Ông Đinh La Thăng có bị oan?Nguyễn Quang A
19/07/2025 Boxitvn
Dư luận gần đây cho rằng có một chiến dịch xin “đặc xá” cho ông Đinh La Thăng (cựu UVBCT của ĐCSVN) đang thụ án tù được 8 năm trong bản án 30 năm của ông trong dịp 2-9-2025.
Nhiều nhà báo, nhà văn có tiếng (mà ở đây chỉ nêu 2 ý kiến tiêu biểu) đã kiến nghị đặc xá cho ông Thăng cùng những lời ca ngợi ông là: người “đàng hoàng, bản lĩnh”, “quân tử,” “dám nghĩ, dám làm” và có công nhiều hơn tội (nhà báo Trần Thị Sánh); là người “hào sảng, trực tâm, tráng chí” và yêu cầu “xã hội thì phải đủ sáng suốt, sự công bằng để những quan chức suốt đời vì dân như ông không biến mất” (nhà văn Tạ Duy Anh). BBC [1] gọi những người này là những người thuộc “bên tình.”
Những người thuộc “bên lý” thì cho rằng “không thể lấy cảm xúc để thay luật pháp” vì ông Thăng mới thụ án 8 năm chưa được 1/3 thời gian 30 năm và ông gây thiệt hại hơn 800 tỷ đồng và chưa bồi thường được hết (Luật sư Ngô Anh Tuấn); ông Lê Thọ Bình thì cho rằng “không thể đặc xá ngoài luật… Công và tội cần được tách bạch rạch ròi. Tình cảm cá nhân không thể là căn cứ để làm mềm hóa các quy định của pháp luật. Nếu xã hội vận hành theo hướng ‘ai được thương thì được tha’, thì tính nghiêm minh, công bằng, vốn là trụ cột của pháp quyền, sẽ bị xói mòn.” Từ tháng 6-2022 ông Phan Thế Hải có bài chi tiết kể về ý kiến của cựu Bộ trưởng Đầu tư Võ Hồng Phúc về dự án đầu tư vào Venezuela của Petrovietnam của Chủ tịch Đinh La Thăng làm mất trắng hàng chục ngàn tỷ đồng tiền nhà nước.
Cả “bên tình” và “bên lý” đều dựa vào giả định: 1) ông Thăng có tội theo các điều luật hình sự hiện hành khi đó; 2) việc điều tra là đúng người đúng tội, công minh và 3) tòa án đã xử một cách công minh. Dựa vào 3 giả định này “bên tình” cho rằng nên đặc xá cho ông Thăng còn “bên lý” thì cho rằng không thể đặc xá cho ông!
Có lẽ nhiều người ở cả “bên tình” và “bên lý” cũng biết nhưng có lẽ ngại không muốn đặt vấn đề về chính 3 giả định nêu trên (dù ông Lê Thọ Bình có lo “tính nghiêm minh, công bằng, vốn là trụ cột của pháp quyền, sẽ bị xói mòn” tức là ông gián tiếp thừa nhận rằng ở Việt Nam có nhà nước pháp quyền và công lý là nghiêm minh và công bằng (nếu không phải thế thì sao).
Nếu Việt Nam không có nền pháp quyền (nhà nước pháp quyền) và các giả định ngầm nêu trên không đúng thì sao? Tôi nghĩ vấn đề là phải chất vấn chính điều này.
Việt Nam không có nhà nước pháp quyền mà có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như người ta tự nhận. Ngành tư pháp không độc lập (mà có sự phối hợp giữa ngành điều tra, công tố và tòa án với sự chỉ đạo của Ban Nội chính Trung ương là minh chứng rõ ràng nhất). Tại đây chúng ta không bàn đến các diều luật vi hiến hay vi phạm các luật quốc tế (như có thể nêu không ít điều được hành văn khá tù mù của luật hình sự) mà chỉ bàn đến các điều liên quan đến vụ của ông Thăng: “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165 Bộ Luật Hình sự 1999, điều này đã được hủy bỏ trong Bộ Luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ 1/1.2018) ngày 22-1-2018 ông bị tuyên án 13 năm tù về tội này trong vụ Nhiệt điện Thái Bình; ngày 29-3-2018 ông bị tuyên phạt 18 năm tù cùng tội này trong vụ Ocean Bank; cả hai vụ này ông bị tuyên phải bồi thường dân sự 630 tỷ đồng; ngày 22-12-2020 ông Thăng bị tuyên 10 năm tù vì tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 Bộ Luật hình sự 2015 trong vụ mua bán quyền thu phí cao tốc Tp. HCM-Trung Lương; 15 -3-2021 ông bị phạt 11 năm tù vì tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 224 Bộ luật Hình sự trong vụ Ethanol Phú Thọ. Tổng cộng cả 4 vụ ông Thăng bị phạt 30 năm tù giam (mức cao nhất) và 630 tỷ đồng (khoảng 25 triệu USD) bồi thường dân sự. Ba tội liên quan đến hoạt động kinh tế (Điều 165 về “cố ý làm trái…” và Điều 224 về “Vi phạm quy định về đầu tư…” của Bộ luật Hình sự 1999 được phán quyết cho ông Thăng với tư cách doanh nhân (Chủ tịch PVN); điều 219 tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước…” được áp dụng cho ông Thăng với tư cách Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Tại các phiên tòa này ông Thăng không nhận các tội bị cáo buộc. Báo chí tường thuật rằng nhiều lúc tiếng và hình truyền sang phòng báo chí bị trục trặc.
Điểm quan trọng là ông Thăng không bị kết tội tham ô, biển thủ mà chỉ là “cố ý làm trái…” (một điều đã bị bỏ trong luật hình sự 2015 và “vi phạm quy định về đầu tư…”. Làm kinh doanh luôn đầy rủi ro, có lúc lãi có lúc lỗ, với các quy định hình sự như vậy thì doanh nhân giỏi, chân chính nào dám làm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước? Tức là bản thân điều luật không hợp với đạo lý của cuộc sống, (có lẽ vì thế nên phải bỏ hay phải chia tách rõ ràng hơn bằng các điều luật khác! Kiểu làm luật (hành văn mù mờ) như vậy có thể gây ra nhiều án oan và Quốc hội phải chịu trách nhiệm chính trị.
Một điểm cũng đáng chú ý là vụ đầu tư vào Venezuela, mà theo ông Phan Thế Hải đã mất trắng 532 triệu USD (gấp hơn 21 lần trách nghiệm dân sự được quy cho ông Thăng) lại không hề được nhắc đến hay bị xử! Tại sao? Phải chăng, vẫn theo ông Hải trích cựu Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Võ Hồng Phúc, vì ông Thăng đã lấy được ý kiến của Bộ Chính trị? Nếu đúng thế thì họ (19 UVBCT) có phạm điều 165 hay không vì quy ra mỗi vị phải chịu trách nhiệm dân sự 28 triệu USD lớn hơn khoảng 25 triệu USD mà tòa yêu cầu ông Thăng phải bồi thường dân sự cho hai vụ “cố ý làm trái…”. Nếu thông tin do ông Hải cung cấp là chính xác, thì nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa quả thực là không phải nhà nước pháp quyền (hàng chục vị phạm tội không bị xử trong khi người khác bị xử). Như thế có thể có nghi vấn rằng ông Thăng bị oan trong các bản án này.
Có lẽ cách tiếp cận của những người có ý định “xin đặc xá”, hay giảm án để ông Thăng được tự do sau 8 năm bị tù nên đi theo hướng này và thuyết phục lãnh đạo cấp cao cải cách hệ thống tư pháp bằng cách thực hiện nhà nước pháp quyền (không có đuôi xã hội chủ nghĩa), thực hiện tư pháp độc lập và điều tra, xét xử theo hướng hiện đại (công khai, tôn trọng sự tranh luận của luật sư,..), tôn trọng sự suy đoán vô tội, sửa lại luật hình sự, để báo chí độc lập,… thì sẽ bớt được nhiều vụ oán oan, án sai và những tranh cãi xem ông Đinh La Thăng nên được “đặc xá” hay bị oan và nên được trả tự do. Và đấy nên là hướng cải cách tư pháp trong “kỷ nguyên vươn mình,” thiếu những cải cách như thế thì không thể vươn được!
[1] BBC, “Cơ hội đạc xá cho ông Đinh La Thăng nhìn từ góc độ cảm xúc xã hội và luật pháp”
[2] Phan Thế Hải, “Để hiểu hơn về Đinh La Thăng” nguyên bản tháng 6-2022, có thể truy cập tại link trên.
Tác giả gửi BVN
No comments:
Post a Comment