VNTB – Ông Trump sẽ nhận Nobel hòa bình?Thái Hóa Lộc
18.07.2025 6:47
VNThoibao

Mùa giải Nobel 2025 đang đến. Trong số các giải thưởng mang tên Nobel, giải Nobel Hòa bình được chú ý nhiều nhất, không chỉ vì số tiền thưởng cao, vì cái tên “Hòa bình” và ý nghĩa mà nó mang đến, mà còn vì lịch sử trao giải từng có những chuyện bất đồng liên quan đến quyết định trao giải. Dư luận chung cho rằng, giải Nobel Hòa bình đang ngày càng xa rời tiêu chí ban đầu, xa rời tâm nguyện của nhà sáng lập giải thưởng là ông – Alfred Nobel.
Trước khi qua đời vào năm 1896, Alfred Nobel – kỹ sư hóa học, nhà phát minh ra thuốc nổ người Thụy Điển – đã để lại di chúc, trong đó viết rằng: một phần lớn tài sản của ông sẽ dùng cho việc trao giải thưởng hòa bình, và giải thưởng này sẽ được trao cho những ai “hoạt động nhiều nhất hoặc tốt nhất cho tình hữu nghị giữa các quốc gia, cho việc xóa bỏ hoặc cắt giảm quân đội thường trực và thúc đẩy hòa bình”. Theo di nguyện của ông Nobel, Ủy ban xét trao giải Nobel Hòa bình bao gồm 5 người do Quốc hội Na Uy chọn lựa. Người ta không rõ vì sao ông Nobel lập ra giải thưởng hòa bình, trong di chúc ông cũng không giải thích rõ.
Năm nay, nhiều người đã đề cử cá nhân nhận giải Nobel hòa bình là Tổng thống Hoa Kỳ – Donald Trump. Thủ tướng Israel – Benjamin Netanyahu, là người mới đây đã đề cử ông Trump cho giải Nobel Hòa bình, một trong những giải thưởng quốc tế danh giá nhất dành cho cá nhân hoặc tổ chức, được cho là đã có đóng góp lớn nhất trong việc “thúc đẩy tình hữu nghị giữa các quốc gia”. Trong bức thư gửi Ủy ban Nobel, được ông chia sẻ trực tuyến, ông Netanyahu nhận định, ông Trump đã “thể hiện sự cống hiến kiên định và đặc biệt trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định trên toàn thế giới”. Ông Trump, người đang cố gắng làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở Gaza, đã từng được đề cử.
Vào tháng 6, Pakistan cũng cho biết, họ sẽ đề xuất ông Trump cho giải thưởng này vì những nỗ lực của ông trong việc giúp giải quyết xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan.
Việc ông Netanyahu đề cử ông Trump đã gây ra sự hoài nghi ở một số nơi, bao gồm cựu Thủ tướng Thụy Điển – Carl Bildt, người đã bình luận trên nền tảng X rằng, ông Netanyahu đang tìm cách lấy lòng ông Trump. Nếu ông Trump giành được giải thưởng, ông sẽ là Tổng thống Mỹ thứ năm làm được điều này, sau Theodore Roosevelt, Woodrow Wilson, Jimmy Carter và Barack Obama.
Giải Nobel Hòa bình thường được xem là mang thông điệp chính trị. Trang web của giải Nobel cho biết một số người nhận giải là “những nhân vật chính trị gây tranh cãi cao”, và giải thưởng này cũng làm tăng sự chú ý của công chúng vào các cuộc xung đột nội địa hoặc quốc tế. Ông Obama đã giành được giải thưởng này chỉ vài tháng sau khi nhậm chức. Hai thành viên Ủy ban đã từ chức vì quyết định trao giải Hòa bình cho Ngoại trưởng Mỹ – Henry Kissinger và Lê Đức Thọ, cho cuộc đàm phán Chấm dứt Chiến tranh Việt Nam vào năm 1973.
Việc chọn đề cử và ra quyết định trao giải cũng khá phức tạp. Quy chế của Tổ chức Nobel có quy định rõ 7 nhóm, cá nhân có tư cách đề cử người nhận giải Nobel Hòa bình, bao gồm:
– Đại biểu Quốc hội các nước thành viên Liên minh Nghị viện;
– Thành viên Tòa án Hòa giải Quốc tế tại La Haye, thành viên Tòa án Công lý Quốc tế;
– Thành viên Viện Droit Quốc tế;
– Giáo sư đại học các ngành khoa học xã hội, triết học, lịch sử, thần học, luật, hiệu trưởng đại học, giám đốc các viện nghiên cứu hòa bình, quan hệ quốc tế;
– Những người từng nhận giải Nobel Hòa bình;
– Thành viên, các cựu thành viên Ủy ban Nobel Na Uy;
– Các cựu cố vấn Viện Nobel Na Uy.
Với thành phần đề cử đa dạng và đầy uy tín như thế, không có gì lạ khi các đề cử giải Nobel Hòa bình đều được đánh giá là xứng đáng, hoặc chí ít cũng gần như thế.
Theo quy định thì danh sách đề cử phải được chấm dứt vào ngày đầu tháng 2 hàng năm. Riêng đề cử bởi các thành viên Ủy ban Nobel Na Uy có thể trễ hơn thời hạn này đến tận phiên họp thứ nhất của Ủy ban. Cũng giống như các giải Nobel thuộc các lĩnh vực khác, quá trình chọn người trao giải Nobel Hòa bình diễn ra theo trình tự rút ngắn dần danh sách đề cử, và danh sách đã rút ngắn này sẽ được các cố vấn của Viện Nobel Na Uy xem xét, chọn lọc, loại bỏ ai và lấy ai.
Công việc của các cố vấn này kéo dài nhiều tháng, từ tháng 2 cho đến tận tháng 9 hàng năm, cho đến khi tất cả đạt được đồng thuận về một ứng viên nào đó, nhưng thường thì ứng viên được chọn phải chờ đến quyết định cuối cùng của Ủy ban Nobel Hòa bình tại phiên họp vào giữa tháng 9, thậm chí tại phiên họp cuối cùng trước khi công bố giải vào đầu tháng 10.
Trong danh sách những người nhận giải Nobel giai đoạn đầu còn có những cái tên nổi bật như Tổng thống Mỹ – Theodore Roosevelt (được trao giải năm 1906), vì có công hòa giải giúp chấm dứt cuộc chiến Nga – Nhật năm 1904 – 1905; Tổng thống Mỹ – Woodrow Wilson (năm 1919), với vai trò trong Hội nghị Hòa bình Paris chấm dứt Chiến tranh thế giới lần I, mà kết quả là sự ra đời Hội Quốc Liên – tiền thân của Tổ chức Liên Hợp Quốc ngày nay; và Tổ chức Ủy ban Hội Hồng Thập Tự Quốc tế (1917), được trao giải vì đi đầu trong cuộc chiến nhân đạo toàn cầu.
Giai đoạn sau này cũng có những người được trao giải rất xứng đáng, như cựu Tổng thống Nam Phi – Nelson Mandela và Frederik Willem de Klerk (nhận giải năm 1993), cố Chủ tịch Palestine – Yasser Arafat, cố Thủ tướng Israel – Yitzhak Rabin và đương kim Tổng thống Israel – Shimon Peres (cùng nhận giải năm 1994), cựu Tổng thống Hàn Quốc – Kim Dae-jung (năm 2000), ông Mohamed ElBaradei (người Ai Cập) và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế – IAEA (năm 2005), cựu Tổng thống Phần Lan – Martti Ahtisaari (năm 2008), v.v…
Tuy nhiên, theo thời gian, chính trị và những biến động thời cuộc đã khiến cho giải Nobel Hòa bình ngày càng bộc lộ những vấn đề gây phẫn nộ trong dư luận. Một trong những quyết định trao giải gây tranh cãi nhiều nhất là, quyết định trao giải Nobel Hòa bình năm 1973 cho ông Lê Đức Thọ của Việt Nam và ông Henry Kissinger của Mỹ. Cuộc tranh cãi gay gắt đến độ 2 trong số các thành viên Ủy ban Nobel Na Uy đã tức giận mà từ chức. Cả ông Kissinger và ông Lê Đức Thọ không xứng đáng nhận giải Nobel Hòa Bình! Ngược lại, khá nhiều tên tuổi, những nhà hoạt động vì hòa bình đích thực thì lại bị bỏ sót, bị loại hoặc không đề cử trao giải. Trong số những người bị bỏ sót này có những người nổi tiếng như nhà cách mạng Ấn Độ – Mohandas Gandhi, cựu Tổng thống Mỹ – Eleanor Roosevelt, Ken Saro-Wiwa, Sir Fazle Hasan Abed, cựu Tổng thống Philippines – Corazon Aquino, Giáo hoàng John Paul II.
Khi Tổng thống Mỹ – Barack Obama được trao giải Nobel Hòa bình năm 2009, giới phê bình khắp thế giới không còn khả năng chịu đựng nữa, đã đồng loạt phê phán đó là “trò đùa”, hay “trò hề” của giải Nobel Hòa bình. Người ta đặt câu hỏi: “Ông Obama đã đóng góp gì cho hòa bình thế giới chưa mà trao giải?”. Trả lời: “Do mức độ quan trọng trong tầm nhìn và nỗ lực của Obama vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân”, và “Obama, với tư cách Tổng thống, đã tạo nên một bầu không khí mới trong chính trị quốc tế…”. Còn Tổng thống Donald Trump năm nay thì sao? Chúng ta hãy chờ xem!
No comments:
Post a Comment