Việt Nam cần một chiến lược, không phải một thỏa hiệp tạm thờiVũ Đức Khanh
18-7-2025
Tiengdan
19/07/2025
Giữa lúc căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam leo thang, nhiều ý kiến cho rằng Washington đang chơi một canh bạc nguy hiểm có thể làm tổn hại lợi ích song phương.
Nhưng một cách nhìn khác – thực tế hơn và mang tính xây dựng hơn – là coi các biện pháp thuế mới như một tín hiệu chiến lược: Hoa Kỳ đang gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng Hà Nội cần vượt qua vai trò hiện tại để định vị lại chính mình trong trật tự kinh tế khu vực.
Trong bối cảnh đó, điều Việt Nam cần không phải là những bước lùi kỹ thuật để né tránh xung đột, mà là một bước nhảy chiến lược để thoát khỏi thế giằng co giữa hai siêu cường.
Áp lực thuế – cơ hội mặc cả hay cú đánh trừng phạt?
Trong bài viết đăng trên Foreign Policy ngày 16/7/2025, bà Henrietta Levin – một cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Obama và là cố vấn thương mại kỳ cựu của Đảng Dân chủ – bày tỏ lo ngại rằng chính quyền Trump đang đánh cược quá lớn với một đồng minh mới nổi của Hoa Kỳ.
Ngay tựa đề của bài, bà Levin viết: “Hiệp định Thương mại Mỹ-Việt không có ý nghĩa gì – Hà Nội từ lâu đã có truyền thống quản lý những người bạn ngang bướng, nhưng Washington được lợi gì từ điều này?” (Nguyên văn: The U.S.-Vietnam Trade Deal Makes No Sense – Hanoi has a long history of managing its wayward friends, but what’s in this for Washington?)
Theo bà, nếu Washington áp mức thuế như Tổng thống Trump đã công bố ngày 2/7, tức là Mỹ sẽ áp thuế 20% đối với hàng hóa Việt Nam và 40% đối với hàng hóa trung chuyển trá hình (transshipment) qua Việt Nam để vào thị trường Mỹ, thì sẽ chỉ làm tăng vị thế của Bắc Kinh, gây xa cách với một đối tác then chốt, và tổn hại chính nền kinh tế Mỹ.
Lập luận của bà Levin là một phản ánh trung thực mối quan tâm phổ biến trong giới hoạch định chính sách tự do: Làm sao giữ Việt Nam trong quỹ đạo Mỹ mà không đẩy Hà Nội vào vòng tay của Trung Quốc.
Nhưng quan điểm này, dù đầy thiện chí, lại thiếu một yếu tố căn bản: Niềm tin vào khả năng tự định đoạt của chính Việt Nam.
Hoa Kỳ không trừng phạt Việt Nam – Washington đang trao một cơ hội lịch sử để Hà Nội định hình lại chiến lược phát triển, dựa trên những chuẩn mực toàn cầu mà chính Việt Nam từng cam kết.
Nếu chỉ nhìn áp lực thuế như một công cụ gây hấn, ta bỏ lỡ bản chất thực sự: Nó là đòn bẩy mặc cả – một cơ hội để mặc cả lại vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị thế giới.
Một phép thử cho tư duy chiến lược của Hà Nội
Bà Levin khẳng định trong bài viết rằng: “Mỹ được gì từ thỏa thuận này thì còn rất mơ hồ”. (Nguyên văn: “What the United States gets out of this deal is much less clear”).
Câu hỏi này tuy nhằm vào chính quyền Trump nhưng lại phản ánh đúng nghịch lý trong quan hệ Mỹ-Việt nhiều thập niên qua: Việt Nam luôn kỳ vọng nhiều từ Washington, nhưng chưa bao giờ thể hiện cam kết chiến lược rõ ràng tương xứng.
Giới lãnh đạo ở Hà Nội – đặc biệt là những người tin vào “ngoại giao cây tre” – đã quen ứng xử theo logic “được thì tốt, không được thì thôi”. Nhưng một chiến lược lớn không thể được xây dựng trên các thỏa hiệp ngắn hạn.
Qua bài viết, chúng ta có thể cảm nhận được bà Levin đã nhìn thấy những yếu tố tích cực rằng Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nhanh, có vị trí chiến lược, các lợi ích thương mại ngày càng lớn của Hoa Kỳ, hợp tác quân sự đang hình thành, và dân chúng có thiện cảm với nước Mỹ.
Chính vì thế, một thỏa thuận chiến lược – không chỉ về thuế, mà về minh bạch kinh tế, cải cách pháp lý, và đồng thuận chính trị – mới là điều cả hai bên cần.
Mỹ cần một Việt Nam tự chủ, không phải một trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc.
Việt Nam cần một thị trường và một nền tảng thể chế vững chắc để tránh bị hút sâu vào vòng xoáy lệ thuộc.
Thoát thế kẹt giữa hai siêu cường – Hà Nội phải tự viết lại tương lai
Khi bà Levin viết: “Việt Nam sẽ chấp nhận thỏa thuận. Việt Nam không thể để mất thị trường Mỹ hoặc quan hệ đối tác chiến lược rộng hơn” đã được xây dựng trong những năm qua. (Nguyên văn: “Vietnam will take the deal. Vietnam cannot afford to lose the U.S. market or the broader partnership” that has developed in recent years).
Đúng… bà không chỉ dự đoán phản ứng của Hà Nội, mà còn hàm ý rằng Việt Nam sẽ chọn lối dễ dàng – thỏa hiệp trong im lặng để giữ nguyên hiện trạng.
Nhưng lịch sử cho thấy, những quốc gia bứt phá ngoạn mục luôn là những quốc gia dám hành động khác biệt trong khủng hoảng.
Một chiến lược quốc gia không thể xây dựng từ các văn bản tạm thời gửi đến USTR để “câu giờ.”
Việt Nam cần một tư duy định chế mới, khởi đầu bằng cải cách thực chất trong minh bạch thuế, chống gian lận xuất xứ, thúc đẩy đầu tư công nghệ cao có giá trị gia tăng thực sự – chứ không phải chỉ là công xưởng lắp ráp.
Lập trường của Mỹ, dù cứng rắn, là có thể đàm phán được – nếu Hà Nội chứng minh được mình là đối tác đáng tin cậy, sẵn sàng chia sẻ gánh nặng và cơ hội của một trật tự kinh tế tự do dựa trên luật lệ.
Đòn bẩy hay tử huyệt – Việt Nam phải chọn
Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lịch sử. Chính quyền Trump, mặc dù bị chỉ trích là đơn phương và có phần thô bạo, đang đặt ra một thách thức nghiêm khắc nhưng cần thiết.
Washington đang buộc Hà Nội phải trả lời câu hỏi căn bản: Việt Nam muốn trở thành ai trong thế kỷ 21?
Không thể tiếp tục là điểm đến đầu tư giá rẻ, cũng không thể mãi “đội lốt” Trung Quốc để tìm đường xuất khẩu.
Sự sống còn kinh tế và chiến lược của Việt Nam đòi hỏi một lộ trình khác – nơi mà minh bạch, tự chủ, và hội nhập có trách nhiệm trở thành nền tảng phát triển.
Sự lựa chọn đó không thuộc về Washington. Nó thuộc về chính Việt Nam.
Nếu không xác định được mình muốn trở thành ai, Việt Nam sẽ mãi là “công cụ” để các cường quốc chơi cuộc chơi của họ.
No comments:
Post a Comment