Friday, July 18, 2025

Donald Trump có toan tính gì trong hồ sơ Ukraina ?
Phan Minh
Đăng ngày: 18/07/2025 - 14:22Sửa đổi ngày: 18/07/2025 - 15:30
RFI

Chiến lược khó đoán của tổng thống Mỹ Donald Trump trong hồ sơ Ukraina, căng thẳng ở Trung Đông, những đột phá trong phòng chống SIDA là ba trong số những chủ đề được báo chí Pháp quan tâm hôm nay, 18/07/2025.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 16/07/2025. AP - Alex Brandon

Bài xã luận của tờ Le Monde tìm cách giải mã chiến lược của Donald Trump trong hồ sơ Ukraina. Tờ báo nhận xét quyết định của tổng thống Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraina là một dấu hiệu tích cực, nhưng điều đó không có nghĩa là ông đã hoàn toàn thay đổi chính sách đối với Nga.

Kể từ khi trở lại Nhà Trắng cách đây sáu tháng, chiến lược của ông Trump vẫn rất khó đoán, giống như chính sách thuế quan của ông. Tính cách khó lường của ông khiến các đối tác phải thận trọng, kể cả sau khi cung cấp vũ khí cho Ukraina.

Ngày 14/07, khi gặp tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte, ông Trump thông báo sẽ gửi thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ đô la cho Ukraina. Trong số đó có hệ thống phòng không Patriot thiết yếu để bảo vệ các thành phố Ukraina trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và drone của Nga.

Không giống như chính quyền Biden trước đây viện trợ miễn phí, ông Trump sử dụng một phương thức mới : các nước châu Âu thành viên NATO sẽ mua vũ khí của Mỹ rồi chuyển cho Ukraina. Phương thức này giúp Donald Trump khẳng định với cử tri rằng người dân Mỹ không phải chịu chi phí, thậm chí ông còn nói đây là “một thương vụ có lời”.

Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ hai, tổng thống Trump đồng ý cung cấp vũ khí cho Ukraina. Trước đó, tổng thống Ukraina Volodymyr  Zelensky chỉ dựa vào số vũ khí còn sót lại từ thời Joe Biden. Vì vậy, đây là một thay đổi đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh châu Âu chưa thể hoàn toàn thay thế vai trò của Mỹ trong việc cung cấp vũ khí cho Kiev.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chính sách của chủ nhân Nhà Trắng đã thay đổi hoàn toàn. Ông còn đưa ra tối hậu thư 50 ngày cho đồng nhiệm Nga Vladimir Putin để chấm dứt chiến tranh, nếu không sẽ trừng phạt kinh tế Matxcơva. Donald Trump tỏ ra rất bực mình vì Vladimir Putin không tỏ thiện chí chấm dứt xung đột. Ông Trump nói : “Tôi đã giải quyết nhiều cuộc xung đột trong ba tháng qua, nhưng cuộc chiến này thì chưa chấm dứt, và điều đó làm tôi khó chịu.”

Tuy vậy, việc đe dọa trừng phạt chung chung có thể sẽ không khiến Vladimir Putin phải bận tâm. Chủ nhân điện Kremlin vẫn kiên định với mục tiêu mở rộng lãnh thổ. Hơn nữa, Donald Trump vẫn chưa công khai thừa nhận Nga là bên xâm lược. Ông cũng bác bỏ thông tin đã thảo luận với Volodymyr Zelensky về việc tấn công Matxcơva hay Saint-Petersburg, và vẫn từ chối gửi tên lửa tầm xa cho Ukraina.

Le Monde kết luận rằng tuy Donald Trump đã thay đổi phần nào lập trường, nhưng hiện tại, điều đó vẫn chưa đủ để làm thay đổi cục diện trên chiến trường.

Tổng thống Syria bị suy yếu sau đụng độ Druze - Bedouin

Tại Trung Đông, trang nhất của tờ Le Figaro chú ý đến việc từ vài ngày qua, khu vực miền nam Syria, đặc biệt là tỉnh Soueida, đã rơi vào tình trạng hỗn loạn nghiêm trọng với hàng trăm người chết, thủ đô Damas bị không kích và dân chúng hoảng loạn. Cuộc xung đột bùng phát giữa hai cộng đồng thiểu số : người Druze, một nhóm Hồi Giáo theo hệ phái Shia và người Bedouin theo hệ phái Sunni.

Mọi chuyện bắt đầu từ vụ một nhóm người Bedouin bắt cóc một tiểu thương thuộc cộng đồng Druze, dẫn đến các vụ bạo lực sắc tộc, vốn bị thúc đẩy bởi mâu thuẫn lịch sử giữa hai nhóm. Khi quân đội Syria (phần lớn là người Sunni) tiến vào Soueida để “vãn hồi hòa bình”, nhiều nhân chứng cho biết lực lượng này đã đứng về phía người Bedouin và thực hiện các hành vi tàn bạo với người Druze.

Sau các vụ đụng độ nói trên, Mỹ đã đứng ra làm trung gian hòa giải. Chính quyền Syria buộc phải ký một thỏa thuận từ bỏ ý định đưa dân quân Druze vào quân đội chính quy để tránh leo thang xung đột. Tuy nhiên, giao tranh vẫn chưa chấm dứt, đặc biệt ở khu vực Soueida do các dân quân Druze kiểm soát. Nhóm này phản đối mạnh mẽ chính quyền Damas và giờ đây nhận được sự hậu thuẫn công khai từ Israel.

Một nguồn tin tiết lộ rằng Nhà nước Do Thái đã chuẩn bị chiến dịch quân sự kéo dài một tuần với mục tiêu lật đổ tổng thống Syria Ahmed al-Charaa.

Nhật báo thiên hữu cho rằng về mặt chính trị, đây là một thất bại nặng nề đối với tổng thống al-Charaa. Ông đã cố đi dây trong việc làm hài lòng phương Tây và duy trì mối quan hệ với các lực lượng nổi dậy Sunni cực đoan. Một nguồn tin tiết lộ rằng kể từ khi lên nắm quyền, Ahmed al-Charaa đã thoát chết trong hai vụ mưu sát, trong đó có một vụ ngay tại khách sạn Four Seasons ở Damas, nơi tụ họp của giới chính trị và ngoại giao quốc tế.

Hình ảnh của al-Charaa như một thủ lĩnh kháng chiến kiên cường giờ đây bị chính phe thánh chiến xem là kẻ thỏa hiệp yếu đuối. Thêm vào đó, Syria còn phải đối mặt với nguy cơ khủng bố lan rộng, như vụ đánh bom cảm tử hôm 22/06 tại nhà thờ Mar Elias ở Damas, khiến 25 người chết và hơn 60 người bị thương.

Cuối cùng, Syria đang đứng trước bờ vực sụp đổ. Chính quyền bị đe dọa từ nhiều phía, quân đội suy yếu, xung đột sắc tộc ngày càng trầm trọng và vấn đề người Kurdistan vẫn chưa được giải quyết. Tuy muốn giữ cho tân chính phủ Syria được ổn định để tránh một cuộc nội chiến khác, Hoa Kỳ cũng đang bị kéo vào vòng xoáy phức tạp giữa một bên là liên minh với Israel và bên kia là mục tiêu duy trì trật tự ở Syria.

Cộng hòa Dân chủ Congo lao đao vì Mỹ cắt giảm viện trợ

Nhìn sang châu Phi, nhật báo Công Giáo La Croix dành trang nhất lo ngại về những dịch bệnh hoành hành ở Cộng hòa Dân chủ Congo (RDC). Tháng 2 vừa qua, chính quyền Donald Trump đã đột ngột thông báo cắt giảm tới 92% kinh phí của USAID, cơ quan viện trợ phát triển quốc tế của Hoa Kỳ, chuyên hỗ trợ các chương trình ở nước ngoài. Quyết định này đã gây ra cú sốc lớn, đặc biệt đối với Congo, quốc gia được Mỹ viện trợ nhiều thứ hai chỉ sau Ukraina, với số tiền lên tới 910 triệu đô la, chiếm hơn 70% tổng số viện trợ quốc tế cho phát triển và cứu trợ nhân đạo tại nước này.

Việc cắt giảm diễn ra đúng lúc đất nước bị tác động nặng nề bởi cuộc chiến ở phía Đông giữa quân đội Congo và lực lượng nổi dậy M23 do Rwanda hậu thuẫn. Trong vòng hai tuần, hai thủ phủ tỉnh Bắc Kivu và Nam Kivu là Goma và Bukavu rơi vào tay lực lượng nổi dậy, khiến hơn 230.000 người phải chạy trốn khỏi vùng chiến sự.

Tỉnh Tanganyika kế bên cũng bị ảnh hưởng bởi ba đợt dịch bệnh từ tháng 2 : dịch tả, Mpox và lao phổi. Mặc dù các bác sĩ địa phương có kinh nghiệm đối phó, nhưng việc Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ đã khiến họ gặp khó khăn. Trước đây, kinh phí Mỹ cung cấp thuốc men cho các trung tâm y tế nông thôn, giúp người dân vùng sâu vùng xa được khám chữa miễn phí. Nay các trung tâm này phải đóng cửa, khiến người dân ít được chữa trị và dịch bệnh lan rộng.

Theo ông Stephan Goetghebuer, trưởng đoàn tại Congo của tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), việc cắt giảm khiến hệ thống y tế của nước này mất đi 15% dịch vụ. Ngay cả những tổ chức phi chính phủ không trực tiếp nhận tiền Mỹ cũng gặp khó khăn vì họ phụ thuộc vào các tổ chức nhỏ hơn bị tác động bởi việc cắt giảm.

Tại Kinshasa, Trung tâm Y tế Kibanda chuyên điều trị SIDA ghi nhận số bệnh nhân tăng 20% do các phòng khám và trung tâm cộng đồng từng được USAID và Pepfar (chương trình chống SIDA của Mỹ) tài trợ đã đóng cửa. Việc theo dõi bệnh nhân cũng khó khăn hơn vì mẫu máu không được gửi đều đặn về phòng xét nghiệm của MSF. Rủi ro dịch HIV tái bùng phát ở thủ đô, nơi có hơn 17 triệu dân, là rất cao.

HIV được kiểm soát ở mức 100%

Vẫn về y tế, trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos vui mừng trước việc Yeztugo, một loại thuốc của phòng thí nghiệm Mỹ Gilead Sciences, đã được cấp phép tại Hoa Kỳ vào ngày 18/06. Đây là loại thuốc đầu tiên có thể ngăn ngừa HIV đến 100% nhờ một mũi tiêm mỗi sáu tháng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức khuyến nghị thuốc này, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Yeztugo trong bối cảnh công tác phòng ngừa HIV đang chững lại.

Tuy nhiên, giá thuốc đang ở mức rất cao, với giá 14.000 đô la cho mỗi mũi tiêm. Gilead Sciences đã ký thỏa thuận bán thuốc với giá thấp tại 120 nước nghèo, nhưng rất nhiều quốc gia vẫn khó lòng tiếp cận được thuốc này. Các loại thuốc phòng ngừa khác như viên thuốc dùng theo tháng của hãng dược phẩm Merck đang được phát triển, có thể sớm tạo ra cuộc cách mạng trong việc phòng chống HIV.

Biến đổi khí hậu không phải là ảo tưởng

Về môi trường, tờ Libération dành trang nhất và bài xã luận báo động về tình trạng băng tan chảy do biến đổi khí hậu. Mỗi ngày, những hình ảnh của giải đua xe đạp vòng quanh nước Pháp (Tour de France) tại dãy Pyrénées, và tuần sau là ở dãy Alpes, khiến khán giả mê mẩn, với những ngọn núi hùng vĩ, sự cuồng nhiệt của khán giả và các kỳ tích thể thao. Tất cả tạo ra cảm giác như thể không có gì thay đổi, như thể núi non là vĩnh cửu. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Thực tế là mọi thứ đang thay đổi, và thay đổi rất nhanh, do biến đổi khí hậu.

Các phóng viên của nhật báo thiên tả không theo chân các tay đua đến Hautacam hay La Plagne, mà leo cao hơn một chút, tới độ cao 2.687 mét, đến trạm nghỉ Couvercle trong dãy Mont-Blanc. Ở đó, họ tận mắt chứng kiến những hậu quả rõ rệt của hiện tượng nóng lên toàn cầu : các sông băng đang tan chảy, các khối đá lớn rơi xuống, những trận lở đá thường xuyên xảy ra, nguồn nước trở nên khan hiếm và các tuyến đường leo núi phải thay đổi vì quá nguy hiểm. Những người trông coi trạm nghỉ cũng nhận thấy số lượng du khách giảm dần qua từng năm.

Sự tương phản là rõ ràng : trong khi Tour de France phát đi những hình ảnh về các đỉnh núi tưởng như bất biến, thực tế cho thấy núi non đang thay đổi âm thầm mà dữ dội. Ví dụ, vào ngày 28/06 vừa qua, nhiệt độ ở độ cao 5.000 mét chỉ là 0°C. Nhiệt độ này đủ để khiến mọi người phải giật mình và lưu tâm.

Với truyền thống đưa tin về Tour de France hằng năm, Libération lần này quyết định kể câu chuyện mà các hình ảnh của cuộc đua không thể hiện được : câu chuyện về tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu với núi và rừng.

No comments:

Post a Comment