment