Trump áp thuế cao lên châu Á và ảnh hưởng từ 'tấm gương' Việt Nam
08/07/2025(8 giờ trước)
BBC

Getty Images/BBC
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố một loạt mức thuế mới đối nhiều quốc gia châu Á, mang tới một góc nhìn mới về mức thuế quan Việt-Mỹ và những đánh giá về tác động của "tiền lệ Việt Nam".
Cụ thể, ông Trump vào hôm 7/7 giờ Mỹ đã đăng tải trên mạng xã hội những bức thư gửi lãnh đạo 14 quốc gia, thông báo về kế hoạch thuế mới nhất, đồng thời nói thêm rằng các mức thuế có thể được điều chỉnh "tăng hoặc giảm, tùy thuộc vào mối quan hệ của chúng tôi với quốc gia của quý vị".
Ông Trump cho biết sẽ áp thuế 25% đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc Malaysia và Tunisia, 40% đối với hàng hóa từ Myanmar và Lào, 36% đối với Thái Lan và Campuchia, 35% với Serbia và Bangladesh, 32% với Indonesia, 30% với Nam Phi.
Ngoài ra, cũng theo thư của ông Trump, hàng hóa trung chuyển để né thuế sẽ bị áp mức thuế quan cao hơn dù chưa nói cụ thể ở mức bao nhiêu. Thuế hàng trung chuyển mà ông trước đó ông Trump tuyên bố là 40% trong thỏa thuận với Việt Nam.
Điều đáng nói là, trong số 14 quốc gia nói trên, Nhật Bản và Malaysia đã phải đối mặt với một mức thuế mới cao hơn mức ông Trump đưa ra trước đó. Tuyên bố áp thuế đối ứng của ông Trump vào ngày 2/4 lên hai nước này là 24%, còn thông báo trong là trong lá thư mới này là 25%, cao hơn một điểm phần trăm.
Đọc nhiều nhất




Đáng chú ý là Myanmar, quốc gia vẫn ở trong tình trạng nội chiến kéo dài nhưng phải chịu mức thuế cao là 40%. Nước này xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng trị giá 900 triệu USD, và theo số liệu của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR), Mỹ có thâm hụt 579 triệu USD với Myanmar.
Tuần trước, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên đạt được một thỏa thuận thuế quan với chính quyền Trump nhằm đình chỉ các mức thuế "đối ứng", theo Politico.
Bình luận về vấn đề này, ông Michael Wessel, một nhà tư vấn thương mại lâu năm, nhận định với New York Times trong một bài viết đăng ngày 7/7 rằng những thỏa thuận ông Trump có được với Việt Nam và những quốc gia khác rất có thể cho thấy rằng đằng sau sự hỗn loạn về thuế quan là một chiến lược có chủ đích.
"Tất nhiên, mấu chốt nằm ở các chi tiết, nhưng đã đến lúc cần tái cân bằng sân chơi thương mại," ông nói thêm.

Chụp lại video BBC: Play video
Đàm phán Tô Lâm – Trump: Đạt được thỏa thuận, Việt Nam ‘giảm thuế bằng 0’
Đối với Việt Nam, quốc gia dự kiến chịu mức thuế 20% cho hàng sản xuất trong nước và 40% cho hàng trung chuyển, những con số đáng chú ý nhất có lẽ là ở các quốc gia được gọi là đối thủ cạnh tranh, gồm 36% (Thái Lan và Campuchia), 35% (Bangladesh), 32% (Indonesia) và 30% (Nam Phi).
Trong khi Thái Lan và Bangladesh là các "đối thủ" sản xuất lớn trong khu vực, Campuchia là một quốc gia cũng bị chỉ trích là "điểm trung chuyển" hàng Trung Quốc, còn Indonesia và Nam Phi là hai quốc gia thành viên BRICS – một nhóm mà Việt Nam vừa trở thành quốc gia đối tác.
Ngày 8/7, tờ The Nation của Thái Lan đưa tin rằng một số chuyên gia đánh giá mức thuế 36% của Thái Lan, so với mức 20% của Việt Nam, sẽ khiến quốc gia này "rơi vào thế bất lợi cạnh tranh lớn".
Hồi tháng Tư, CBS đưa tin một quan chức Nhà Trắng đã nói với các phóng viên rằng "Trung Quốc đã biến Campuchia thành trung tâm trung chuyển quan trọng nhất mà Trung Quốc cộng sản sử dụng để né tránh các mức thuế của chúng ta [Mỹ]."
Malaysia và Indonesia cũng có thể coi là các đối thủ của Việt Nam do là một trong số những quốc gia hưởng lợi từ chính lược "Trung Quốc + 1".
Những mức thuế nói trên dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8, tức chưa đầy một tháng nữa, và là quãng thời gian để các quốc gia này chạy đua đàm phán với Mỹ.
Ngay cả mức thuế đối với Việt Nam hiện vẫn là thông báo "chốt deal" trên mạng xã hội của Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick, chứ chưa hề có bất kỳ thông tin chính thức nào khác.
Mức thuế 20% ông Trump đánh lên hàng Việt Nam thoạt đầu nhận được nhiều ý kiến, trong đó không ít bày tỏ lo ngại nhưng cũng được một số người cho rằng đó là mức "chấp nhận được".
Tuy nhiên, sau lá thư gửi cho 14 quốc gia, nếu so sánh với những quốc gia "đối thủ", Việt Nam được đánh giá là có lợi thế thuế quan, vì thế mức thuế 20% giữa Việt Nam và Mỹ cũng được Washington nhìn nhận tích cực hơn.
Ông Stephen Miran, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, nói trong chương trình "This Week" của đài ABC News được phát sóng hôm 6/7 (giờ Mỹ) rằng:
"Thỏa thuận [giữa Mỹ] với Việt Nam thật tuyệt vời. Nó vô cùng một chiều. Chúng ta có thể áp mức thuế lớn lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Họ mở cửa thị trường với Mỹ, áp dụng mức thuế quan 0% lên hàng hóa Mỹ. Đó là một thỏa thuận tuyệt vời cho người dân Mỹ."
'Tiền lệ' Việt Nam gây khó cho ASEAN?
Mức thuế đối với Việt Nam và các quốc gia châu Á khác được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio sắp tới Malaysia để tham các cuộc họp của ASEAN.
Theo Reuters, ông Rubio sẽ tìm cách củng cố mối quan hệ giữa Mỹ với các đối tác và đồng minh đang bất an trước chiến lược thuế quan toàn cầu của ông Trump. Chuyến đi này được nhìn nhận là một phần trong nỗ lực tái tập trung của Mỹ vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Với những mức thuế ông Trump vừa công bố, các cuộc thảo luận thuế quan có lẽ sẽ được ưu tiên trong chương trình nghị sự.
"Một trong những chủ đề hàng đầu mà ông ấy chắc chắn muốn nhấn mạnh là tái khẳng định cam kết của chúng tôi với Đông Á, với ASEAN, với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và không chỉ đơn thuần vì lợi ích hình thức," một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với báo giới.
"Tôi nghĩ thông điệp then chốt mà Ngoại trưởng muốn truyền tải là việc chúng tôi cam kết và ưu tiên khu vực này vì nó phục vụ lợi ích của nước Mỹ. Điều này thúc đẩy sự thịnh vượng và an ninh của nước Mỹ", ông nói.
Vị quan chức này khẳng ngoại trưởng Mỹ sẵn sàng thảo luận về thương mại, nhấn mạnh Mỹ cần phải tái cân bằng các mối quan hệ thương mại.
Theo NikkeiAsia, chuyến thăm của ông Rubio làm dấy lên cả kỳ vọng lẫn lo ngại trong số các quốc gia thành viên ASEAN về việc Mỹ sẽ điều chỉnh lại cách tiếp cận thương mại và an ninh tại khu vực Đông Nam Á - nơi các nền kinh tế vẫn còn mong manh và tình hình ngoại giao còn chia rẽ.
Ông Hafidzi Razali, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Strategic Counsel có trụ sở tại Malaysia, cho rằng chuyến công du này là cơ hội để Ngoại trưởng Mỹ hiểu rõ hơn về bản sắc độc lập của khối ASEAN.
"ASEAN không phải là cửa sau của Trung Quốc," ông nói.
"Khối này vận hành một cách độc lập và có những ưu tiên riêng. Không thể gom tất cả vào cùng một rổ. Mỹ cần hiểu rằng ASEAN mong muốn được hợp tác với tư cách một đối tác, nhưng vẫn duy trì sự cởi mở với mọi liên minh hay quốc gia."

Getty Images
Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng tới Việt Nam mà còn tới những quốc gia ASEAN khác.
Một trong lý do ông Trump kiên quyết áp những mức thuế "đối ứng" là để kìm hãm sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.
Các quan chức Mỹ đã nhiều lần chỉ trích Việt Nam là điểm trung chuyển hàng hóa của Trung Quốc, khiến quốc gia Đông Nam Á này gặp khó khăn trong việc đàm phán thuế quan.
Đến khi ông Trump tuyên bố có được thỏa thuận với Việt Nam, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng nhấn mạng rằng các thỏa thuận thuế quan giữa các quốc gia không nên gây ảnh hưởng tới bên thứ ba và khẳng định Bắc Kinh sẽ phản đối bất kỳ thỏa thuận gây tổn hại tới Trung Quốc.
Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết họ đang "thực hiện việc thẩm định" thỏa thuận thuế quan Mỹ-Việt, và tiếp tục khẳng định lập trường nói trên.
Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng tới Việt Nam mà còn tới những quốc gia ASEAN khác.
Theo New York Times, việc Mỹ cố gắng cô lập Trung Quốc khuếch đại những điểm dễ tổn thương mà các quốc gia Đông Nam Á phải đối mặt do đây là khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc và vốn đã ở tuyến đầu trong quá trình Bắc Kich thống trị thương mại và sản xuất toàn cầu.
Trong khi đó, South China Morning Post (SCMP) dẫn lời các nhà quan sát cho rằng thỏa thuận Việt-Mỹ đã làm suy yếu nỗ lực trước đó của ASEAN trong việc thúc đẩy một mặt trận thống nhất để ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ.
"[Việc Mỹ-Việt có thỏa thuận thương mại] khiến các thành viên còn lại của khối dễ bị Washington gây sức ép trực tiếp hơn," bài viết ngày 7/7 nêu.
Trước đó, vào cuối tháng Năm, Reuters đưa tin các nhà lãnh đạo Đông Nam Á thống nhất rằng bất kỳ thỏa thuận song phương nào mà họ ký kết với Mỹ liên quan đến thuế quan thương mại đều không được gây tổn hại đến nền kinh tế của các nước thành viên khác.
"Thông điệp rất rõ ràng: sự đoàn kết của ASEAN sẽ không bảo vệ các thành viên khỏi các mức thuế," ông Damien Duhamel, đối tác điều hành tại công ty tư vấn chiến lược Eurogroup Consulting, nhận định với SCMP.
"Kết quả này cho thấy Washington đang theo đuổi các thỏa thuận song phương, từng trường hợp một… Thành công của Việt Nam – dù còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện – tạo ra một tiền lệ, nhưng cũng đặt ra tiêu chuẩn cao hơn cho các cuộc đàm phán sau này."
Trong bài viết ngày 7/7 trên The Guardian, ông Stephen Olson, cựu chuyên gia đàm phán thương mại của Mỹ, đánh giá thỏa thuận Việt-Mỹ là một bài học dành cho các quốc gia khác rằng Mỹ muốn sử dụng những thỏa thuận này để gây sức ép lên Trung Quốc.
Tương tự, Tiến sĩ Giang Phùng, nhà nghiên cứu và giảng viên tại Trường Kinh doanh ISC Paris (Pháp), nhận định với BBC News Tiếng Việt ngày 7/7 rằng việc đạt được một thỏa thuận thương mại với Việt Nam, đặc biệt là thỏa thuận có yếu tố 'kêu gọi' Việt Nam tách khỏi Trung Quốc, là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Bắc Kinh và các nước trong khu vực.
"Điều này phù hợp với chiến lược địa chính trị rộng lớn hơn của Mỹ," bà Giang Phùng nhận định.
Trung chuyển và mắc kẹt
Các mức thuế quan đối ứng của ông Trump, bên cạnh việc giải quyết thâm hụt thương mại, là để xử lý vấn đề trung chuyển hàng hóa, đặc biệt là nhằm vào Trung Quốc, khiến nhiều quốc gia mắc kẹt ở giữa.
Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia bày tỏ về sự không chắc chắn trong cách Mỹ định nghĩa hàng "trung chuyển" (transshipment), cho rằng có những tác động từ yếu tố chính trị.
Ông Dan Martin, chuyên gia tư vấn tại công ty Dezan Shira & Associates, viết trên LinkedIn rằng "trung chuyển" là một thuật ngữ mơ hồ và thường mang tính chính trị trong thực thi thương mại.
"Việc định nghĩa và áp dụng khái niệm này trên thực tế sẽ định hình tương lai của quan hệ thương mại Mỹ-Việt," ông nhận định.
Theo bài viết đăng ngày 7/7 trên The Guardian, các doanh nghiệp chịu tác động từ khoản thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ cũng có lo ngại tương tự về màu sắc chính trị của các định nghĩa "trung chuyển", cho rằng nếu Mỹ có cách định nghĩa quá rộng thì nhiều mặt hàng có thể bị nhắm đến một cách không công bằng.
"Việt Nam là một trung tâm sản xuất – và với vai trò này, họ nhập nguyên liệu từ các quốc gia khác, gia công hoặc tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng tại Việt Nam, rồi xuất khẩu sang các nước khác," Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Viện ISEAS, nói.
Ông Khắc Giang nói thêm rằng việc kỳ vọng phần lớn hàng hóa của Việt Nam – trừ các sản phẩm nông nghiệp – được sản xuất hoàn toàn trong nước là điều không thực tế.
Việt Nam từ lâu đã và đang nỗ lực duy trì quan hệ cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo The Guardian, trong bối cảnh hiện tại, các nhà hoạch định chính sách tại Hà Nội vẫn đang phải duy trì thế cân bằng mong manh trên mặt trận ngoại giao. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh cho rằng Hà Nội đang hỗ trợ Washington trong việc kiềm chế mình, điều đó có thể khiến nước láng giềng phía Bắc phản ứng tiêu cực.
Báo này cũng dẫn nhận định của ông Peter Mumford, Trưởng nhóm phụ trách khu vực Đông Nam Á tại Eurasia Group, rằng Trung Quốc có thể áp dụng các biện pháp kinh tế hoặc gây sức ép trong vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, ông cho rằng khả năng Trung Quốc "trả đũa mạnh mẽ" Việt Nam là không cao.
"Thậm chí Hà Nội có thể đã gửi tín hiệu cho Bắc Kinh về những bước đi mà họ buộc phải thực hiện để đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ," ông nói.
Trong một diễn biến liên quan, theo Reuters ngày 8/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường của Trung Quốc đã đồng thuận tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia.
Trung Quốc là nguồn nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam, cung cấp nguyên liệu thô để sản xuất nhiều mặt hàng như giày dép, đồ nội thất, thiết bị điện tử...
Tuy nhiên, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, ông Dan Martin nhận định trên The Guardian.
"[Trung Quốc] đã hoàn toàn đan xen vào chuỗi cung ứng toàn cầu," ông nêu.
Tin liên quan

Thỏa thuận Donald Trump - Tô Lâm: Có qua có lại hay một chiều?8 tháng 7 năm 2025

Phía Mỹ rầm rộ công bố thuế mới, Việt Nam im lặng, vì sao?4 tháng 7 năm 2025

Vì sao Việt Nam chưa vội mừng sau quyết định giảm thuế của ông Trump?6 tháng 7 năm 2025

Vai trò của ông Tô Lâm như thế nào trong thỏa thuận thuế của ông Trump?4 tháng 7 năm 2025

Ông Trump công bố thuế 'mới' cho Việt Nam: 20% là cao hay thấp?3 tháng 7 năm 2025

Ông Trump tuyên bố thuế mới với Việt Nam, doanh nghiệp người mừng, kẻ lo3 tháng 7 năm 2025
No comments:
Post a Comment