VNTB – “Trung ương kiến tạo, địa phương vận hành”: coi chừng trên bảo dưới không nghe
Cảnh Chân
12.07.2025 8:36
VNThoibao

Vài tháng trở lại đây, CSVN đề ra nguyên tắc “Trung ương kiến tạo, địa phương vận hành” để làm cơ sở cho cái gọi là “cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy”. Rồi từ đó vẽ ra một tương lai tốt đẹp về việc các cấp nhà nước sẽ “chuyển từ bị động sang chủ động, sát dân, hiệu quả hơn”.
Theo lý thuyết thì đúng, trung ương sẽ đưa ra định hướng chiến lược, vạch lộ trình phát triển, còn chính quyền địa phương là người thực thi, linh hoạt vận dụng các chủ trương vào thực tiễn. Tuy nhiên, nhìn vào cơ chế chính trị độc tài quan liêu, có nhiều lý do chứng minh rằng sẽ không bao giờ xảy ra chuyện đảng cộng sản hoạt động hiệu quả với cách “kiến tạo-vận hành” này.
Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất nằm ở căn bệnh trầm kha mang tên thành tích. Trung ương CSVN thường chỉ thấy bức tranh được tô hồng bởi các số liệu trên giấy, mà không nắm bắt được đầy đủ và sát sao các vấn đề thực tiễn tại từng địa phương. Trong khi đó, cán bộ địa phương thì cố tình chạy theo thành tích, báo cáo sai lệch, bịa ra các con số “đẹp” để lấy lòng cấp trên.
Hệ quả là tạo ra một vòng luẩn quẩn: trung ương đưa ra chỉ đạo dựa trên những dữ liệu không chính xác, dẫn tới những chính sách phản tác dụng; rồi địa phương lại phải báo cáo láo để đạt chỉ tiêu, và trung ương lại tiếp tục chỉ đạo sẽ sai lệch. Một khi chỉ đạo sai lầm, việc thực thi sẽ thất bại. Và khi thất bại, lại có thêm lý do để che giấu, tiếp tục làm giả báo cáo. Cứ thế, xã hội bị đẩy vào tình trạng trì trệ, dối trá và khủng hoảng kéo dài.
Tiếp đó, cái gọi là “kiến tạo” từ trung ương lại không xuất phát từ nghiên cứu thực tiễn, không có sự tham vấn nghiêm túc với các nhà khoa học, chuyên gia độc lập, mà thường dựa vào ý chí chủ quan của người đứng đầu hệ thống chính trị. Ở thời điểm này thì mọi thứ phải theo ý Tô Lâm, họ Tô nói thì cấp dưới phải nghe chứ không có quyền cãi, góp ý mà ngược quan điểm tổng bí thư thì có khi lại thành phản động.
Dĩ nhiên, Tô Lâm cũng có ban cố vấn, nhưng thành phần chỉ quy tụ con ông cháu cha, hơn là các nhà hoạch định chính sách thực thụ. Lực lượng này vẫn phải nịnh bợ, a dua lấy lòng theo Tô Lâm. Thế là từ tổng bí thư tới ban cố vấn, đều coi mình là hay nhất, trên nói thì dưới phải khen, không chấp nhận phản biện, thì chắc chắn dẫn tới các kế hoạch do trung ương ban hành vừa thiếu tính khả thi, vừa không phù hợp với bối cảnh đa dạng giữa các vùng miền.
Ngay cả khi trung ương có những ý định tốt, thì việc thực thi tại địa phương cũng gặp không ít trở ngại. Hệ thống quan chức cộng sản tại địa phương phần lớn vẫn bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, gia đình trị, ưu tiên người thân hơn người ngoài, năng lực yếu, đạo đức kém; và tình trạng tham nhũng, cửa quyền vẫn tồn tại như một căn bệnh mãn tính. Cán bộ địa phương thường không chủ động đổi mới, chỉ chờ chỉ đạo từ trên; họ làm việc không phải vì hiệu quả thực tế, mà để “hoàn thành chỉ tiêu” trên giấy tờ.
Tình trạng thường thấy là khi trung ương yêu cầu thực hiện một chủ trương nào đó, thì cán bộ địa phương không biết phải làm như thế nào, phải hỏi đi hỏi lại, khiến mất thời gian của người dân và doanh nghiệp. Cái gọi là “vận hành” thực chất chỉ là thực hiện máy móc, đối phó hình thức, làm cho có; nên mô hình trung ương kiến tạo, địa phương vận hành trở thành một nguyên tắc chỉ mang tính hình thức, nhưng đầy tốn kém và không hiệu quả.
Nói chi xa, minh chứng điển hình cho sự thất bại của nguyên tắc này là cách xử lý đại dịch COVID-19 năm 2021. Khi dịch bệnh bùng phát dữ dội tại Thành Hồ, thay vì để địa phương chủ động lựa chọn phương án phù hợp, trung ương (tại Hà Nội) lại “kiến tạo” ra biện pháp chống dịch bằng cách phong tỏa toàn thành. Trong khi tình hình Hà Nội và Thành Hồ hoàn toàn khác nhau.
Chính sách phong tỏa nghiêm ngặt, xét nghiệm diện rộng từng nhà, từng khu phố trong thời gian dài được ban hành từ trung ương nhưng lại không tính đến đặc thù dân cư đông đúc, lao động nghèo sống chen chúc và nguồn lực y tế quá tải của TP.HCM. Hậu quả là hàng chục ngàn người chết, hàng triệu người bị đói/thất nghiệp, hệ thống y tế sụp đổ cục bộ, và đến nay kinh tế của thành phố này vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn.
Bởi vậy, nguyên tắc “trung ương kiến tạo, địa phương vận hành” nghe có vẻ tiến bộ, nhưng lại không thể hiệu quả trong hệ thống quan liêu, tham nhũng của chế độ độc tài toàn trị. Thậm chí, với tình trạng thiếu minh bạch, kém dân chủ và trì trệ như hiện nay, thì chẳng những không tạo ra sự phát triển mà còn gây ra khủng hoảng và bất ổn.
Việt Nam muốn phát triển toàn diện và hiệu quả thì phải thay đổi mô hình quản trị quốc gia theo hướng dân chủ hoá. Phải có tam quyền phân lập, các cấp phải được phân quyền thực chất, và trao quyền rõ ràng cho địa phương về ngân sách, nhân sự và chính sách. Đồng thời có sự giám sát, thanh tra, kiểm tra độc lập từ nhân dân và giới chuyên gia, chứ không thể chỉ dựa vào bộ máy chính trị độc quyền.
Trước mắt, các lãnh đạo cộng sản cần phá bỏ tư duy “trên biết hết, dưới chỉ làm theo” vốn đã lỗi thời. Muốn đất nước phát triển bền vững, mô hình quản trị phải đặt niềm tin vào năng lực của từng địa phương, phải xuất phát từ thực tiễn và hướng đến con người. Chỉ khi đó, mới chấm dứt được những bi kịch như đại dịch COVID-19 năm 2021 hay cái vòng luẩn quẩn “trên chỉ đạo sai, dưới báo cáo gian”.
No comments:
Post a Comment