VNTB – 10.000 dư luận viên số: bước lùi trong ảo mộng vươn mình của Tô Lâm
Dân Trần
12.07.2025 8:56
VNThoibao

Mới đây Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động vừa cho ra mắt “Mặt trận thông tin có tính chiến đấu”. Trong đó có mục tiêu đào tạo 10.000 dư luận viên số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và báo cáo thời gian thực để kịp thời phát hiện, phản bác thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Trước đó, nhà nước CSVN cũng đã xây dựng một hệ thống dư luận viên hùng hậu, thuộc các ban bộ như quân đội, đoàn thanh niên, tuyên giáo… hoạt động rất “hùng hổ” trên mạng xã hội.
Mang tiếng là tranh chống thông tin xấu độc, nhưng những người có kiến thức về dân chủ tại Việt Nam đều hiểu rằng lực lượng dư luận viên này sẽ mang nhiệm vụ “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” là chính. Mô hình dư luận viên không khác gì một cỗ máy tuyên truyền chính trị thời hiện đại, khi một lực lượng được tổ chức bài bản, hoạt động trên mạng xã hội, sử dụng ngân sách nhà nước để định hướng dư luận theo chỉ đạo của đảng chính trị độc tài.
“Chống thông tin xấu độc” chỉ là bức bình phong, vì lực này không hề đưa tin trung lập hay bảo vệ sự thật. Họ nhận lương, được huấn luyện và chỉ đạo để tuyên truyền những thông tin có lợi cho nhà cầm quyền, bất chấp sự thật khách quan. Đồng thời đăng tải, chia sẻ những nội dung bóp méo lịch sử, phủ nhận sai lầm của nhà nước CSVN, hoặc tấn công các cá nhân, tổ chức dám phản biện chính sách nhà nước.
Thậm chí họ sẵn sàng tung tin giả về các sự kiện thời sự chính trị xã hội, từ các vụ cưỡng chế đất đai, đàn áp biểu tình, sai phạm, tham nhũng của quan chức… nhằm định hướng dư luận, thao túng tâm lý người dân. Chính sự thao túng này đã khiến người dân không thể tiếp cận sự thật, từ đó đưa ra những quyết định sai lầm trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội.
Thời gian gần đây các dư luận viên còn kích động lòng thù hận, gieo rắc tư tưởng dân tộc cực đoan, tạo ra sự phân hóa xã hội nghiêm trọng. Họ lợi dụng lòng yêu nước để bài xích nền văn minh ở các nước dân chủ tiến bộ, lên án người bất đồng chính kiến là “phản động”, coi việc chất vấn nhà nước, phản biện xã hội là “âm mưu chống phá”. Ngoài ra, họ còn kích động hận thù giữa người Việt trong nước với người Việt hải ngoại hoặc các dân tộc thiểu số…
Chính lối tuyên truyền này đã khiến hàng chục triệu người dân mất khả năng đối thoại, không chấp nhận sự khác biệt, và xem mọi ý kiến trái chiều là đe dọa đến “an ninh quốc gia”. Từ đó bồi đắp cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan phát triển, một trong những mối nguy lớn nhất đối với bất kỳ quốc gia nào.
Không dừng lại với người dân Việt Nam, rất nhiều lần lực lượng dư luận viên còn kéo hàng ngàn cán bộ vào công kích cả các trang mạng xã hội của những cơ quan ngoại giao, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đối ngoại và thể diện đất nước.
Còn một nhiệm vụ khác của dư luận viên nữa, là theo dõi và đe dọa người dùng mạng xã hội. Họ giám sát từng bài viết, bình luận trái chiều về các vấn đề văn hoá kinh tế chính trị xã hội, thậm chí âm nhạc, nghệ thuật… Sau đó kêu gọi các “đồng chí” vào tấn công trang cá nhân, lan truyền thông tin cá nhân nhằm bôi nhọ danh dự, khủng bố tinh thần người dân, thậm chí giật dây cho công an triệu tập lên đồn, đe dọa truy tố.
Tất cả những điều trên đều đi ngược lại với tinh thần của Hiến pháp, xâm phạm quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt của người dân. Thậm chí vi phạm pháp luật khi khủng bố tinh thần, đe doạ dân, chính họ mới là những kẻ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tung tin giả, tin độc.
Như vậy, sự tồn tại và mở rộng của đội ngũ dư luận viên không chỉ vi phạm Hiến pháp và pháp luật, mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến nền tảng của một xã hội dân chủ. Đất nước làm sao phát triển khi người dân không thể phản biện các chính sách sai lầm, không thể lên án và tố cáo các quan chức tham nhũng? Không một đất nước nào có thể phát triển bền vững nếu chỉ nghe những lời tán tụng. Việc tạo ra một hệ thống dư luận viên để bịt miệng sự phản biện là tự tước đi cơ hội sửa sai và tự cứu mình của chính nhà nước. Cuối cùng, làm sao có thể vươn mình với lực lượng này?
No comments:
Post a Comment