Friday, July 18, 2025

Đảng họp hội nghị Trung ương 12, có gì đáng chú ý?
18 tháng 7 2025, 12:49 +07
BBC

VGP
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị trung ương lần thứ 12 vào sáng 18/7

Sáng 18/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 khai mạc Hội nghị trung ương 12 do Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì.

Tại hội nghị lần này, Trung ương Đảng tập trung thảo luận, cho ý kiến vào ba nhóm nội dung lớn, gồm công tác chuẩn bị cho Đại hội 14; vấn đề cải cách, đổi mới đất nước và xem xét công tác cán bộ.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho hay hội nghị này "diễn ra trong bối cảnh Đảng, toàn dân, toàn quân ta chuyển trạng thái từ 'Vừa chạy vừa xếp hàng' sang 'Hàng thẳng, lối thông, đồng lòng cùng tiến' vươn tới tương lai".

Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh việc xác định rõ phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa 14 và đây là nội dung đặc biệt hệ trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thành bại của toàn bộ nhiệm kỳ tới.

"Nhân sự phải bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tư duy đổi mới, đạo đức trong sáng, hành động quyết liệt vì tập thể, vì nhân dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Phải tuân thủ lời Bác dạy: cán bộ là cái gốc của mọi công việc," ông Tô Lâm phát biểu.

Đọc nhiều nhất





Hội nghị trung ương 12 dự kiến diễn ra trong hai ngày 18 và 19/7.

Những cán bộ nào cần bị xem xét?

Đáng chú ý, một ngày trước khi Trung ương Đảng họp, Bộ Chính trị - dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tô Lâm - đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, do có vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị còn đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét kỷ luật cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Với một trong những nội dung là xem xét công tác cán bộ, dự kiến số phận bà Tiến sẽ được định đoạt trong hội nghị 12 này.

Thông báo của Bộ Chính trị về sai phạm của cựu Bộ trưởng Y tế như sau:

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến trong thời gian giữ chức vụ ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bí thư Ban cán sự đảng, bí thư Đảng ủy, bộ trưởng Bộ Y tế "đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị công tác".

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Đỗ Đức Duy và trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, xử lý kỷ luật bà Nguyễn Thị Kim Tiến theo thẩm quyền.

Đảng có bốn mức kỷ luật gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ. Hai mức đầu - khiển trách và cảnh cáo - thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, trong khi các mức cách chức và khai trừ là do Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định.

Trường hợp bà Tiến bị đưa ra để Trung ương Đảng xem xét, thì mức kỷ luật sẽ là cách chức hoặc khai trừ Đảng, tương tự trường hợp của ông Trương Hòa Bình và ông Lê Thanh Hải trước đây.

Vào tháng 11/2021, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã một lần bị kỷ luật cảnh cáo và bị miễn nhiệm chức trưởng Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, 66 tuổi, quê Hà Tĩnh, là tiến sĩ y khoa, phó giáo sư. Bà là ủy viên Trung ương Đảng khóa 10 (dự khuyết), khóa 11; đại biểu Quốc hội khóa 13; thành viên Chính phủ duy nhất không phải ủy viên Trung ương ở khóa 12. Bà giữ chức bộ trưởng Y tế từ tháng 8/2011 tới tháng 11/2019.

Khác với người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trương đẩy mạnh chống lãng phí và ông đã nhiều lần nhắc đích danh hai dự án xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức như ví dụ điển hình của việc gây thất thoát, lãng phí.

Hồi cuối tháng 3, Thanh tra Chính phủ, trong bản kết luận thanh tra vi phạm và sai phạm của dự án xây dựng hai cơ sở bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức, đã đề nghị xử lý nghiêm các bộ trưởng và thứ trưởng Bộ Y tế có liên quan.

Sau đó vài ngày, Thanh tra Chính phủ đã nhắc đích danh cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về những sai phạm này.

Như đã đề cập, vào ngày 17/7, Bộ Chính trị đã quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Bộ Chính trị đánh giá ông Duy, trong thời gian giữ chức vụ phó bí thư Tỉnh ủy, bí thư Ban cán sự đảng, chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ông Duy cũng được cho là đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị công tác.

Tính đến thời điểm hiện tại, ông Duy là nhân vật thứ 32 trong Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 bị kỷ luật.

Trong đó, có 30 người đã bị bãi nhiệm hoặc miễn nhiệm. Riêng ông Đào Ngọc Dung (Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo) vẫn tại chức dù bị kỷ luật; còn ông Duy bị tạm đình chỉ chức vụ trước khi bị miễn nhiệm.

Theo báo điện tử Chính phủ, Chủ tịch nước đã có Quyết định số 1355 ngày 17/7/2025 tạm đình chỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026 kể từ ngày 17/7/2025 đối với ông Đỗ Đức Duy cho đến khi Quốc hội Khóa 15 miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Đỗ Đức Duy theo quy định.

Ông Duy là người vừa mới đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường (sau sáp nhập) được 5 tháng.

Trước đó, ông là bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (cũ) thay cho ông Đặng Quốc Khánh, nhân vật bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo vào tháng 10/2024.

Ông Đỗ Đức Duy, 55 tuổi, quê ở tỉnh Thái Bình (nay là tỉnh Hưng Yên), từng làm thứ trưởng Bộ Xây dựng từ năm 2015 đến 2017.

Sửa Điều lệ, giảm số ủy viên Trung ương?

VGP
Hội nghị trung ương lần thứ 12 diễn ra trong hai ngày 18 và 19/7

Tổng bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc đã nhấn mạnh Hội nghị Trung ương 12 "có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được triệu tập sớm hơn gần 3 tháng so với kế hoạch đề ra, thể hiện tinh thần chủ động, khẩn trương, trách nhiệm cao của toàn Đảng trong việc chuẩn bị một cách toàn diện, kỹ lưỡng các nội dung trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14".

Đại hội 14 của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến diễn ra vào tháng 1/2026 sẽ là lúc quyết định dàn lãnh đạo mới của Đảng, bao gồm việc chọn bốn nhân vật trong Tứ Trụ, các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Ông Tô Lâm cho biết đối với nhóm nội dung công tác cán bộ, xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng, Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, lớp lang, tuân thủ Điều lệ và các quy định của Đảng, của pháp luật hiện hành.

Tại Đại hội 13 đầu năm 2021, Đảng Cộng sản đã có dàn tân ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 với 10 "trường hợp đặc biệt". Trong đó, đáng chú ý nhất là trường hợp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử và có nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Đây là điều trái với Điều lệ Đảng.

Tại Hội nghị 12, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã yêu cầu Trung ương thảo luận kỹ Báo cáo Tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng, nhất là về mô hình tổ chức, tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, phân cấp quản lý, đào tạo lý luận chính trị, kiểm tra - giám sát và kỷ luật đảng.

Ông Tô Lâm nhấn mạnh việc xây dựng và thi hành Điều lệ là "linh hồn" của kỷ luật đảng, nền tảng giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng.

Với tinh thần này, có thể Đại hội 14 sẽ tiến hành sửa Điều lệ Đảng để phù hợp với xu hướng cải cách hành chính và đồng bộ với Quy định 294 về việc thi hành Điều lệ Đảng mà mà chính ông Tô Lâm đã ký ban hành, có hiệu lực từ 1/7.

Quy định 294 có những điểm đổi mới, bao gồm việc Đảng sẽ chỉ còn cấp xã (xã, phường, đặc khu); cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp trung ương (không còn cấp huyện). Vì theo quy định, hệ thống tổ chức của Đảng được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của nhà nước.

Bên cạnh đó, quy định cũng thí điểm Đại hội chi bộ 5 năm một lần, thay vì 5 năm hai lần như hiện nay và không lập đảng bộ khối cấp cơ sở.

Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam, từng nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng Điều lệ Đảng chắc chắn cần được sửa đổi vì đã bãi bỏ cấp huyện, cấp xã được sáp nhập và phân bổ lại nhiệm vụ. Nếu không tiến hành sửa đổi, Quy định 294 có thể mâu thuẫn với Điều lệ Đảng, gây khó khăn trong quá trình triển khai.

Theo quy định của Điều lệ Đảng, chỉ Đại hội đại biểu toàn quốc được tổ chức 5 năm một lần mới có quyền sửa đổi điều lệ. Do đó, nếu việc sửa đổi được thống nhất tại các hội nghị trung ương khóa 13, việc sửa Điều lệ sẽ được diễn ra vào Đại hội 14.

Bên cạnh việc xây dựng và thi hành Điều lệ Đảng, Trung ương Đảng còn xem xét bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị khóa 14.

Có thể Hội nghị 12 này có các nội dung liên quan đến việc điều chỉnh số lượng ủy viên các cơ quan này cho nhiệm kỳ tới.

Ban Chấp hành Trung ương trong những khóa gần đây có số ủy viên là 180 chính thức và 20 dự khuyết. Trong số này, khoảng 1/3 là các bí thư tỉnh ủy, thành ủy - là những đại diện từ các tỉnh thành.

Với việc sáp nhập tỉnh thành, số lượng ủy viên Trung ương Đảng có thể sẽ giảm.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa 14 là nội dung đặc biệt hệ trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thành bại của toàn bộ nhiệm kỳ tới.

Theo đó, nhân sự phải bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tư duy đổi mới, đạo đức trong sáng, hành động quyết liệt vì tập thể, vì nhân dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

Hội nghị 12 diễn ra sau khi Đảng thực hiện điều mà ông Tô Lâm gọi là "bước đi lịch sử", "sắp xếp lại giang sơn" khi sáp nhập tỉnh thành, tổ chức lại bộ máy nhà nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm từ khi nắm quyền đã đưa ra những quyết sách cải cách quy mô lớn với tốc độ nhanh chóng. Nhiều chuyên gia đánh giá vị tổng bí thư 68 tuổi sẽ là trường hợp đặc biệt vào Đại hội 14, để tiếp tục làm tổng bí thư ở nhiệm kỳ kế tiếp.

Giáo sư Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College (Mỹ) nói với BBC News Tiếng Việt rằng Tổng Bí thư Tô Lâm là con người hành động.

"Ông ấy hành động nhanh như chớp. Thật đáng chú ý khi một năm trước kỳ Đại hội Đảng, thường chẳng có những cải cách lớn nào được thực hiện vì mọi người quá thận trọng để giữ ghế nhưng ông Tô Lâm thì khác."

Tin liên quan







No comments:

Post a Comment