Đối tác Răn đe: Hợp tác Quân sự-Kỹ thuật giữa Trung Quốc và NgaNguồn: Daniel Balazs, “Partners in Deterrence: China and Russia’s Deepening Military-Technical Ties,” The Diplomat, 11/07/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
17/07/2025
NghiencuuQT

Đầu tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Moscow để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và tham dự lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng, kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức trong Thế chiến II. Hai nhà lãnh đạo đã đưa ra một tuyên bố chung, bày tỏ sự phản đối đối với các sáng kiến quốc phòng của Mỹ như Vòm Vàng và AUKUS, những sáng kiến mà họ cho là mối đe dọa đối với sự ổn định chiến lược toàn cầu. Họ cũng cam kết “tăng cường phối hợp các cách tiếp cận và củng cố hợp tác thực tiễn nhằm duy trì và củng cố sự ổn định chiến lược toàn cầu.”
Hai nhà lãnh đạo không nêu rõ phương thức cụ thể của quan hệ hợp tác thực tế này. Tuy nhiên, việc xem xét kỹ lưỡng hợp tác quân sự Trung-Nga trong những năm gần đây cho thấy có một số kênh và dự án hợp tác quân sự-kỹ thuật – thương mại vũ khí và các mặt hàng lưỡng dụng, phòng thủ tên lửa, phát triển tàu ngầm và trực thăng – có thể được tăng cường sau tuyên bố làm sâu sắc thêm sự hợp tác của họ. Những tiến bộ trong các lĩnh vực này nhiều khả năng sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân năng lực trong tam giác chiến lược Mỹ-Trung-Nga.
Hợp tác quân sự-kỹ thuật Trung-Nga: Một khuôn khổ khó nắm bắt
Trung Quốc và Nga đã bác bỏ ý tưởng liên minh quân sự chính thức, và thay vào đó, gọi nhau là đối tác chiến lược. Tuy nhiên, họ vẫn chia sẻ một quan hệ đối tác quân sự dựa trên các tương tác được thể chế hóa.
Ở cấp cao nhất, Tập và Putin thường xuyên đưa ra các tuyên bố chung giúp định hình các nguyên tắc chỉ đạo cho hợp tác quân sự. Đồng thời, Trung Quốc và Nga cũng tổ chức Tham vấn An ninh Chiến lược, một cuộc họp thường niên giữa Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga, hoạt động như một cơ chế phối hợp chiến lược giữa hai bên. Hơn nữa, Bắc Kinh và Moscow còn sử dụng các thỏa thuận hợp tác 5 năm để điều phối quan hệ quân sự của họ.
Dù đây là nền tảng thể chế cho hợp tác quân sự giữa hai bên, các tuyên bố chung hiếm khi thảo luận chi tiết về hợp tác quân sự-kỹ thuật. Các chi tiết của quan hệ quân sự-kỹ thuật thường xuất hiện trong các tuyên bố đơn phương của lãnh đạo, thông báo dự án, dữ liệu thương mại, phân tích, và báo cáo truyền thông.
Buôn bán vũ khí và các mặt hàng lưỡng dụng
Nga từ lâu đã là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Trung Quốc, và Bắc Kinh đã được hưởng lợi từ việc tiếp cận công nghệ quân sự của Moscow thông qua các thỏa thuận cấp phép. Nhưng kênh hợp tác quân sự-kỹ thuật này đã trở nên kém nổi bật hơn trong những năm gần đây. Năm 2020, thị phần của Nga trong tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc là khoảng 70%, và giảm xuống còn khoảng 40% vào năm 2024. Trung Quốc cũng nhập khẩu ít loại sản phẩm quốc phòng hơn trong giai đoạn này: năm 2020, Trung Quốc đã nhập khẩu động cơ, máy bay, và vũ khí hải quân từ Nga, nhưng sang năm 2024, nước này chỉ nhập khẩu động cơ. Một phần nguyên nhân là do sự tự chủ quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, và phần khác là do những lo ngại về việc bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt thứ cấp tiềm ẩn khi giao dịch với Nga.
Việc chuyển giao các mặt hàng lưỡng dụng mang lại lợi ích cho Nga, cho phép nước này đảm bảo nguồn thay thế các thành phần quan trọng của phương Tây và Ukraine, mà Moscow không thể tiếp cận do các lệnh trừng phạt và cấm vận áp đặt lên Nga sau các hành động của họ ở Ukraine. Các hoạt động xuất khẩu nhạy cảm về mặt quân sự – như việc chuyển giao các mặt hàng trong Danh sách Mặt hàng Ưu tiên Cao Chung, bao gồm ổ bi cho sản xuất xe tăng và chất bán dẫn cho các hệ thống vũ khí – từ Trung Quốc sang Nga đã gia tăng kể từ khi xung đột Ukraine bắt đầu.
Trong lúc Nga và Trung Quốc cam kết tăng cường phối hợp chiến lược, hoạt động buôn bán vũ khí và các mặt hàng lưỡng dụng có lẽ sẽ tiếp tục. Nga đang ngày càng phụ thuộc vào các mặt hàng lưỡng dụng từ Trung Quốc, và Bắc Kinh vẫn chưa sở hữu khả năng tự cung tự cấp đủ mạnh để loại bỏ nhu cầu nhập khẩu vũ khí từ Moscow.
Hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa
Năm 2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng đất nước ông đang hỗ trợ Trung Quốc xây dựng một hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa mà chỉ có Mỹ và Nga sở hữu. Động thái này có lẽ là phản ứng trước những lo ngại chung của Nga và Trung Quốc về việc Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa trên toàn cầu, theo đó làm giảm khả năng thực hiện đòn tấn công thứ hai của họ.
Chi tiết về hệ thống mà Trung Quốc sẽ xây dựng với sự giúp đỡ của Nga vẫn chưa được công bố đầy đủ, nhưng một báo cáo của TASS năm 2020 đã giải thích về hệ thống mà Moscow đang sử dụng. Nhờ có các thành phần trên mặt đất và trong không gian, hệ thống này cung cấp dữ liệu cho phòng thủ tên lửa đạn đạo và cung cấp thông tin về các vật thể không gian cho các cơ sở không gian. Trên mặt đất, hệ thống bao gồm một mạng lưới các trạm radar cho phép phát hiện tên lửa từ khoảng cách 6.000 km. Trong không gian, hệ thống sử dụng một loạt vệ tinh để phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo từ bất kỳ đâu trên hành tinh theo thời gian thực.
Việc hiện thực hóa một hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa tương tự sẽ tăng cường đáng kể năng lực răn đe hạt nhân của Trung Quốc và làm giảm lợi thế của Mỹ trong lĩnh vực này. Báo cáo năm 2020 của TASS cho biết Trung Quốc và Nga đã đạt được một số tiến triển nhất định trong việc thiết lập hệ thống, nhưng không chia sẻ khung thời gian cụ thể để hoàn thành nó. Trong năm 2023 và 2024, Trung Quốc và Nga đã có các cuộc đàm phán về phòng thủ tên lửa, nhưng không có thông tin nào xác minh liệu họ có tập trung vào việc thúc đẩy xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa hay không.
Phát triển tàu ngầm
Hai bên cũng đang hợp tác phát triển tàu ngầm. Năm 2020, truyền thông nhà nước Nga đưa tin Moscow và Bắc Kinh đang nghiên cứu một thế hệ tàu ngầm phi hạt nhân mới. Tuy nhiên, do tính nhạy cảm của dự án, rất ít thông tin chi tiết được chia sẻ.
Một bài phân tích suy đoán rằng hợp tác trong lĩnh vực này có thể bao gồm việc “trang bị sonar và vũ khí Nga cho tàu ngầm Trung Quốc, hoặc lắp đặt pin do Trung Quốc sản xuất cho tàu ngầm Nga” và hệ thống đẩy không phụ thuộc không khí (air-independent power system). Mục tiêu của dự án Trung-Nga vẫn chưa rõ ràng, nhưng việc phát triển tàu ngầm phi hạt nhân rẻ hơn so với tàu ngầm hạt nhân, vì vậy hai bên có thể củng cố hạm đội của mình với chi phí thấp hơn. Ngoài ra, họ cũng có thể thu được lợi ích kinh tế từ dự án bằng cách bán tàu ngầm cho các quốc gia khác.
Tuy nhiên, hợp tác trong lĩnh vực này không chỉ giới hạn ở tàu ngầm phi hạt nhân. Theo một báo cáo năm 2023, Trung Quốc đã dựa vào công nghệ Nga để cải thiện độ tĩnh lặng của tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân Type 096 mới. Con tàu dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2030 và hoạt động của nó được cho là khó bị phát hiện hơn so với Type 094, loại tàu mà Trung Quốc thường sử dụng để thực hiện các cuộc tuần tra răn đe hạt nhân.
Hơn nữa, một phân tích năm 2025 đã đặt giả thuyết rằng tàu ngầm hạt nhân lai Type 041 của Trung Quốc có thể đã nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ Nga. Tàu ngầm này được cho là có hệ thống đẩy không phụ thuộc không khí chạy bằng pin hạt nhân, giúp tàu liên tục được nạp năng lượng. Thiết kế này có những ưu điểm về vận hành – tăng khả năng hoạt động dưới nước với tốc độ di chuyển 9-10 hải lý/giờ, và có đủ năng lượng điện để chứa một hệ thống kiểm soát không khí toàn diện, cùng nhiều tính năng khác – khiến con tàu trở thành phương tiện lý tưởng cho các nhiệm vụ chống xâm nhập, tình báo, và rải mìn.
Trực thăng hạng nặng tiên tiến
Trung Quốc và Nga cũng đang hợp tác phát triển một loại trực thăng vận tải hạng nặng tiên tiến thuộc lớp tải trọng 40 tấn, có khả năng vận chuyển 15 tấn bằng cáp treo ngoài, tầm bay 630 km, và tốc độ tối đa 300 km/giờ. Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) và Tập đoàn Trực thăng Nga đã thống nhất phát triển loại trực thăng này vào năm 2021, và chuyến bay đầu tiên dự kiến diễn ra vào năm 2032.
Một chiếc trực thăng như vậy có thể vận chuyển binh sĩ, xe bọc thép, tên lửa, và pháo binh. Đồng thời, nó cũng có thể được sử dụng cho mục đích dân sự, như vận chuyển các phương tiện kỹ thuật hạng nặng đến các địa điểm khó tiếp cận trong thiên tai. Nếu dự án hoàn thành, Trung Quốc sẽ sở hữu các loại trực thăng từ lớp 500 kg đến lớp 40 tấn.
Kết luận
Tập và Putin đã cam kết tăng cường phối hợp chiến lược để giải quyết những gì họ xem là thách thức đối với sự ổn định chiến lược toàn cầu, chẳng hạn như khả năng mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trên toàn cầu và sự sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự của Washington ở nước ngoài.
Trong bối cảnh này, hợp tác quân sự-kỹ thuật giữa hai bên có thể sẽ trở nên sâu sắc hơn trong tương lai. Điều này đồng nghĩa với việc Nga sẽ nhận được nhiều thiết bị lưỡng dụng hơn, còn Trung Quốc sẽ sở hữu các tàu ngầm hoạt động âm thầm hơn và trực thăng mạnh mẽ hơn, cùng với một hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa tối tân. Trung Quốc và Nga xem những động thái này là nhằm tăng cường an ninh của mình, nhưng chúng có thể gây tác dụng ngược và kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ, bởi vì Washington có thể sẽ tiếp tục các bước đi tiếp theo để duy trì vị thế thống trị quân sự của mình. Đổi lại, động thái này sẽ gây thêm căng thẳng cho các cấu trúc an ninh toàn cầu và làm phức tạp các nỗ lực hướng tới kiểm soát vũ khí chiến lược và ổn định quốc tế.
Daniel Balazs là nghiên cứu viên của Chương trình Trung Quốc thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.
No comments:
Post a Comment